Việc Tòa trọng tài quốc tế La Hay ra phán quyết ngày 12-7-2016 về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc, trong đó Tòa bác bỏ cái gọi là “quyền lịch sử” đối với đường 9 đoạn (“lưỡi bò”) của Trung Quốc, Trung Quốc không được đặc quyền sở hữu nguồn tài nguyên ở biển Đông; phán quyết rằng các cấu trúc địa lý ở biển Đông đều là những bãi đá hoặc đá nổi chìm, không có vùng đặc quyền kinh tế, nhiều lắm chỉ là 12km…; cũng phán quyết rằng Trung Quốc đã tàn hại môi trường và xâm phạm quyền đánh cá của các ngư dân Philippines…
Phán quyết của Tòa lập tức gây tiếng vang lớn trên thế giới, vì rằng đây là một phán quyết quan trọng, lần đầu tiên trong lịch sử về biển Đông, nơi đang có những căng thẳng nghiêm trọng làm nhiều quốc gia quan ngại…
Trước hết là Trung Quốc, một bên liên quan, đối tượng của vụ kiện. Trước và sau phiên tòa, Trung Quốc tuyên bố không tham gia, không thừa nhận, không thi hành phán quyết của Tòa… Họ là một trong các nước ký Công ước về Luật biển năm 1982, nhưng họ ngang nhiên bác bỏ phán quyết của một phiên tòa được lập ra theo Công ước đó. Ta không lạ gì điều này! Chả ai trên thế giới văn minh hiện đại này lại có thể chấp nhận cách thức chiếm lĩnh gần trọn biển Đông của Trung Quốc, bằng cách viện dẫn một bản đồ vu vơ với những vạch đứt đoạn từ một anh sĩ quan Tàu Tưởng 1947, rồi nói từ 2.000 năm trước Trung Quốc đã biết đến, đã đặt tên các đảo đá, đã chiếm lĩnh biển Đông… Đó là một luận điểm quá yếu, không ai có thể chấp nhận, trái với các quy ước về sự chiếm hữu đảo, biển…, nên khi ra Tòa thì bị bác bỏ là lẽ đương nhiên…
Philippines thắng kiện, Philippines được lợi thế. Việt Nam là nước ủng hộ Philippines trong vụ kiện này, vì trên đại thể, lập trường hai nước là giống nhau.
Sau vụ kiện, Philippines tuyên bố tôn trọng phán quyết của Tòa. Mỹ, Nhật, EU… tuyên bố đòi Trung Quốc tôn trọng và thực hiện phán quyết đó.
Thế nhưng đây là một cuộc đấu tranh kiên trì. Thắng được một bước về mặt pháp lý, về mặt công luận, về mặt chính nghĩa, nhưng con đường đi tới là gian nan, phức tạp và tế nhị. Nay đang lúc Bắc Kinh đang ở thế bị chỉ trích, đang cáu vì mất thể diện, có thể lấy cớ này cớ kia làm quấy để tỏ ra “ta đây”…, Việt Nam là nước “đồng chí, anh em”, láng giềng gần, quan hệ nhiều mặt…, nên tỉnh táo, cẩn trọng, không làm điều gì cho “ông anh” phiền lòng, tức tối thêm… Trong võ thuật, đây là lúc nên “vô chiêu”. Thế nên, ngoài tuyên bố của người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, Việt Nam cũng chưa vội ra tuyên bố của Nhà nước. Còn trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lý Khắc Cường bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (ASEM) tại Ulan Bator ngày 14-7-2016, Thủ tướng ta chỉ nêu đề nghị hai bên cùng thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước trong đó có thỏa thuận về vấn đề biển Đông, kiểm soát tốt bất đồng trên biển Đông, không làm phức tạp thêm tình hình, thực hiện hiệu quả, toàn diện Tuyên bố của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định lại lập trường của Việt Nam đối với phán quyết ngày 12-7 của Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề biển Đông (người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 12-7 đã nói rõ là Việt Nam hoan nghênh phán quyết đó của Tòa). Việt Nam kiên trì nhất quán đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đi sâu hội nhập quốc tế, coi trọng phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Trung Quốc. Nói thế là cần, là đủ.
Hòa bình giải quyết, không dùng vũ lực, không gây thêm căng thẳng…, theo luật pháp quốc tế, tôn trọng các quy trình pháp lý, ngoại giao… Nói thế là minh triết lắm, đủ nghe, đủ lý… Trong lúc này. Trung Quốc ngoài thì làm dữ, trong thì lúng túng, đối phó. Làm sao không lúng túng, e ngại, khi một nước lớn đang trỗi dậy và đang muốn đi lên địa vị số 1 thay Mỹ, bị tai tiếng, bị lâm vào thế kẹt, không có lối thoát giữ thể diện!
Nhưng thế giới hy vọng rằng, với thời gian và với thực tế, Trung Quốc sẽ phải quay về con đường ngay thẳng, trung thực… để giữ địa vị nước lớn của mình trong một thế giới không còn “luật rừng”, không còn chiến tranh kiểu pháo hạm thực dân ở thế kỷ XIX (và lúc đó Trung Quốc là nạn nhân). Như thế, như một số người chủ trương ôn hòa không diều hâu ở Trung Quốc, sẽ có lợi cho Trung Quốc hơn. Cuộc đối đầu ở biển Đông giữa các bên, mà chủ yếu là giữa hai siêu cường Mỹ - Trung Quốc sẽ làm Trung Quốc mất nhiều hơn được. Trước mắt, kinh tế Trung Quốc đang suy thoái, nợ nần tăng cao, hàng không bán được, môi trường sinh thái ô nhiễm nặng nề, đồng nhân dân tệ mất giá… Một nước lớn với 1,4 tỉ dân như Trung Quốc, dễ lên dễ xuống, cầm giữ không phải chỉ trong tay người, sẩy tay ra một cái, hệ lụy khôn lường… Cải cách, cởi trói (khai phóng) là tiến lên cùng với nhân loại văn minh, đâu có thể dùng biện pháp cổ hủ. “Giải phóng tư duy” là rất hay, làm cho “đôi bên cùng thắng” là rất hay; bành trướng, sô-vanh nước lớn là lỗi thời. Bên cạnh quân sự còn kinh tế, còn ngoại giao, còn văn hóa… mà cao nhất là tình người, là lương tâm, là lẽ phải… Trung Quốc là nước có nền văn minh văn hóa lâu đời, có thể nói là vĩ đại nữa, mà cái cốt lõi của nền văn hóa văn minh ấy là chủ nghĩa nhân văn, là Con người, là “tứ hải giai huynh đệ”, tốt đẹp thế, nay lẽ nào quay lưng lại nền văn hóa ấy! Con người sống đâu chỉ cần dầu mỏ, cá tôm, ăn mặc…, mà còn cần những cái cao hơn. Xây dựng xã hội khá giả, trung lưu… là tốt đẹp, nhưng phải “tự lực cánh sinh”, không lấn ép, xâm phạm người khác, nhất là láng giềng, là “đồng chí anh em”, từng có lúc “hoạn nạn cùng chia, thắng lợi cùng hưởng”…
Về thế giới thì việc dân Anh biểu quyết ra khỏi EU là một dấu mốc quan trọng của châu Âu. Đó có thể là một “thảm họa” của Anh như nhiều bình luận, nhưng đó cũng có thể là bước khởi đầu làm tan rã Liên minh châu Âu (EU). Liên minh châu Âu là một sáng kiến quan trọng, một bước đi lịch sử về sự liên kết 28 nước châu Âu vào một hệ thống chung hùng mạnh về kinh tế, chính trị, ngoại giao… Nhưng những tư tưởng dân tộc cực đoan, sự bài ngoại, chủ nghĩa dân túy là nguyên nhân chủ yếu khiến dân Anh xa rời EU, thì những tư tưởng đó cũng đang nảy mầm ở một số nước châu Âu. Bên cạnh đó, Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, nạn khủng bố… cũng đang đe dọa châu Âu. Vụ khủng bố bằng xe tải ở Nice làm bàng hoàng trái tim toàn nhân loại. Vì đụng tới Pháp, quốc gia tiêu biểu cho nền văn hóa nhân loại, là đụng tới một cái gì sâu thẳm trong tâm hồn mọi người. “Ta chào Ngươi nước Pháp mắt bồ câu/ Nói sao hết những yêu thương đau khổ/ Nước Pháp nỗi lo cũ và nỗi lo mới nữa/ Trời nhiều chim và đất lắm anh hào…” (L. Aragon) (mời xem toàn văn bài thơ có in trong số tạp chí này).
Vụ Formosa đã phơi bày ra ánh sáng. Formosa, thủ phạm vụ cá chết, đã phải cam kết bồi thường 500 triệu USD. Nhiều báo nói là chưa tương xứng với thiệt hại mà Formosa đã gây ra cho môi trường. Còn lâu lắm môi trường mới được hồi phục.
Người ta muốn tìm đến nguyên nhân xa hơn của vụ này, chỉ đích danh những quan chức đã cho Formosa vào, lơi lỏng kỷ cương, tham lợi bỏ luật (cho họ thuê đất 70 năm, trong khi luật cho 50 năm). Rồi lơi lỏng về kiểm soát độc hại môi trường. Bài học rút ra là không vì nhân danh phát triển kinh tế mà bỏ môi trường sống. Không chỉ ở Formosa mà còn nhiều nơi khác. Phát triển phải đi đôi bền vững.
Sau Formosa đến rừng đầu nguồn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ thị kiểm soát đóng cửa rừng để cứu 50% rừng còn lại. Nhưng việc thực hiện thì phải chờ xem. Gần đây nhất, việc đốn hạ gỗ pơ mu, cây hàng trăm năm mới có, ở huyện Nam Giang - Quảng Nam vừa bị phát hiện, đã nói lên điều đó. Rừng chảy máu, biển chảy máu!
Và đất cũng chảy máu! Ở Đà Nẵng, UBND thành phố quyết định cho thuê 50 năm đất nông nghiệp “bờ xôi ruộng mật” cho một đơn vị, giá thuê gần 25 tỉ đồng, đơn vị này lại “bán” cho đơn vị khác với giá hơn 46 tỉ đồng!
Đất từ lâu đã trở thành lợi tức và cả… tai họa, ở khắp nơi, kéo dài, mặc dù đã có Luật đất đai mới với chế tài hình như có cao hơn. Nhưng khi mà đất đai còn là “sở hữu toàn dân” một cách giấy tờ, câu chữ chung chung, do chính quyền quản lý, thì chính quyền vẫn có thể nhân danh sự quản lý nhà nước mà lợi dụng, làm trái, tổn hại đến lợi ích nhân dân.
Ở đây, câu chuyện còn có thể biện bạch thế này thế khác, rằng cấp chính quyền đã triển khai theo đúng luật định…, như Đà Nẵng thông báo. Nhưng nhìn những đồng bào nông dân mất đất, mất ruộng, tuy có được bồi thường 200.000đ/ m2, không có việc làm, có người chỉ trông vào con trâu mà phải bán đi vì không còn cỏ (trên đồng) cho trâu ăn! Ôi! Công nghiệp hóa đi đôi với bần cùng hóa! Làm không đúng, không cẩn trọng thì như thế đó.
Điều đau lòng là, những người nông dân chất phác thật thà ở đó, là những người đã “một tấc không đi một ly không rời”, “trung dũng kiên cường” chống giặc, hy sinh hết thảy suốt 30 năm ròng để cùng cả nước giành lại ruộng đất, đất nước. Thế nhưng khi đi vào công nghiệp hóa… họ lại bị mất đất! Một chính quyền nói rằng vì dân, của dân… làm chuyện gì phải tính toán đầy đủ, trước hết là tính toán lợi ích của dân, người mà anh phục vụ, người đã sinh ra anh… Phương châm Chính phủ kiến tạo, phục vụ, liêm chính của Chính phủ mới là một phương châm có tính chiến lược, đổi mới, hiện đại, hội nhập… Nó thay thế cho quan niệm chính quyền cai trị, mệnh lệnh, chuyên chế, hạch sách… Nó đúng là người đầy tớ công (công bộc - chữ dùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh) của nhân dân, nó “cúi đầu làm ngựa các nhi đồng” là nhân dân - như văn hào Lỗ Tấn đã viết.
Sẽ có ngày chúng ta đổi mới, đi lên, hội nhập, kiến tạo một Nhà nước như thế, một Nhà nước kiểu Bắc Âu chẳng hạn, trong sạch, hiệu lực… đưa những nước nghèo nhất châu Âu trở thành những đất nước có phúc lợi cao nhất thế giới. Sao ta, những người từ nhân dân mà ra, được Bác Hồ giáo dục, rèn luyện lại không làm được điều đó, điều là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, lý tưởng mà chúng ta hướng tới, lý tưởng mà chúng ta kiên định. Nhưng hướng tới và kiên định đi đôi với điều chỉnh, thay đổi, giải phóng tư duy, thay đổi thể chế, học tập nhân loại trong những quy luật phổ quát của nó.