HV107 - Thời sự & suy ngẫm

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo việc kiểm tra, xử lý vụ ông Trịnh Xuân Thanh, Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Ông Thanh dùng xe tư Mercedes gắn biển xanh xe công đi làm, bị báo Thanh niên phát hiện. Nhân đó cho kiểm tra, thì trước đó ông Thanh là Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC (Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam), làm thua lỗ 3.800 tỉ đồng, nhưng lại được lên làm Chánh văn phòng Bộ Công thương (do ông Vũ Huy Hoàng làm Bộ trưởng) và PVC được phong Anh hùng Lao động, rồi từ đó mới đưa về làm Phó chủ tịch Hậu Giang…

Vụ việc có tính điển hình cho việc chạy chức chạy quyền, cho việc bổ nhiệm cất nhắc cán bộ sai nguyên tắc (dù đúng “quy trình” một cách hình thức). Qua đó, để “lọt lưới” kẻ cơ hội. Toàn bộ bộ máy đã vào cuộc dưới sự chỉ đạo của Tổng bí thư, làm việc thận trọng, kỹ lưỡng…

Cử tri Hà Nội cũng như cả nước bày tỏ sự hoan nghênh trong lần Tổng bí thư tiếp xúc cử tri. Đây là việc hệ trọng số 1 của Đảng, Nhà nước. Ai cũng biết bấy lâu nay, công tác tổ chức cán bộ có điều tiếng. Không gì tệ hại bằng việc bán chức, mua quyền. Người ta biết đâu rằng cái chức ấy được mua bao nhiêu? Không có lửa làm sao có khói? Người ta còn biết một chữ ký của ông Vụ trưởng Vụ Tổ chức một Bộ kia giá là “con ngan nằm” (nói lái lại: “con” năm ngàn USD). Cũng còn là rẻ vì ông ta chỉ là cấp trung gian trong bổ nhiệm.

Ở Trung Quốc, việc mua bán này được các vị như Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng… làm nhiều năm, thu được gia tài kếch xù. Bây giờ mới xử, mới lòi ra một ít “tảng băng chìm”.

Nguy cơ cho Đảng, cho chế độ chính là ở đấy. Ngày kháng chiến, vào sinh ra tử, vào tù xộ khám, chiều phát lệnh điều động, tối lên đường ra chiến trường…, đâu có đồng tiền nào nằm chen ngang giữa các sự điều động ấy.

Đã lâu lắm rồi, nghe người ta nói: một chỉ vào Trung ương! (một chỉ chỉ tay, không phải chỉ vàng). Ấy là vì thời ấy, trong Đảng có các vị đầy quyền lực, át hết cả tập thể, đặt mình lên trên tất cả, ban phát mệnh lệnh theo lối gia trưởng… Đó cũng là một cái hư hỏng, mặc dù có thể vị này không ăn tiền!

Còn thì chạy. Còn thì đưa người nhà. Anh ủng hộ con tôi, tôi ủng hộ con anh, trắng trợn thế, huỵch toẹt thế, ngửa bài ra thế.

Cho nên, nay đồng chí Tổng bí thư giữ nghiêm nguyên tắc để cứu sinh mệnh của Đảng là một việc làm cực kỳ quan trọng. Nó sẽ mở ra một thời kỳ mới, dân chủ - tập trung, tập thể lãnh đạo, dân chủ từ trong Đảng “trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi” (Hồ Chí Minh - Di chúc), để làm lành mạnh bộ máy.

Nhiệm kỳ mới của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhiều dấu ấn trọng đại về xây dựng Đảng: khôi phục lại các nguyên tắc cách mạng, nguyên tắc dân chủ - tập trung, nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện, nguyên tắc Đảng không đứng trên nhân dân, trên luật pháp… mà phục vụ nhân dân và phục tùng luật pháp. Chỉ chừng ấy thôi đã thấy nhẹ cả người! Tổng bí thư lại là tấm gương về đức tính liêm khiết, xứng đáng là người thực hành đạo đức của Bác Hồ! Không có người như thế cầm trịch, nêu gương, dễ loạn! Việc tổ chức nhân sự đã tạm yên, rất mong đồng chí Tổng bí thư quan tâm sâu sắc hơn nữa về công tác tư tưởng - văn hóa.

Chuyện Trung Quốc và phán quyết của Tòa trọng tài thường trực Liên hiệp quốc (PCA) ngày 12-7-2016.

Trung Quốc tuyên bố thực hiện 3 không với phán quyết này: không tham gia, không thừa nhận và không thực hiện. Đối với họ, biển Đông là “lợi ích cốt lõi”, “chiến lược”, Trung Quốc “sẽ trỗi dậy từ biển Đông”; không có biển Đông, theo họ, “giấc mơ Trung Hoa” tan biến! Chuyện đời thật nực cười, thật oái oăm: cả mấy ngàn năm, Trung Quốc không hề dính dáng gì đến biển Đông: tính từ đất liền, từ bờ ra để nhận lãnh hải, họ cũng không có quyền gì đối với nó. Thế mà chỉ vin vào cái bản đồ “lưỡi bò” năm 1947 của một sĩ quan của Tưởng vẽ vội, không tọa độ, không gì hết, họ nhận vơ biển Đông vào họ. Rồi nói rằng họ có “quyền lịch sử”. Lịch sử nào đứng về phía họ, trong khi tất cả bản đồ của họ đều vẽ lãnh thổ cực nam của họ chỉ đến đảo Hải Nam. Bà Thủ tướng Đức Angela Merkel trong một cuộc gặp Tập Cận Bình, đã ý nhị “tặng” ông ta một tấm bản đồ cổ như thế.

Bây giờ đây thì họ sẽ làm gì? Trước mắt, người ta dự đoán rằng khi nào đủ điều kiện họ có thể sẽ thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông. Nghĩa là máy bay nào bay qua đó (lãnh thổ của họ!) sẽ phải xin phép. Nhưng đó, như một học giả Đài Bắc - Đài Loan nhận xét, chỉ là gỡ chút thể diện! Chứ Mỹ và các nước khác sẽ không bao giờ công nhận nó, họ sẽ bay qua bình thường.

Họ gào thét chuẩn bị chiến tranh - “chiến tranh nhân dân?” trên biển. Nhưng chiến tranh với ai? Với Mỹ ư? RAND, một tổ chức tư vấn ở Mỹ, nhận định rằng nếu nổ ra chiến tranh Trung - Mỹ kéo dài, Trung Quốc sẽ bị thiệt hại to. Trung Quốc sẽ phải chịu những tổn thất lớn hơn và tổn thất đó không chỉ trên những phương diện quân sự mà cả kinh tế, chính trị (thiệt hại về tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ từ 5% - 10%, nhưng Trung Quốc hứng thiệt hại lên tới 25% - 30%).

Tờ báo Hoàn cầu, một tờ báo mà Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) là cơ quan chủ quản, nói rằng không chấp nhận bình luận này, e ngại rằng nó sẽ “hạ độc không khí”.

Khả năng chiến tranh Trung - Mỹ xảy ra là rất ít. Nhưng nếu không kiểm soát tốt, vạn nhất nổ ra, thì Trung Quốc, trong kịch bản nào, cũng chịu lép.

Còn Việt Nam và nhiều nước ASEAN bao giờ cũng chủ trương hòa bình, đàm phán, không dùng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực…, thì lấy cớ gì Trung Quốc gây chiến? Việt Nam không bao giờ khiêu khích Trung Quốc, xử sự theo một chữ “nhẫn”. Dĩ nhiên, Việt Nam hoàn toàn có quyền làm những gì cần làm để tự vệ, phòng thủ. Trung Quốc là một nước lớn, một Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, nước có trách nhiệm lớn lao trong việc bảo vệ hòa bình ngang với mức mà một thành viên Hội đồng đòi hỏi. Phán quyết của Tòa trọng tài thường trực của Liên hiệp quốc là một “phán quyết rõ ràng”, “có tính ràng buộc” như Tổng thống Mỹ Obama nói; Nhiều học giả Trung Quốc (ở nước ngoài) khuyên Trung Quốc nên “học luật quốc tế”. Bà Thái Anh Văn, Tổng thống Đài Loan mới được bầu, tuy bảo lưu chủ quyền của Đài Loan đối với đảo Ba Bình, một đảo thuộc Trường Sa của Việt Nam mà Trung Hoa Dân quốc chiếm năm 1947, nhưng là một luật gia, bà ta cũng không đả động gì đến đường chín đoạn. Hội thảo quốc tế ở Nha Trang ngày 17-8 đã cho rằng Trung Quốc sẽ phải tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài thường trực, nếu không, họ sẽ khó giữ được địa vị của mình trên trường quốc tế.

Người ta dự đoán rằng, sau hội nghị G-20 ở Hàng Châu (Trung Quốc) vào đầu tháng 9 này, Trung Quốc mới làm găng, mới giở “độc chiêu”. Nhưng dù sao, với phán quyết của Tòa trọng tài, Trung Quốc đã mất thế đứng pháp lý, chính trị, đã bị cô lập hầu như hoàn toàn. Một vài nước ăn tiền viện trợ của “anh”, nể sợ anh, lấy lòng anh, nói mấy câu ủng hộ, ăn thua gì! Trung Quốc muốn kéo Ấn Độ, Nga… vào việc bênh vực lập trường biển Đông của họ, nhưng Ấn Độ thì chắc là không rồi. Tổng thống Ấn sắp sang thăm Việt Nam, củng cố quan hệ chiến lược, từ kinh tế đến an ninh quốc phòng giữa hai nước. Còn Nga trong cuộc gặp ASEAN ở Sochi, đã thừa nhận vấn đề biển Đông phải được giải quyết hòa bình theo luật quốc tế. Nga, Trung biết khá rõ về nhau trong lịch sử. Lợi ích của Trung Quốc từ Nga là khá lớn, từ địa chính trị, kinh tế, quân sự. Nhưng Trung Quốc can thiệp quá sâu vào vùng Trung Á, sân sau của Nga; chiến lược “một vành đai, hai con đường” của Trung Quốc là một cái bẫy!

Tình hình về biển Đông, theo nhiều nhận định, cơ bản vẫn không thay đổi, chỉ có căng thẳng thêm do Trung Quốc điều tên lửa siêu thanh YJ- 12 ra các đảo được họ tôn tạo, bồi lấp…, do việc chuẩn bị tập trận của họ (có thể họ phối hợp được với Nga để tập trận, nhưng vấn đề là ở đâu?). Ở vùng biển đảo Hải Nam trong hải phận của họ, hay là họ xuống Hoàng Sa - Trường Sa? Nga nỡ nào làm vậy với một nước anh em, có truyền thống hữu nghị lâu đời?

Một mặt gây căng thẳng và tỏ quyết tâm cứng rắn, thách thức gây hấn, đối đầu, Trung Quốc cũng chơi bài gạt qua một bên phán quyết Tòa trọng tài. Họ dùng Campuchia để ASEAN chỉ ra được tuyên bố ở Viêng Chăn mà không nhắc đến phán quyết đó. Philippines đang muốn làm dịu căng thẳng sau phán quyết của Tòa trọng tài, bằng cách cử cựu Tổng thống gặp bà Phó Oánh, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, tìm cách “phá băng” trong quan hệ, mở đường hợp tác. Tuy nhiên, tuyên bố giữa ngoại trưởng Nhật và Philippines ngày 11-8 là tích cực, là đòi Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp quốc tế, tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài, giải quyết tranh chấp bằng giải pháp hòa bình, không vũ lực, không bắt nạt. Nhật nâng cấp năng lực phòng thủ cho Philippines, cung cấp tàu tuần tra cho Philippines. Trước mắt, gương mặt ông ngoại trưởng Trung Quốc đã có nụ cười, đã dịu đi để nói: Giữa chúng ta không có vấn đề gì! Vấn đề là tại Mỹ xen vô đó thôi. Tinh khôn lắm!

Mỹ thì đang trong giai đoạn nước rút của bầu cử Tổng thống.

Nhân đây cũng nói là Tổng thống Obama còn quá ít thời gian để thuyết phục Quốc hội Mỹ thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định quan trọng nhất trong nhiệm kỳ của ông. Nhưng cũng không phải là vô vọng. Có thể phải điều chỉnh thêm một số chi tiết để dân Mỹ không kêu là chịu thiệt. Trong khi đó, Donald Trump và Hillary Clinton đều phản đối TPP, có thể là do nhu cầu thu hút cử tri trước mắt.

Tổng thống Ấn Độ có thể thăm nước ta vào đầu tháng 9. Tháng 9 cũng là tháng Tổng thống Pháp dự định sang ta. Ấn Độ và ta có đủ cơ sở để hợp tác nhiều mặt, cả về an ninh - quốc phòng. Pháp là nước đề xướng châu Âu tuần tra trên biển Đông để bảo vệ đường hàng hải quốc tế. Nước Pháp, người Pháp, văn hóa Pháp bao giờ cũng gần gũi với tâm hồn Việt Nam.

Thế giới đang bất ổn, bất an… về nhiều phương diện. Cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ, tưởng là chuyện nội bộ, hóa ra là có bàn tay của NATO - mà NATO là Mỹ! Hóa ra là Thổ Nhĩ Kỳ chệch choạc về đối sách với Mỹ, với EU thì Mỹ, NATO bật đèn xanh cho quân đội (và trong nhân dân là giới trí thức thân Mỹ) lật đổ Tổng thống Erdogan… Đảo chính thất bại, ông Erdogan đang trấn áp mạnh tay và ngả theo Nga, kết tình “anh em” với Nga - nước ủng hộ ông Erdogan trong đảo chính (còn nhớ khi Thổ bắn hạ máy bay Nga mấy tháng trước đây, quan hệ hai nước căng thẳng đến thế nào!). Sự đời vần vũ mây gió, bạn thù thù bạn… sớm nắng chiều mưa…, các nước lớn đang thực thi chiến lược của mình, đang nắm lấy thế người chơi các con cờ là nước yếu, nước nhỏ hơn (tuy Thổ mạnh về quân sự vào hàng thứ hai trong NATO). Đó cũng là bài học mà ta biết rõ, dù là ai, đều có khía cạnh đó. Ta không vững vàng, kiên định mà suy thoái, sơ hở… thì họ cũng chẳng để ta yên.

Các nhà nghiên cứu, báo chí Nga đang dự đoán Việt Nam sẽ là “con hổ” mới ở Đông Nam Á. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng lên ngoạn mục trong thời gian tới và mặc dù khó khăn, kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng ở mức cao trên thế giới hiện thời. Ta không dám xưng “hổ”, xưng “rồng” nhưng người ta nói thế là có cơ sở. Sự bứt phá đầu tiên là sự bứt phá về con người, về văn hóa, về nhân lực… Chúng ta dồn sức cho kinh tế, nhưng cũng phải dồn sức cho văn hóa, cho xây dựng con người! Du lịch, mũi nhọn kinh tế không thể đi lên với bộ mặt người không nụ cười, không thân thiện, chỉ muốn túi mình đầy mà không quan tâm, chăm sóc khách hàng. Thể thao, làm sao có thêm vài Hoàng Xuân Vinh. Còn giáo dục thì nên chăng cả hệ thống chính trị từ trên xuống dưới dồn sự quan tâm vào đó và không chỉ là ra Nghị quyết mà là hành động theo một trí tuệ, một quyết tâm và phải có bước chuyển rõ rệt.

HỒN VIỆT