HV106 - Hương tình thơm xóm núi

Chuyện như một sự tích, diễn ra vào cuối mùa thu năm 1954 thế kỷ trước. Năm ấy Đoàn 280 quân tình nguyện Việt Nam sang giúp bạn Lào, rút về nước. Đơn vị đóng quân bên suối Nậm Tuồng, Nước Sốt và xóm núi Kim Cương. Cái xóm nghèo nhà dân chỉ là cột tre, mái cỏ hiu hắt đơn côi dựng bên đường số Tám. Nhưng cái xóm ấy lại mang tên rất đẹp nghe như tột đỉnh của sự giàu sang: xóm Kim Cương. Các chiến sĩ hỏi về tên xóm thì được các cụ già kể rằng, đây chẳng có vàng ngọc kim cương gì đâu. Đây chỉ là bãi đất cằn, chó ăn đá gà ăn sỏi thôi. Dân trong xóm là “phu lục lộ” mở con đường số Tám. Bãi đất này xưa là nơi người Pháp và chủ thầu đưa máy móc về đây cất giữ sau mỗi ngày làm đường. Họ nói với dân phu rằng các cỗ máy ấy cực kỳ quý vì đều có gắn kim cương đầu mũi nên nó mới khoan đục, xuyên phá được đá núi. Dân phu thâu đêm phải đốt lửa để xua đuổi “sói gấu Kim Cương, hổ Nậm Tuồng, voi Nước Sốt” và cả lũ cướp rừng nữa để canh giữ số máy móc ấy.

Sau ngày mở đường, những người dân phu nghèo đói tha phương vô gia cư đã cụm lại đây hái măng, tìm nấm, lập phường săn bắt thú rừng để kiếm sống. Vậy là cái xóm núi nghèo này từ đó mang tên xóm Kim Cương.

Một buổi chiều muộn, phường săn giăng bẫy bắt được con chồn hương. Họ mang con thú lạ đến bộ đội biên phòng đổi lấy gạo. Chỉ huy trưởng Trường Sinh bàn với các chiến sĩ: “Ta nên bớt tiêu chuẩn ăn mỗi ngày một lạng, tức là bảy lạng còn sáu thôi, để có được hơn hai tạ đổi lấy con thú này. Đó cũng như đơn vị giúp bà con những ngày giáp hạt…”.

Con chồn hương lông màu vàng mơ pha xám nhẹ, nặng gần 4kg, trông thật đẹp mã. Hai tròng mắt nó lồi, màu hổ phách, nhìn không biết nhấp nháy, sáng như hai bóng đèn pha. Và, thật lạ lùng, dọc thân hình con thú có 7 giải lông mượt mà màu đen nhẹ chạy dọc từ vai đến mông trông như 7 dòng suối chảy trên lưng nó. Còn đuôi con thú thì dài gần bằng thân, có các vằn đen trắng và rất nhiều đốm vàng nhạt, đen mờ trông giống như chuỗi hoa phong lan đang nở. Anh em phường săn nói rằng, con chồn hương này sắp vào thì rồi, sang tháng 3 mùa quả bí bầu rụng rốn nó sẽ thả hương thơm. Nó là con vật quý, làm thuốc tốt, hiếm khi bắt được. Thịt nó mềm ngon thơm ngọt nhất trong các con vật ở rừng.

Chỉ huy trưởng Trường Sinh giao con thú quý ấy cho chiến sĩ trinh sát Vi Viết Khèn, người dân tộc Tày, nuôi. Các cụ già xóm núi bày cho anh cách thức chăm nó. Nhưng rồi lúc con chồn hương vừa bén chuồng, quen người thì Đoàn 280 được lệnh hành quân đi nhận nhiệm vụ mới. Cả đơn vị nhất trí với chỉ huy trưởng thả con chồn hương về rừng, mong nó sẽ sinh nòi đẻ giống. Rồi biết đâu nơi khỉ ho cò gáy này sẽ có đàn thú quý. Anh Khèn cùng ba chiến sĩ đưa con chồn hương vào khu đồi đất nơi có nhiều hang hốc giáp rừng cây rậm, giống môi trường nó sinh sống. Các anh đặt chuồng nó xuống, mở cửa. Nhưng lạ chưa, con thú vẫn đứng ngơ ngác giương đôi mắt tròn xoe màu hổ phách nhìn mọi người. Nó như ngỡ ngàng chưa hiểu con người sẽ làm gì nó ở đây. Vì các anh thường đưa nó ra suối tắm, chải lông, vuốt ve nó. Hằng ngày lúc nhìn thấy các anh đến gần, nó bấu vào cửa chuồng kêu “khìn khịt” như đón, như chào. Và, điều kỳ lạ nữa là con thú hoang dã đã biết ngoe nguẩy đuôi mừng khi các anh để vào cửa chuồng nó quả chuối chín, quả ổi ngon, con dế vừa bắt được. Anh Khèn vuốt lưng, xoa đầu nó và đẩy nó ra cửa. Con chồn hương vẫn đứng im, giương đôi mắt sáng trưng nhìn. Dùng dằng một lúc, bốn cái chân ngắn cùn cũn của nó mới chầm chậm bước ra cửa chuồng. Cái đuôi nó lúc này như chuỗi hoa phong lan cuối mùa rũ xuống kéo lê trên thảm rừng. Đi được mấy bước, con thú lại ngoái cổ nhìn các anh…

Rồi anh Vi Viết Khèn được ở lại bổ sung vào đội trinh sát của đơn vị 927 mới đến. Công việc của anh thường gần gũi với phường săn thú và gắn bó với bà con xóm núi. Anh như người “bảo kê” cho con thú quý này. Thực ra ngày ấy từ người chỉ huy đến các chiến sĩ nhìn con thú lạ, đẹp và nghe đồn nó làm được thuốc, lại biết thả hương thơm trong gió thì cứ nói chuyền nhau là con thú quý hiếm. Chứ chưa ai hiểu “đầu cua tai nheo” loài chồn hương quý hiếm như thế nào.

Sau này, được đọc tài liệu của các nhà khoa học, mọi người mới vỡ lẽ sự quý hiếm của nó đến mức kỳ diệu như thế. Con chồn hương thuộc loài động vật hoang dã đã được ghi vào Sách đỏ Việt Nam. Nhà nước đã có chỉ thị nghiêm cấm khai thác nó. Nó là tài nguyên của đất nước.

***

Chồn hương là loài động vật thuộc họ cầy được tìm thấy trong khu vực Đông Nam Á, kể cả các quần đảo. Trên thế giới có khoảng 200 loài cầy khác nhau. Việt Nam ta có loài chồn hương trú ngụ khắp các tỉnh miền núi và trung du nhưng số lượng còn rất ít. Chồn hương còn được gọi là cầy hương, cầy vòi hương, chồn ngận hương. Nó thuộc bộ thú ăn thịt, ăn tạp. Chồn hương ăn quả chín có vị ngọt như chuối chín, ổi chín, na chín và rất thích ăn quả cà phê chín. Chồn hương ăn cả chuột, rắn, ếch nhái, kỳ nhông, sâu bọ, côn trùng, giun dế… Chồn hương có bộ móng vuốt sắc nhọn rất hung hãn “hiếu chiến”, thích gây gổ đánh nhau với đồng loại và cả các loài thú khác. Chồn hương rất giỏi leo trèo, nó leo lên tận ngọn cây cao tìm bắt chim non trong tổ, bắt chim lớn ngủ trên cành. Nếu ở gần xóm bản, nó táo tợn rình mò bắt gà vịt… Cùng họ với chồn hương còn có các loại chồn, cầy khác: cầy mực, cầy giông, cầy vằn, cầy gấm, cầy vòi mốc… Nhưng chỉ có giống cầy hương là đặc biệt hơn cả. Cũng có những tài liệu nói rằng, trên thế giới cũng có những loài động vật, thực vật có xạ hương như: hươu xạ (ở châu Âu), chuột hương (một loài gặm nhấm ở Bắc Mỹ), vịt hương (ở Australia), cá sấu hương, bò hương… Thực vật thì có cỏ hương… Nhưng tất cả những loài đó đều không thể nào sánh bằng loài chồn hương. Vì nó được thiên nhiên đặc ân ban cho một thứ quý hiếm trên cả tuyệt vời mà không có một loài vật nào trên thế gian này có. Đó là chú chồn hương đực có một “túi thơm bí ẩn” chứa xạ hương. Cái túi ấy nằm ở một vị trí đặc biệt và rất kín đáo: giữa vùng rốn và hai tinh hoàn. Túi xạ hương căng phồng chừng 3x3cm, chứa 90g xạ hương. Phần giữa túi xạ có hai lỗ nhỏ thông lên phía trên. Trong cái “túi thơm ngàn vàng” ấy có các tuyến xạ tiết ra chất xạ hương sánh đặc như mật ong đầu mùa, màu nâu đỏ, có mùi thơm nồng nàn. Có chất nhờn, nếu nếm có vị đắng. Thành phần quan trọng nhất của xạ hương là chất amoniac (một loại tinh dầu), muối khoáng và các thành phần hợp chất hương hữu cơ. Đến mùa động tình (tháng 3 và tháng 9 âm lịch hằng năm), chú chồn đực nổi máu phong tình chọn dốc núi cao đứng “thả hương tình” nhờ gió trời lan tỏa bốn phương rừng để quyến rũ, rủ rê các “nàng” chồn cái. Mùi thơm của xạ hương có mùi lá cây cơm nếp, mùi ngọt ngào của mật ong, mùi cao sang của trầm, kỳ, mùi thơm man mát của hoa móng rồng, hoa lan núi… Ngửi được mùi thơm quyến rũ ấy, các “nàng” chồn cái đa tình rạo rực bỏ ăn, mõm luôn phát ra tiếng kêu “khìn khịt” rồi mấy dốc cũng vượt, mấy núi cũng trèo để đến với “hương tình”. Có những hãng sản xuất mỹ phẩm hảo hạng đã thổ lộ rằng, nếu trong nước hoa có mùi xạ hương và xịt nó lên người vài giọt thôi thì cũng đủ làm cho lòng dạ xốn xang, đôi má rực hồng và giục giã sự “nổi loạn”.

Đặc điểm rõ nhất của loài chồn hương là phát dục rất sớm, sớm hơn nhiều loài thú khác. Bảy tháng tuổi chồn hương đã vào thì động tình, phát dục. Khi “nàng” chồn đến với “chàng” thì quấn quýt mãnh liệt dăm bảy ngày với nhau. Nhưng lúc đã “no hoa chán quả, suối cạn vực đầy” rồi thì chúng “trở mặt” gây gổ với nhau, cắn nhau làm xao động cây rừng. Trận chiến ấy không phân thắng bại mà chỉ như để “nhớ nhau”. Rồi khoảnh rừng của con nào trú ngụ con ấy lại trở về yên phận ở. Chồn hương mang thai từ 85 đến 90 ngày. Mỗi năm, chồn mẹ sinh hạ 2 lứa. Mỗi lứa từ 2 đến 4 con. Chồn hương con được 7 ngày thì mở mắt nhìn rừng. Bú mẹ 40 ngày thì chồn con rời tổ ra sống lập thân. Tập tính của loài chồn hương là không sống thành đôi, thành bầy đàn đúm với nhau. Đến mùa động tình, chồn mẹ lại hóng gió đón “hương tình” đến với bạn. Vòng đời của loài chồn hương trên 15 năm.

***

3.500 năm trước công nguyên ở Trung Quốc, xạ hương đã được xem là vị thuốc quý đưa vào chữa bệnh. Trong Dược phẩm Á Đông ghi rõ: “Xạ hương đựng trong túi thơm của loài chồn hương là vị thuốc được ghi hàng đầu trong sách thuốc “Bản Kinh”. Xạ hương cay, tính ôn, quy kinh tâm, can, tỳ, có đặc tính thơm xuyên thông suốt 12 kinh”. Xạ hương đã có mặt trong 70 bài thuốc khác nhau. Từ cổ xưa, xạ hương được bào chế với các vị thuốc quý: ngưu hoàng, sừng tê giác, hổ phách… chữa các bệnh nguy cấp, có tác dụng làm hưng phấn hệ thần kinh trung ương, giải phù não, tăng kích thích cơ thể đối với trạng thái thiếu oxy, cải thiện tuần hoàn. Xạ hương có tác dụng chữa bệnh mạch vành, tai biến khối huyệt, trúng phong, khử độc, trị ác khí phụ nữ đẻ khó, phòng rắn độc cắn, xạ hương còn dùng làm cao dán ở huyệt tâm du chữa cho người bị bệnh tim. Xạ hương là thành phần trong viên thuốc An cung ngưu hoàng cấp cứu người bị tai biến… Lịch sử nước Trung Hoa xa xưa còn ghi các cung tần mỹ nữ chà xát xạ hương thơm nồng nàn lên vùng rốn, làm cho cuộc tình trở nên “đậm đà” hơn...

Xạ hương có giá cực đắt: 45.000 USD/kg (tức là phải giết trên 35 con chồn hương, hươu xạ mới thu được 1kg). Để ngăn cấm việc săn bắt bắn giết chồn hương, hươu xạ, Quỹ bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) và Liên minh châu Âu đã nghiêm cấm nhập khẩu xạ hương của chồn hương, hươu xạ. Các hãng sản xuất mỹ phẩm đã phải tìm nguyên liệu tổng hợp thay thế. Bởi vậy thị trường đã xuất hiện nhiều xạ hương giả.

Loài chồn hương còn có một điều đặc biệt đến kỳ diệu nữa. Điều kỳ diệu này do thiên nhiên đặc ân ban cho nó và con người đã hỗ trợ nó tạo nên. Đó là loài chồn hương đã tạo ra một đồ uống độc đáo được đánh giá vào bậc nhất hành tinh: cà phê chồn. Nó đã đi vào huyền thoại thức uống đắt nhất hành tinh. Một ly cà phê chồn có nơi trên thế giới giá đến 90 USD, trong khi một ly cà phê bình thường chỉ từ 2 đến 4 USD. Điều đáng nói nữa, trên hành tinh này chỉ có vài nước có thể sản xuất được cà phê chồn như: Việt Nam, Indonesia, Ethiopia, Philippines… Thứ đặc sản uống vào loại hiếm và đắt nhất hành tinh này mỗi năm mỗi nước chỉ làm ra “thứ thiệt” được 200kg đến 300kg là cùng, nên giá có năm cao ngất ngưởng: trên 3.000 USD/kg.

Lần lại thuở khởi nguồn của cà phê chồn ở nước ta. Năm 1857, người Pháp du nhập cà phê vào Việt Nam. Những cánh rừng ở Tây Nguyên, Đắc Lắc đã trở thành một trong những “thánh địa” của cà phê thế giới. Từ đó cà phê chồn được xem như một “truyền thuyết” xuất hiện một cách tự nhiên ở nước ta vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Ngày ấy loài chồn hương sinh trú nhiều ở vùng đất Tây Nguyên. Tập tính của nó thích ăn loại quả chín cây có vị ngọt, thơm nên vào mùa cà phê (tháng 8 đến tháng 12) là “mùa hội kiếm ăn” của chúng. Loài chồn hương tinh khôn, khứu giác, vị giác của chúng rất mẫn cảm, chúng chỉ tìm chọn những quả cà phê chín mọng, thịt dày không có dấu vết xây xước do sâu bọ đục khoét, không bị chim chóc cào rỉa, không có mùi vị lạ (thuốc trừ sâu) mới ăn, nuốt cả hạt. Chừng bốn tiếng đồng hồ sau, chồn hương thải hạt cứng ra trong phân. Loài thú hoang dã này có tập tính “rất khéo” là chỉ tìm đến một nơi cố định ở góc rừng để “xả thải”. Thấy lạ mắt, những người phu đồn điền nhặt hạt cà phê tách khỏi phân, rửa sạch phơi khô. Họ rất lạ lùng nhìn thấy hạt cà phê xuất hiện màu xanh nhẹ, khác hạt cà phê bình thường. (Sau này các nhà nghiên cứu mới biết rằng trong bộ máy tiêu hóa của loài chồn hương có các vi khuẩn phân giải đường, phân giải protein thấm vào nên hạt cà phê biến đổi màu như thế). Khi rang cà phê trên than củi có độ nóng đến 200 độ C, điều bất ngờ nữa xảy ra là những mẻ cà phê đó có hương thơm đặc trưng. Họ pha chế thành những ly cà phê rồi chuyền tay nhau nếm thử. Nó vừa có vị bùi của đất, vừa phảng phất mùi của khói, vừa ngai ngái âm hưởng của rừng già, lại vừa có hương vị của mật ong… Buổi ban đầu ấy ai đã có cơ duyên may mắn được thưởng thức ly cà phê đặc biệt quyến rũ đến rạo rực lòng người thì không bao giờ quên được. Một trong những khởi nguồn “huyền thoại” cà phê chồn ở nước ta do những phu đồn điền tạo ra là như thế đấy.

Có vị giáo sư trường Đại học Guelph của nước Canada sau khi nghiên cứu thành phần, tính chất của cà phê chồn đã kết luận: “Chất enzyme tiết ra từ dạ dày con chồn hương đã thúc đẩy quá trình lên men tiêu hết vỏ trấu của hạt, phá vỡ cấu trúc protein vốn có trong hạt cà phê. Khi được rang lên, hạt cà phê trở nên cứng, giòn và ít protein hơn. Do đó độ đắng của cà phê giảm đi tạo ra hương vị mạnh rất lạ, rất đặc biệt gây nên sự hứng khởi thích thú so với các loại cà phê bình thường… Đó là hương vị của mật đường hòa quyện với sô cô la, vị đắng dịu đi, có vị chua của trái cây và một chút vị… thuốc lá…”. Người dùng cà phê chồn không chỉ là thưởng thức hương vị mà là đẳng cấp của nó.

***

Trong chuyến công tác trở về vùng biên cương, chỉ huy trưởng Trường Sinh thăm những người lính biên phòng, thăm bà con xóm núi.

Chỉ sau mấy năm thôi mà cái xóm nghèo bên đường số Tám đã đổi đời. Nhiều bà con đã ở nhà gỗ, mái ngói. Đường đi vào các ngõ xóm được ghép đá bằng phẳng. Cái xóm nghèo heo hút đã bước đầu ánh lên nét đẹp rạng rỡ như tên của nó: xóm Kim Cương. Phường săn đã giải tán sau ngày có chỉ thị của Nhà nước về giữ gìn môi trường, bảo vệ loài thú hoang dã. Anh em phường săn đã được biên chế thành một tiểu đội trong Đội dân quân. Bà con kể với ông rằng, vùng đồi giáp rừng cây bên suối Nước Sốt đã gần như thành “xóm chồn hương”. Vào mùa tháng 3, tháng 9 hằng năm, người dân xóm Kim Cương đều ngửi được hương thơm phảng phất trong làn gió núi…

Chỉ huy trưởng Trường Sinh nhìn lên phía ngàn xanh đầu dòng Nước Sốt, nơi khởi nguồn làn gió thơm. Nét mặt ông đang vui bỗng thoáng vẻ buồn. Ông bâng khuâng nhớ tới người lính trinh sát năm nào đã chăn nuôi con chồn hương và đưa nó về sống lại với rừng, nay không còn nữa. Trong trận lũ quét nước dâng, núi lở, anh Vi Viết Khèn xuống xóm cứu dân đã bị dòng nước cuốn trôi… Ông đứng lặng người. Gió núi như thầm thì bên tai ông, nghĩa tình người lính biên phòng với bà con, với tài nguyên của đất nước nơi non xanh này còn lưu mãi trong làn gió thơm…

TRẦN HỮU TÒNG