HV106 - Trò chuyện với GS SONG THÀNH - nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh: Chủ tịch Hồ Chí Minh và mối quan hệ Việt-Mỹ

* H.V: Xin cảm ơn giáo sư đã vui lòng nhận lời tham dự cuộc trò chuyện này. Điều đầu tiên muốn hỏi giáo sư: Ai được thừa nhận là người Việt đầu tiên đặt chân lên nước Mỹ và châu Mỹ? Phải chăng là chàng thanh niên Paul Tất Thành - tức Bác Hồ sau này của chúng ta?

- GS Song Thành: Điều này cũng chỉ mới được các nhà nghiên cứu sử học nêu lên những năm gần đây, rằng anh Nguyễn, khi mang tên Paul Tất Thành, đã được thừa nhận là người thanh niên Việt Nam đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ và châu Mỹ. Trước đây, có vài tài liệu ở ta viết rằng dưới triều Tự Đức, Bùi Viện đã hai lần tới Mỹ vào năm 1873, từng được Tổng thống Mỹ Ulysses S. Grant tiếp. Nhưng theo kết quả điều tra, khảo cứu gần đây của giới sử học trong nước và hải ngoại, thì thông tin lâu nay vốn bị hoài nghi này đã bị bác bỏ.

Một là, người ta không tìm thấy dấu vết nào trong thư khố Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận điều này, bởi không thể có chuyện một sứ thần được Tổng thống U.S. Grant tiếp mà không được ghi vào thư tịch Mỹ. Hai là trong Châu bản triều Nguyễn cũng không thấy có ghi chép gì về chuyến đi này, bởi Bùi Viện vốn chỉ là một quan chức nhỏ, mới đậu cử nhân, hàng bát phẩm, đang coi sóc việc vận tải đường thủy, ở ngoài triều đình, không thể bỗng được cử làm sứ thần, mang quốc thư của nhà vua sang nước Mỹ. Vả lại, trong điều kiện giao thông hàng hải của nước ta nửa cuối thế kỷ XIX, việc tổ chức một chuyến đi vượt Thái Bình Dương sang châu Mỹ là điều không dễ dàng. Có chăng, nhờ phụ trách việc tuần tải, Bùi Viện có quen biết với một người Nhật, được ông ta giúp đưa qua Hồng Kông và Hoành Tân (Yokohama), nên chỉ có thể gặp được Lãnh sự Mỹ ở đó, chứ chưa hề đặt chân lên đất Mỹ. Tất nhiên, điều này vẫn cần được các học giả tiếp tục nghiên cứu, trao đổi thêm.

* Theo ông, cơ duyên nào đã tạo điều kiện cho anh Thành sớm tiếp cận được với người Mỹ và tới được nước Mỹ quá xa xôi, ngay từ đầu thế kỷ trước?

- Vào đầu thế kỷ XX, anh Thành ra nước

GS Song Thành nói chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ngoài để tìm đường cứu nước. Anh đã bỏ ra gần 10 năm khảo sát, học hỏi thế giới, nhằm tìm ra con đường khôi phục lại độc lập cho Tổ quốc và phẩm giá cho dân tộc. Vì vậy, hễ ai ủng hộ, giúp đỡ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa, anh đều có cảm tình và sẵn sàng đến với họ.

Đầu năm 1918, khi thế chiến I gần kết thúc, Tổng thống Mỹ W. Wilson công bố “Chương trình 14 điểm”, để đưa ra thảo luận trong Hội nghị Hòa bình quốc tế, dự kiến họp tại Versailles, trong đó có điều 5: “Điều chỉnh một cách tự do, công bằng quyền yêu sách của các thuộc địa, đặt mối quan tâm tới quyền lợi của những người dân bị tác động, ngang hàng với lợi ích của các chính phủ liên quan tới yêu sách”.

Anh Thành khi đó đang ở Anh, đã rất phấn khởi khi được đọc chương trình này, nên vội tìm đường trở lại nước Pháp, cùng với Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, thảo ra bản “Yêu sách 8 điểm của nhân dân An Nam”, ký tên Nguyễn Ái Quốc, gửi tới hội nghị. Đây là lá thư đầu tiên của một người Việt Nam, đề ngày 18-6-1919, được gửi đích danh tới tác giả bản “Chương trình 14 điểm” là Tổng thống Mỹ W. Wilson. Sau đó, anh đã tiếp được thư phản hồi của viên đại tá, thư ký Tổng thống, với lời lẽ rất nhã nhặn và lịch thiệp, điều đó đem lại cho anh một niềm vui chưa từng có.

Tuy nhiên, Hội nghị Versailles chỉ là nơi họp bàn để phân chia lại thị trường thế giới và thuộc địa giữa các nước thắng trận, nên hầu hết các nội dung cấp tiến trong chương trình của Wilson đã bị bác bỏ; Anh, Pháp, Ý chỉ quan tâm đòi lại những gì họ đã mất. Anh Nguyễn vô cùng thất vọng, phải đi tìm một con đường khác; nhưng quan điểm của Wilson ủng hộ “yêu sách tự do, độc lập” của các dân tộc thuộc địa, thì được anh đánh giá rất cao; và tuy thất bại ở Versailles, nhưng với bản “Chương trình 14 điểm”, W. Wilson đã được trao tặng Giải Nobel hòa bình vào năm 1919.

Kế thừa quan điểm của W. Wilson, Tổng thống Mỹ F.D. Roosevelt cũng là người có tinh thần chống chủ nghĩa thực dân mạnh mẽ. Tại Hội nghị Téhéran 1943, Roosevelt gặp Stalin, ông đã tỏ rõ quyết tâm xóa bỏ chủ nghĩa thực dân, đối tượng đầu tiên là đế quốc Pháp, rồi đến đế quốc Anh. Ông nói với Stalin rằng “nước Pháp không được chiếm lại xứ Đông Dương”, mà ông muốn cho xứ này được hưởng chế độ “ủy trị” (trusteeship) của Liên hiệp quốc, cho đến khi các quốc gia tại đó đủ khả năng chịu trách nhiệm về nền độc lập của mình(1).

Điều này cắt nghĩa vì sao cuối năm 1944, Cụ Hồ từ căn cứ địa Việt Bắc đã trực tiếp đưa trung úy phi công W. Shaw được ta giải cứu, sang Côn Minh, chủ động tìm kiếm sự ủng hộ và hợp tác của người Mỹ trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là phát xít Nhật. Tờ Việt Nam độc lập của Việt Minh xuất bản vào thời gian đó, có đăng bức tranh do Cụ Hồ vẽ: giữa hai lá cờ Mỹ - Việt là một câu thơ cổ động: “Quân đội Mỹ là bạn ta/ Cứu phi công Mỹ mới là Việt Minh”.

Tướng Claire Chennault, tư lệnh không đoàn 14 mang tên “Cọp bay”, đại diện cao nhất của quân đội Mỹ tại Hoa Nam, đã tiếp Cụ Hồ. Qua trao đổi, ông ta nhận thấy từ Hồ Chí Minh toát ra khát vọng và ý chí sắt đá của một dân tộc kiên quyết đứng về phe Đồng minh chống phát xít, giành độc lập dân tộc. Trước đó, các đơn vị quân đội Hoa Kỳ đóng ở Hoa Nam đã nhận được lệnh cấm tiếp viện cho đội quân của tướng Alessandri, sau đảo chính Nhật, phải rút chạy sang Vân Nam, và quyết định rằng ngay sau chiến tranh kết thúc, số quân của Alessandri sẽ buộc phải xuống tàu về Pháp. Thấm nhuần tinh thần chống chủ nghĩa thực dân của Roosevelt, Chennault đã nhanh chóng thỏa thuận giúp đỡ Việt Minh huấn luyện quân sự, trang bị vũ khí, điện đài, thuốc men…, sau đó đã cử một đội đặc nhiệm, mang bí danh “Con Nai”, nhảy dù xuống Tân Trào, cùng với đội du kích của ta lập ra “Đại đội hỗn hợp Việt - Mỹ”. Nhờ đó mà thanh thế và lực lượng của Việt Minh đã tăng lên rất nhanh.

Cũng từ đây, Cụ Hồ có thêm những người bạn Mỹ chân thành ủng hộ cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của Việt Nam, như A. Patti, Charles Fenn, Henry Prunier và nhiều người khác. Chiến tranh kết thúc, họ có mặt tại Hà Nội, được phía ta tiếp đãi như là những người bạn tin cậy và thân thiết, khiến cho tướng Pháp Salan khi ra Hà Nội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã ngạc nhiên thấy hầu như bên cạnh Cụ Hồ lúc nào cũng có mặt viên thiếu tá A. Patti!(2)

Đứng đầu Phái bộ quân sự Mỹ tại Hà Nội bấy giờ là tướng Philip D. Gallagher, cũng là một người rất có cảm tình với Việt Nam và Hồ Chí Minh, chính ông đã có sáng kiến đứng ra thành lập Hội hữu nghị Mỹ - Việt tại Hà Nội (American - Vietnam Friendship Association)(3) và mời Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng dự lễ ra mắt vào đầu năm 1946. Trong ánh sáng rực rỡ của Nhà hát Lớn thành phố, người ta chứng kiến Gallagher đã rút một tờ giấy bạc 50 USD, góp tượng trưng vào “Quỹ đảm phụ Quốc phòng” của Việt Nam. Đầu tháng 2-1946, ông còn phát biểu trên Đài Tiếng nói Việt Nam, với lời lẽ xúc động, kêu gọi người Việt Nam hãy gia nhập Việt Minh!

Rõ ràng quan hệ Việt - Mỹ đã từng trải qua một thời kỳ nồng ấm.

* Vậy theo giáo sư, những khó khăn, trở ngại nào đã làm cho mối quan hệ ấy chuyển biến xấu dần đi?

- Những khó khăn, trở ngại gì thì chúng ta cũng đã biết và đều không dễ vượt qua cho cả hai phía. Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù đã thay tên đổi họ, nhưng rồi ai cũng biết Người chính là Nguyễn Ái Quốc, một lãnh tụ cộng sản có hạng của Quốc tế 3. Trong bối cảnh gần 200.000 quân Tưởng đang có mặt ở miền Bắc, bám theo chân họ là các đảng phái lưu vong, bọn này ra sức xuyên tạc, quấy rối, vu cáo Hồ Chí Minh đã được Stalin giao nhiệm vụ về nhuộm đỏ cả Đông Nam Á! Họ phá phách, gây ra nhiều vụ xung đột, tạo cớ lật đổ chính phủ ta. Để làm thất bại âm mưu của chúng, Cụ Hồ đã thi hành nhiều biện pháp nhân nhượng, trong đó quan trọng nhất và cũng táo bạo nhất là: tuyên bố Đảng Cộng sản Đông Dương tự giải thể ngày 11-11-1945 (thực tế là rút vào bí mật).

Về phía Mỹ, sau khi Tổng thống Roosevelt qua đời (12-4-1945), Phó tổng thống H. Truman lên thay, chính sách của Chính phủ Mỹ về Việt Nam đã dần thay đổi, từ giữ thái độ im lặng ban đầu chuyển sang ủng hộ Pháp trở lại tái chiếm Đông Dương. Mặc dù vậy, trong 2 năm 1945- 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 14 lần gửi thư cho Tổng thống và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, tuyên bố sẵn sàng mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa… với Mỹ, muốn gửi 50 thanh niên Việt Nam sang Mỹ học tập, sẵn sàng cho phép tàu bè Mỹ ra vào cảng Cam Ranh…, chí ít cũng muốn nhằm trung lập hóa thái độ của Mỹ trong cuộc xung đột Việt - Pháp. Nhưng điều đó đã không thành.

Ta biết, năm 1944, De Gaulle sang Mỹ, muốn được ký hiệp định hợp tác, tương trợ với Mỹ, nhưng Roosevelt không chịu ký, với lý do Chính phủ kháng chiến của De Gaulle chỉ là chính phủ tự lập, chưa phải chính phủ chính thức do dân bầu lên. De Gaulle rất bất mãn, trên đường về qua Mátxcơva, liền ký với Stalin “Hiệp định hợp tác, bất tương xâm Pháp - Xô” có giá trị trong 20 năm (1944-1964). Khi Truman lên thay Roosevelt, không muốn để nước Pháp của De Gaulle xích gần lại với Mátxcơva, nên đã quay ra ủng hộ Pháp. Cuộc chiến tranh Pháp - Việt đã nổ ra với sự can thiệp ngày càng sâu của Mỹ. Đó là sai lầm lớn đầu tiên của nước Mỹ, do đã nhận thức và đánh giá không đầy đủ về Hồ Chí Minh và ý chí đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam.

* Khi quan hệ Việt - Mỹ đã xấu đi, Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta đã làm gì để người Mỹ hiểu rõ hơn về chính mình cũng như về mục tiêu của Việt Nam?

- Trong ba tháng ở Paris năm 1946, khi cuộc thương thuyết đang diễn ra bên trong Hội nghị Fontainebleau, thì bên ngoài hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tranh thủ mọi cơ hội gặp gỡ, trao đổi rộng rãi với giới văn nghệ sĩ, trí thức, nhà văn, nhà báo… tên tuổi có mặt ở Paris, để nói rõ ý chí và khát vọng độc lập, thống nhất của Việt Nam. Nhưng do nắm được quá khứ cộng sản của Hồ Chí Minh ngay từ trên đất Pháp, nhằm làm giảm thiện cảm của những người Pháp không ưa cộng sản đối với Hồ Chí Minh, một nhà báo đã đưa ra câu hỏi có tính khiêu khích: “Thưa Chủ tịch, Ngài có phải là cộng sản không?”. Bác Hồ của chúng ta điềm tĩnh đi tới một lẵng hoa bày trên bàn, rút ra từng bông, vừa vui vẻ tặng cho những người chung quanh vừa tươi cười đáp: “Tôi là người cộng sản như thế này này!” (Je suis communist comme ça!). Sau đó, Người nhắc lại một câu đã từng nói với tướng Trương Phát Khuê năm 1944 ở Liễu Châu: “Tôi là người cộng sản, nhưng điều mà tôi quan tâm hiện nay là độc lập và tự do của nước Việt Nam, chứ chưa phải là chủ nghĩa cộng sản. Tôi có lời đảm bảo đặc biệt với các ngài rằng: chủ nghĩa cộng sản sẽ chưa thực hiện ở Việt Nam trong vòng 50 năm tới”.

Nhà báo Mỹ có tiếng David Schoenbrun, thường trú ở Paris để theo dõi Hội nghị Fontainebleau, một lần được gặp Cụ Hồ, có hỏi: “Ngài đã khi nào có dịp tới nước Mỹ chưa?”. Người đáp: “Khi làm công trên một chiếc tàu chở hàng, tôi đã tới Mỹ và dừng chân ở New York chừng một tuần. Tôi thấy đường phố của New York cũng đầy rác rưởi chứ không phải đầy vàng, và cũng đã thấy những điều khủng khiếp của những khu nhà ổ chuột của người da đen”.

Câu trả lời của Người làm cho nhà báo Mỹ bàng hoàng và thất vọng, ông cảm thấy bức xúc, bèn đề nghị: “Ngài có thể đến dự bữa cơm tối với chúng tôi để cùng nói chuyện về đất nước và những ước mơ của Ngài, và nghe chúng tôi nói về đất nước cùng ước mơ của chúng tôi được không?”. Bất ngờ, Cụ Hồ nhận lời ngay, điều này làm cho nhà báo vừa ngạc nhiên vừa phấn khích.

Tối 11-9-1946, theo nhà báo này kể lại, Cụ Hồ với đôi mắt to, sáng rực như choán hết cả khuôn mặt gầy, trong bộ dạ phục giản dị, không huân chương, phù hiệu gì cả, đã tới nơi ở của nhà báo tại Saint Cloud, cùng với mấy người giúp việc. Người đã hôn tay Dorothy - vợ nhà báo - như một người đàn ông châu Âu lịch lãm và cúi chào hai bậc thân sinh nhà báo đang có mặt để đón chào Người, theo phong cách lễ giáo Á Đông. Cuộc nói chuyện trong bữa tiệc kéo dài đến gần 4 tiếng đồng hồ, đôi khi bằng tiếng Anh, nhưng chủ yếu bằng tiếng Pháp. Mấy điều tóm tắt dưới đây được rút ra từ hai cuốn sách của D. Schoenbrun: Vietnam: How we got in, how to get out (Việt Nam: Chúng ta đã đến như thế nào và sẽ rút khỏi ra sao)(4), xuất bản năm 1968 và cuốn America inside out - At home & abroad from Roosevelt to Reagan (Trong và ngoài nước Mỹ - từ Roosevelt tới Reagan), xuất bản năm 1984.

Nói chung, ở Mỹ và phương Tây, người ta đều rất kính trọng Cụ Hồ, cho rằng xét theo bất cứ tiêu chuẩn nào thì Cụ cũng là một nhân vật phi thường, nhưng họ cũng lấy làm tiếc rằng Cụ lại là một người cộng sản! Họ không hiểu rằng chính lịch sử đã tạo ra điều đó. Ra đi tìm đường cứu nước ở tuổi 20, người thanh niên đầy nhiệt huyết ấy thiết tha hướng về mọi phương trời chân lý, tìm kiếm sự giúp đỡ thiện chí của bất cứ ai, cho nền độc lập của dân tộc mình.

Cuối năm 1919, ông Nguyễn gia nhập Đảng Xã hội Pháp - một đảng cánh tả. Sau khi Quốc tế 3 của Lênin thành lập, thì Đảng này cũng phân hóa thành 2 xu hướng: một bộ phận muốn ở lại Quốc tế 2, một số khác muốn gia nhập Quốc tế 3. Vào thời điểm đó, nhiều vấn đề lý luận ông Nguyễn chưa có điều kiện đi sâu, nên thắc mắc: Xã hội hay Cộng sản, Quốc tế 2 hay Quốc tế 3 thì cũng đều là cách mạng cả, sao lại đi đến chia tách? Có người hỏi: anh sẽ chọn Quốc tế nào? Người hỏi lại: vậy Quốc tế nào ủng hộ các dân tộc thuộc địa? Được trả lời là Quốc tế 3, ông Nguyễn liền bỏ phiếu theo Quốc tế 3 của Lênin và trở thành người cộng sản. Tuy nhiên, ở thời điểm ấy, cứu nước, giải phóng dân tộc vẫn là khát vọng cao nhất đối với ông Nguyễn, chứ chưa phải là chủ nghĩa cộng sản.

Trở lại câu chuyện tại nhà D. Schoenbrun, nhà báo này cũng có mặc cảm hơi nặng về điểm này, vô tình hay hữu ý, vẫn tỏ ra không quên rằng Người đã từng tốt nghiệp một trường lý luận ở Mátxcơva. Cụ Hồ cười và khẳng định lại: “Tôi học cách mạng không phải ở Mátxcơva, mà chính là ở đây, ngay tại Paris, thủ đô của Tự do, Bình đẳng, Bác ái”. Người cũng giải thích cho nhà báo hiểu: “Chủ nghĩa cộng sản có nhiều hình thức khác nhau, cũng giống như chủ nghĩa tư bản và các nền dân chủ vậy. Ở nhiều nước cộng sản, người ta chủ trương quốc hữu hóa nhà băng một cách bình thường. Ở Việt Nam chúng tôi hiện không có một nhà băng nào cả. Trước hết, chúng tôi phải tạo ra của cải đã rồi mới nói đến phân phối”.

Tiếp theo, Cụ Hồ nói về nước Mỹ: “Đất nước các ngài cần đóng vai trò sống còn cho hòa bình ở vùng Đông Nam Á. Nhân dân tôi quý trọng nước Mỹ. Ấn tượng về Roosevelt vẫn còn mạnh mẽ. Nước các ngài chưa bao giờ có vua, chưa bao giờ đô hộ nhân dân châu Á. Tấm gương trả lại độc lập cho Philippines của nước ngài đã gây thiện cảm cho tất cả chúng tôi. Đừng nên luẩn quẩn về những vấn đề hiện tại của chủ nghĩa cộng sản”.

Nhưng nhà báo lại cho rằng: vấn đề cộng sản là quan trọng với người Mỹ, rằng chúng tôi không đồng nghĩa cộng sản với tự do… Cụ Hồ vuốt chòm râu cằm, gật đầu như hiểu, song lại nói: “Nhân dân chúng tôi đang khát khao độc lập và sẽ có độc lập. Nếu những người chiến đấu cho độc lập mà các ngài gọi là cộng sản thì Việt Nam sẽ là cộng sản. Tuy nhiên, độc lập mới là sức mạnh thúc đẩy, chứ không phải là chủ nghĩa cộng sản. Những người cộng sản hiện tại chiếm thiểu số trong nước chúng tôi. Nhân tố chính trị mạnh mẽ nhất là những người theo chủ nghĩa dân tộc. Chúng tôi có sự đồng tâm nhất trí giữa những người cộng sản, những người Công giáo, công nhân và nông dân. Khi cần, chúng tôi sẽ cùng nhau chiến đấu vì khát vọng chung”.

Nhà báo ướm hỏi: liệu Ngài có nghĩ là sẽ phải chiến đấu hay không? Người đáp: “Có, chúng tôi sẽ phải chiến đấu. Người Pháp đã ký kết hiệp ước và họ đã vẫy cờ chào đón tôi, nhưng đó là sự giả dối. Chúng tôi không có độc lập thật sự, không có thuế quan riêng, không có đại diện ngoại giao ở nước ngoài, không có đồng tiền riêng, đất nước bị chia cắt. Họ dựng lên những tên bù nhìn, một chế độ riêng biệt ở miền Nam. Đúng, tôi e rằng cuối cùng chúng tôi sẽ buộc phải chiến đấu”.

Nhà báo thưa lại: “Làm sao Ngài lại hy vọng là có thể tiến hành cuộc kháng chiến chống lại được người Pháp? Ngài không có quân đội, không có vũ khí tối tân. Một cuộc chiến như vậy là vô vọng đối với các ngài”.

Cụ Hồ sửa lại ngay: “Không, nó sẽ không là vô vọng. Nó sẽ rất khó khăn, nguy hiểm, song chúng tôi có thể chiến thắng. Chúng tôi có vũ khí mạnh không kém gì đại bác: đó là tinh thần dân tộc! Đừng đánh giá thấp sức mạnh của nó. Người Mỹ các ngài, hơn ai hết, cần nhớ lại rằng, một đội quân rách rưới của những người nông dân khốn khổ đã đập tan một đội quân chuyên nghiệp của châu Âu!”.

Nhà báo Mỹ cãi lại: “Nhưng đó là năm 1776, tôi ngờ rằng với vũ khí chiến tranh và việc tổ chức cuộc chiến hiện đại, một đội quân rách rưới của nông dân không làm lại được như vậy, khi họ không có máy bay, không có bom na pan, không có phương tiện thông tin, liên lạc…”.

“Họ có thể làm được nếu như họ buộc phải như vậy”. Cụ Hồ gạt sự tranh luận sang một bên, rồi nói tiếp: “Các ngài đã quên một số thí dụ gần đây, về những gì mà một đội quân rách rưới có thể làm để chống lại những đội quân hiện đại. Các ngài đã quên mất chủ nghĩa anh hùng của những người du kích Nam Tư chống lại quân Đức? Tinh thần con người mạnh hơn vũ khí của anh ta. Và chúng tôi có thứ vũ khí còn hiệu quả hơn máy móc. Chúng tôi có những đầm lầy tốt hơn súng chống tăng. Chúng tôi có những rừng rậm mà máy bay không thể bay qua được, nơi mà cây cối trở thành những cái khiên chống bom. Chúng tôi có những núi cao và hang động có thể chứa hàng trăm người và chúng tôi có hàng triệu lều cỏ, như con ngựa thành Troia bên cạnh đội quân xâm lược”.

“Vậy có nghĩa là một cuộc chiến tranh du kích, một cuộc chiến tranh quấy rối và mòn mỏi?” - nhà báo hỏi lại. Cụ Hồ đáp: “Đó sẽ là cuộc chiến tranh giữa con voi và con hổ. Nếu con hổ cứ đứng một chỗ thì con voi sẽ tấn công con hổ, húc nó bằng ngà nhọn của mình. Nhưng con hổ không đứng yên. Nó chạy vào rừng ban ngày và quấy rối vào ban đêm. Nó nhảy lên lưng con voi, cắn voi từ bên hông, rồi lại chạy vào rừng. Con voi bị chảy máu dần dần cho đến chết. Đó sẽ là cuộc chiến tranh ở Đông Dương”.

Nhà báo cho biết: đó là những lời Cụ Hồ nói vào tối 11-9-1946, đến tối 19-12-1946, con voi đã tấn công con hổ. Cuộc chiến tranh Việt - Pháp đã nổ ra. Ông ta tỏ ra lấy làm tiếc là đã không có điều kiện tới đó để được nhìn thấy con voi Pháp bị rỉ máu cho đến chết, đúng như Cụ Hồ đã dự đoán.

Năm 1968, sau khi xuất bản cuốn sách có tính hồi ký nói trên, David Schoenbrun đã sang Hà Nội và gửi tặng Cụ Hồ cuốn sách của mình. Đó cũng là thời điểm mà cuộc chiến tranh Mỹ tiến hành ở Việt Nam đang lâm vào bế tắc, chưa tìm được lối ra. Một nỗi buồn dai dẳng đè nặng lên tâm trạng nhà báo khi ông nhận ra “nước Mỹ yêu dấu của mình đang sa vào cái lưới của rừng rậm, cũng như con voi Pháp, đang lặp lại những sai lầm và sẽ có cùng một kết cục”.

* Xem ra, qua câu chuyện ông vừa kể, Bác Hồ của chúng ta đã am hiểu lịch sử thế giới nói chung và nước Mỹ nói riêng rất sâu, vậy theo ông, vốn học vấn đó của Bác Hồ đã được hình thành như thế nào?

- Không cái gì chỉ là bẩm sinh, có phần do cơ duyên, nhưng cái chính là do ý thức học hỏi của một người đang tìm đường đi cho dân tộc. Việc anh Thành nhận lời làm phục vụ trên một con tàu chở hàng đi vòng quanh châu Phi rồi sang Mỹ, vừa ngẫu nhiên, vừa không ngoài mục tiêu muốn tìm hiểu, khảo sát, học hỏi thế giới của anh. Khi tàu dừng lại ở cảng New York, anh đã tranh thủ thời gian rảnh đến chiêm ngưỡng tượng Thần Tự do, đi thăm các khu vực trong thành phố, đáp tàu điện ngầm tới thăm khu Harlem, đã rất xúc động trước điều kiện sống của người da đen ở đây và đã hào hiệp góp số tiền ít ỏi của mình, hưởng ứng lời kêu gọi giúp đỡ họ về tài chính.

Cũng lần đầu tiên trên đất Mỹ, anh Thành được biết đến cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Bắc Mỹ, đến tên tuổi và sự nghiệp khai sáng của G. Washington, đến danh ngôn của A. Lincoln về một “nhà nước của dân, do dân, vì dân”. Hồ Chí Minh cũng rất kính trọng T. Jefferson…

Trên đường học hỏi, Người không ngừng thâu hóa những giá trị tư tưởng, đạo đức của nhân loại, trong đó có tư tưởng dân chủ, tư tưởng pháp quyền, tinh thần đấu tranh cho quyền sống, quyền tự do, quyền bình đẳng của con người và các dân tộc…, không phải chỉ học ở châu Âu, mà có thể sớm hơn, ngay từ năm 1912 trên đất Mỹ. Chứng cớ là những tư tưởng lớn của bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ đã được Người tiếp nhận và trích dẫn nhiều lần. Năm 1925, khi viết Lịch sử cách mạng Mỹ, Người đã dẫn câu: “Giời sinh ra, ai cũng có quyền tự do, quyền giữ tính mệnh của mình, quyền làm ăn sung sướng… Hễ chính phủ nào mà có hại cho dân chúng thì dân chúng phải đạp đổ chính phủ ấy đi và gây nên chính phủ khác…”(5). Năm 1945, viết “Tuyên ngôn Độc lập” của Việt Nam, Người cũng mở đầu bằng dẫn câu danh ngôn bất hủ trên. Sau này, khi đi vào xây dựng một nhà nước dân chủ, “của dân, do dân, vì dân”, không ít lần Người đã nhắc lại nhiều câu nổi tiếng trong Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ. Qua đó, ta thấy Hồ Chí Minh đã chân thành học hỏi, tiếp thu những tinh hoa của tư tưởng - văn hóa nhân loại, phấn đấu để biến những giá trị đó thành hiện thực trong đời sống chính trị - tinh thần của đất nước ta.

* Như ông vừa nói thì Bác Hồ quả là vị sứ giả, đã đóng vai trò cầu nối giúp cho hai nền văn hóa của hai nước ở hai bán cầu xích lại gần nhau, nhưng rồi cái gì đã đẩy họ xa nhau, dẫn đến cuộc chiến tranh hai mươi năm tàn khốc, với những đau thương chưa từng có. Đó có phải là một định mệnh của dân tộc hay một trớ trêu của lịch sử?

- Theo tôi hiểu, lịch sử do con người tạo ra. Lịch sử mở ra nhiều khả năng, lựa chọn khả năng nào là do con người. Sự biến đổi trong mối quan hệ Việt - Mỹ cũng vậy thôi. Trong bài nói chuyện vừa qua của Tổng thống Mỹ B. Obama tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội, ông có nhắc tới việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đến nước Mỹ, đã tiếp thu những giá trị bất hủ của bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ, ông coi đó là một sự mở đầu tốt đẹp. Tiếp theo, ông cũng lấy làm tiếc rằng: “Việc đánh đuổi thực dân đã đưa chúng ta lại gần nhau, nhưng chiến tranh lạnh và nỗi lo sợ chủ nghĩa cộng sản đã đưa chúng ta tới cuộc chiến”. Ông đau buồn khi nhắc tới những con số: hơn 3 triệu người Việt Nam đã nằm lại trong các nghĩa trang liệt sĩ và hơn 58.000 binh sĩ Mỹ đã không trở về nhà - như một bi kịch chung của hai dân tộc.

Ta hiểu sự tế nhị của ông, tuy không nói ra, nhưng ai cũng hiểu “nỗi lo sợ chủ nghĩa cộng sản” vốn là tâm lý của ai? Hiển nhiên, không phải là của nhân dân Mỹ và những người bạn Mỹ yêu mến của Việt Nam. Thực ra, trong chính giới Mỹ, ngoài “phái diều hâu”, vẫn còn có những cái đầu thiện chí và sáng suốt. Ngay như thượng nghị sĩ E. Kennedy cũng đã sớm thừa nhận: “Dù chúng ta nghĩ thế nào về ông Hồ Chí Minh và biết rằng ông là một người cộng sản kiên cường, tận tụy, chúng ta cũng vẫn cần phải nhận rằng ông trước hết là một người yêu nước vĩ đại”(6).

Thế hệ lãnh đạo nước Mỹ hiện nay, như Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama, đã có cái nhìn khác về chủ nghĩa cộng sản, họ không còn coi sự khác biệt về ý thức hệ như một rào cản không thể vượt qua được trong xử lý các mối quan hệ quốc tế. Nhìn vào lịch sử quan hệ Mỹ - Việt, họ thấy đã có những tiền đề đem lại cho họ niềm tin. Hướng về tương lai, tuy vẫn còn có sự tiếp cận khác nhau về một số điều khác biệt, nhưng vẫn có những giá trị chung mà hai nước cùng theo đuổi. Nhiều cựu chiến binh Mỹ, sau chiến tranh trở lại thăm Việt Nam, đã nhận được sự đón tiếp chân thành, nồng hậu như những người bạn chứ không phải như cựu thù. Có người đã tìm được hạnh phúc ở Việt Nam. Một số người như John Kerry, J. McCain… từ vài chục năm nay, đã nêu tấm gương nỗ lực không mệt mỏi để góp phần mở ra trang sử mới trong mối quan hệ Mỹ - Việt.

Cũng với tinh thần đó, Tổng thống B. Obama đã chủ động mời Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sang thăm nước Mỹ, tiếp đón theo đúng nghi thức tiếp đón một nguyên thủ quốc gia, nghĩa là ông đã thừa nhận: Ở thời đại hiện nay, giữa các nước có chế độ chính trị khác nhau vẫn có thể trở thành bạn bè, thành đối tác chiến lược trong công cuộc hợp tác kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng… vì lợi ích chung của hai nước.

Vì vậy, tôi tin rằng quan hệ hữu nghị Việt - Mỹ bắt đầu được khôi phục và bình thường hóa từ thời Tổng thống B. Clinton năm 1995, nay được nâng cao thêm một bước dưới thời Tổng thống B. Obama, sẽ mở ra một thời kỳ phát triển mới, đáp ứng nguyện vọng và tình cảm tốt đẹp vốn có của nhân dân hai nước, mà người thiết kế, đặt nền móng đầu tiên là một người bạn lớn của nước Mỹ: Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta.

* Xin cảm ơn giáo sư về cuộc trò chuyện thân mật và bổ ích này.

 

_____

(1), (2) Dẫn theo bài viết của Hilaire du Berrier, lấy từ cuốn Hồ sơ về các Hội nghị Cairo và Téhéran, của Charles E. Bohlen, bản dịch của Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam.

(3) Không phải Hội hữu nghị Việt - Mỹ do Chủ tịch Hồ Chí Minh lập, như báo chí ta viết gần đây, kể cả bản dịch bài nói chuyện của Tổng thống B. Obama tại Trung tâm Hội nghị quốc gia ở Hà Nội.

(4) Năm 1968, tác giả trở lại Việt Nam và đã gửi tặng Cụ Hồ cuốn sách này, trong đó ghi lại khá kỹ cuộc trao đổi tối 11-9-1946 giữa hai người. Cuốn sách hiện lưu tại Kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh.

(5) Đường kách mệnh, Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, xuất bản lần 2, t.2, tr.270.

(6) Lời tuyên bố khi được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, được hãng thông tấn Mỹ AP phát đi ngày 4-9-1969. Dẫn lại theo sách Hồ Chí Minh trong trái tim nhân loại, NXB Tổng hợp Khánh Hòa, 1990, tr.9-10.

HỒN VIỆT thực hiện