Theo dõi thời sự, ta thấy như đang đọc một cuốn tiểu thuyết, nhiều kịch tính. Cuộc đời là một “tấn trò đời” (Balzac). Cuộc sống của thế giới cũng vậy. Những nhân vật chính của nó luôn là các nước lớn, với những người cầm đầu hay những nhân vật quyền lực kế theo. Thời hiện đại mà thế giới giống như thời “Đông Chu liệt quốc”. Các nhà báo đang viết “sử hàng ngày”, cố gắng thông tin xác thực và bình luận chuyên sâu để vạch ra thực chất của những mối quan hệ. Đó là điều không dễ. Nhưng với đam mê và trách nhiệm, họ vẫn cố gắng. Mình đọc họ, cũng thích thú, đam mê; chỉ tiếc rằng hiện còn thiếu nhân tài để viết nên những vở kịch vĩ đại như Shakespeare đã viết.
***
Cách đây vài tháng thôi, có ai ngờ là sẽ có chuyến thăm của Thủ tướng nước ta đến Trung Quốc. Tình hình lúc ấy căng như dây đàn. Tòa trọng tài vừa ra phán quyết, mà nhìn chung Trung Quốc “trớt quớt” - nói theo kiểu Nam Bộ. Trung Quốc phản ứng quyết liệt và nhiều dự đoán Trung Quốc sẽ làm căng hơn. Thế nhưng chính trị là thế. Trung Quốc tính toán, đi một nước cờ “nguội”. Với Việt Nam, lùi một bước, lùi chiến thuật. Việt Nam là một trong hai trọng tâm của vấn đề biển Đông. Tổng thống Philippines đang toan tính “độc lập” hơn với Mỹ. Việt Nam thì tỏ ta “mềm”, không “lợi dụng” dịp đó - không “hạnh tai lạc họa”, nói như người Trung Quốc. Trung Quốc cũng ngăn không cho Việt Nam theo gương Philippines kiện Trung Quốc.
Chuyến đi của Thủ tướng bắt đầu từ hội chợ Nam Ninh, lên Bắc Kinh. 19 loạt đại bác, nghi thức cao nhất dành cho cấp Thủ tướng, duyệt binh, hội đàm, ra Thông cáo chung 15 điểm. 5 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, kể cả Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã đón, hội đàm, hội kiến. Tăng cường mọi mặt quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa… đó là lẽ thường. 9 thỏa thuận được ký. Kim ngạch buôn bán giữa hai bên sẽ tăng lên 100 tỉ USD ngay trong năm nay (Việt Nam vẫn phải còn nhập siêu). Việt Nam vay thêm 250 triệu USD để làm đường Cát Linh - Hà Đông… Nhắc lại những nguyên tắc đã thỏa thuận ở cấp cao về biển Đông, thực hiện DOC, tiến tới COC (Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông)… Đó là những nét chính. Quan trọng hơn nữa là chuyến tới Hồng Kông - đặc khu kinh tế, đầu não tài chính của Trung Quốc và thế giới. 10 tỉ USD của các thỏa thuận đầu tư được ký và Hồng Kông sẽ tăng đầu tư vào Việt Nam. Hồng Kông không phải chỉ là Hồng Kông, một nơi được hưởng quy chế “một nước hai chế độ”, có tính độc lập tương đối về kinh tế, tài chính mà còn là nơi hoạt động của các tập đoàn tài chính lớn của thế giới…
Chuyến đi thế là thắng lợi về nhiều mặt. Ta bao giờ cũng coi trọng ở tầm chiến lược quan hệ với Trung Quốc. Dù xảy ra chuyện gì, trước mắt phải hòa bình ổn định, phát triển…, giải quyết mọi tranh chấp mà không dùng vũ lực, chiến tranh. Với Việt Nam, đó là điều quan trọng nhất. Trước mắt, hẵng cứ thế đã. Mọi việc không đơn giản. Trung Quốc vẫn nói biển Đông là “lãnh thổ” của họ, là “tình cảm dân tộc” của họ. Nhưng hòa dịu rồi tính tiếp: tìm ra những phương án cả hai bên có thể chấp nhận được, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế không phải là 100% có lợi cho Việt Nam. Tuy nhiên, cái căn bản là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc không được thừa nhận. Đó là một bước quan trọng về pháp lý. Cả thế giới - trừ một số nước chịu sức ép của Trung Quốc - đều kêu gọi Trung Quốc thi hành nó. Trung Quốc trong việc này bị cô lập. Mỹ, Nhật, Ấn, Úc, EU… đều quan tâm biển Đông, quan tâm tự do hàng hải…, không thể để Trung Quốc độc chiếm biển, rồi làm luật chặn con đường huyết mạch này.
Trước mắt, Trung Quốc kéo được Nga vào cuộc. Ở Hội nghị G20 Hàng Châu, ông Putin đem sang một hộp kem Nga tặng ông Tập (vì biết ông Tập thích ăn loại kem này) - một cử chỉ bộc lộ tình cảm thân thiết. (Nhưng Trung Quốc đối với Obama thì không trải thảm đỏ, cho công an quát nạt tùy tùng của Obama: “Đây là đất nước của chúng tôi. Đây là sân bay của chúng tôi”… Obama phải nhịn, cũng như ông phải nhịn khi Tổng thống Philippines xúc phạm - chính trị là thế!). Thế rồi, ông Putin tuyên bố ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Tòa trọng tài. Ông nói: “Đây không phải vấn đề chính trị mà là vấn đề pháp lý”. Trung Quốc không có mặt ở Tòa, phán quyết vô hiệu! Rồi Nga và Trung tập trận (thường niên) ở biển Quảng Đông (Trạm Giang), tập trận “chiếm đảo”!
Việt Nam và Liên Xô và Nga… là anh em, quý nhau, tin nhau. Việt Nam mua 90% vũ khí phòng thủ từ Nga, có quan hệ “đối tác chiến lược” với Nga, có nhiều quan hệ kinh tế - văn hóa với Nga. Người Việt Nam cũng yêu quý nước Nga đã hy sinh 29 triệu người để diệt phát xít, cứu nhân loại… Ta phải giữ gìn tình đoàn kết với Nga. Có thể trong quan hệ hai nước có những trục trặc nào đó mà Việt Nam ở vào thế “kẹt”, không làm sao khác được. Chẳng hạn, Nga thu hồi Crưm, lãnh thổ của Nga do một quyết định của Đảng từ thời Khrushchev bắt nhập vào Ukraina. Việt Nam không thể làm như Trung Quốc, công khai ủng hộ. Rồi chuyện nhà máy điện hạt nhân do Nga cho vay xây dựng… Trong tình thế Nga đang bị cấm vận, bao vây, giá dầu sụt giảm chỉ bằng 1/3 khi trước, dự trữ ngoại tệ giảm ở mức thấp nhất (39 tỉ USD) và còn giảm nữa…, Trung Quốc là chỗ dựa duy nhất của Nga. Ông Putin buộc lòng nói thế để ủng hộ Trung Quốc. Chính trị là thế! Nhưng sự thật bao giờ cũng là sự thật. Sự thật là biển Đông là của Việt Nam. Một nhà văn nổi tiếng của Nga đã nói: “Sự thật còn cao hơn tất cả chúng ta, cao hơn cả nước Nga nữa!”. Đảng ông Putin đang được 52% phiếu bầu vào Duma quốc gia Nga, ông Putin trong tình hình muôn vàn khó khăn vẫn được 80% dân Nga ủng hộ, ông còn có thể làm Tổng thống sau 2018. Nhưng mọi triều đại rồi qua, sự thật bướng bỉnh còn lại.
Trung Quốc mà hành động như vậy, là vì cô lập Mỹ. Mỹ mới là “đối tác” của Trung Quốc ở biển Đông. Trung và Nga “hợp tung” cô lập Mỹ. Báo chí Nga ca bài ca Mỹ thất bại ở biển Đông. Và Mỹ đang ở tình thế sắp thay tổng thống. Obama không còn bao nhiêu ngày, quyết sách phải đợi tổng thống mới. Hillary Clinton “vấp ngã” về sức khỏe, nhưng theo chúng tôi, điều đó sẽ không làm thay đổi kết quả bầu cử tổng thống, dù trước mắt Donald Trump có vươn lên, có lợi thế chút đỉnh.
***
Campuchia đang căng thẳng vì đảng đối lập với ông Hun Sen đang tấn công ông, trước mùa bầu cử các hội đồng địa phương… Hun Sen đã điều cả quân đội về Phnom Penh và khoảng 40 nước tỏ ra lo ngại về tình hình căng thẳng ở đây - Ta chăm chú theo dõi tình hình Campuchia vì mối quan hệ chiến lược giữa hai nước, kể cả vấn đề biên giới, vấn đề người Việt sinh sống, làm ăn ở Campuchia, vấn đề Campuchia với Trung Quốc và ASEAN…
Cần nhớ lại trong chuyến thăm Singapore, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tuyên bố có thể xem xét lại nguyên tắc đồng thuận trong ASEAN. Rõ ràng nguyên tắc này là tốt, nhưng nhiều khi, nó sẽ gây cản ngại, đặc biệt là khi một nước bị sức ép từ nước khác. Dư luận cho rằng có thể thay đổi bằng nguyên tắc đa số - thiểu số; cũng có thể bằng lập ra nhóm nước liên hệ trực tiếp với biển Đông (Brunei, Philippines, Việt Nam, Indonesia, Singapore, Malaysia). Nhưng xem ra, tình hình diễn biến quá nhanh, hãy gác lại việc này để duy trì đoàn kết cái đã.
***
Ta hãy quay lại chuyện nhà của mình. Dù bên trên đang có chuyển biến thấy rõ, tình hình bên dưới, ở cơ sở… vẫn chưa làm an tâm… Không phải tất cả các nơi đều thế, nhưng việc chính quyền địa phương một số nơi “mượn” sổ đỏ, ăn chặn tiền được cấp của dân, thu nhiều loại phí vô lý…, tóm lại là mất dân chủ, mất lòng dân, làm người ta không thể nào có cảm tình với chính quyền. Hãy quan tâm tới cơ sở hơn nữa và phải đưa ra xử lý nghiêm trước pháp luật một số vụ để làm gương, chứ lâu nay có nơi trắng trợn, be bét… nhưng có ai bị xử lý đâu. Phê bình, cảnh cáo trong Đảng là việc nội bộ Đảng, đối với dân phải xử theo luật.
Câu chuyện các địa phương đã không “ăn nên làm ra”, phải nhận trợ cấp từ Trung ương, đời sống nhân dân còn nghèo, thì chi tiêu phải tiết kiệm đã đành. Nhưng ngay nơi khá, cũng không được xây dựng trụ sở tỉnh, huyện, xã tốn kém, lâu đài, máy lạnh, xa dân. Dân đến “công đường” của các “đầy tớ” mà thấy ông cán bộ ngồi ghế như ngồi trên ngai, thì phản cảm lắm. Hãy bớt xây, ngay cả các tượng đài, miếu mạo. Cái gì chưa thật cần thiết thì nên hoãn. Tốn kém lắm! Mà nhà trường, bệnh viện… còn nhiều nơi thiếu, cơ cực… Rồi bớt bớt các hội thảo vô bổ, bớt bớt các chuyến đi nước ngoài “học tập”! Hãy học tập trước tiên ở kỷ luật làm việc, năng suất lao động cao…
Và muốn tiến kịp nước có lao động năng suất cao như Singapore, Malaysia, Thái Lan… thì phải cấp bách cải cách giáo dục, làm cho chất lượng giáo dục là thực chất, không phải báo cáo thành tích… Trường ra trường, thầy ra thầy… mỗi một bước giáo dục nhích lên là đất nước nhích lên. Bộ máy giáo dục đang cố gắng, nhưng đây quyết không phải chỉ là chuyện của riêng ngành giáo dục mà làm được!
Chuyện du lịch cũng thế. Muốn nó trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn không khói, muốn tăng gấp đôi lượng khách đến du lịch, thì có biết bao chuyện phải làm. Chung quy cũng là chuyện con người, chuyện văn hóa trong du lịch. Để đường phố của chúng ta sáng sáng nhiều xác chuột, nhiều rác rưởi, nhiều bụi mù, nhiều “chặt chém”… thì còn ai đến nữa.
20-9-2016