Sáng 9-9-1969, tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khi Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam - đồng chí Lê Duẩn - đọc bài điếu trong Lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì hàng triệu trái tim con dân đất Việt thổn thức, mắt nhòa lệ; các cháu thiếu niên nhi đồng òa khóc, gọi “Bác ơi!...” nức nở. “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa!”(1).
Bài điếu không chỉ có lời văn tha thiết mà còn chứa đựng tình cảm tiếc thương vô hạn về người chiến sĩ cách mạng lỗi lạc, vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc ta đã ra đi. Hơn nữa, nó còn là một áng văn hùng hồn với 5 lời thề trước anh linh Bác Hồ, tỏ rõ sự quyết tâm của toàn Đảng và nhân dân ta, trên dưới một lòng, quyết thực hiện bằng được ước nguyện của Bác - giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Nam Bắc sum họp một nhà.
Một cấu trúc điếu văn đặc biệt
Xin trích thư Đống Hoài Nam (con trai cụ Đống Ngạc) gửi người viết bài này:
“... Em là con trai cụ, nên có được tiếp nhận nhiều thông tin từ cụ và còn lưu giữ một số tư liệu.
Ông Ngạc vốn đức tính khiêm tốn, khi có ai hỏi về bản “văn” lời điếu, ông thường trả lời như anh viết: “Điếu văn được viết và hoàn chỉnh theo sự chỉ dẫn của anh Ba và được Bộ Chính trị, Ban Bí thư góp ý kiến sửa chữa. Đó là sản phẩm trí tuệ của tập thể...”.
Theo suy nghĩ của em:
Ông Đống Ngạc là người nghĩ ra một cấu trúc điếu văn “đặc biệt” vì nó không giống với các bản điếu văn “truyền thống” của Việt Nam (nói riêng) hay Á Đông (nói chung) và lại càng không giống những bản điếu văn của các nước phương Tây.
Bản này nói được nỗi đau dân tộc, nói được thân thế sự nghiệp của người lãnh tụ vĩ đại và hơn nữa nói được tầm vóc của Cụ Hồ đối với dân tộc, với thế giới, nói được tư tưởng và nhân cách Hồ Chí Minh (đây là yêu cầu cơ bản của một điếu văn).
Cái đặc biệt là ở chỗ có 5 lời thề, nó thể hiện sức mạnh biến đau thương thành hành động của một dân tộc quyết giành độc lập tự do. Trong tình huống lịch sử thì quyết tâm này là vô cùng cần thiết và cách viết này là đúng mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn đó.
Nếu nhìn xa hơn, ta thấy một dân tộc triền miên chiến tranh, kiên cường, bất khuất giành tự do độc lập trên suốt chiều dài lịch sử. Dân tộc đó không được mềm yếu trước tổn thất một lãnh tụ vĩ đại, đã chèo lái con thuyền cách mạng nay đã ra đi, cho dù “tổn thất này vô cùng lớn lao, đau thương này thật là vô hạn”. Cấu trúc này đã tạo ra sức mạnh cho hàng triệu con tim Việt Nam, đã tạo khí thế cho lời hô “xin thề” hào hùng của những người con đất Việt trên quảng trường Ba Đình năm đó.
Xin thề mà nước mắt tuôn rơi. Một cấu trúc không chỉ phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, mà còn phù hợp với nhân cách, tư tưởng của Hồ Chí Minh, một con người yêu nước hết lòng, sống trọn đời mình vì dân, vì nước và bởi thế, sự ra đi của Người phải biến thành sức mạnh của cả dân tộc ta.
Theo em, đây là lý do vì sao Bộ Chính trị chọn bản điếu văn này”.
Ngoài cấu trúc “đặc biệt” (tất nhiên yêu cầu “có lời thề” như ông Lê Duẩn chỉ thị) thì ông Đống Ngạc đã chọn lối hành văn “đối xứng” (biền ngẫu) đúng thể loại “ai điếu”, làm cho bản điếu văn vừa trang trọng vừa thống thiết, câu từ chọn đắt nhưng giản dị đi vào lòng người. Cấu trúc và cách viết đã giúp cho bản điếu ngắn gọn mà đầy đủ, xứng tầm vĩ đại của Người. Viết ngắn mà đầy đủ là điều không dễ, đau buồn mà không bi lụy và đặc biệt phải biến nỗi đau thành sức mạnh của những người đang sống để hướng tới mục tiêu đề ra.
Ông Đống Ngạc và ông Đậu Ngọc Xuân “vô cùng khó khăn” trước yêu cầu này. Mọi tham khảo hình như không giúp ích gì. Và rồi từ 1 giờ sáng đến 4 giờ sáng ngày 7-9, ông Ngạc đã viết một mạch bản thảo điếu văn này.
Theo lời kể của ông Đống Ngạc:
“…Tối ngày 6-9-1969, khoảng 21 giờ 30 phút, vừa đi họp Bộ Chính trị về nhà riêng, anh Ba(2) cho gọi anh Đậu Ngọc Xuân và tôi lên phòng làm việc của anh, đưa cho chúng tôi bản Di chúc của Bác Hồ và hai điếu văn dự thảo. Anh bảo: “Hai bản này không được Bộ Chính trị thông qua. Hai chú giúp tôi chuẩn bị một điếu văn khác”.
“... Khoảng 1 giờ sáng, chẳng may anh Xuân bị cảm. Anh đã thức mấy đêm nên gục xuống bàn. Tôi bảo anh cứ nằm nghỉ, tôi sẽ cố viết, khi nào xong, sẽ gọi anh dậy để cùng nhau sửa chữa hoàn tất. Tôi tiếp tục công việc đến gần sáng thì tạm xong bản thảo... Tôi đẩy cửa bước ra sân. Vừa lúc đó anh Ba cũng đẩy cửa phòng ngủ hỏi vọng xuống: “Chú Ngạc đó hả, xong chưa chú?”. Tôi vội đáp: “Dạ xong rồi”. Anh hỏi tiếp: “Chú thấy có được không?”. Tôi đánh bạo trả lời: “Dạ, đã cố gắng thể hiện những ý anh chỉ dẫn, hy vọng là được ạ”. Lúc đó là 5 giờ sáng ngày 7-9-1969.
... 8 giờ sáng ngày 7-9, Bộ Chính trị và Ban Bí thư họp chung. Anh Xuân và tôi ngồi ở phòng ngoài bắt đầu sửa những chỗ anh Ba đã cho ý kiến. Khoảng 11 giờ trưa, anh Tố Hữu và anh Hoàng Tùng từ phòng họp bước ra cho biết bản thảo điếu văn đã được Bộ Chính trị chấp nhận; rồi anh kéo chúng tôi lên phòng họp trên gác để cùng nhau sửa chữa... Chúng tôi làm việc rất khẩn trương. Đến 13 giờ, công việc tạm xong.
Đó là lần sửa quan trọng nhất, nhưng chưa phải là lần cuối cùng. Sau khi nghe chúng tôi báo cáo kết quả sửa chữa lần thứ nhất, anh Ba đồng ý và dặn phải gửi bản sửa đó cho các anh Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu, Hoàng Tùng để các anh xem lại, cho ý kiến sửa chữa thêm cho thật chặt chẽ, hoàn hảo, đồng thời anh chỉ thị phải gửi ngay bản sửa chữa lần đầu cho Ban Đối ngoại để dịch cho kịp ra 5 thứ tiếng nước ngoài.
Khoảng 20 giờ ngày 7-9, bài điếu văn mới được hoàn thiện sau bốn lần rà soát, sửa chữa tiếp...”.
Nhà thơ Tố Hữu sửa bản “văn” điếu lần cuối
Xin được trở lại về bản “văn” điếu mà ông Đống Ngạc chấp bút, khi được Bộ Chính trị thông qua vẫn còn phải bổ sung, sửa chữa cho hoàn chỉnh. Bản “văn” điếu mà nhà thơ Tố Hữu sửa lần cuối, cho ta biết sự thông tuệ, tài chỉnh sửa. Ông đã nâng tầm cho bản “văn” hay hơn, chặt chẽ và thuyết phục hơn. Xin nêu mấy đoạn ở trang đầu bản thảo:
1. Ngay dòng đầu, viết:
Thưa đồng bào,
Thưa các đồng chí và các bạn,
Tố Hữu viết thêm:
Thưa đồng bào và chiến sĩ cả nước,
Thưa các đồng chí và các bạn,
2. Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta không còn nữa! Tổn thất lớn lao này không gì bù đắp được.
Tố Hữu thêm: Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta không còn nữa! Tổn thất này vô cùng lớn lao, đau thương này thật là vô hạn.
3. Phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc mất một chiến sĩ lỗi lạc, một người bạn chiến đấu kiên cường và thân thiết.
Tố Hữu thêm: Phong trào cộng sản quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc và cả loài người tiến bộ mất một chiến sĩ lỗi lạc, một người bạn chiến đấu kiên cường và thân thiết.
4. Một câu mà nhiều người còn nhớ. Đó là: Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta.
Câu này Tố Hữu bỏ một chữ: “...non sông đất nước ta đã sản sinh ra Hồ Chủ tịch...”, bỏ chữ sản.
_____
(1) Trích trong bài thơ Bác ơi! của Tố Hữu
(2) Đồng chí Lê Duẩn