Tào Tháo là nhân vật lịch sử được học giả các đời trao đổi nhiều nhất. Mao Trạch Đông cũng nhiều lần đánh giá lại Tào Tháo nhưng không lần nào hé lộ cho biết vì sao. Trong bài này tôi điểm lại những lần Mao Trạch Đông nói về Tào Tháo và phân tích dụng ý thực sự của ông.
Những lần Mao Trạch Đông nói về Tào Tháo
Mùa hè năm 1954, Mao Trạch Đông đến Bắc Đới Hà, sau khi ngâm bài thơ Quan thương hải của Tào Tháo, nói với nhân viên đi theo: “Tào Tháo là nhà chính trị, nhà quân sự không tầm thường, cũng còn là nhà thơ không tầm thường”; “Tào Tháo thống nhất miền bắc Trung Quốc, sáng lập nước Ngụy. Khi ấy lưu vực sông Hoàng Hà là trung tâm của Trung Quốc, ông đã cải cách chính trị tồi tệ của Đông Hán, ức chế cường hào, phát triển sản xuất, thực hành chế độ đồn điền, lại còn đốc thúc khai hoang, xúc tiến pháp trị, đề xướng tiết kiệm, khiến xã hội bị phá hoại lớn bắt đầu ổn định, khôi phục, phát triển. Những việc làm đó lẽ nào không nên khẳng định? Lẽ nào không phải là khác thường? Bảo Tào Tháo là gian thần, sách viết như thế, kịch diễn như thế, dân chúng nói như thế, đấy là một án oan do quan niệm chính thống phong kiến gây nên. Lại còn một số nhân sĩ phản động, họ là người lũng đoạn văn hóa phong kiến, những gì họ viết ra đều nhằm duy trì chính thống phong kiến. Vụ án này cần lật lại”. Ngày 10-4-1957, khi nói chuyện với người phụ trách Nhân dân nhật báo, Mao Trạch Đông nói: “Tiểu thuyết bảo Tào Tháo là gian hùng, không nên tin những điều diễn nghĩa đó. Thật ra Tào Tháo không tồi tệ, khi ấy Tào Tháo đại biểu cho một bên chính nghĩa, nhà Hán đã suy bại rồi”.
Ngày 2-11-1957, Mao Trạch Đông đang ở thăm Mátxcơva. Tối hôm ấy, ông mời Hồ Kiều Mộc, Quách Mạt Nhược đến nơi ở cùng ăn cơm, vừa ăn vừa trò chuyện. Ông nhắc đến Tam quốc diễn nghĩa trước tiên, ba người vừa nói vừa bàn rất sôi nổi. Ông bỗng ngoảnh sang hỏi người phiên dịch Lý Việt Nhiên: “Chú nói xem, trong hai người là Tào Tháo và Gia Cát Lượng, ai lợi hại hơn?”. Lý Việt Nhiên nhất thời không biết trả lời thế nào thì ông nói: “Gia Cát Lượng dùng binh cố nhiên túc trí đa mưu, nhưng Tào Tháo cũng là người không đơn giản. Diễn viên nào cũng diễn ông ta thành đại gian thần, kỳ thật là oan uổng. Người này rất không tầm thường”.
Tháng 11-1958, trong buổi tiếp Bí thư Huyện ủy huyện An Dương, tỉnh Hà Nam, Mao Trạch Đông cũng nhắc đến Tào Tháo. Ông nói: “Tào Tháo hiểu đạo dùng người, chiêu hiền nạp sĩ, chủ trương ‘ngũ hồ tứ hải’ chứ không bè phái. Ông ta còn chú ý khơi mở đường sông, dẫn thủy nhập điền, phát triển sản xuất nông nghiệp”.
Ngày 20 tháng trên, trong buổi tọa đàm được triệu tập ở Vũ Hán, Mao Trạch Đông lại nói đến Tào Tháo. Ông nói: “Tam quốc diễn nghĩa và Tam quốc chí đánh giá khác nhau về Tào Tháo. Tam quốc diễn nghĩa miêu tả Tào Tháo thành gian thần, Tam quốc chí thuật kể Tào Tháo là nhân vật chính diện trong lịch sử”. Ông còn nói, Tào Tháo là “con người phi thường”, “kiệt xuất hơn đời” xuất hiện trong thời kỳ thiên hạ đại loạn, nhưng vì Tam quốc diễn nghĩa viết vừa dễ hiểu vừa sinh động cho nên rất nhiều người đọc, lại thêm hý kịch Tam quốc diễn trên sân khấu đều biên soạn dựa trên Tam quốc diễn nghĩa, bởi thế Tào Tháo trên sân khấu hý kịch cổ đều là gian thần mặt trắng(1). Có thể nói điều này thì đàn bà con trẻ nước ta đều biết. “Cho Tào Tháo là gian thần, đó là một án oan do quan niệm chính thống phong kiến gây nên”. “Bây giờ chúng ta phải lật lại bản án cho Tào Tháo. Đảng chúng ta là đảng trọng chân lý. Phàm là án sai, án oan thì dùmười năm, hai mươi năm, cho đến một nghìn năm, hai nghìn năm cũng phải lật lại”.
Tháng 12-1958, khi đọc chú thích của Lư Bật cho Nhượng huyện tự minh bản chí lệnh trong sách Tam quốc chí tập giải, Mao Trạch Đông đã viết đoạn lời phê như sau đối với lời chỉ trích Tào Tháo của Lư Bật: “Đoạn chú thích này đã dán không ít báo chữ to(2) cho Ngụy Vũ. Muốn thêm tội cho ông ấy, lo gì không có lời! Lý Thái Bạch nói: Ngụy đế doanh bát cực, Nghi quan nhất Nễ Hoành(3). Câu thơ này sát với Lư Bật”.
Tháng 2-1959, sau khi đọc bài Nên khôi phục danh dựcho Tào Tháo của học giả Tiễn Bá Tán đăng trên Quang minh nhật báo, Mao Trạch Đông nói: “Tào Tháo kết thúc cục diện các gia tộc lớn hỗn chiến cuối đời Hán, khôi phục bình nguyên lớn hai bên bờ sông Hoàng Hà, trải con đường bằng phẳng cho việc hai triều Tấn thống nhất đất nước sau này. La Quán Trung, tác giả Tam quốc diễn nghĩa, không kế thừa truyền thống của Tư Mã Thiên mà kế thừa truyền thống của Chu Hy”.
Ngày 23-4-1959, Bắc Kinh vãn báo đăng phần III bài Về Tam quốc diễn nghĩa của Ngô Tổ Tương, giáo sư trường Đại học Bắc Kinh, Mao Trạch Đông đọc xong, ngay ngày hôm sau bảo Lâm Khắc, thư ký văn phòng Mao Trạch Đông tìm phần I và II của bài viết nói trên để đọc tiếp. Ông rất chú ý tới quan điểm của giáo sư Ngô cho rằng không thể vì quan điểm lịch sử chính thống “ủng hộ Lưu, phản đối Tào” trong Tam quốc diễn nghĩa mà phủ định quan điểm của tư tưởng dân chủ trong sách ấy. Lần ấy tuy ông không nói gì, nhưng liên hệ với những lần ông đánh giá Tào Tháo thì cũng có thể xếp lần đọc này vào phạm vi ông bàn lại về Tào Tháo.
Năm 1975, khi nhắc đến lịch sử thời Tam quốc, Mao Trạch Đông nói: “Cống hiến cho việc thống nhất đất nước của mấy nhà chính trị, quân sự thời Tam quốc thì cống hiến của Tào Tháo là lớn nhất”.
Năm 1976, để làm rõ lý lẽ tài cán chỉ được tăng lên qua thực tiễn, Mao Trạch Đông lấy ví dụ Tào Tháo chưa hề học đại học để thuyết minh.
Ba loại suy đoán về ý kiến đánh giá Tào Tháo nói trên
Loại thứ nhất cho rằng ông Mao đánh giá Tào Tháo thuộc hành vi học thuật, cá nhân ông nói xưa luận nay thuộc phạm vi khen chê nhân vật sau khi đọc sách sử. Tác giả sách Mao Trạch Đông đàm cổ luận kim xuất bản tháng 6-1998 đã dẫn hai đoạn ông Mao nói như sau:
- Văn thơ của Tào Tháo có sắc thái riêng, trực tiếp bày tỏ tấm lòng, phóng khoáng, thông thoáng, nên học tập.
- Tôi thích thơ của Tào Tháo, khí phách hùng vĩ, khẳng khái bi thương, đúng là chân nam tử, đại thủ bút.
Một sách khác có đềMao Trạch Đông đọc sử, tác giả đưa những đoạn ông bình luận Tào Tháo vào mục “Mao Trạch Đông phê bình, chú thích nhân vật lịch sử”, cho rằng khi đọc và nghiên cứu lịch sử, ông Mao phát biểu một số ý kiến nhằm uốn nắn hiện tượng “nghìn năm nay, ý kiến sai lệch che lấp chân thực lịch sử”. Như thế, tác giả sách thật ra cũng coi việc Mao Trạch Đông đánh giá lại Tào Tháo thuộc phạm vi cảm xúc khi đọc sử.
Loại thứ hai cho Mao Trạch Đông đánh giá Tào Tháo do cảm xúc về anh hùng mà có. Tác giả bài Mao Trạch Đông và việc lật lại bản án cho Tào Tháo đăng năm 1999 cho rằng: “Mao Trạch Đông sở dĩ khẳng định Tào Tháo e rằng vì hai người chẳng những ‘hình tự’ (hình tượng tương tự) mà còn ‘thần tự’ (thần thái, tinh thần tương tự) về nhiều mặt, ví như tài năng quân sự xoay chuyển thế cuộc, trước hiểm nguy không kinh sợ, hoài bão chính trị thay đổi sơn hà, không ai thay thế được cùng thơ văn bày tỏ thẳng thắn tâm tình, khí phách hùng vĩ v.v… Có thể nói ở thời đại mà hai người sinh sống, họ xứng đáng với tên gọi nhà chính trị, nhà quân sự, nhà thơ bậc nhất không chút hổ thẹn; thậm chí về cá tính, về khí chất, hai người cũng có phần giống nhau, cho nên tuy họ sống cách nhau hơn nghìn năm, nhưng đối với Tào Tháo, quả thật Mao Trạch Đông thừa nhận bằng tình cảm tự đáy lòng”. Tác giả bài viết còn cho rằng: “Mao Trạch Đông lật lại bản án cho Tào Tháo là quan sát lịch sử bằng ánh mắt khoa học theo quan điểm duy vật lịch sử mà rút ra kết luận tất nhiên, gợi mở cho phê bình văn nghệ ngày nay”.
Loại thứ ba cho Mao Trạch Đông đánh giá Tào Tháo nhằm lật lại bản án cho một nhân vật lịch sử. Năm 1959, Quách Mạt Nhược trong bài Đọc Hồ già thập bát phách của Thái Văn Cơ viết: “Cống hiến của Tào Tháo cho dân tộc cần đánh giá cao. Ông đáng được coi là anh hùng dân tộc”. Mọi người coi Tào Tháo là kẻ xấu, là gian thần “quả thật là điều xuyên tạc lịch sử rất lớn”. Cũng năm 1959, Tiễn Bá Tán trong bài Nên khôi phục danh dự cho Tào Tháo cũng nói: “Tào Tháo chẳng những là nhà chính trị, nhà quân sự, nhà thơ bậc nhất trong số những họ lớn thời Tam quốc mà còn là nhân vật kiệt xuất hiếm hoi trong giai đoạn phong kiến Trung Quốc thống trị”. Coi nhân vật kiệt xuất như thế là gian thần trong thời gian dài thật không công bằng, “chúng ta nên bỏ cái mũ gian thần cho Tào Tháo, khôi phục danh dự cho ông ta”. Bài của hai ông Quách, Tiễn đều nhằm hưởng ứng những lời ông Mao nói khá nhiều về Tào Tháo năm 1958. Do hai ông đều là nhà sử học nổi tiếng nên nhìn nhận của hai ông có ảnh hưởng rất lớn, đến nay vẫn chưa suy giảm, nhiều học giả đã tin tưởng và trích dẫn quan điểm của hai ông.
Dụng ý đích thực của Mao Trạch Đông
Muốn tìm ra dụng ý đích thực của việc Mao Trạch Đông đánh giá lại Tào Tháo ắt phải vận dụng nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác. Thời gian ông bình luận Tào Tháo tập trung ở cuối những năm 1950, đặc biệt là năm 1958 và 1959.
Khi đó Trung Quốc xảy ra không ít sự kiện chính trị quan trọng, xét xem Mao Trạch Đông đã suy nghĩ, đối xử và xử lý những sự kiện quan trọng đó cùng mối quan hệ giữa chúng ra sao là mấu chốt để nhận ra thâm ý của ông.
Sự kiện chính trị quan trọng năm 1954 là soạn ra hiến pháp, xác định đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội; năm 1957 là cuộc vận động chống phái hữu. Lý do chống tập trung ở ba điểm như sau: “Cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội có tốt không, có thành tích không, thành tích là chủ yếu hay sai lầm là chủ yếu? Phái hữu phủ nhận thành tích của sự nghiệp nhân dân, đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai là đi theo hướng nào? Đi hướng bên này là xã hội chủ nghĩa, đi hướng bên kia là tư bản chủ nghĩa. Phái hữu muốn quay ngược hướng, đi theo đường lối tư bản chủ nghĩa. Điều thứ ba là xây dựng chủ nghĩa xã hội do ai lãnh đạo? Giai cấp vô sản hay giai cấp tư sản lãnh đạo? Do Đảng cộng sản lãnh đạo hay do phái hữu tư sản lãnh đạo?” (Mao Trạch Đông tuyển tập, quyển 5, tr.443). Mao Trạch Đông thấy rằng muốn chống phe phản đối trong ngoài nước, trong ngoài Đảng thì phải dùng phương pháp chuyên chính, tập quyền. Tào Tháo là người sử dụng quyền lực tập trung trong tay nên mới cải cách được chính trị tồi tệ, tiến hành pháp trị, đề xướng tiết kiệm, ổn định, khôi phục và phát triển được xã hội. Vì thế, Tào Tháo “là người phi thường” xuất hiện trong thời kỳ thiên hạ đại loạn, là người đại biểu cho phía chính nghĩa. Tào Tháo không ác, không xấu; nếu coi Kiệt, Trụ, Tần Thủy Hoàng, Tào Tháo là kẻ xấu thì “không chính xác”.
Nhưng dụng ý của Mao Trạch Đông không chỉ có vậy. Nội dung hạt nhân Mao Trạch Đông nhấn mạnh còn là chống đánh giá Tào Tháo theo quan điểm “chính thống”. Điều này gắn với việc ông nhấn mạnh “tính độc đáo”, “tốc độ cao” trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc. Năm 1957, ông nêu quan điểm về việc Trung Quốc xây dựng chủ nghĩa xã hội phải theo con đường độc đáo riêng, phải độc lập tự chủ. Đến năm 1958 và 1959, khi ông thử thông qua ba lá cờ hồng (tức đường lối chung xây dựng chủ nghĩa xã hội, đại nhảy vọt và công xã nhân dân) để tìm ra “tính độc đáo và tốc độ cao” là ông đã chủ trương không xây dựng chủ nghĩa xã hội theo quan điểm chính thống, tức theo mẫu mực Liên Xô. Vì vậy một mặt quan trọng của việc Mao Trạch Đông đánh giá lại Tào Tháo còn là gợi mở toàn Đảng giải phóng tư tưởng, không mê tín Liên Xô, phải kiên định lòng tin để tìm ra con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội độc đáo của Trung Quốc.
Tóm lại, Mao Trạch Đông đánh giá lại Tào Tháo với dụng ý chính trị; ý kiến cho ông xuất phát từ cảm xúc lịch sử, anh hùng tiếc anh hùng v.v… đều sai cả.
PHẠM TÚ CHÂU trích dịch
(Theo cpc.people.com.cn)
_____
* Giáo sư trường Đại học Nông nghiệp Sơn Đông (Trung Quốc)
(1) Trong Kinh kịch, gian thần vẽ mặt trắng, trung thần vẽ mặt đỏ.
(2) Báo tường viết chữ to nêu quan điểm phê phán trong Cách mạng văn hóa năm 1966.
(3) Nghĩa là: Ngụy đế (Tào Tháo) tạo dựng tám hướng, chỉ một Nễ Hoành là nhìn theo tầm mắt của kiến (hẹp hòi).
Lời bàn của Mao Tôn Bến Thành:
Cho rằng Mao Trạch Đông đánh giá lại Tào Tháo là có dụng ý chính trị, e rằng có khiên cưỡng. Mao Trạch Đông là nhân vật lịch sử lớn của Trung Quốc, dù là “thiên thu công tội”, ông ta cần gì phải nấp sau việc bình luận Tào Tháo để nói lên đường lối chính trị của mình. Liệu có phải là “chính trị hóa” vấn đề quá không? Các ý kiến của Mao Trạch Đông là những kiến giải sát với lịch sử, trung thực với lịch sử. Còn La Quán Trung là nhà viết tiểu thuyết, ông ta ủng hộ lập trường tôn phù chính thống, nên dương Lưu, ức Tào… Nhưng uy lực ngòi bút của ông ta có thể thay đổi cả nhân vật lịch sử cũng là điều đáng nói. Trung Quốc bây giờ đánh giá lại nhiều nhân vật lịch sử, ý kiến đa dạng, nhiều chiều, rất thú vị.