Chính hạ. Nắng ngơ ngác nồng. Tôi như rong hoang ký ức tuổi thơ về miền gió bụi, chợt gặp lại ánh mắt người sơn nữ năm xưa, tuy không còn sắc lẹm, thả cái nhìn xốn xang cho kẻ đối diện như thuở mười tám, đôi mươi, nhưng giọng hát thì vẫn trong veo mà tuyệt vời u uẩn.
Thú thật, rất lâu rồi, tôi mới được nghe yal yau (đọc là “gian giao”, tức những khúc ru, hát kể chuyện của các dân tộc K’Ho, Cill, Làc), những khúc ru đẹp và buồn đến đắng ruột. Nghệ nhân già Ka Bểu (ở bon Tràng Woạt, xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) vẫn hồn nhiên hát, hát say sưa, quên trời, quên đất, quên luôn cả nghịch cảnh mà nghệ nhân đang ngày đêm đối diện. Chồng nghệ nhân Ka Bểu, ông K’Breo, vừa mới qua đời, nhưng khi chạm vào yal yau, chạm vào đơs long, đơs crih…, những điệu ru, hát kể chuyện của người K’Ho, nghệ nhân như thăng hoa, nhập đồng. Tôi có cảm tưởng nghệ nhân Ka Bểu đang hát thánh ca của dân tộc mình, một dân tộc vốn dĩ tài hoa, nghệ sĩ. Chính sự ngẫu hứng, tùy hứng ấy đã neo đậu vào tâm trí vốn rất phiêu du của tôi bát ngát một trời tuổi thơ rười rượi, tựa như cái thế giới trong câu ca xưa mẹ hát.
Trở về với dân gian là để tắm lên mình cái vẻ đẹp của tự nhiên nguyên khiết, của văn hóa và lịch sử. Còn trở về với dân ca là để được đắm mình trong nguồn mạch văn hóa bản địa, tức cái bản sắc riêng có của mỗi vùng miền. “Dân ca phản ánh một cách sơ khởi nhận thức của người xưa về thế giới tự nhiên, về con người và về xã hội. Người K’Ho sống cuộc đời gắn liền với những lễ nghi nông nghiệp. Một năm, theo tập tục, người K’Ho thường tổ chức nhiều lễ hội, trong đó có một số lễ chính như: Nhô kràs măt, Nhô hòi yàng mìu, Nhô sih sré, Nhô wèr, Nhô lir bong... Dân ca, dân vũ và dân nhạc là những điểm nhấn, yếu tố không thể thiếu trong các dịp lễ nghi truyền thống, liên quan đến phong tục thờ cúng của đồng bào K’Ho. Cũng như dân nhạc và dân vũ, dân ca được hình thành, kết tinh trong quá trình lao động, sáng tạo, vượt lên sự khắc nghiệt của thiên nhiên, tạo hóa để tồn tại, phát triển” - nghệ nhân già Ka Bểu chậm rãi nói.
Tiếng nói của yal yau là tiếng nói của đại ngàn hoang sơ mênh mông. Hơn thế, nó còn là tiếng vọng thâm nghiêm của non cao, rừng thẳm, đủ sức khơi gợi, gieo vào lòng nguồn mỹ cảm và làm bừng lên trong ta cái chân thức, để rồi ngộ ra thân phận người mong manh, bé nhỏ trước vô tận mà biết cách khu xử cho hợp lẽ với thiên nhiên, với con người. Người am tường dân ca sẽ nhìn vào bề sâu, bề dày văn hóa của từng câu ca để tìm ra lịch trình phức hợp, phức điệu và rồi nhận ra những chân giá trị. Trên lối về quá khứ vô tận ấy, những chân giá trị ẩn sâu trong mỗi câu ca, điệu hát luôn âm ỉ những huyền tích mà người xưa gửi gắm, trao truyền. Ở đấy, những suối, những rừng, những ngôi nhà dài đơn sơ luôn ngập tràn tiếng hát. Ở đấy, cũng có thể là lời tự tình đôi lứa hoặc là lời răn dạy, chỉ bảo của người xưa và cũng có thể là một cung đàn gửi vào xa vắng, hoang vu… Tất cả quyện hòa khi trầm, khi bổng; lúc rộn rã, vui tươi; lúc đượm buồn, ai oán, đưa con người vào giai thức khác nhau của những cung bậc cảm xúc trong thanh âm núi rừng u linh.
“Phụ nữ K’Ho còn vất vả lắm. Cuộc sống có nhiều thứ quan trọng hơn ca dao”, Ka Bểu chia sẻ. Trăn trở của nghệ nhân Ka Bểu khiến tôi giật mình. Bởi, trên thực tế, chưa bao giờ người K’Ho hết lo toan. Trong khi áo cơm vẫn là cái lo thường trực, thì việc những giá trị dân gian như yal yau, đơs long, đơs crih bị khuất lấp và đang đứng trước nguy cơ biến mất khỏi đời sống đương đại âu cũng là điều dễ hiểu và rất dễ cảm thông.
Trong những ngày lang thang, điền dã về các bon xa xôi, hẻo lánh của đồng bào K’Ho, đã không ít lần tôi chết lặng, sững người khi nghe trẻ con hát rock, pop, jazz. Thậm chí, trẻ con nơi đây còn hát cả rap. Quan niệm của những đứa trẻ này cũng hết sức đơn giản và rõ ràng. Đối với chúng, việc hát pop, rock, jazz không những thể hiện được sự sành điệu mà còn chứng tỏ mình ở một đẳng cấp văn hóa cao hơn hẳn khi hát yal yau, đơs long, đơs crih. Tôi thì không nghĩ vậy. Tôi thấy, ở đây, lúc này, đang có một khoảng rỗng văn hóa tồn tại ngay giữa lòng những sắc dân K’Ho. Căn nguyên là do những giá trị đạo đức văn hóa truyền thống đã bị bung gốc, trong khi những giá trị văn hóa mới chưa định hình, dẫn đến thiếu những quy chuẩn trong cách sống, trong đạo đức, trong cả văn hóa và sự lai căng về hình thức là một thực tế hiển nhiên khó tránh khỏi. Trên bờ môi của những bà mẹ trẻ K’Ho cũng vậy! Những khúc yal yau, đơs crih, đơs long, những chất bổ dưỡng nuôi nấng tâm hồn cho trẻ thơ hầu như vắng bóng. Tôi nghe nhiều bà mẹ trẻ K’Ho kể tên vanh vách các tài tử điện ảnh Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc… và ca cẩm suốt ngày những điệu boléro mùi mẫn, những bản nhạc rẻ tiền, nhưng một câu đơs long hay một khúc đơs crih, yal yau, những kho báu dân gian của dân tộc mình thì tỏ ra ấm ớ, ngớ ngẩn.
Thực tế khác, không kém phần cam go, đó là số nghệ nhân lớn tuổi có kiến thức, am hiểu tường tận ý nghĩa sâu xa trong mỗi khúc dân ca của đồng bào K’Ho còn rất ít. Những cánh rừng già, hay nói cách khác, là không gian văn hóa, nơi sản sinh những khúc yal yau, đơs long, đơs crih ngày càng lùi xa vào ký ức cộng đồng. Căn nhà của nghệ nhân Ka Bểu từng là nơi gặp gỡ, trao đổi về văn hóa dân gian K’Ho nay gần như vắng bóng người qua lại. Bản thân Ka Bểu tuy là một kho kiến thức về dân ca nhưng tuổi đã cao, sức yếu. Bất giác, tôi mơ hồ nghĩ, chẳng may những con người này về với Yàng, e rằng những nét đẹp văn hóa xưa sẽ mất. Chưa kể, còn nhiều, rất nhiều kho báu dân gian khác đang trầm tích, tản mác đâu đó trong bon rất cần người kế cận, nối nghiệp gom nhặt lại..., nhưng khổ nỗi lấy đâu ra người tâm huyết bây giờ.
Chỉ ra chừng đó thôi cũng đủ thấy việc gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc K’Ho hiện nay là việc làm hết sức khó khăn. Tất nhiên, trong bon, thỉnh thoảng, tôi vẫn gặp những con người với đầy đủ phẩm chất nghệ sĩ và tinh thần trách nhiệm, đang âm thầm gìn giữ vốn văn hóa cha ông. Nhưng văn hóa chỉ sống được, tồn tại được, một khi đã ăn sâu vào ý thức cộng đồng, chứ không phải được dàn dựng, biểu diễn trên sân khấu thời thượng rồi khoác lên đấy mỹ từ “về nguồn”, hay đơn thuần chỉ là nỗ lực bảo tồn của một số ít nghệ nhân. Nhiều hội thảo chuyên đề, nhiều luận cứ khoa học đã chỉ ra rằng, về lâu dài, muốn gìn giữ, lưu truyền dân ca, dân vũ và dân nhạc cũng như các lễ hội của người K’Ho thì còn quá nhiều việc để làm. Theo các nhà nghiên cứu, việc đầu tiên là mở các lớp để nghệ nhân truyền dạy cách làm, cách sử dụng nhạc cụ, các điệu múa, làn điệu dân ca cho lớp trẻ; đồng thời, xây dựng các điểm văn hóa cộng đồng, là nơi để nghệ nhân biểu diễn các điệu múa, làn điệu dân ca cho trai gái trong bon thấy hết nét đẹp dân ca dân tộc mình mà tự nguyện tìm hiểu, học hỏi rồi giữ gìn và phát huy. Tuy nhiên, từ lý thuyết đến thực tiễn là cả một con đường dài, rất xa.
Ráng chiều đang chầm chậm rơi, rồi dần khuất sau đỉnh núi Sa Lùng. Tôi ngước nhìn rất lâu cái màu phơn phớt, hồng hồng ánh lên như hồi quang của quá khứ và bỗng dưng cái quê nhà tảo tần, lam lũ nơi mù khơi trí nhớ của tôi lại xuất hiện. Trong thời khắc ấy, tôi ước mình được là thằng bé con đang ê a chạy theo lũ bạn để réo gọi ngày xưa quay về.