HV106 - Xuất nhập khẩu văn hóa Việt và Mỹ

Ngày 20-5-2016, mấy hôm trước khi Tổng thống Mỹ Obama đến thăm chính thức Việt Nam, Hội Việt - Mỹ đã tổ chức một cuộc hội thảo về quan hệ hữu nghị Việt - Mỹ qua văn hóa. Nhân dịp này, hai tác phẩm của Hữu Ngọc đã được giới thiệu. Cuốn tiếng Anh Vietnam - Tradition and change (Việt Nam - Truyền thống và đổi thay) do Nhà xuất bản trường Đại học Ohio (Mỹ) xuất bản, in và phát hành ở Mỹ và trên thế giới, đồng thời Nhà xuất bản Thế giới (Hà Nội) cùng in và phát hành ở Việt Nam. Cuốn thứ hai là Hồ sơ văn hóa Mỹ do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông (Hà Nội) in và phát hành.

Tác giả Hữu Ngọc được mệnh danh là “nhà xuất nhập khẩu văn hóa”. Về xuất khẩu, ngoài việc cộng tác với các báo Pháp, Đức, Ý, Mỹ, Nhật và việc thuyết trình về văn hóa Việt Nam cho khách nước ngoài, ông đã viết một số sách (tiếng Pháp và Anh) như: Lãng du trong văn hóa Việt Nam, Từ điển văn hóa truyền thống Việt Nam, Chân dung Hà Nội và ông cùng bác sĩ Nguyễn Khắc Viện chủ biên bộ Tuyển tập văn học Việt Nam tiếng Pháp và Anh. Về nhập khẩu, ông đã biên soạn những sách về văn hóa Nhật, Pháp, Thụy Điển, Mỹ, Trung Quốc, Lào, Đức.

Sau chiến tranh Pháp - Việt, Hữu Ngọc cho ra đời cuốn Phác thảo chân dung văn hóa Pháp. Sau chiến tranh Mỹ - Việt, là cuốn Hồ sơ văn hóa Mỹ. Có người hỏi: “Bom đạn vừa dứt, sao ông đã vội giới thiệu văn hóa của địch?”. Ông trả lời: “Chiến tranh là việc nhất thời của quốc gia. Về cơ bản và lâu dài, dân tộc nào cũng ước mơ hòa bình để phát triển, hòa bình thế giới. Không vì lý do gì mà các dân tộc thù địch nhau vĩnh viễn. Với sự hợp tác chân thành và khôn ngoan, kẻ thù hôm trước có thể là bạn bè hôm sau, thí dụ: Pháp - Đức, Mỹ - Nhật… Nhất là vào thời hiện đại, khi thế giới đang chuyển từ quốc tế hóa sang toàn cầu hóa, các nước phát triển còn chậm như ta cần hợp tác với các nước tiên tiến. Điều kiện quyết định của vấn đề này là các đối tượng hiểu biết văn hóa của nhau và tôi muốn đóng góp khiêm tốn vào quá trình ấy”.

Về quan hệ Việt - Mỹ, nhà khoa học và nhà văn Pháp L. Puiseux nhắc nhở chúng ta: “Tôi cho là những người trí thức Việt Nam nên gạt bỏ những định kiến có thể có đối với tất cả những gì từ Mỹ đến. Họ nên hiểu về lâu dài là đất nước ấy từ những năm 60 đã từng đem lại cho người Việt Nam những gì tồi tệ nhất nhưng cũng có khả năng mang lại những cái tốt đẹp. Chính bản thân tôi cũng luôn cảm thấy sâu sắc tính chất hai mặt ấy”.

Tác phẩm tiếng Anh của Hữu Ngọc Vietnam - Tradition and change (Việt Nam - Truyền thống và đổi thay) là kết quả của một sự cộng tác văn hóa Việt - Mỹ. Bản gốc là cuốn Wandering through Vietnamese culture (Lãng du trong văn hóa Việt Nam) đã tái bản hoặc in lại hơn 10 lần với số lượng 10.000 bản (Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội). Nhưng sách dày hơn 1.000 trang, quá dày đối với độc giả ít thì giờ, quá nặng nề để xuất khẩu. Thấy vậy, hai bà bạn Mỹ là nhà văn Lady Borton và Elizabeth Collins, giáo sư Đại học Ohio, đề nghị rút ra một phần ba các bài thuộc chủ đề “truyền thống và đổi thay”. Sau nhiều tháng công phu chọn lọc, biên tập, ghi chú, cuốn Viet Nam - Tradition and change đã đón chào độc giả cùng một lúc ở hai bên bờ Thái Bình Dương.

Lady Borton có ý kiến như sau: “Nếu tôi phải chọn một người để hướng dẫn những khách đến Việt Nam lần đầu tiên, tôi sẽ chọn ông Hữu Ngọc. Nếu tôi phải chọn một cuốn sách cho những người sắp thăm Việt Nam hoặc cho những người không có dịp đến thăm Việt Nam, tôi sẽ chọn cuốn Viet Nam - Tradition and change. Cuốn sách này có thể coi là một chuyến đi đi vào lịch sử và văn hóa Việt Nam nhẹ nhàng và hấp dẫn với sự hướng dẫn của Hữu Ngọc”.

Elizabeth Collins nhận định: “Sau khi đọc tác phẩm này, người nước ngoài sẽ nhìn Việt Nam với con mắt khác. Được viết trong thời Đổi mới, những bài luận văn này phản ánh thời hiện đại và khai thác dĩ vãng phong phú của hồi ức và vốn uyên bác của Hữu Ngọc. Những bài luận văn trong sách nhắc nhở thanh niên Việt Nam và tất cả chúng ta đến một di sản văn hóa sống động khiến Việt Nam khác biệt. Chúng có thể được đọc theo bất cứ trình tự nào. Chúng mời độc giả đọc chỗ này hay chỗ kia, tùy hứng và mối quan tâm. Đọc toàn bộ từ đầu đến cuối, chúng đổi thay sự hiểu biết về văn hóa và con người Việt Nam”.

Theo hai nhà Việt Nam học cự phách người Pháp, Pierre Huard và Maurice Durand, một đặc điểm của văn hóa Việt Nam là khi tiếp xúc với nước ngoài không những vẫn giữ gìn được bản sắc truyền thống mà còn tiếp thụ được yếu tố ngoại lai để tạo ra được những giá trị mới (đổi thay). Hữu Ngọc luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của quá trình tiếp biến văn hóa (acculturation) ở Việt Nam. Ông thường ví văn hóa Việt Nam như một cây đa 3.000 năm với cái gốc là bản sắc dân tộc Việt (với văn minh lúa nước Đông Nam Á) và 4 cành tượng trưng cho 4 lần tiếp biến văn hóa với ngoại lai. Ảnh bìa cuốn sách (các cô gái mặc áo dài) là một thí dụ điển hình cho “truyền thống và đổi thay”. Áo dài truyền thống là áo tứ thân (do ảnh hưởng cụ Khổng, che hết các đường cong yêu kiều của thân thể phụ nữ). Áo dài tân thời đã đổi thay hẳn, do tiếp biến văn hóa với phương Tây: các sinh viên được đào tạo đã thay đổi áo cũ, tạo ra áo dài tân thời làm nổi bật một cách kín đáo thân hình phụ nữ.

Cái ảnh Thần Tự do và chuột Mickey ở bìa cuốn Hồ sơ văn hóa Mỹ cũng có ý nghĩa tượng trưng. Thần Tự do tượng trưng cho “lý tưởng”, chuột Mickey cho “thực dụng”. Theo Hữu Ngọc, văn hóa và lịch sử Mỹ là một chuỗi đấu tranh và nhượng bộ giữa lý tưởng và thực dụng.

Hồ sơ văn hóa Mỹ (hơn 700 trang) được tái bản, bổ sung và cập nhật lần thứ tư theo yêu cầu của độc giả. “Khi cuốn sách vừa ra khỏi nhà in, tổ chức Ford Foundation đã mua ngay một loạt để tặng các cán bộ sắp sang tham quan Mỹ ” (tạp chí Tia sáng). “Văn hóa Mỹ là gì? Diện mạo nó ra sao? Nó có những đặc điểm gì, có đóng góp gì cho văn hóa nhân loại và có mặt gì tiêu cực? Từ nhiều năm nay chưa có một cuốn sách nào đề cập đến vấn đề một cách toàn diện...” (tạp chí Cộng sản). “Là nhà văn, nhà báo, nhà dịch thuật, nhà nghiên cứu văn hóa, với vốn sống và bề dày kiến thức, Hữu Ngọc đã mang đến cho chúng ta một món quà văn hóa” (báo Sài Gòn Giải phóng).

Nhà hoạt động Mỹ Dan Duffy từ Hà Nội về mang theo một cuốn sách cho biết: “Tôi khoe với các bạn Việt Nam cuốn Hồ sơ văn hóa Mỹ và phải mất nhiều thời gian, khó khăn mới đòi lại được. Đây là một cuốn sách dày, muốn đi sâu vào điểm nào cũng được, cũng có thể giở từ bài nọ sang bài kia để xây dựng một tri thức chung”.

ĐÍCH VÂN