HV107 - Tên Đấng tiên tri đạo Hồi, viết cách nào là đúng?

Người Việt Nam ta trước đây có thói quen dùng từ Ma-hô-mét (Mahomet) khi viết tên Đấng tiên tri, Nhà sáng lập đạo Hồi. Đấy là chúng ta theo cách phiên âm của người Pháp, thông qua tiếng Pháp. Thời gian gần đây, tiếng Anh được dùng nhiều, một số sách báo ta viết tên Người là Muhammad, theo cách phiên âm của người Anh.

Cách sau đúng hơn. Phiên âm Mahomet theo tiếng Pháp không những sai mà còn hàm ý báng bổ, xưa do cố tình, nay vì không biết.

***

Đấng tiên tri của đạo Hồi sinh năm 520, mất năm 632 dương lịch tại bán đảo Ả Rập, được ba tôn giáo thờ một thần ở phương Tây là đạo Do Thái, đạo Thiên Chúa và đạo Hồi cùng tôn vinh là Đấng tiên tri thứ tư, tính từ ngày khai thiên lập địa, sau Abraham, Moise và Jesus(1).

Gọi Người là Muhammad gần với cách phát âm của tiếng Ả Rập hơn, và nhất là trang trọng hơn, đúng nghĩa hơn so với cách dùng từ Mahomet trong ngôn ngữ Pháp thông dụng ngày trước. Đối với những tín đồ Hồi giáo, điều tối kỵ là xúc phạm Đấng tiên tri bằng bất cứ hình thức nào, trong bất kỳ trường hợp nào, dù cố ý hay vô tình. Có lẽ vì vậy mà ngày nay, bên cạnh từ Mahomet, nhiều cơ quan báo chí, tác phẩm văn học, công trình nghiên cứu ấn hành qua Pháp ngữ phiên âm tên Đấng tiên tri là Mohammed, hoặc viết giống hệt tiếng Anh: Muhammad.

Muhammad hoặc Mohammed trong tiếng Ả Rập đều có nghĩa là “Đấng được tôn vinh”, “Người được Thượng đế ngợi khen” trong khi Mahomet lại có nghĩa “Người không đáng ngợi ca”, “Kẻ cần chê trách”. Tiền tố ma trong tiếng Ả Rập, theo các nhà ngôn ngữ học, mang tính phủ định, hàm ý xấu.

Câu chuyện này có nguồn gốc lịch sử xa xưa, và cho đến nay vẫn tiếp tục được các học giả tranh luận dài dài. Có những người, như nhà ngôn ngữ học và sử học Pháp, bà Jacqueline Chabbi, cho rằng từ Mahomet trong tiếng Pháp có nguồn gốc từ tiếng La tinh Mahometus, và ngược lên nữa, từ tiếng Hy Lạp cổ là Maomatos.

Tuy nhiên đa số các nhà nghiên cứu nghiêng về giả thuyết cách người Pháp gọi Đấng tiên tri của đạo Hồi là Mahomet, là bắt nguồn từ các cuộc Thập tự chinh của những người theo đạo Thiên Chúa chống những người theo đạo Hồi nhằm giành lại quyền được tự do hành hương về vùng Đất thánh Jerusalem, mà người Thổ Nhĩ Kỳ (theo đạo Hồi) sau khi chiếm được đã ra lệnh cấm. Trước sau có bảy cuộc “trường chinh”, kéo dài hai thế kỷ, từ năm 1095 đến năm 1291(2).

Mahomet là cách gọi cố tình mang tính báng bổ của lính Thập tự đối với Đấng tiên tri, Nhà sáng lập đạo Hồi, thủ lĩnh tinh thần tối cao của các lực lượng đối địch. Thiên sử thi được coi là tiêu biểu cho toàn bộ sử thi Pháp, Trường ca chàng Roland(3), kể về cuộc chiến tranh do Hoàng đế Charlemagne (Charles Đại đế) tín đồ Thiên Chúa giáo đích thân chỉ huy, hành quân về phương Nam, vượt qua dãy núi Les Pyrénées nằm ở biên giới hai nước Pháp và Tây Ban Nha ngày nay, diệt người Sarrasins theo đạo Hồi. Chàng hiệp sĩ biểu trưng tinh thần dũng cảm người Gaulois tổ tiên người Pháp ngày nay, gọi Nhà lãnh đạo tinh thần của đạo quân đối địch là Mahum, một từ hàm nghĩa xấu là điều dễ hiểu. Lính chiến nói theo cách ấy trong chiến tranh, khi trở về nước mang theo, và cùng với thời gian phổ cập dần trong ngôn ngữ thông dụng, chẳng ai buồn quan tâm đến ý nghĩa hoặc từ nguyên. Các nước châu Âu thời trung đại coi đạo Thiên Chúa là quốc đạo, đã hăng hái cùng nhau tiến hành các cuộc thánh chiến khốc liệt, đều đưa tên Đấng tiên tri vào ngôn ngữ mình theo hướng nói trên: Muhammad trong tiếng Ý là Maometto, tiếng Tây Ban Nha là Mahoma, tiếng Bồ Đào Nha là Maomé v.v...

***

Người Pháp thời nay, ít ra là các nhà thông thái, đã nhận ra cái sai của tổ tiên. Đại bách khoa toàn thư Pháp Universalis, bộ từ điển bách khoa lớn ra đời muộn hơn cả (in lần đầu năm 1996) tại mục từ Hồi giáo, ghi tên Đấng tiên tri là Muhammad, trong khi từ điển Larousse “cổ điển” hơn, đặt tên mục từ của mình về Đấng tiên tri theo cả hai cách viết: Mahomet ou Muhammad. Trong khi Viện Hàn lâm Pháp, chế định có sứ mệnh quy định chuẩn mực tiếng Pháp, thì dường như cho đến nay chưa nhúc nhích.

Lẽ đương nhiên nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu thời nay ai muốn viết cách nào tùy ý định và nhu cầu của mình, người khác không có quyền can thiệp. Khốn nỗi nhà trường và sách báo dành cho thiếu nhi thì nước nào cũng vậy, buộc phải viết, phải in đúng hệ chính tả chuẩn do nhà nước ban hành.

Chuyện bình thường, mà trong bối cảnh thời cuộc tại phương Tây ngày nay tự dưng trở thành... nóng hơn bom cháy. Một tạp chí tên tuổi xuất bản tại Paris đăng bài của một nhà nghiên cứu về Kinh Coran (Q’ran), Kinh thánh của Hồi giáo, nội dung trân trọng, tuy nhiên lại dùng cách viết quen là Mahomet khi nhắc đến Đấng tiên tri. Một độc giả từ New York, nhìn tên ký in ở mục “Thư bạn đọc” đã có thể hiểu đấy là một người gốc Trung Đông và tín đồ Hồi giáo: Moktar Mok..., phản ứng quyết liệt. Tại bức thư gửi tòa soạn tạp chí, bạn đọc ấy tự giới thiệu ông là một nhà văn viết bằng Pháp ngữ, đã từng soạn mấy cuốn truyện lịch sử có minh họa dành cho bạn đọc thiếu nhi, được hai nhà xuất bản lớn ở Pháp ấn hành. Các tên gọi Đấng tiên tri trong mấy bộ truyện của ông, viết Muhammad, đều bị biên tập viên các nhà xuất bản sửa thành Mahomet. Tác giả phản đối thì nhận được thư hồi âm của nhà xuất bản phân trần: “Ấy là chúng tôi thực hiện theo quy chế của Bộ Giáo dục về cách viết đúng chính tả chuẩn của ngôn ngữ Pháp, đặc biệt tại các cuốn sách dành cho độc giả thiếu nhi”. Bạn đọc Moktar Mok… kết thúc bức thư góp ý với tòa soạn tạp chí bằng một câu quyết liệt: “Tôi không thể nào hiểu nổi, tại sao những người Pháp theo đạo Hồi lại có thể chấp nhận sự khiêu khích và khinh miệt ấy [của các ngài]!”.

Thay mặt Ban biên tập, ông Phó chủ bút tạp chí hồi âm bạn đọc, thừa nhận: “Bạn nói đúng. Lẽ ra chúng tôi không nên viết tên Đấng tiên tri là Mahomet, cho dù nhà chức trách yêu cầu phải viết theo cách ấy, và nhiều cơ quan báo chí Pháp hiện nay cũng viết theo như thế”.

Câu chuyện trên diễn ra mấy tháng trước khi xảy vụ một số phần tử quá khích xả súng vào nơi làm việc của tạp chí Charlie Hebdo tại Paris, giết chết và làm bị thương nhiều nhà báo. Chắc chắn hai vụ việc không liên quan đến nhau, tuy nhiên nhìn về một mặt nào đó, có thể coi như một tín hiệu không thể không quan tâm.

Thời dân chủ, mọi người đều có quyền tin hoặc không tin theo chủ ý của mình, tin hoặc không tin điều người khác tin, tuy nhiên bất kỳ ai cũng có nghĩa vụ tôn trọng niềm tin của người khác, không được phép xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo của người khác dưới bất cứ hình thức nào. Một lời nói, một câu văn, một bức biếm họa, một tấm ảnh thời sự, một cách trình bày trang báo, một clip trên mạng xã hội… phạm sai lầm, thậm chí chỉ do sơ xuất, kém hiểu biết, vẫn có thể dẫn tới hệ quả khó lường. Phải chăng đây cũng là một kinh nghiệm mang tính thời sự cho những người làm văn, viết báo chúng ta?

 

_____

(1) Tôn giáo thờ một thần (còn gọi độc thần, để phân biệt với đa thần) quan niệm chỉ có một Đấng tối cao trong toàn vũ trụ, đạo Do Thái gọi là Jehovah (người Do Thái viết tắt YHWH), đạo Thiên Chúa gọi Dieu (gốc tiếng La tinh Deus hoặc Zeus), đạo Hồi gọi theo tiếng Ả Rập là Allah.

(2) Đó là nói theo ý nghĩa chung. Thực tế còn nhiều mục đích khác rất phức tạp, kể cả việc giành giật thị trường thương mại ở phương Đông.

(3) Trường ca chàng Roland viết bằng tiếng Pháp cổ gồm 291 khúc dài ngắn không đều, gồm 4.002 câu thơ, xuất hiện có thể vào thế kỷ XI thời diễn ra cuộc Thập tự chinh thứ nhất.

PHAN QUANG