Từ những rắc rối trong đề thi...
Sau buổi thi môn Ngữ văn kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2016 vào sáng ngày 2-7-2016, thí sinh, phụ huynh và bạn đọc đã xôn xao về ngữ liệu trích dẫn từ bài thơ Tiếng Việt của nhà thơ Lưu Quang Vũ. Điều họ băn khoăn là đoạn trích có mấy chữ “như bùn và như lụa” trong khi rất nhiều bản in khác, từ bản in trên báo Văn nghệ (1978) cho tới bản in trong tuyển tập thơ xuất bản gần đây của nhà thơ đều ghi là “như đất cày, như lụa”(1). Trước đòi hỏi bức xúc của dư luận, đại diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố tư liệu tham khảo của nhóm ra đề là cuốn sách Tuyển tập thơ Việt Nam 1945-1985 (NXB Giáo dục, Hà Nội, 1985), với lời giải thích như đinh đóng cột “Ban chỉ đạo thi khẳng định, trong quá trình biên soạn đề thi, Hội đồng ra đề thi đã kiểm tra kỹ lưỡng, đảm bảo độ chính xác tuyệt đối của ngữ liệu được trích dẫn, đáp ứng yêu cầu của đề thi”(2). Sau đó, “Tại buổi họp báo do Bộ GD-ĐT tổ chức khi kết thúc kỳ thi, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT, đã thêm một lần nữa khẳng định nguồn ngữ liệu dùng trích dẫn vào đề thi là hoàn toàn chính xác”, “Với đặc điểm của câu hỏi đọc hiểu trong đề Văn thì việc đưa ra những ngữ liệu nhằm trên cơ sở những ngữ liệu đó lập ra các câu hỏi kiểm tra kỹ năng và kiến thức của học sinh về đọc hiểu. Các ngữ liệu đưa vào môn Văn mỗi năm rất phong phú đa dạng. Ngữ liệu của đề thi trong câu hỏi đọc hiểu năm nay đáp ứng được mục tiêu của đề thi, và hoàn toàn chính xác cũng như có độ tin cậy” - ông Mai Văn Trinh cho biết thêm”; “Bộ GD-ĐT khẳng định, cuốn Thơ Việt Nam 1945-1985 của Nhà xuất bản Giáo dục, được xuất bản khi nhà thơ Lưu Quang Vũ còn sống, là tài liệu có độ tin cậy cao”, “Đây là cuốn sách gốc và chúng ta dễ dàng có thể tìm thấy cuốn sách này tại nhiều thư viện” - ông cho biết. “Còn việc tranh cãi trong văn chương là rất thú vị và nhiều tranh cãi cho tới nay vẫn chưa có hồi kết” - ông Trinh nói bày tỏ quan điểm”(3). Với một nhận thức có tính chất quyết định luận như thế hèn chi trên tài liệu đại diện Bộ trưng ra có triện đóng dấu đỏ chót với dòng chữ “Hội đồng ra đề thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2016” từ trang bìa cho tới các trang in bài thơ Tiếng Việt như là một thứ ấn tín khẳng định tính pháp lý của tài liệu trích dẫn.
Ngoài khẳng định của Bộ GD-ĐT, đại diện gia đình nhà thơ cũng đã công bố bản thảo viết tay của ông với lời giải thích rằng: sở dĩ có sự khác nhau giữa các bản in là do sự biên tập của Ban biên tập báo Văn nghệ (do nhà thơ Phạm Tiến Duật trực tiếp biên tập, có sự tham gia của nhà thơ Xuân Quỳnh) khi bài thơ ra mắt công chúng lần đầu, đồng thời, thân nhân nhà thơ cũng khẳng định sự trích dẫn của Bộ là chính xác, không sai(4). Cũng theo đại diện gia đình nhà thơ, giữa bản thảo gốc và bản được biên tập để công bố trên báo Văn nghệ còn có hai chỗ khác nhau nữa, đó là câu thơ đầu khổ thơ thứ 8 (trong bản thảo gốc là “Một đảo nhỏ ngoài khơi nhiều kẻ nhận”, trong bản in báo Văn nghệ được sửa thành “Một đảo nhỏ xa xôi ngoài biển rộng”) và câu thơ cuối cùng (trong bản thảo gốc là “Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình…”, trong bản in báo Văn nghệ được sửa thành “Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình”). Như vậy, về cơ bản, kể từ khi tác giả còn tại thế, văn bản in bài thơ Tiếng Việt đã tồn tại hai dị bản khác nhau (trên báo Văn nghệ và trong tuyển tập Thơ Việt Nam 1945 - 1985 của Nhà xuất bản Giáo dục). Còn về sau, khi tác giả đã tạ thế, trong các tuyển tập thơ của ông được xuất bản, những chỗ khác nhau mà chúng tôi đã dẫn ở trên của bài thơ Tiếng Việt, không hiểu sao, còn có nhiều lần xuất nhập để tạo ra một số dị bản nữa.
Trước tình hình xuất hiện dị bản khá phức tạp như thế, xin hỏi Ban chỉ đạo thi của Bộ GD-ĐT rằng: các vị hiểu như thế nào là “bản gốc”, “bản thảo”, là “chính xác” khi bản in mà Bộ sử dụng để trích dẫn cũng không phải trùng khớp hoàn toàn với bản thảo của nhà thơ? Bằng chứng là câu thơ “Một đảo nhỏ xa xôi ngoài biển rộng” trong tài liệu của Bộ vẫn giữ nguyên như bản in lần đầu trên báo Văn nghệ, không được nhà thơ Lưu Quang Vũ và ban biên soạn tuyển tập Thơ Việt Nam 1945-1985 khôi phục lại theo bản thảo gốc (“Một đảo nhỏ ngoài khơi nhiều kẻ nhận”). Và ngay cả bản in trong tuyển tập Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi mà chúng tôi đã đề cập ở trên, thì nhà xuất bản và đại diện gia đình nhà thơ cũng chỉ khôi phục lại câu thơ cuối cùng “Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình…” (bản bị/được biên tập là “Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình”).
Rõ ràng, khi đã có sự thống nhất ý kiến giữa người biên tập, nhà thơ Phạm Tiến Duật và phần nào có thể là nhà thơ Xuân Quỳnh, và tác giả, thì bản in trên báo Văn nghệ tự nó đã là một sinh mệnh có tư cách pháp nhân để công chúng thưởng thức, phẩm bình và các nhà xuất bản lựa chọn. Còn việc xuất hiện bản in trong tuyển tập Thơ Việt Nam 1945-1985 với sự hiệu đính của tác giả (cũng là phỏng đoán) thì dù sao đó cũng là thứ bản. Trong khi, thực tế dư luận vừa qua cho thấy, việc thẩm bình, tranh luận của hai phe “như đất cày” và “như lụa” khá gay gắt, phe nào cũng có lý, có tình, khó phân thắng bại(5). Không ít nhà giáo, nhà khoa học Ngữ văn cho rằng, cả hai dị bản này đều có giá trị như nhau(6). Bản chất của hoạt động tiếp nhận văn chương trong xã hội là như vậy. Vả lại, chính đại diện của Bộ GD-ĐT cũng phải thừa nhận “Còn việc tranh cãi trong văn chương là rất thú vị và nhiều tranh cãi cho tới nay vẫn chưa có hồi kết”. Vậy, tại sao Bộ lại độc đoán bắt buộc nhóm làm đề thi phải dùng dẫn ngữ trong tài liệu nói trên (được đóng dấu đỏ) để ra đề? Hay phải chăng, như một vị giáo sư Ngữ văn khả kính nói với người viết bài này rằng, có thể, khi ra đề, nhóm tác giả đề thi Ngữ văn chỉ biết đến bài thơ qua tài liệu này?
Không thể có một suy luận nào khác ngoài việc Bộ GD-ĐT đã ứng xử một cách độc đoán trong học thuật, trong giáo dục. Nếu Hội đồng ra đề thi của Bộ thực sự dân chủ, cầu thị thì phải tìm hiểu để biết được tình trạng dị bản của dẫn liệu và có cách khu xử phải chăng. Tỷ như có thể chú thêm trong lời dẫn ngữ liệu rằng, ngoài đoạn trích văn bản trên còn có dị bản “…như đất cày, như lụa” ở một số bản in khác để thí sinh biết; hoặc sáng suốt hơn, có thể thay một trong bốn yêu cầu đọc hiểu đoạn thơ bằng một yêu cầu dạng so sánh như: “Câu thơ “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” trong đoạn trích trên, ở một số bản in khác lại là “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa”. Anh (chị) thích câu nào? Vì sao?”. Và nếu đặt được câu hỏi như thế này, thiết nghĩ, phần yêu cầu đọc - hiểu đoạn thơ chỉ cần thêm câu 4 nữa là đủ, hà tất phải phân mảnh thành 4 câu.
Kể ra, Bộ GD-ĐT còn hết sức may mắn khi dư luận xã hội chỉ chú mục vào sự “rắc rối” trong một dẫn ngữ khá hấp dẫn của đề thi. Còn như theo thiển ý của chúng tôi, trong các tiểu mục, các phần tiếp theo của đề thi, nếu soi xét kỹ càng, vẫn nổi cộm lên không ít vấn đề. Trước hết, căn cứ vào đề thi và đáp án thì việc “sản xuất” cái kiểu đề đọc - hiểu như thế này chứng tỏ Hội đồng ra đề thi đã quan niệm một cách giản đơn, thô thiển khái niệm “đọc - hiểu”. Thực ra, nếu quán triệt đúng tinh thần “đọc - hiểu” thì thí sinh có quyền gộp cả 4 yêu cầu vào việc thực hiện yêu cầu số 4.
Thêm nữa, trong phần yêu cầu đọc hiểu thứ hai, trích đoạn danh ngôn của A.I. Ghéc-xen cũng có vấn đề. Chúng tôi không có điều kiện tham khảo nguyên văn đoạn trích và cũng không dám nghi ngờ gì về sự sáng sủa, mạch lạc của diễn ngôn của nhà tư tưởng dân túy Nga, nhưng căn cứ vào đoạn trích dịch thì có vẻ tối và rối. Trừ câu chủ đề mở đầu, còn các câu, vế câu tiếp theo được trình bày dưới dạng ẩn dụ thì không lấy gì làm “trong sáng”, thậm chí, khá là “vênh vẹo”. Ngày nay, về mặt ý nghĩa xã hội, ngay ngữ nghĩa câu kết của đoạn văn (“Số phận của những cái tuyệt đối cá nhân không bộc lộ ra khỏi bản thân, chẳng có gì đáng thèm muốn”) cũng có vẻ bấp bênh, không đúng với khá nhiều lối sống phong phú, phức tạp của người hiện đại theo các xu hướng tư tưởng, tôn giáo khác nhau. Thực chất, tình trạng ngữ nghĩa của đoạn văn dịch này cũng không hơn gì đoạn văn viết về “hội chứng vô cảm” trong đề thi Ngữ văn THPT quốc gia năm 2015 mà chúng tôi đã phê phán(7).
Chưa hết, trong câu 1 (3đ) của phần Làm văn, cái câu “Sự hèn nhát khiến con người tự đánh mất mình, còn dũng khí lại giúp họ được là chính mình” mà người soạn đề tự đặt ra để thí sinh bàn luận cũng lủng cà lủng củng, không hợp lý. Đây là một câu phức gồm hai vế tương quan với nhau theo thế đồng đẳng - đối nghịch. Thứ nhất, vế đầu đã viết “sự hèn nhát” thì vế sau phải viết là “cái dũng khí” (chính xác hơn phải viết là “sự dũng cảm”). Vì cả hai từ này đều là những tính từ, muốn danh từ hóa thì phải thêm các từ “sự”, “cái”, và phải danh từ hóa cả hai mới hợp lý. Thứ hai, ở vế thứ nhất, “con người” là một danh từ (theo Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê, NXB Trung tâm từ điển ngôn ngữ, Hà Nội, 1992, tr.209) thì ở vế thứ hai sao lại dùng từ “họ” là một đại từ nhân xưng ngôi thứ ba số nhiều được? Câu này, để diễn đạt theo đúng tinh thần trong sáng của tiếng Việt, phải viết là: “Sự hèn nhát khiến ta đánh mất mình, còn sự dũng cảm lại giúp ta được là chính mình”.
Có thể nói, từ việc xử lý văn bản để chọn đoạn trích đến việc đặt ra các yêu cầu kiểm tra, đánh giá tri thức của đề thi (ứng với các yêu cầu này là đáp án, hướng dẫn chấm), đến việc diễn đạt trong dẫn giải của người ra đề đều biểu hiện một sự tùy tiện, thiếu chính xác, chưa khoa học.
Đến phần “chìm” của tảng băng giáo dục…
Chúng tôi buộc phải dẫn giải dài dòng như trên cốt để đề cập một điều, rằng là: từ những gì gây dư luận xôn xao chung quanh trích dẫn thơ Lưu Quang Vũ đến những gì mà chúng tôi đã phát hiện thêm trong đề thi Ngữ văn THPT quốc gia năm 2016, đó chỉ là phần nổi của tảng băng giáo dục nước nhà. Theo thông lệ, thì dù đề ra kiểu gì, hay hay dở, cuối cùng thí sinh vẫn cứ làm được bài và đương nhiên, giám khảo cũng sẽ chấm được điểm. Bởi tất cả những yêu cầu tri thức và kỹ năng trong chương trình học và thi cử, đánh giá này đã có ba-rem, đã được ôn tập, hướng dẫn bằng nhiều tài liệu có sẵn và những thủ thuật của người đứng lớp. Chỉ có điều, cuối cùng học sinh vẫn chán học văn và các môn khoa học xã hội; khi ra đời, các em vẫn không phát huy được bao nhiêu từ tri thức môn Ngữ văn cho việc xây dựng nhân cách và kỹ năng sống.
Sau nhiều lần cải cách, thay đổi từ tư tưởng, quan điểm giáo dục cho đến phương pháp giảng dạy, chỉnh lý, thay sách giáo khoa, nào là lấy người học làm trung tâm, nào là phát huy tính tích cực của học sinh… nhưng qua việc làm, qua thực hành của lực lượng làm công tác giáo dục từ trên xuống dưới, nhân dân lao động ngày càng thất vọng. Tư tưởng và giải pháp đổi mới giáo dục chỉ được thể hiện bàng bạc, rời rạc trong các văn bản, trong diễn ngôn của người có chức trách chứ thực chất trong con người của cán bộ, công chức trực tiếp và gián tiếp liên quan đến nền giáo dục nước nhà, căn bệnh tùy tiện, chủ quan, áp đặt, thiếu dân chủ, thiếu tôn trọng người học vẫn ngày càng trầm kha. Hệ lụy của nó, xét rộng ra ảnh hưởng đến toàn xã hội, hẹp hơn, là nền học thuật nước nhà. Một tác giả xuất sắc trong thời hiện đại như Lưu Quang Vũ mà vấn đề văn bản tác phẩm của ông còn bị thả nổi, còn bị ứng xử một cách độc đoán, tùy tiện như thế huống chi là những sự kiện văn chương, học thuật đã lùi xa vào dĩ vãng thì số phận của chúng còn phiêu linh đến đâu.
Hà Tĩnh, 11-7-2016
_____
* Phó tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh
(1) Lưu Quang Vũ, Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, tuyển thơ, NXB Hội Nhà văn, 2010; tái bản lần thứ 3 năm 2014
(2) http://danviet.vn/tin-tuc/nghi-van-de-thi-ngu-van-sai-sot-bo-gddt-noi-gi-691357.html; http:// vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/313545/ bo-gd-dt-trich-dan-tho-luu-quang-vu-trong-de-van-la-chinh-xac.html
(3) http://www.nhandan.com.vn/giaoduc/tuyen-sinh/item/30057402-de-ngu-van-voi-cau-tho-gay-tranh-cai-se-duoc-cham-the-nao.html
(4) http://danviet.vn/tin-tuc/doc-quyen-tiet-lo-ban-thao-bai-tho-tieng-viet-cua-luu-quang-vu-691380.html
(5) http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/ dat-cay-hay-bun-trong-tho-luu-quang-vu-20160705220316107.htm
(6) http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/313538/trich-dan-trong-de-van-hai-cau-tho-deu-co-gia-tri.html
(7) http://www.honvietquochoc.com.vn/ bai-viet/4973-giat-minh-voi-de-van-ky-thi-trung-hoc-pho-thong-quoc-gia.aspx; http://giaoduc. net.vn/Giao-duc-24h/Ngam-nghi-ve-chuan-muc-trong-giao-duc-tri-thuc-qua-de-thi-quoc-gia-mon-Van-post159762.gd; http://tamnhin.net/ tu-de-thi-mon-ngu-van-thpt-quoc-gia-nam-2015- nghi-ve-su-chuan-muc-trong-giao-duc-tri-thuc-va-tu-duy-hien-nay-cua-nganh-giao-duc-dao-tao-42945.html