Toán người nhái mang bí danh “Rắn biển” xâm nhập vùng bờ biển hiểm yếu - phía nam đèo Ngang. Chúng có mưu đồ đánh phá đoạn “yết hầu” con đường giao thông huyết mạch xuyên qua đèo. Chuyện ấy diễn ra vào thời kỳ chiến tranh ác liệt - giữa thập niên 60 thế kỷ trước. Lính công an vũ trang và dân quân đã phong tỏa vùng đèo vây bắt chúng. Duy chỉ còn tên toán trưởng chỉ huy toán biệt kính gián điệp “Rắn biển” thì mất hút, không để lại dấu vết. Ta đã huy động nhiều phương tiện kỹ thuật hỗ trợ truy tìm nhưng vẫn không phát hiện ra manh mối con “Rắn biển” đầu đàn.
Các bậc cao niên từ thời đánh Pháp đã từng rào làng kháng chiến lập nên kỳ tích “Cảnh Dương lũy thép anh hùng” thì quả quyết rằng giặc nào vào đây rồi cũng chết. Chúng không thể sống được nơi đất linh sơn thủy tú, núi Phượng sông Loan, đất cỏ Vũng Chùa, Đảo Yến này. Nói xong các cụ còn đọc những câu thơ hào sảng trong Hương ước của làng mà ông bà đã truyền lại: “… Làng ta đó linh sơn thủy tú. Trước minh đền sau huyền vũ vây quanh. Hòn La, Đảo Yến che sóng biển xanh. Sông Loan núi Phượng như tranh họa đồ… Ông bà xưa đã từng vô chốn này...”. Các cụ nói rằng xa xưa con sông xanh mát chảy phía nam đèo Ngang được gọi là sông Loan. Nhánh núi nam đèo Ngang nhô ra Vũng Chùa nhìn về phía Đảo Yến tên là núi Phượng. Nhưng từ năm người Pháp đến bắc cầu qua sông, họ không nói được tiếng Loan mà biến âm thành tiếng Ron, Ròn. Từ đó con sông đẹp không còn cái tên đẹp nữa. Nơi đây sơn thủy hữu tình nên hầu như năm nào cá ông cũng “ghé” vào thăm…
Các bậc cao niên nói đúng. Chỉ ít ngày sau, các bác ngư dân đã tìm thấy nơi “ẩn náu” của “Rắn biển” đầu đàn. Nơi ấy là trong bụng “sát thủ đại dương” - con cá mập!
***
Loài cá mập - theo tài liệu khoa học khám phá đại dương - là loài sát thủ nguy hiểm đáng sợ vào bậc nhất của mọi sinh vật ở biển và cả loài người. Cá mập không có kẻ thù tự nhiên mạnh hơn trong đại dương. May ra cá mập chỉ kiềng nể mỗi loài cá voi sát thủ. Nhưng hai loài “đại khủng” này thường không đối mặt với nhau.
Loài cá mập có rất nhiều điều bí ẩn cực kỳ lý thú… Cá mập là một nhóm cá thuộc lớp xương sụn, không có bộ xương cứng. Cá mập không có bộ khung xương sườn, nên nếu chúng rời môi trường nước thì trọng lượng cơ thể sẽ đè bẹp các cơ quan nội tạng và chết ngạt ngay tức khắc. Mang cá mập cũng khác mang các loài cá khác. Mang nó mỗi bên có từ 5 đến 7 nắp mang để khi di chuyển thì nước lùa vào đảm bảo sự hô hấp, nếu không nó sẽ chết vì thiếu oxy. Vì vậy cá mập chỉ bơi thẳng tới chứ không bơi giật lùi được. Điều kỳ lạ nữa, loài cá mập có bộ răng đồ sộ nhất trong các loài vật. Bộ răng có đến hơn… 300 chiếc. Răng cá mập mọc thành nhiều lớp, có ba hàng phía trước, còn nữa mọc ở lợi nhiều hơn mọc ở hàm. Răng cá mập khỏe, sắc nhọn, có lớp như lưỡi cưa, có lớp cong như móc câu. Khi nó đã ngoạm được thì con mồi đừng hòng thoát. Trong cuộc đời cá mập, bộ răng chúng luôn được thay mới. Nếu như răng hàm trước bị gãy, bị rụng vì mắc vào con mồi thì lớp răng “dự bị” hàng sau lập tức trồi lên thay thế. Vì vậy những vùng biển cá mập sinh sống, răng hóa thạch của chúng được phát hiện nhiều. Cá mập khi đã ngoạm được con mồi thì chúng thường nuốt chửng, ít khi cắn xé nghiền nát với hàm răng sát thủ quái dị của mình. Bởi thế đánh bắt được cá mập người ta đã phát hiện trong dạ dày nó có những đồ vật kỳ lạ như bộ áo giáp, chai rượu vang, con dao còn nguyên trong vỏ da hoặc xương tóc người… Đặc biệt loài cá mập có bộ ngửi bắt mùi tinh tường đến kinh ngạc. Nó có thể ngửi được mùi của giọt máu, mùi chất thải của những con mồi trong nước biển cách xa đến gần hải lý. Thính giác của loài cá mập cũng rất nhạy, nó nghe được con mồi quẫy nước xa đến gần cây số. Bởi nó có bộ tai trong. Loại tai này các nhóm cá khác đã tiêu biến từ lâu. Còn đôi mắt của cá mập thì được phủ một lớp màng mỏng đằng sau võng mạc, phản chiếu ánh sáng vào võng mạc nên trong bóng tối, hoặc giữa biển nước đục nó vẫn nhìn rõ con mồi. Loài cá mập còn có khả năng chuyển động cảm giác qua những lỗ trên đầu nên phát hiện được điện trường của các loại con mồi phát ra trong sóng nước để nó lựa chọn săn bắt. Một số giống cá mập có râu quanh mép để tăng độ nhạy bắt mồi. Các nhà khoa học nói rằng tạo hóa đã ban cho loài “sát thủ đại dương” này một giác quan nhạy bén và hoàn hảo đến mức trên cả tuyệt vời nên nó xứng đáng được nhận ngôi vị “bạo chúa hàng đầu của biển cả”.
Một chuyện cực kỳ bí hiểm và lý thú nữa của loài sát thủ này là hành vi giới tính độc đáo đến kỳ lạ của chúng. Các nhà khoa học khám phá đại dương đã hé mở cho chúng ta biết rằng loài cá mập trắng có một vùng biển “duyên nợ” để chúng “giao lưu tình cảm” giống như vùng đất “chợ tình” của con người. Vùng biển đó ở gần đảo Guada Lupo ngoài khơi bờ biển Mexico, đông bắc Thái Bình Dương. Cá mập trắng thường “hẹn hò” nhau về đó tình tự, giao phối sinh sản. Các nhà khoa học ngồi trong lồng sắt bảo hiểm thả xuống đáy đại dương đã sờ được vào vi, vào bụng chúng, gắn được các thiết bị khoa học lên mình chúng, đã chứng kiến được những giây phút loài cá mập… “ân ái” trao tình cho nhau. Thì ra loài sát thủ dữ dằn là vậy nhưng lúc ấy chúng có những cử chỉ cũng hiền lành và thân thiện. Chúng nhẹ nhàng bơi đến gần nhau, cọ vi vào nhau như “bắt tay” mừng rỡ chào nhau. Chúng vờn nhau, đấu mõm, cài răng nhau như “hôn nhau” âu yếm. Và rõ ràng loài vật nào dù là sát thủ đại dương cũng biết ghen tuông, giữ bạn tình. Lúc chúng đang say tình với nhau nếu như nhìn thấy “tình địch” lảng vảng, lượn lờ, “chàng” liền xông ra nổi máu sát thủ há mõm nhe răng, quẫy đuôi, khỏa vi xua đuổi. Đến lúc “đỉnh điểm”, “chàng” cắn vào gốc vi ở bụng của “nàng”. Cú cắn ấy phải đủ mạnh để nó đưa được cái “thùy bám” ở bụng nó vào sâu trong cơ thể “nàng”. “Chàng” cá mập vốn có một cái vi đặc thù ở bụng (các nhà khoa học gọi là “thùy bám”, thực chất là cơ quan sinh dục của nó). Làm xong việc “ân ái” đó, “chàng và nàng” thỏa thuê lượn lờ vài vòng bên nhau, vẫy đuôi chào tạm biệt nhau. Rồi “nàng” di tản đến một vùng biển vắng lặng hơn, đó là thời kỳ thai nghén của nó. 18 tháng sau “nàng” sinh con.
Cũng thật là công bằng, tạo hóa sinh ra loài sát thủ hung dữ số một trên đại dương thì ngài cũng ban cho nó cái đức rất mực thủy chung với bạn tình. Các nhà khoa học cho ta biết - trong Bách khoa toàn thư mở - nếu một con cá mập trong cặp đôi bị câu, bị diệt thì con kia không kết đôi với bất kỳ một con nào khác. Và, nếu là con cái thì nó sẽ sống một mình. Sự không sinh nở ấy sẽ có nguy cơ làm suy giảm dần số lượng dẫn đến tuyệt chủng giống nòi.
Ở tuổi 15, loài cá mập mới đến giai đoạn thành thục giới tính. Lúc ấy cái “thùy bám” của con cá đực mới đủ sức mạnh mẽ để có con. Đúng như lời người xưa truyền lại, loài cá mập chửa trứng nhưng đẻ con. Con cá mập mẹ có thể chửa những quả trứng to bằng chiếc bánh pizza, có đường kính đến 25cm (có tài liệu nói trứng cá mập có kích thước 14-15 inch, khoảng 35cm). Trứng cá mập lớn vào loại nhất trong trứng các loài vật. Những quả trứng đó được cá mập mẹ nuôi dưỡng trong bào thai cho đến lúc nở.
Khi cá mập mẹ sắp đẻ, những con cá mập con vừa nở chưa chui ra khỏi bụng mẹ đã kịp chén hết những quả trứng đang nằm ở hai bên tử cung cá mập mẹ. Nên mỗi lứa, cá mập mẹ chỉ đẻ được một hoặc hai chú cá mập con. Có tài liệu nói rằng phôi thai cá mập con đang phát triển trong trứng đã có khả năng cảm nhận được điện trường của kẻ săn mồi trong vùng biển xung quanh. Và, cũng có giống cá mập đẻ con ra trong những cái túi, các nhà khoa học gọi là “ví của nàng tiên cá” hay “ví của quý” rồi cá mập con cắn túi chui ra. Có điều khi gần đến ngày sinh con, cá mập mẹ “kiêng” ăn thịt các loài cá khác để nó… không ăn thịt con nó.
Cá mập con bơi đến các vùng biển xa tìm cuộc sống riêng. Còn cá mập mẹ du ngoạn khắp bốn biển rồi “đến hẹn” hai năm sau lại trở về vùng biển “tình cảm” Guada Lupo thuộc biển Mexico để ân ái với bạn tình, sinh lứa con mới.
Trong đại dương mênh mông dạt dào sóng nước, cá mập trắng có thể sống đến trăm năm. Riêng giống cá mập Greenland, sát thủ tàn bạo sống ở vùng biển lạnh, khẩu vị thích thú món “đặc sản” hải cẩu, gấu biển Bắc cực thì có tuổi thọ hơn trăm tuổi.
Các nhà khoa học cho ta biết rằng tổ tiên loài cá mập đã xuất hiện trên các đại dương cách đây hơn 420 triệu năm, sớm hơn 200 triệu năm so với loài khủng long. Cá mập là một trong 10 quái vật sát thủ ăn thịt kinh hoàng nhất thời tiền sử. Cá mập Megalodon khổng lồ thời đó sống ở Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương… to như một chiếc tàu ngầm, dài hơn 20m, nặng đến trăm tấn. Những chiếc răng của nó hóa thạch còn sót lại dài hơn 1m, bằng 18 lần răng cá mập hiện nay (trên vùng biển Nhật Bản trước đây người ta đã phát hiện răng và cơ thể con vật hiếm hoi này).
Từ thời cổ xưa đó loài cá mập đã có đến gần 440 giống khác nhau (có tài liệu nói trên 300 giống). Chúng được chia làm nhiều nhóm. Ngày nay con người vẫn còn nhận diện được hình dạng chúng trong các nhóm: cá mập gai, cá mập đầu bò, cá mập sừng, cá mập vằn, cá mập đèn lồng, cá mập voi, cá mập đầu búa, cá mập thiên thần, cá mập yêu tinh, cá mập hổ, cá mập trắng… Các giống cá mập có thân hình rất đa dạng. Cá mập voi có kích thước khổng lồ dài 20m, nhưng cá mập đèn lồng chỉ dài 15cm. Có giống cá mập chỉ to bằng bàn tay người…
Đến cuối thế Thượng Tân - một thế địa chất dài từ 5,332 tới 1,806 triệu năm trước (theo Bách khoa toàn thư mở), loài cá voi, hải cẩu… chuyển đến và thích nghi với vùng biển lạnh. Trong khi đó cá mập Megalodon không thể sống được ở môi trường biển lạnh mà chỉ thích ứng với vùng biển nước có nhiệt độ từ 11 đến 26 độ C. Rồi số lượng cá mập trắng, cá mập hổ, cá nhà táng… và các loài cá săn bắt mồi phát triển rất nhanh ở vùng biển có nhiệt độ này nên con mồi ngày càng khan hiếm, khả năng sinh tồn của loài cá mập khổng lồ nhất hành tinh không còn. Và do biến đổi khí hậu, nó đã tuyệt chủng từ 2,5 triệu năm về trước.
Ngày nay trên thế giới mỗi năm con người đã giết chết đến hơn 73 triệu con cá mập do các đội tàu săn bắt trên các đại dương. Bởi con người đã phát hiện ra vị thần dược quý hơn vàng và thực phẩm ngon lành bổ dưỡng hiếm có ở sụn vi cá mập. Ở đó có chất chondroitin chữa các bệnh thoái hóa khớp xương, hạn chế sự phá hủy sụn khớp, giúp các khớp xương hoạt động tốt. Sụn vi cá mập còn cung cấp độ nhờn, tăng cường nội mô giác mạc mắt, tái tạo lớp phím nước mắt, giữ thủy tinh thể giác mạc mắt luôn trong suốt, hạn chế mỏi mắt, khô mắt khi làm việc nhiều. Thuốc quý từ sụn cá mập còn hạn chế sự phát triển các mạch máu nuôi dưỡng các u cục ung thư, ngăn chặn ung thư trên cơ thể con người phát triển… Con người cũng đã phát hiện ra loài cá mập có bộ da đẹp, có sức đàn hồi cao gấp bốn lần da bò.
Những vùng biển lành, quanh năm nước ấm của châu Á, châu Úc và phía nam châu Phi, nhiều loài cá đã quyến nhau về đó quần tụ, sinh sôi, nhiều sinh vật phù du phát triển. Những vùng biển ấy cũng rất “mặn mòi duyên nợ” với các “sát thủ đại dương”. Cá mập trắng, cá mập hổ, cá mập bò đực… trong 30 giống cá mập gây tai họa cho con người thường về đó săn bắt mồi. Những vùng biển ấy đã trở thành nơi nguy hiểm đối với ngư dân, với khách du lịch bơi lội, tắm biển… Tính bình quân mỗi năm trên thế giới các “sát thủ” đã có gần trăm vụ “thăm hỏi” con người, và, có vài chục người đã “chạm mốc cuộc đời” vì nó.
***
Một buổi chiều muộn, các bác ngư dân phải nhọc nhằn lắm mới đưa được “sát thủ đại dương” vào bờ. Phải chăng có một định mệnh nào đó của biển trời vùng “sơn linh, thủy tú” này đã chấm vào số phận con cá mập. Nên nó cứ ngậm cái dây câu - thực ra chưa phải loại câu cá mập mà vì nó đã nuốt chửng con cá ngừ đã cắn câu vào sâu trong bụng - nên phải theo sau con thuyền như cái đuôi. Có lúc các bác ngư dân đã tính đến nước phải cắt dây câu để tránh nguy hiểm. Các bác phải chèo, phải lái con thuyền lựa chiều sóng nước lúc thủy triều lên mới đưa được con cá sát thủ từ ngoài vùng biển Hòn Nồm, Hòn La vào. Rồi lúc nó gần sát đuôi thuyền, các bác đã phóng được mũi lao vào trúng đầu nó… Đó là một con cá mập trắng non, háu mồi. Mổ con cá mập ra, mọi người đều sửng sốt, choáng váng. Trong dạ dày nó có bộ đồ bơi lặn của người nhái tanh tưởi, nhầy nhụa, có cả tóc, xương người và còn nguyên cả chiếc đầu lâu trắng ởn. Lẫn trong những thứ kinh khiếp ấy sáng lên một chuỗi dây kim loại trắng tinh. Và, có một mảnh kim loại to bằng nắp chiếc bật lửa mang hình quả lê ki ma dính vào chuỗi dây ấy. Nhìn kỹ ở giữa cái mảnh kim loại có dấu chữ thập ngoặc sơn đen. Mọi người hiểu rằng nếu chữ thập ngoặc đứng thẳng, cái ngoặc quay thuận chiều kim đồng hồ là biểu tượng của Phật giáo. Chữ thập ngoặc đổ nghiêng, cái ngoặc quay ngược chiều kim đồng hồ là biểu tượng của phát xít Hitler. Đây đích thị là chữ thập ngoặc biểu tượng của phát xít. Những người lính biên phòng và các bác ngư dân đều nghiêng về nhận định đây đúng là con “Rắn biển” đầu đàn ta đang truy tìm. Nhưng tại sao nó lại mang biểu tượng của bọn phát xít Hitler?
Tên gián điệp biệt kích bị ta bắt hôm trước được đưa đến làm đối chứng xác minh. Thoạt nhìn thấy bộ áo quần người nhái và mảnh kim loại có hình chữ thập ngoặc, hắn run rẩy như sắp ngã khuỵu xuống. Hắn xác nhận ngay tên trong bụng con cá mập đúng là chỉ huy của hắn. Hắn kể rằng tên này chính là người bên phía Giải phóng bị lính biệt động bắt cùng với hai người nữa trong hầm bí mật. Nhưng tên này đã đầu hàng và khai có người chú đang làm chỉ huy sư đoàn trong quân đội Cộng hòa. Hắn được bảo lãnh. Để lấy lòng tin của bọn lính biệt động, hắn bắn chết ngay hai đồng đội trước mặt bọn giặc. Rồi hắn xin được gia nhập vào đội quân biệt kích gián điệp của giặc và được chúng đưa sang đảo Guam huấn luyện. Ở đó, hắn được những tên nguyên là lính SS của Hitler trong thế chiến II dạy cách ám sát, bắt cóc, phá hoại, các thủ thuật tra tấn người… Đợt kiểm tra “tài năng” trước khi về nước, hắn đạt danh hiệu “kiêu hùng bốn biển”, được đội mũ nồi xanh và đeo huy chương Chữ thập ngoặc. Về nước, hắn được phong làm chỉ huy toán gián điệp, biệt kích “Rắn biển”. Trong cổ hắn luôn đeo cái biểu tượng huy chương Chữ thập ngoặc quái đản ấy.
***
Ngồi trên bãi cát trong buổi tối lộng gió biển, tôi - ngày ấy là phóng viên báo Công an Vũ trang - được các bác ngư dân, được Anh hùng Lực lượng vũ trang Phạm Bá Hạt và những người lính biên phòng kể cho nghe câu chuyện kỳ thú này. Bỗng một bác cao niên đứng dậy, nói to, át cả tiếng sóng biển:
- Tôi là người cầm chèo trên con thuyền câu hôm ấy, nay tôi cùng các lão làng hương khói đền thờ Cá Ông, chúng tôi muốn xin làng viết thêm mấy câu vào Bản hương ước ông bà để con cháu mai sau nhớ:
“Đất Cảnh Dương sáng ánh dương
Núi Phượng sông Loan gió lành sóng đẹp
Giặc nào đến cũng chui đầu vào lưới thép
Non nước ông bà mang hồn Việt hào hoa”.