HỎI: Nhờ quý báo giải thích cụm từ “công xúc tu sỉ”, và hành động gì bị ghép vào tội “công xúc tu sỉ”? (Trần Văn Bảo, Q.Tân Phú, TP.HCM).
ĐÁP: Cụm từ “công xúc tu sỉ”, chữ Hán 公觸羞恥.Từ điển Thiều Chửu giải nghĩa từng từ như sau:
- Công 公 nghĩa là của chung, công cộng.
- Xúc 觸 nghĩa là: 1) húc, đâm; 2) chỉ các giác quan, tiếp xúc, chạm biết (nghe, nhìn); 3) cảm xúc.
- Tu sỉ 羞 恥 đều có nghĩa là xấu hổ, hổ thẹn (Tu 羞: xấu hổ, thẹn thùng. Sỉ 恥: xấu hổ, hổ thẹn, nhục nhã).
Trong tiếng Pháp, “công xúc tu sỉ” được viết là “Outrage public à la pudeur”: xúc phạm sự liêm sỉ ở nơi công cộng.
Như vậy, nghĩa cụm từ này là chỉ những hành động, lời nói, cử chỉ ở nơi công cộng khiến người khác phải xấu hổ.
Trong sách Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức (NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1970) viết như sau: “Công xúc tu sỉ: Tội công khai làm mất liêm sỉ, làm cho kẻ khác thẹn thùng, phạm thuần phong mỹ tục”.
Từ các ý trên, có thể hiểu rằng tội “công xúc tu sỉ” là chỉ những hành vi trái với thuần phong mỹ tục ở nơi công cộng, nơi đông người, làm cho người khác nhìn thấy, nghe thấy phải xấu hổ. Những hành vi phổ biến nhất, có thể khép vào tội “công xúc tu sỉ” chẳng hạn như phóng uế bừa bãi… Ngoài ra, để lộ những bộ phận nhạy cảm của cơ thể trước đông người, đặc biệt là có những hành vi khiêu dâm, quấy rối tình dục, công khai xúc phạm người khác nơi công cộng cũng có thể liệt vào tội này.
Tuy nói là nơi công cộng nhưng nếu hành vi sai trái bị nhìn thấy bởi người thứ ba cũng bị liệt vào tội danh trên.
Pháp luật các nước từ xưa cũng đã có những quy định và án phạt cho tội “công xúc tu sỉ”. Chẳng hạn Hình luật ngày 2-8-1882 của Pháp có quy định về tội xâm phạm thuần phong mỹ tục. Điều 330 Hình luật Canh cải của nước ta thời phong kiến quy định “kẻ nào công khai xúc phạm tu sỉ sẽ bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm và phạt tiền từ 64 đồng đến 800 đồng”. Năm 1956, chính quyền miền Nam có Dụ số 13, theo đó người nào phạm tội công xúc tu sỉ sẽ bị phạt từ 10 ngàn đến 500 ngàn đồng và từ 1 tháng đến 2 năm tù, hai hình phạt tù và tiền kêu chung(*).
_____
(*) Theo nguyệt san Pháp luật.