Đã qua hơn 100 ngày cầm quyền của chính phủ mới, một chính phủ đã hai lần được Quốc hội tấn phong và tuyên thệ nhậm chức. Thời gian vụt trôi, bây giờ có lẽ không còn là “chính phủ mới” nữa rồi, nhưng cố ghi dấu lại những ấn tượng đầu tiên “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”.
Thú thực là tôi thấy bất ngờ, hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Lâu nay, ít có cái không khí nồng nhiệt tận đáy lòng, cái không khí ra trận, quyết tiến không lùi, cái không khí đổi mới, đột phá như thế. Đầu tiên là phương châm chính phủ kiến tạo, phục vụ, liêm chính… Đằng sau phương châm ấy là một sự đổi mới sâu sắc về tư duy cầm quyền. Phải chuyển từ cầm quyền thống ngự, cai trị, mệnh lệnh hành chính… sang cải cách thể chế kinh tế - chính trị. Chính phủ là người làm ra thể chế, luật lệ để mở đường cho kinh tế, đặc biệt là kinh tế, là doanh nghiệp tư nhân phát triển thông thoáng, bảo đảm, không có sự “quấy rầy” của các quan chức. Chính phủ làm ra luật, chính sách, không trực tiếp làm kinh tế, nếu ngành kinh tế ấy không cần đến chính phủ nắm. Như thế kinh tế mới năng động, hiệu quả, đi lên được.
Đó cũng là ý nghĩa phục vụ của chính phủ, của nhà cầm quyền. Anh ăn lương của dân, sinh ra anh là để phục vụ dân, làm “đầy tớ” (công bộc) của dân, chứ không phải để “hành dân”, lên mặt “quan cách mạng” như Bác Hồ nói. Chuyện đó nói lý thuyết thì dễ, nhưng nước ta là nước hàng ngàn năm vua quan thống trị, rồi qua cách mạng, vướng phải tập trung quan liêu bao cấp, cán bộ nhà nước dễ trở thành “vua quan”, thành những ông “vua con”, “vua vùng” như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói. Hóa ra chế độ ta trên lý thuyết, trên bản chất ấy là dân chủ, lại vướng phải cái nghịch lý chết người là quan liêu, rồi từ quan liêu, có quyền có chức sang đục khoét, tham nhũng…, biến chất biến hình, con số không nhỏ… Nó dễ trở thành mặt tối, bóng tối, che lấp những mặt sáng, mặt tích cực mà chúng ta có được qua phấn đấu xương máu, gian nan…
Đó cũng là ý nghĩa của từ liêm chính. Hồ Chủ tịch giáo dục cán bộ thời Người sống giữ vững điều này, giữ vững đạo đức cách mạng, đạo đức làm người. Hồi đó là chiến đấu, là hy sinh, là dẹp bỏ những toan tính cá nhân để thỏa khát vọng lớn lao độc lập, thống nhất… Thế nhưng hoàn cảnh lịch sử mới, tuy còn nghèo nhưng tiền của dân trong tay dễ lấy quá vì pháp quyền còn lắm khe hở, nhiều kẻ biến thành “con chuột lớn” (thạc thử - chữ trong Kinh thi) phá nát mối giềng quốc gia. Bây giờ, nêu lên từ liêm chính là hơi muộn, nhưng thật cấp thiết. Kinh tế còn nghèo, nhưng thà trả lương cao hơn nữa, “dưỡng liêm” cho các chức vụ lớn, chủ chốt, để đừng “hình thức” lương ít bổng nhiều…, rất dễ hư hỏng cán bộ. Vấn đề này không dễ.
Còn nữa, từ hành động, chính phủ hành động. “Khởi nguyên của mọi sự là hành động”, đại thi hào Đức Goethe nói. Không hành động, không năng động, không xông vào thực tiễn để hành động, nắm lấy thời cơ, thì sao có được kết quả?
Tóm lại, trên đại thể, chính phủ đã có bước đột phá về phương lược. Đi vào cụ thể, trước di sản nặng nề, chính phủ đã đề ra những nhiệm vụ hết sức cụ thể về chặn đứng nạn phá rừng Tây Nguyên, về tiết kiệm chi tiêu, trách nhiệm với từng đồng thuế của dân, về tìm người tài người hiền chứ không tìm người nhà… Công tác tổ chức cán bộ, tổ chức bộ máy mà dân gian chế giễu qua công thức 4T ai cũng biết, là điểm yếu của chúng ta lâu nay, phải sớm khắc phục. Về chỉ tiêu kinh tế “chỉ bàn tiến, không bàn lùi”, phấn đấu hết mức hết sức, dù không đạt 6,7% thì cũng là hết lòng ra sức… Các Bộ tăng cường trách nhiệm, mà Bộ trưởng là một “Tư lệnh ngành”, có biết bao “dư địa” để sáng tạo, sáng kiến, năng động, từ đó góp phần vào cái đầu tàu của Chính phủ tiến lên. Các địa phương chắc chắn giữ một vai trò, trách nhiệm quan trọng “trên dưới đồng lòng, anh hùng ra sức”… như thời Trần thì mới nên việc lớn.
Mới hơn 100 ngày, thời gian còn ngắn quá, ta hãy ghi nhận vài ý kiến như vậy. Như thơ Nguyễn Trãi:
Rày mừng thiên hạ hai cửa
Tể tướng hiền tài, chúa thánh minh
Được người, đắc nhân là nhân tố số 1 cho mọi quyết sách. Tình hình rất phức tạp và khó khăn, nhưng có người tốt, nhân dân an lòng.