Giáo sư Trần Văn Giàu sinh ra trong một gia đình nông dân ở Long An. Bà Đạo, vợ của giáo sư, nói với tôi: “Nhà ông Giàu nghèo, nhà tôi mới giàu”. Nhà bà Đạo là nhà có truyền thống yêu nước lớn và sâu sắc, ông cha tham gia phong trào yêu nước Thủ Khoa Huân, bị địch bắt, cắt cả gân nhượng chân. Nhà bà là nơi đón tiếp, giúp đỡ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc khi cụ vào Nam. Thuở 15, 16 tuổi ông Giàu học Trung học Chasseloup-Laubat ở Sài Gòn, đi nghe Nguyễn An Ninh diễn thuyết, có câu: “Các bạn thử nhìn, thử quan sát đám thanh niên đầy tham vọng đang thả rểu ngoài đường, mặc đồ tây, thắt cà vạt, tướng đi như vịt đực…”, ông thức tỉnh tinh thần yêu nước từ bậc thầy đó.
Sang Pháp học với quyết tâm đỗ hai bằng tiến sĩ, nhưng vì tham gia biểu tình (22-5-1930) ông bị trục xuất về nước ngày 30-5, quay lại Pháp đầu 1931, qua Liên Xô tháng 4-1931 vào học trường Quốc tế Phương Đông, lại qua Pháp cuối 1932, về Sài Gòn đầu năm 1933. Ông được bầu làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ ngày 31-8-1933. Nhưng ông lại bị Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng (thực chất là Trung ương), đứng đầu là Hà Huy Tập phê bình gay gắt: “cơ hội, hữu khuynh, xuyên tạc những nguyên lý Lêninnít của Quốc tế Cộng sản, chống chủ nghĩa Lênin”(1). Đáng chú ý là, với đường lối tả khuynh của Quốc tế Cộng sản lúc đó, Hà Huy Tập cũng phê phán Nguyễn Ái Quốc về “quan điểm dân tộc chủ nghĩa, đi chệch đường lối của Quốc tế Cộng sản”(2).
Tôi không có ý định đi sâu vào những vấn đề phức tạp này của lịch sử. Chỉ xin nói qua rằng, trong đời mình, ông Trần Văn Giàu không phải chỉ chịu “búa rìu” phán xét dữ dội một lần. Những lần sau, đặc biệt sau khởi nghĩa giành chính quyền ở Nam Bộ, ông cũng hứng chịu nhiều sự quy kết cố tình (như vượt ngục Tà Lài là do thực dân Pháp tổ chức…) và nhiều, khá nhiều điều khác, cho đến lúc làm chuyên viên Viện Sử học Hà Nội rồi về Nam…
Cuộc đời của một con người cỡ lớn thì thử thách cũng lớn, thuyền to thì sóng to. Kết quả một cuộc đời hoạt động của GS Trần Văn Giàu, tôi thấy nổi lên hai thành tựu lớn:
1. Là một người có tầm vóc của một lãnh tụ khi ông lãnh đạo giành chính quyền ở Sài Gòn, ở Nam Bộ tháng 8-1945 với tư cách Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ. Đó là một chiến công lịch sử, đi vào lịch sử và vang vọng mãi mãi trong lịch sử dân tộc ta.
Khởi nghĩa tháng 8-1945 ở Việt Nam, có người cho rằng đó là một sự ngẫu nhiên của lịch sử: quân Nhật vào Đông Dương đã đập tan bộ máy của thực dân Pháp, nhưng đến tháng 8-1945 thì quân Nhật phải đầu hàng Đồng minh và bị Đồng minh tước khí giới, giải giáp, vì thế tranh thủ khoảng trống lịch sử đó, Việt Minh giành được chính quyền. Thực tế lịch sử cho thấy, giành được chính quyền tháng 8-1945 là một sự chuẩn bị, tích lũy kinh nghiệm, tức là làm theo quy luật tất yếu của khởi nghĩa, chứ đâu phải ngẫu nhiên.
Trần Văn Giàu qua hồi ký của mình, đã kể lại tường tận quá trình đi đến khởi nghĩa ở Sài Gòn, Nam Bộ. Qua đó, ta thấy những bước chuẩn bị, những suy tính, những căng thẳng kịch tính trong nội bộ và sự quyết đoán của người đứng đầu. Chỉ theo dõi Hội nghị Chợ Đệm của Xứ ủy mở rộng (17-8, 20-8 và 23-8-1945) với những ý kiến tán thành và không tán thành trong nội bộ, rồi quyết định cho Tân An làm thí điểm để thử nghiệm, ta thấy quá trình chuẩn bị là gay go và người đứng đầu vừa kiên quyết vừa mềm dẻo xử lý tình huống như thế nào.
Cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn tuy chậm mất mấy ngày, diễn ra rất đẹp, bằng bạo lực quần chúng, theo kiểu Lênin hồi Cách mạng tháng 10. Nhân dân yêu nước, nung nấu ý chí giành độc lập tự do suốt gần 80 năm nô lệ, đã rùng rùng đứng lên, vũ trang bằng gậy tầm vông, bằng bất cứ vũ khí thô sơ nào có được, đi trong đội ngũ Thanh niên Tiền phong, đội ngũ công chức, nông dân, công nhân… và khởi nghĩa đã thành công, kế tiếp thành công ở Hà Nội, ở Huế... Sài Gòn là thủ phủ của Nam Bộ, Nam Bộ là xứ thuộc địa thời Pháp, một miền đất trọng yếu của Tổ quốc. Giành được chính quyền ở đấy là một việc hết sức quan trọng đối với đại cục, đối với tiến trình lịch sử sau này. Người đứng đầu cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ấy, sau đó là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, ngày 23-9 đã kiên quyết ra lệnh đánh Pháp khiêu khích, cướp nước, xâm lược… “Hôm nay, tuân theo mệnh lệnh của Chánh phủ Trung ương do đồng chí Hồ Chí Minh lãnh đạo (…), chúng tôi biểu dương cho đồng minh, cho thế giới, cho bạn bè và cho kẻ thù cái ý chí cương quyết bảo vệ tới cùng quyền độc lập và nền dân chủ của chúng ta”(3)… Nhưng ông bị điều ra Bắc, cùng Phạm Ngọc Thạch, và ông đứng trên cầu Sài Gòn nhìn lại Sài Gòn khói lửa phía sau…
Năm 1993, Tổng thống Pháp F. Mitterrand sang thăm Việt Nam, bắt tay người đã làm cuộc khởi nghĩa và kháng chiến ấy. Và Hồ Chí Minh, trước lúc mất, có hỏi Vũ Kỳ, thư ký: “Chú Giàu bây giờ làm gì?” và sau đó ông được triệu đến đứng bên linh cữu Cụ Hồ. Đủ biết, dù bao nhiêu thay đổi của lịch sử, cuộc đời cũng không nỡ quên chiến công vĩ đại của ông.
2. Giáo sư sử học - bậc thầy văn hóa
Trong cảnh bị hiểu lầm, bị giáng chức liên tục, ông vẫn bình tĩnh, chịu đựng, “cường nhẫn”, trở về làm một thầy giáo và một nhà viết sử. Công việc này hợp với sở trường của ông: một lãnh tụ cách mạng được học hành tử tế ở Pháp, ở Nga và ở trong thực tế phong trào cách mạng. Ông cực kỳ thông minh, có một đầu óc sáng rõ về logic, nắm vững phép biện chứng, có tài hùng biện và nhất là có khả năng diễn đạt một cách lôi cuốn. Có thể nói ông là người viết sử có văn tài. Đó là sự nối tiếp của những nhà sử học lớn của nhân loại mà ở phương Đông, Tư Mã Thiên là một thiên tài sử học và một nhà văn lớn. Nhờ thế, đọc sách sử của ông thấy lôi cuốn. Vả lại, chắc cũng như Tư Mã Thiên, ông đã gởi tâm sự của mình, khí phách của mình, nhân cách của mình vào những trang viết.
Tôi đọc ông lần đầu tiên thuở còn bé thơ, qua các ông anh, bài văn Đảng Lao động Việt Nam, trí tuệ và tinh hoa của dân tộc xuất hiện ở Việt Bắc vào khoảng năm 1950. Những câu văn hào sảng, nhiệt huyết của ông vang lên trong tâm hồn một cậu bé ở vùng kháng chiến Khu 5 khi ấy, còn vang vọng mãi: “Tay dơ lấy nước mà rửa. Nước dơ lấy máu mà rửa… Thỉnh thoảng có Yên Bái, Nghệ An… lấy máu rửa nhục…” và “Cuốn Sửa đổi lối làm việc của Hồ Chủ tịch ăn đứt chỉnh phong của Tàu!”…
Ở Hà Nội năm 1946 và ở các địa phương kháng chiến Việt Bắc trong chống Pháp, người ta kéo nhau đi nghe Trần Văn Giàu diễn thuyết và ông trở nên một huyền thoại. Người ta đồn ông từng học với M. Thorez, Tito…, những lãnh tụ Cộng sản lúc đó (vì cùng là những người học ở đại học trường Đảng của Liên Xô?). Ông nói ông đã học thuật hùng biện qua cuốn sách của một tác giả người Pháp.
Quay trở lại sử học. Sử học không phải chỉ là bộ nhớ, sử liệu… mà còn là cái nhìn, phương pháp luận, trên hết là triết học để làm nên phương pháp luận đó. Ông Giàu có đủ điều kiện, vì ông đã được học, được rèn giũa về các khoa học đó. Cho nên, có thể nói rằng, ông đã có một sự phán xử đúng đắn, khách quan, thuyết phục về các sự kiện, nhân vật lịch sử. Hơn thế nữa, cái nhìn và sự đánh giá của ông ở tầm của một nhà lãnh đạo cách mạng. Đứng ở đỉnh núi cao, nhìn lại những diễn biến của dòng chảy lịch sử, ông có nhiều thuận lợi. Và như thế, Nam Kỳ kháng chiến (1956), Bắc Kỳ kháng Pháp (1956), Phong trào Cần vương (1957), Sự hình thành về cơ bản tư tưởng Hồ Chí Minh (1997), Giai cấp công nhân Việt Nam, Miền Nam giữ vững thành đồng… là những tác phẩm soi sáng những vấn đề nóng hổi thời sự của cuộc chiến đấu. Đó cũng là những tâm huyết mà ông gửi gắm vào tác phẩm. Không được trực tiếp làm cách mạng, ông làm một học giả, nhưng không phải là một học giả bất đắc dĩ mà là một học giả tâm huyết, một học giả bậc thầy.
Vốn xuất thân là một nhà lý luận triết học mácxít, ông trăn trở trước nhiều vấn đề lý luận đặt ra cho cách mạng nước ta. Trong một bài nói về lý luận (thời đồng chí Lê Khả Phiêu làm Tổng bí thư 1997-2001), ông nói:
“Bản chất thực sự của đổi mới là chiến lược. Đây là một khái niệm xác định tầm quan trọng của đổi mới (…) Nếu không đổi mới thì không còn chế độ xã hội chủ nghĩa, chế độ dân chủ nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Nếu không đổi mới thì chết thôi… Ta đã chứng kiến cái chết không đáng chết của Liên Xô. Do đâu? Do không đổi mới. Cần đổi mới mà không đổi mới, cho nên chết. Bây giờ trước khả năng chết, ta đổi mới thì ta sống đến ngày nay. Đó không phải là chiến thuật. Đó là chiến lược”.
Ông nói đến cả việc Việt Nam có thể góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, để “hiểu nó hơn”. Ông ca ngợi luận điểm của Mác “đến một lúc nào đó khoa học sẽ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp”: “Quan trọng lắm. Thánh mới nói được câu đó. Nói câu đó mà hồi đó không có điều kiện gì để nói ra, mà sau nó thành sự thật. Kỳ lạ! Hay lắm! Cái đó không biết là trực giác hay là một thứ khoa học”(4).
Còn nhiều luận điểm, còn nhiều vấn đề… được GS Giàu nêu ra khẩn thiết, thể hiện một ý thức Đảng đúng đắn, một tấm lòng ưu ái vằng vặc đối với đất nước Việt Nam…
Những trang viết hay nhất ông dành cho Hồ Chí Minh. Cũng vẫn tầm nhìn lớn về Cách mạng, hiểu rõ bản chất, tổ chức Cách mạng, ông đã phân tích sáng rõ vô cùng về chiến lược, sách lược, tổ chức… của lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh trong Cách mạng. Ông là người tri âm của Bác Hồ. Bác Hồ nhắc đến ông trước khi mất, là dấu hiệu để thấy Bác không quên ông.
Tôi được biết GS Trần Văn Giàu khi tôi công tác ở Viện Văn học, cùng trong Viện Khoa học Xã hội Việt Nam có Viện Sử học của ông. Đó là những năm tháng kháng chiến chống Mỹ gian khổ. Sau này về Nam, trong công tác đào tạo nghiên cứu sinh và nghiên cứu, tôi được thân gần với ông nhiều, có nhiều quan hệ và kỷ niệm ấm lòng về ông.
Ấn tượng sâu sắc khó quên về ông là dáng đi lừng lững, khoan thai, đàng hoàng, đường bệ của ông, là phong thái “sĩ quân tử” của ông vượt qua bao năm tháng khó khăn mà không hề hạ thấp chí của mình, là tầm uyên bác và giọng nói hào sảng của ông...
Một nhân vật đã tham gia làm nên lịch sử và một nhà viết sử bậc thầy...
Tháng 9-2016
_____
(1) Hồ sơ lưu trữ của Quốc tế Cộng sản, Hồ sơ 495-158-688, cũng xem là văn kiện Đảng, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2002, t.5, tr.198.
(2) Tài liệu lưu trữ Viện Lịch sử Đảng.
(3) Lời kêu gọi tại Sài Gòn ngày 2-9-1945.
(4) Di cảo (viết tay), tài liệu của tác giả bài báo này.