HV108 - Việc lớn và dài lâu

1. Tôi hoan nghênh Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và GS Bùi Khánh Thế đặt ra công việc hết sức khẩn thiết là Luật Ngôn ngữ. Thời nay, tên lửa đạn đạo và Google xuyên qua mọi biên giới quốc gia dễ hơn đi chợ, vì chỉ cần ấn nút hoặc nháy chuột là... rồi! Vậy thì bảo vệ quốc gia bằng gì? Tất nhiên, chúng ta cũng chuẩn bị cho ấn nút và nhấp chuột. Nhưng giữ quốc gia bền vững phải là văn hóa. Ta từng bị hàng ngàn năm đô hộ, gần trăm năm là thuộc địa, nhưng, trong tâm thế của người Việt, chúng ta vẫn độc lập, cưỡng cự lại, không để bị tan loãng vào ngoại bang. Anh khỏe, anh vật tôi tạm ngã, nhưng bảo tôi thua anh thì không, dứt khoát không vì trong tâm can tôi vẫn còn văn hóa Việt để lật lại thế cờ. Chúng ta vẫn giữ được dưới chân tre, trong các làng xóm sự trong suốt của văn hóa Việt. Có lần anh Nguyễn Đình Thi dạy đám trẻ tập làm văn chúng tôi: Ta không mất nước, ta vẫn là ta vì cả ngàn năm ông cha xây lô cốt bảo vệ văn hóa Việt ở tất cả các làng xã. Ta giữ được văn hóa Việt vì thế, ta không chỉ không bị đồng hóa, mà ngược lại, ta đồng hóa văn hóa của kẻ xâm lược. Chữ viết là một ví dụ. Anh áp đặt lên tôi, vâng, tôi chỉ dùng chữ như những ký hiệu còn nói, phát âm cái chữ ấy theo kiểu của tôi, chữ Hán thành Hán-Việt rồi.

Cái lõi của văn hóa là ngôn ngữ. Có luật để bảo vệ ngôn ngữ có thể coi đó là chiến lược bảo vệ quốc gia.

Ngôn ngữ, đương nhiên ngày càng phát triển, bổ sung vào và đào thải đi kho tiếng nói, kho chữ. Mới đây thôi, bạn trẻ bổ sung vào ngôn ngữ: phượt. Và cũng ít ngày gần đây thôi các bạn trẻ lại thêm: xõa. Hình như phải nói phượt, nói xõa mới hết cái ý của chuyến đi lăn lóc thấm đẫm hết mình để khám phá. Rồi thời gian sàng lọc, những chữ trên có thể tồn tại, vào sách giáo khoa, cũng có thể biến mất.

Tôi có xem ở pho tuồng thầy nọ, có nhân vật là ông tướng, mặt đỏ phừng phừng, râu hùm hàm én hẳn hoi mắng một viên Đội dưới quyền là vo ve. Vo ve thì có gì xấu đâu nhỉ. Hỏi thầy tuồng thì mới biết, cái thời ấy, miền ấy coi hai tiếng vo ve là bọ nhặng. Bọ nhặng thì xấu chứ còn gì nữa. Nhưng rồi tiếng ấy không tồn tại, nay không ai dùng như thế nữa.

Một bộ luật để định vị về ngôn ngữ là cần thiết. Bởi, nhãn tiền rồi đó, nếu không có luật thì cùng một thế hệ như bố với con coi chừng không hiểu nhau. Thời của Internet đến mọi ngõ ngách, bọn trẻ bây giờ nói với nhau đâu chỉ bằng ngôn ngữ. Cách nhau vạn dặm, không cùng ngôn ngữ, thì nói bằng ký hiệu. Một cái mặt người cười, là vui, là đồng thuận. Một cái mặt người buồn, rơi nước mắt, là buồn, là chia sẻ phân ưu… Ngoài ra, cũng bọn trẻ, nói với nhau bằng một thứ ngôn ngữ “chat” mà phụ huynh không thể biết. Con trai tôi, kỹ sư thiết kế cầu hầm hẳn hoi, nói với thằng bạn, cùng ngành: “Cậu bị con Tư Huyền làm hư rồi”. Là con Tư Huyền nào vậy? Tôi hỏi nhà văn rất giỏi về công nghệ thông tin và hay chơi với bọn trẻ là Nguyễn Xuân Hưng: con Tư Huyền là gì? Anh bảo: “Tư là bốn. Bốn tiếng Anh là pho (four). Pho có dấu huyền là phò. Con Tư Huyền là con phò(1). Con phò thì anh biết đấy, không tử tế”. Nếu bọn trẻ quen với ngôn ngữ “chat” mà đưa vào đời sống thành thông dụng thì sao? Mới biết ngôn ngữ rất phức tạp, nếu không có luật, đố ai quản lý nổi, hiểu nổi.

2. Tôi có quen một vài anh bạn người dân tộc thiểu số. Khi nói với tôi, họ nói tiếng phổ thông. Nhưng khi đi tán gái, mà gái cũng đã học xong Đại học Tây Nguyên hẳn hoi, họ nói với nhau bằng tiếng dân tộc. Tôi hỏi, sao anh chị không nói tiếng Kinh. Anh bạn bảo, chúng tôi cùng là người dân tộc, phải nói tiếng dân tộc mới biểu lộ hết tâm tình của mình, ruột gan mình. Ơ kìa, một thứ tiếng mà nói ra mới bộc lộ hết ruột gan, tâm tình tinh tế khi tỏ tình thì phải là một thứ ngôn ngữ lớn của dân tộc, chứ không phải là ngôn ngữ bé?!

Nhân chuyện này, tôi mong, trước khi tiến tới Luật Ngôn ngữ, đề nghị các anh Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và GS Bùi Khánh Thế, trước hết chuẩn bị một bộ tổng thành về tiếng Việt. Tạm xin lỗi các dân tộc ít người như Cờ Ho, Pa Dí…, chúng ta tập trung sức làm về ngôn ngữ những dân tộc lớn trong đại gia đình dân tộc Việt Nam như Thái, Mường, Tày, Ê Đê, M’Nông, Ba Na và Kinh… Được biết các dân tộc mà tôi vừa nhắc trên hầu hết có ngôn ngữ và chữ viết riêng của họ. Nay ta tập hợp, biên tập, phiên âm ra tiếng phổ thông thật chuẩn xác, rồi in trong một bộ, để bảo tồn, giúp bạn đọc có điều kiện so sánh và sử dụng kho ngôn ngữ vô cùng lớn của nước Việt. Sau đó, chúng ta mới đi tới Luật Ngôn ngữ.

Tôi xin nói lại, Luật Ngôn ngữ là cần nhưng phải là một luật mở. Nó không giống như Luật Hình sự, nói đâu là đóng sống vào đó, bất di bất dịch, mà phải có độ mở để dung nạp cái mới. Chẳng hạn, Luật Ngôn ngữ nó không chỉ có một cách diễn đạt, một cách thể hiện. Có nhà văn viết một chữ đã đặt dấu chấm. Có nhà văn viết mấy chục trang mới có cái chấm. Trên tay tôi là bản dịch rất tuyệt vời của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Những đứa con của nửa đêm, của Salman Rushdie. Có nhiều chỗ ông viết câu ngắn vài chữ. Nhưng cũng có những câu trùng điệp nửa trang giấy mà người đọc vẫn hút hồn. Lại cũng câu ấy, do thái độ nói mà có thể hiểu khác nhau. Như nói vâng chẳng hạn. Vợ nói vâng một cách nhẹ nhàng, là tuân thủ, nghe lời một cách đồng thuận. Nhưng vợ mà cong môi lên, nói tiếng vâng dài ra… V..â..n..g, là phản kháng, cáu giận rồi đó, coi chừng mâm bát tanh bành như chơi! Ôi, tiếng Việt! Luật về ngôn ngữ phải mở vì vậy, để chấp nhận trạng thái tình cảm và diễn đạt sự phong phú của ngôn ngữ Việt.

 

_____

* Nhà văn, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật

(1) Gái “bán hoa”, gái “ăn sương”.

HÀ ĐÌNH CẨN*