HV108 - Made in… Vũ - Sài Gòn

Hồi còn nhỏ, tôi thường tự làm lấy đồ chơi, móc đất sét đem về rồi nhồi với nước cho nhão, nắn nót ra đủ thứ loài vật như: gà, vịt, dê, bò, trâu, ngựa, cọp, voi, chim chóc… Hễ nắn hai con bò thì phải kéo xe, nắn con ngựa thì phải có thằng nài ở trên lưng ngựa, còn nắn ra con trâu thì có chú mục đồng vắt vẻo trên lưng trâu đang thổi sáo… Khoái nhất là “sản xuất” ra được các loại xe: xe thổ mộ, xe hơi, xe tăng… Mấy loại xe này không chạy được mà phải buộc dây kéo đi.

Chơi chán với đất sét, lũ nhóc chúng tôi “sáng chế” ra những trò chơi khác. Hết trò chơi chong chóng bằng hột cao su đến trò kéo xe bằng cái tàu cau. Đứa nào cũng khoác “cây súng” và đều cưỡi “ngựa” bằng cái sống lá chuối, vừa phi nước đại vừa hí vang trời. Bị vấp té đau điếng nhiều lần nên bỏ trò chơi “quất ngựa chuối”, chuyển qua trò chơi bắn ống thụt. Lũ nhóc chúng tôi chia làm hai phe, rồi xuống sông tắm, dùng ống thụt nước “quánh” xáp lá cà. Ở trên cạn thì “đánh trận” bằng ống thụt bắn “đạn thật” là trái đuôi chồn hoặc trái cò ke và giấy bồi thấm nước. Loại đạn này cũng nổ giòn tan như pháo chuột, trúng vào đối phương cũng đau rát như thường.

Khi đến tuổi choai choai thì khoái trò chơi đánh trận giả. Tôi đẽo cây làm súng lục, súng trường, súng tiểu liên và súng FM đầu bạc. Miệng súng FM là miệng cái cổ chai rượu chát cắt ra. Lấy vỏ trứng vịt, bỏ tro vô và bao bọc bằng đất sét có khắc nhiều ô vuông làm trái lựu đạn. Phải liệng trúng vào gốc cây, vào tường gạch thì nó mới “nổ” làm tung tóe khói tro, khiến đối phương một phen khiếp vía trong vài giây. Năm 1958, đến kỳ tập quân sự ở trường Âm nhạc Việt Nam tại Hà Nội, tôi “trang bị” cho tiểu đội tôi một cây súng trung liên, vài cây tiểu liên, súng trường và lựu đạn bằng đất - tất cả vũ khí đều giả tuốt tuồn tuột - trong khi các tiểu đội bạn khoác những cây súng trường bằng cây mắc mùng. Khóa học của tôi được diễn tập đánh trận giả bằng giao thông chiến tại cánh đồng nước, gần đền Voi Phục, Cầu Giấy. Chúng tôi làm một chiếc “xe tăng Mỹ” to tướng bằng khung tre nứa dán giấy bồi, sơn màu đen. Xe tăng đồ mã này không chạy được, mà nhờ đến 6 người khiêng. Khi xung trận đánh giáp lá cà, “lính ngụy” một số bỏ thây nằm bất động, số khác xin đầu hàng. Chúng tôi nhào lên cướp xe tăng, lấy bật lửa đốt cháy xe tăng… giấy.

Hồi nhỏ, trò chơi ấn tượng nhất là ngồi trên xe trượt dốc. Tôi sáng chế một chiếc xe bằng gỗ, ở sau có hai bánh, ở trước có một bánh và hai cái càng dùng hai bàn chân điều khiển rẽ trái rẽ phải. Từ sau lưng Tòa bố (bây giờ là UBND tỉnh Bình Dương) xuống tới trại lính là con đường dốc ngoằn ngoèo, lởm chởm đá sỏi. Mỗi lần chỉ một đứa thay phiên ngồi trên xe lao thẳng xuống dốc. Hai bàn chân phải lái thật nhanh nhẹn, quẹo qua quẹo lại vượt qua những khúc quanh tạo ra cảm giác mạnh như trong phim trượt tuyết đầy mạo hiểm.

Rồi đến một buổi chiều, tôi ngồi trên xe trượt, đang chạy ro ro lao xuống dốc. Tóc dựng ngược, mắt lim dim, lòng lâng lâng sướng cả người. Bỗng tới khúc cua, có một chú lính đang vác cái ghế bố đi lên dốc. Chú lính hoảng hồn la lên. Tôi giựt mình, kịp lái xe bay ra khỏi “đường băng”. Tôi và xe lăn cù xuống hố. Tay chân bị “xi cà que”, làm “cái môi ăn trầu cái đầu xỉa thuốc”. Từ ấy, dẹp bỏ bộ môn chơi xe tuột dốc này luôn.

Cối giã cua, giã giò chả làng Ải

Đầu năm 1966, Đoàn Ca múa miền Nam sơ tán về làng Ải thuộc huyện Yên Viên, tỉnh Bắc Giang. Đi xe lửa từ ga Hàng Cỏ đến ga Bàu Sen, rồi đi bộ chừng 2 cây số đường đất thì tới làng Ải. Tôi và nhạc sĩ Việt Thông được bố trí ở nhà vợ chồng anh nông dân trẻ tên Mười. Nhà không rộng lắm, nền cao, mái rạ, vách đất. Giữa sân là một giếng nước trong lành, dưới tán cây bưởi nặng trĩu quả. Mỗi ngôi nhà trong làng đều được bao bọc bằng những bức tường đất, cao khoảng 2 mét. Mỗi ngôi nhà đều có cổng và cửa gỗ khép kín.

Nếu thèm món gì thì ra chợ Nhẫm. Có xôi gấc, xôi vò, xôi xéo, bánh dầy, bánh giò, bánh chưng, bánh khúc…, mùa này vịt và lạc (đậu phộng) giá rẻ rề. Cao hứng thì rủ nhau, dìu nhau leo lên núi Nhẫm, ngồi dưới tàn cây ngắm nhìn xuống làng Ải, làng Da (nơi Đoàn ca múa Tây Nguyên sơ tán) và những thửa ruộng sóng lúa dập dềnh theo từng cơn gió thổi.

Hằng tuần, cứ đến ngày thứ bảy, tôi cùng nhạc sĩ Văn Lưu, Triều Dâng, Trương Châu Mỹ, Nguyễn Văn Hoa, Hồ Thiện Hỷ, Đức Quý… thay phiên đèo nhau, đạp xe trong gió mùa đông bắc, vượt trên 53 cây số về Hàng Vôi ngồi thưởng thức tách cà phê thơm lừng, lại còn phì phèo điếu thuốc Điện Biên, Tam Đảo. Dường như cả làng Ải chỉ có một, hai cái cối đá để giã cua, giã còng và quết thịt làm giò chả. Nhà bác Hai ở giữa làng là nơi tối tối chúng tôi thường hay tụ tập hàn huyên, ăn cháo vịt, lạc rang và nhâm nhi lai rai vài cốc “cuốc lủi”.

Tết sắp đến mà nhà bác Hai không có cối để dùng, định đi mượn cối trên đầu làng. Tôi bèn nghĩ ra làm thử một cái cối để tặng gia đình bác Hai. Tôi về Hà Nội mua một cuộn dây kẽm để đan thành một cái khuôn. Ra thị trấn Yên Viên mua vài kí lô xi măng. Đến dưới chân núi Nhẫm hốt cát, nhặt sỏi. Sau hè nhà bác Hai có khoảnh đất trống. Tôi moi đất lên làm thành cái khuôn âm dưới đất, rồi đặt cái rọ dây kẽm xuống, sau đó đổ vữa xi măng trộn với cát sỏi. Cái đáy và vành cối dày khoảng 3cm, lòng cối, miệng cối chừng 50cm, vài ngày sau thì moi cái cối lên, gia cố bằng xi măng nhão cho láng mịn. Thế là cái cối giã cua, quết thịt làm giò chả “made in LNV” đã ra lò. Mọi người mừng vui khấp khởi.

Nhớ bữa “khánh thành”, con gái nhà bác Hai giã cua trong cái cối mới. Đội nhạc chúng tôi với cả nhà bác Hai cùng thưởng thức món bún riêu cua, nhâm nhi vài cốc rượu gạo ngon thiệt là ngon! Đâu ngờ “tiếng lành thiên hạ đồn xa” rằng có ông thợ cối gốc nhạc sĩ Sài Gòn rất “khéo tay hay làm”. Báo hại tôi phải sản xuất thêm vài cái cối xi măng cốt… kẽm để làm quà biếu bác Kiên, bác Cư, bác Cần, bác Sửu.

Rồi đến những ngày Tết, lòng tôi vô cùng phấn chấn khi nghe những chiếc cối của tôi râm ran từ đầu làng đến cuối làng bằng tiếng giã cua, giã còng, quết thịt “cụp cum, cụp cum”… tựa như tiết tấu nhạc nền của điệu múa dân gian nào đó!

Mấy chục năm qua, tôi chưa có dịp trở về làng Ải, thăm bà con vốn nhân hậu, hào phóng, mến khách. Chẳng rõ những cái cối ra đời trong năm 1966 có còn được sử dụng hay đã nằm vùi dưới gốc bụi tre già?!

Bếp dầu hiệu Xê-li-ba-te

Giữa năm 1967, tôi về công tác ở phòng chỉ đạo nghệ thuật các đoàn ca múa chuyên nghiệp thuộc Vụ Âm nhạc và Múa, tại 32 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Trưởng phòng là nhạc sĩ Lê Thường, phó phòng là nhạc sĩ Ngô Sỹ Hiển. Thành viên gồm các nhạc sĩ: Trần Kiết Tường, Vĩnh An, Đào Trọng Từ, Quốc Anh, Trần Tất Toại, Ngô Đông Hải và Lư Nhất Vũ. Biên đạo múa là Nghiêm Chí, Lâm Tô Lộc, Vương Bá, Cao Kim Chi, Lệ Cung. Nhạc sĩ Phạm Đình Sáu là Vụ trưởng, Vụ phó là biên đạo múa Hoàng Châu.

Sau khi Ngô Đông Hải về chiến trường Nam Bộ, để lại cho tôi căn nhà số 7c, ngõ Trung Tiền, phố Khâm Thiên. Tôi vẫn còn xê-li-ba-te(*) (độc thân), trong cái cảnh “lắm mối tối nằm không”. Phải tự lo liệu hai bữa cơm. Tôi bèn nghĩ cách sáng chế cái bếp dầu tự tạo bằng vỏ đồ hộp.

Tôi chạy ra phố Hàng Thiếc mua búa, kềm, đục, mỏ hàn, một thỏi antimoin, một lọ nước axit, một cục nhựa thông. “Cộng tác viên” tích cực của tôi là mấy bà mua bán đồng nát từ chợ Cửa Nam, dọc đường Nam Bộ, dọc phố Khâm Thiên. Họ cung cấp nào là vỏ, lon đồ hộp với nhiều kích cỡ.

Tôi xin nghỉ phép để khai trương “công xưởng” sản xuất bếp dầu tự tạo. Muốn làm xong cái bếp dầu phải mất một tuần lễ và phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ. Trước hết phải lựa chọn một cái hộp vừa đẹp, vừa lớn để làm cái bình chứa dầu. Nào là phải đục hàng chục lỗ nhỏ trên cái miếng thiếc như tổ ong, rồi cuộn tròn, gò cho dính lại để làm cái rọ. Nào là hàn xì, uốn nắn cọng kẽm tạo ra ba cái gọng kiềng. Cái bếp dầu có tám cái bấc sẽ tạo ra ngọn lửa màu xanh, liếm đều đặn vòng quanh đít nồi. Và phải không có mùi dầu mới đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Lại còn làm thêm cái nắp đậy miệng bình chứa dầu và cái phễu bé tí tẹo để châm dầu. Chờ đêm xuống, bắc nồi cháo lên, châm lửa bếp dầu, tắt đèn điện, nằm sấp trên giường mà ngắm nghía thành quả lao động.

“Tiếng lành đồn xa”, tôi phải hì hục chế tác ra gần chục cái bếp dầu để đáp ứng theo “đơn đặt hàng” của anh chị em ở cơ quan. Có ông bạn nhạc sĩ do vợ con còn ở tỉnh xa, nên tạm trú tại cơ quan, không thể nào xài hoài bếp điện. Có anh biên đạo múa sắp lấy vợ, đang cần một cái bếp dầu tặng mẹ vợ tương lai đi sơ tán về nông thôn ngoại thành. Rồi có một cô ở phòng thư viện sắp “vượt cạn”… Những cái bếp tôi làm có nhiều mẫu mã khác nhau và hình dáng cũng có vẻ “yểu điệu”.

Đến năm 1972, tại căn cứ Tiểu ban Văn nghệ giải phóng R, tôi lại làm một cái bếp dầu bằng vỏ bom bi với ống pháo sáng. Mỗi lần đi công tác thì bỏ nó vô hộp ghi-gô để có thể nấu nước uống trà hoặc nấu cơm, nấu chè. Trước khi xuống chiến trường Tây Nam Bộ, tôi tặng chiếc bếp dầu này cho anh Tư Siêng (nhạc sĩ Lưu Hữu Phước).

Những chiếc dương cầm “made in LNV - SÀI GÒN”

Ngày 26-10-1956, chúng tôi là thành viên Đoàn Thanh niên xung phong từ công trường Xí nghiệp chè Phú Thọ và Nhà máy gỗ dán Cầu Đuống về “thọ giáo” tại trường Âm nhạc Việt Nam, Hà Nội. Được tiền truy lãnh từ Cục Xây dựng, 5 anh em chúng tôi là Ngô Đông Hải, Nguyễn Văn Hoa, Trương Châu Mỹ, Vũ Văn Luyến và Lư Nhất Vũ cùng nhau hùn tiền mua chiếc dương cầm cũ kỹ của cụ Lưu Quang Duyệt ở Cửa Nam. Các phím đàn như hàm răng sắp rụng, đánh tới đâu lún tới đó. Nhà trường cử anh Thượng Chí đến trùng tu lại dây đàn, thay vài dây và lên dây cho chuẩn. Cây đàn đã đồng hành với chúng tôi được 6 năm. Sau khi tốt nghiệp, chúng tôi bán lại huề vốn.

Mười mấy năm sống trên miền Bắc, loại nhạc sĩ mới vô nghề như tôi làm sao được cấp đàn piano để sáng tác. Tất cả các ca khúc, nhạc múa, vũ kịch đều phải viết nhạc “thầm”, nghĩa là sáng tác “chay”, không có nhạc cụ nào hết.

Tôi bèn vẽ phím đàn trên miếng cạc tông, rồi tưởng tượng nốt nhạc nhảy nhót cất lên giai điệu Cô gái Sài Gòn đi tải đạn. Sau đó tôi “xách” bản thảo chạy đến cơ quan, rồi vô Cầu Giấy kiểm tra lại giai điệu trên cây đàn piano của nhạc sĩ Nhật Lai. Thật chính xác không ngờ!

Không được làm chủ chiếc dương cầm thứ thiệt thì tôi sẽ làm ra một chiếc dương cầm bé tí xíu để… ngắm chơi, “cho thỏa niềm mơ ước bấy lâu”.

Cuối năm 1966, cơ quan cử tôi theo Đoàn ca múa Phương Đông, Trung Quốc đi biểu diễn ở Hà Giang. Khi về Hà Nội, tôi còn nấn ná chưa về nơi sơ tán ở Bắc Giang, mà tá túc nhà anh Hai tài xế xe Hải Âu tại khu tập thể Vân Hồ. Ở đây mà qua phố Bà Triệu cũng gần, là nhà của cô nàng làm nghề “thương hại và tội nghiệp”: thương nghiệp.

Những ngày ấy tôi đi lùng sục khắp phố phường Hà Thành tìm nguyên vật liệu đặng chế tác một cây dương cầm bé tí tẹo. Đó là cây đàn piano à queue (đại dương cầm) bằng gỗ, có nắp đậy, có giá nhạc, có vẽ phím đen trắng chừng 4 quãng tám, pê đan bằng dây kẽm đồng, đánh vẹc ni đen láng bóng. Tôi đựng nó trong một cái “thùng” nhỏ có lót vải nhung xanh, giống những cây piano Yamaha nhập khẩu.

Ngày 28-12-1966, tôi đem món quà độc đáo này tới phố Bà Triệu mừng sinh nhật em gái út của cô nàng, làm cho cả nhà vui mừng cảm động và trầm trồ chiêm ngưỡng món quà đặc biệt này. Mẹ của cô nàng khen tôi có “hoa tay” quý hóa quá. Rất tiếc mấy năm sau, chị cả trong nhà lại lấy cây đàn cho một cô bạn mượn, để rồi cô ta định cư bên Canada mang theo kỷ vật hiếm hoi này.

Năm 1973, tức 7 năm sau, tại vùng căn cứ Tây Ninh, tôi lại làm ra hai cây dương cầm để “phục vụ” cho sáng tác nhạc cảnh Tiếng cồng vượt thác… bằng trí tưởng tượng trên các nốt nhạc bé xíu! Cái thứ nhất từa tựa chiếc piano à queue, nhỏ hơn cây piano chế tác tại Hà Nội. Có đầy đủ chi tiết, được sơn đen bóng lưỡng. Các phím đen trắng được vẽ trên miếng mica chỉ để ngắm giải sầu. Và cây đàn còn dính trong hình nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, chụp tại biệt thự Rừng của Lư Nhất Vũ.

Cái thứ hai là chiếc piano à droit, chỉ đánh dầu trong để giữ màu gỗ cây lồng mứt. Mỗi lần giở nắp đàn thì lấy ra một điếu thuốc Ara (con Két) hoặc điếu Cotab. Nó chứa được 11 điếu ngon lành. Đầu năm 1974, trước khi xuống chiến trường miền Tây Nam Bộ, tôi tặng hai kỷ vật này cho anh Tư Siêng (nhạc sĩ Lưu Hữu Phước) và nhà văn Thanh Nghị.

Có thể 3 chiếc dương cầm này không còn nữa, nhưng không sao, vì nó đã được mang nhãn hiệu “Made in Vũ - Sài Gòn” rồi…

(Còn tiếp kỳ sau)

 

_____

(*) Tiếng Pháp: célibataire (độc thân)

Nhạc sĩ LƯ NHẤT VŨ