Chôm chôm - “vũ nữ” chiên giòn
Con chôm chôm từa tựa con vạc sành, màu cánh gián, có hai cái râu như cần ăng ten. Chân dài và mảnh, bật nhảy rất nhanh. Vì vậy mà có thêm “bí danh” là vũ nữ. Chúng ở từng bầy dưới hầm trú ẩn, tối tăm và ẩm ướt.
Nếu bắt chúng mà chụp bằng tay thì không được, bởi chúng phản xạ rất nhanh. Chỉ có cách ngậm một ngụm dầu hôi rồi phun qua ngọn đèn làm bằng chai alcool de menthe. Hơi nóng lan tỏa khắp căn hầm làm cho chúng cháy xém queo râu, rơi xuống từng chùm, mặc sức mà hốt.
Đem những con chôm chôm ngâm nước để nhả hết mùi dầu hôi. Rửa cho sạch rồi lăn bột chiên giòn hoặc hấp chín cuốn bánh tráng rới rau rừng, chấm nước mắm tỏi ớt mà nhai ngấu nghiến. Vị ngọt của chôm chôm giống tép riu ở quê nhà.
Có một bữa ở rừng Tây Ninh, thèm nhớ bánh tôm hồ Tây Hà Nội, tôi bèn làm bánh chôm chôm - vũ nữ. Ngồi trước miệng hầm dưới nền nhà, ngậm một ngụm dầu hôi, rồi phun mạnh qua ngọn đèn. Ngọn lửa bay bao trùm cả căn hầm rồi dội ngược ra miệng hầm làm cho tôi bị cháy xém râu ria, lông mũi, lông mi, chân mày và mớ tóc trên trán, nghe mùi khét lẹt! Bà xã tôi, Lê Giang, la lên: “Sao giống Tôn Ngộ Không dữ vậy?”.
Vậy mà cũng có một bữa tiệc thân mật thết đãi anh chị em Đoàn Ca múa Giải phóng sắp lên đường ra thủ đô Hà Nội.
Nướng, xào lăn, kho quẹt: dế cơm, bò cạp, bọ xít, trùn hổ, nhện hùm, rắn mối, rít chúa
Đầu năm 1973, ở căn cứ Tây Ninh, giáp biên giới Campuchia, vợ chồng tôi nuôi cả bầy gà, hàng chục con vịt. Trứng gà thì đựng đầy thùng đại liên. Gà vịt để phòng thân, chạy càn, chuyển cứ. Thỉnh thoảng lại thèm ăn côn trùng, có lẽ để mở rộng “thực đơn ẩm thực”, bất kỳ con vật nào cung cấp cho con người chất đạm để tăng cường sức lực thì xơi tuốt tuồn tuột.
Dế là loại bọ cánh thẳng, râu dài, cặp chân sau to khỏe, đào hang sống dưới đất, ăn hại rễ cây. Dế nhũi thì ăn không được. Dế chó thì khó ngửi. Dế mèn trống thường dùng trong trò chơi đá chọi. Dế mèn có giống dế than, dế lửa, dế hột tiêu. Người ta chỉ ăn dế cơm. Muốn bắt dế cơm thì phải đào hang hoặc đổ nước liên tục cho ngập hang. Dế bị ngộp ắt sẽ bò lên. Còn nhớ một buổi chiều trời chuyển mưa, tôi vác cuốc ra bìa trảng đào hang bắt được vài con dế cơm mập ú. Trên đường về nhà thì đụng đầu nhạc sĩ Cửu Long đang cầm một ca Mỹ đựng đầy cơm, hỏi tôi: - Ê, Vũ! Có gì ăn với cơm không? Tôi đáp: - Mày vô nhà đợi, tao sẽ bắt thêm vài con dế nữa.
Lê Giang làm món dế kho quẹt. Tôi đi hái ít rau rừng. Trời bắt đầu mưa. Những giọt mưa rơi lộp bộp trên mái tăng nghe như thúc hối mau nhập cuộc. Rau rừng cuộn lại rồi quệt nước dế kho tiêu, cắn một con dế béo ngậy ngon thấu trời!
Ngày xửa ngày xưa, trên đất Thủ quê tôi, ở ngã tư piscine (hồ bơi), sau trận mưa rào thì dế cơm từng bầy bay ra, bu đầy chung quanh các cột đèn đường hoặc những nơi có ánh sáng. Chúng bay loạn xạ, nhào vô ánh đèn, rồi từng con từng con rớt xuống đất, tha hồ bắt bỏ vô thùng nước. Cả xóm chộn rộn vì “được mùa” dế cơm. Dế được rửa sạch, ngắt bỏ râu, cánh, chân, nhớ chừa lại hai cái đùi, móc ruột rồi nhét hột đậu phộng vào. Không thể nào quên món dế cơm chiên giòn, dế cơm kho tiêu, dế cơm lăn bột chiên chấm tương ớt…
Hiện nay, ở Sài Gòn có quán ẩm thực côn trùng mà món độc chiêu là dế và bò cạp nuôi chiên giòn. Lại còn xuất khẩu qua Thái Lan nữa. Bò cạp thì tôi không hề ăn vì ở trong rừng nó chích tôi nhiều lần đau điếng, thường lên cơn sốt.
Những năm 60 của thế kỷ trước, tôi thường đi công tác lên Đoàn Ca múa tỉnh Hòa Bình, được đồng bào Mường chiêu đãi món đặc sản là… bọ xít chiên giòn hoặc bọ xít rán. Để tỏ ra là dân Sài Gòn không sợ bất kỳ con bọ gì ráo, tôi ung dung gắp một con bọ xít bóng láng mỡ, bỏ vô miệng, nín thở, cắn một cái bụp. Chu choa! Sao mà bùi và béo ngậy quá xá mấu! Chẳng có mùi hôi hăng hắc gì ráo, vì “thợ nấu” đã lể bỏ hai túi xạ dưới nách bọ xít, móc bỏ ruột, rồi rửa qua nước muối, vớt để ráo, tẩm gia vị, rán cho giòn. Nếu thưởng thức món bọ xít với tí rượu nếp nương thì quá sành điệu. Nhưng tôi chưa có dịp xơi lần nữa.
Dưới cánh rừng già miệt Đầm Be, tỉnh Kampông Chàm, Campuchia, chẳng rõ thời tiết ra sao mà có những buổi sáng, hằng hà sa số loài trùn hổ bò đầy sân. Thân hình chúng “chà bá bự” bằng ngón tay cái, dài khoảng 4cm, làn da láng ót, óng ánh trông rởn ốc. Dù sao đi nữa, chúng có cái tên mỹ miều, quý tộc là Địa long, tức Rồng đất?! Đạo diễn B.L. bắt từng con, rửa sạch, lấy chiếc đũa lộn ngược từ đầu tới đuôi, rồi cắt từng khúc, đem xào với củ hành và khóm chín. Món địa long này ăn nhai sừn sựt ngon hơn món lòng gà, lòng vịt…
Mỗi lần trời chuyển mưa, từ các hang ổ, mối cánh bay ra đầy rừng. Chúng lao vào những nơi có ánh sáng đèn. Lấy chậu thau đựng đầy nước, đặt dưới hoặc bên cạnh ngọn đèn dầu, từng con, từng con sa vào chậu nước. Nhiều con bị rụng cánh, bò tùm lum dưới nền nhà. Ông B.L. tỏ ra khoái chí lắm, vừa ngồi ghi ghi chép chép, vừa bắt từng con mối, nướng trên ngọn đèn dầu. Phải công nhận món mối cánh nướng trần ăn ngon thiệt. Đây là cơ hội cho bầy kiến nhọt kéo ra từng đàn, tấn công mối cánh, tha mồi về tổ. Ông B.L. không để ý, cứ vô tư hốt luôn kiến nhọt mà nướng. Bầy kiến báo động, nổi loạn, xúm nhau chích ông đạo diễn xất bất xang bang.
Ở trong rừng, hễ con nào không độc hại, có chất đạm thì quất ráo trọi. Nào là rắn mối nướng ăn như cá tràu. Nào là nhền nhện hùm chiên mỡ hoặc kho tiêu. Còn rít chúa nướng rồi bóc vỏ ăn như tôm càng xanh. Bẻ một ổ kiến vàng từ trên cành cây, lấy trứng nấu canh chua. Đào gò mối lấy mật ong ruồi và bắt mối chúa ngâm rượu hoặc lăn bột chiên, ăn như đuôn chà là. Ra ngoài suối hoặc đến các hố bom đầy nước mưa… bắt chẫu chàng, chẫu chuộc, bù tọt, lột da, bằm nhuyễn, ướp gia vị, xào với sả ớt, rắc đậu phộng rang giòn, rồi xúc bánh tráng nướng, ăn ngon thấu trời. Còn cái món tắc kè nấu cháo đậu xanh, trị bệnh nhức mỏi gân cốt. Nếu được cắn một miếng chả giò nhưn rắn chàm oạp thì… bá phát!
Thời chiến tranh khốc liệt, bịnh hoạn triền miên, ăn uống thiếu thốn, kham khổ, cho nên anh chị em “gặp gì ăn nấy”. Bây giờ có ai hảo tâm, hâm mộ mời vô quán ẩm thực côn trùng thì… hổng dám đâu, tính bằng đô la đó!