Họ gặp nhau tại Liên hoan Thanh niên, Sinh viên thế giới năm 1952 tổ chức tại Berlin (Cộng hòa Dân chủ Đức). Khi đó Nguyễn Đình Thi là trưởng đoàn thanh niên - sinh viên của Việt Nam, còn Madeleine Riffaud là chiến sĩ hòa bình tiêu biểu của Pháp. Cô là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp từng đi đầu trong nhiều cuộc biểu tình chống chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, rất hiểu và yêu mến Việt Nam nên khi gặp Nguyễn Đình Thi, nhà văn tài hoa của Việt Nam, tình yêu sét đánh ngay lập tức đến với họ. Những ngày diễn ra Liên hoan Thanh niên, Sinh viên thế giới thật sự là tuần trăng mật với họ. Nhà thơ nổi tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, Nazim Hikmet, là khách mời danh dự của liên hoan, có chế độ ưu đãi đặc biệt thường nhường phòng của mình để họ có cơ hội được gặp nhau. Sau liên hoan, chia tay nhau trở về Việt Nam, Nguyễn Đình Thi nhận được thư của Madeleine giữa chiến khu Việt Bắc. Thư viết bằng tiếng Pháp nhưng mở đầu bằng bốn câu Kiều:
Ông tơ ghét bỏ chi nhau
Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi!
Cùng nhau trót đã nặng lời
Dẫu thay mái tóc dám dời lòng tơ.
Trai tài, gái sắc, mối tình của họ thật đẹp. Biết chuyện, Bác Hồ khuyên Nguyễn Đình Thi: “Cô chú yêu nhau thì được, nhưng xây dựng gia đình thì nên cân nhắc kỹ. Cả hai đang rất cần cho đất nước mình. Nếu lấy nhau thì chú phải sang Pháp hoặc cô ấy sẽ sang Việt Nam. Chú sang Pháp, Việt Nam sẽ mất một nhà văn tài hoa. Còn cô ấy sang Việt Nam, nước Pháp sẽ mất đi một chiến sĩ hòa bình tiêu biểu. Mà điều kiện sống của Việt Nam hiện nay, chưa chắc cô ấy đã chịu nổi”.
Vâng lời Bác, họ đã không xây dựng gia đình với nhau nhưng Madeleine Riffaud có nhiều lần sang Việt Nam và những năm sau này khi Nguyễn Đình Thi lập gia đình, Madeleine vẫn sống độc thân. Madeleine đã có nhiều bài viết về Việt Nam và tất cả các tác phẩm văn học của Nguyễn Đình Thi đều được Madeleine dịch và xuất bản ở Pháp. Những lần đến Việt Nam, Madeleine đều được gặp Bác Hồ, được Bác nhận làm con nuôi. Khi Bác mất năm 1969, trong bài viết Bác Hồ ra đi giữa mùa thu đăng trên báo Nhân đạo chủ nhật số ra ngày 21-9-1969, nhà văn, nhà báo Madeleine Riffaud viết những dòng thật cảm động:
“Nhiều đêm khuya, xong công việc đâu vào đấy, Người ngả lưng trên giường mở đài bán dẫn nghe những buổi phát thanh của nước ngoài. Nếu có ai nhắc nhở Người đi ngủ thì Người mỉm cười và trả lời: “Tôi đang nghe tiếng nói của nhân loại”. Có lần Bác Hồ bảo tôi: “Con ơi, nếu con muốn làm vui lòng Bác thì một hôm nào đó con hãy gửi cho Bác bộ đĩa hát về những bài hát mà xưa kia Maurice Chevalier vẫn hát hồi Bác ở Paris, lúc đó con chưa ra đời”.
Mùa hè năm nay tôi đi tìm và đã thấy những đĩa hát đó khi người ta tái bản tất cả những bài hát của Maurice Chevalier nhân dịp ông 80 tuổi.
Hai ngày sau khi Bác từ trần, tôi nhận được bức thư của đồng chí phóng viên thường trú của chúng tôi tại Hà Nội. Bức thư đó đã đến tay tôi chậm, mất 3 tuần. Trong thư viết rằng “Bác Hồ đã nhận được các đĩa hát. Bác đã nghe lại các đĩa hát đó một cách thích thú. Bác rất vui mừng”.
Madeleine Riffaud và Nguyễn Đình Thi vẫn trao đổi thư từ đều đặn với nhau. Trong bài thơ Nhớ viết tặng M., Nguyễn Đình Thi đã có những câu thơ da diết: “Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh/ Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây/ Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh/ Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây”. Họ đã có hàng ngàn bức thư, Nguyễn Đình Thi lưu trữ trong một chiếc va li. Trước khi mất ông đã trao lại cho con trai là nhà văn Nguyễn Đình Chính, dặn sau khi ông mất mới được mở. Đây là những kỷ vật quý vô giá của một mối tình tuyệt đẹp.