Moskva! Trong cái thành phố đầy rẫy những chiếc xe hơi Mercedes, những tủ kính bày hàng sáng loáng lộng lẫy, đang say sưa tận hưởng tiền bạc và quyền lực - trong cái thành phố ấy thật khó, hay nói đúng hơn, không thể cảm nhận được sức hấp dẫn đã từng thu hút ba chị em(1) bị mỏi mệt bởi nỗi buồn chán ở một vùng heo hút nước Nga. Về cái thành phố Moskva này, họ dường như không mơ ước. Nhưng phải chăng bất cứ một niềm mơ ước nào cũng chỉ là ước mơ - là một cái gì không đạt tới được? Có lẽ hiện thực và những khái niệm về nó không phải bao giờ cũng trùng khớp với nhau? Chỉ mới đây thôi, hình như nước Nga bị lâm vào tình trạng đình trệ vô phương cứu chữa… Nhưng rồi những biến đổi kinh thiên động địa ở Moskva đã tránh cho người ta phải trả lời những câu hỏi như vậy.
Moskva! Mười hoặc mười hai triệu dân; những đại lộ rộng lớn như những xa lộ nườm nượp các loại xe hòm kềnh càng; một trong những thủ đô đắt đỏ nhất thế giới, nơi mà một tách cà phê giá những 8 euro; một cuộc diễu hành gần như thâu đêm suốt sáng của các cô nương diện áo lông rái cá và lông chồn nâu; những bà già rách rưới rao bán trên đường phố những đôi bít tất tay tự đan lấy; âm nhạc ầm ĩ khắp nơi, dường như mọi người vẫn chưa bị điếc tai bởi tiếng ồn của thành phố ngày đêm không bao giờ im ắng; một sự khao khát hoạt động không kìm chế được đã bác bỏ cái nhận định có tính chất khuôn sáo về thói biếng nhác của người Nga theo kiểu Oblomov(2); một thái độ ngông cuồng sẵn sàng khắc phục mọi trở lực, kể cả những trở lực về pháp luật, nhằm đạt tới mục đích đề ra - ở đây làm gì có tệ Oblomov cơ chứ! Nhưng đồng thời cái đó lại chẳng giống phương Tây một chút nào, cái phương Tây mà những kẻ bài xích nó hiện đang đem ra hù dọa những người yếu bóng vía ở Nga và kém định hướng trong tình hình mới. Thật ra, vẻ bề ngoài, có nhiều điểm giống nước Mỹ cách đây nửa thế kỷ. Nhưng phải chăng người nào cũng giấu sẵn trong mình một khẩu súng để nếu sa vào tình huống bế tắc thì đem ra sử dụng? Và phải chăng tất cả mọi người, thậm chí những người có nghị lực nhất và táo tợn nhất, sẵn sàng tận dụng cái phương thức tự khẳng định ấy?
Thật tình mà nói, tôi không có ý định tìm hiểu đầy đủ những vấn đề xã hội của nước Nga hiện nay trong toàn bộ sự phong phú đa dạng của chúng. Dẫn tôi tới đây là nỗi nhớ nhung lưu luyến về một nước Nga đã từng thâm nhập vào ý thức và tình cảm của tôi cùng với nền văn học Nga. Nền văn học này đối với tôi là liều thuốc giải độc khỏi những bái vật mới. Những cuộc cải tổ chính trị. Nền kinh tế thị trường. Những cải cách đang diễn ra khắp nơi và trong mọi lĩnh vực. Mấy từ này không thể thiếu vắng trong bất cứ bài báo nào. Không, không phải, đó là một nỗi nhớ nhung lưu luyến. Nó hãm lại thời gian, trấn an tinh thần, làm cho những cảm giác nhạy bén hơn. Hòa lẫn vào đám khách du lịch nước ngoài, tôi bước xuống một con tàu xinh xắn, đầy đủ tiện nghi, nối liền Moskva - Peterburg. Trước mắt là một quãng đường cho phép ta không chỉ thưởng ngoạn vẻ đẹp của thiên nhiên và của nền kiến trúc Nga thời Trung cổ, mà còn lướt qua trong tâm trí những trang sử của nước Nga. Chúng tôi đã may mắn được nhìn thấy một góc, tuy bé nhỏ, của nước Nga với tất cả vẻ kiều diễm nguyên sơ chưa tàn phai của nó.
Sông Volga! Một dòng sông huyền thoại thực thụ với tất cả vẻ hiện thực không thấu hiểu nổi của nó, từng khích lệ các nhà văn và các nghệ sĩ ưu tú nhất của nước Nga. Chekhov và Gorki luôn ở bên tôi; dọc đường đi, tôi lúc thì giở một tập sách này lúc thì giở một tập sách khác, dùng nó để kiểm tra hoàn toàn không phải sự chính xác của các phong cảnh mà họ đã nhìn thấy và mô tả, mà là một cái gì lớn hơn nhiều: cảm nhận về nước Nga. Tôi muốn tự mình cảm nhận được cái mà các nhân vật của hai nhà văn trên đã trải nghiệm; đối với họ, đôi bờ sông Volga và những khoảng không bao la của nước Nga không phải là cái lạ lẫm có sức mê hoặc người ngoại quốc mà là cội nguồn, là bản thể, là đời sống hàng ngày của họ. Là cuộc sống mà nếu thiếu nó thì họ không hiểu được chính bản thân mình.
Cần quái gì những cuốn sách hướng dẫn du lịch - tôi muốn bảo các du khách đang chớp mắt kinh ngạc để cố tìm trên bờ sông những công trình được ghi trong sách cẩm nang! Hãy mang theo mình Chekhov và Gorki và nhờ sự giúp đỡ của họ để hiểu được cái xứ sở kỳ lạ ấy vốn đầy vẻ quyến rũ không giải thích nổi và đầy những sự tương phản đáng ngạc nhiên về mặt xã hội - lịch sử… Nước Nga của những cánh tay vấy bùn và những bộ y phục trắng như tuyết, đó là một không gian kỳ vĩ mà nếu như có thể tiếp giáp với một cái gì đó thì, nói như nữ thi sĩ Rilke(3), họa chăng là với Thượng đế…
Thượng đế đã cứu rỗi nước Nga, chí ít là bằng cách không để cho hủy diệt tất cả các tu viện, nơi mà đức tin có thể ẩn náu tránh khỏi tai họa trong thời kỳ lộng hành tàn bạo nhất. Vị tất tôi sẽ là người lập dị khi nói rằng những tàn tích của cái gác chuông kiểu ba rốc với vẻ đẹp phi thường - tất cả những gì còn sót lại của tòa thánh đường và cái thị trấn đã chìm sâu dưới làn nước của cái hồ nhân tạo được đào bởi bàn tay những phạm nhân cải tạo lao động - đã gây cho tôi ấn tượng mạnh mẽ như thế nào. Tôi nhìn thấy ở đây một biểu tượng có ý nghĩa sâu sắc: tinh thần Nga, bản lĩnh Nga. Vẻ đẹp Nga không thể bị dìm chết, cho dù “những nhà cải tạo” có ráng sức đến mấy đi nữa.
Liệu có cần thiết phải liệt kê tất cả những thành phố đẹp mê hồn mà chúng tôi đã ghé thăm - Uglich, Jaroslav, Kirillov v.v…? Các bạn sẽ tìm thấy chúng trong bất kỳ cuốn sách hướng dẫn du lịch nào. Liệu có cần thiết phải nhắc lại hàng triệu lần rằng cái hồ Onezhshoe có sức làm ta say đắm đến thế và hòn đảo Kizhi nổi tiếng khắp thế giới lại tuyệt vời như vậy? Cái đập vào mắt tôi là những thành phố mà chúng tôi ghé thăm, không chỉ hấp dẫn bằng vẻ đẹp của quá khứ được hồi sinh. Trong những thành phố ấy đang sôi sục cuộc sống hiện đại mà nhịp đập không mảy may thua kém nhịp đập cuộc sống thủ đô. Và chưa biết chừng, ba chị em không đến nỗi hăng hái lao đến Moskva như những bậc tiền bối của họ. Bây giờ họ có chỗ để bộc lộ năng khiếu của mình ngay ở chốn tỉnh lẻ vốn đã bừng tỉnh và ý thức được sức mạnh của nó. Người ta nói rằng chỉ có ở Moskva chứ không ở đâu khác mới sực nức hơi tiền. Có thể là như vậy. Song chẳng lẽ con người chỉ sống bằng tiền bạc hay sao?
Ở Kizhi, tôi gặp một mục sư nói tiếng Pháp rất thạo: ông ta là con một Nga kiều. Trong khi chúng tôi trò chuyện với cha Nikolai thì cô con gái bảy tuổi của ông nô đùa trên bờ sông, còn những học trò của ông đang luyện tập thể thao. Vừa mời chúng tôi uống trà và kể về cuộc đời mình, ông vừa để mắt tới đám môn sinh và cô con gái vốn dường như cảm thấy mình là một nữ chủ nhân có đầy đủ thẩm quyền trên hòn đảo nhỏ. Trong lúc lắng nghe câu chuyện của đức cha Nikolai và dự buổi hành lễ tại thánh đường, tôi luôn luôn hồi tưởng lại trong tâm trí những tác phẩm của Dostoievski: ngay cả ở giai đoạn này trong chuyến du hành của chúng tôi, lại có thêm một thiên tài văn học Nga nữa đã thay thế cuốn sách hướng dẫn du lịch cho tôi.
Cuối cùng là Sankt-Peterburg, thành phố đích thực của Fedor Dostoievski. Nó được lau chùi, cọ rửa, tô điểm chí ít là ở khu trung tâm, đến nỗi phải nắm thật vững địa hình của nó để có thể tìm thấy được, như di vật thiêng liêng, những ngôi nhà cổ sâu hun hút, tối om, nơi đã diễn ra cuộc đời các nhân vật của nhà đại văn hào. Chúng tôi không đi được theo những lối mòn của Raskolnikov(4) bởi lẽ sự lộng lẫy của thành phố hiện đại đã chiếu sáng và làm tiêu tan bóng tối rùng rợn của những chiếc cổng trước đây. Nhưng dầu sao thì so với Moskva, Peterburg rõ ràng mang tính chất tỉnh lẻ. Một dáng vẻ quyến rũ ngậm ngùi, một khoảnh khắc thời gian ngưng đọng bao trùm lên dải bờ sông Neva. Thật kỳ lạ, chính ở đây tôi đã cảm nhận được nỗi buồn xốn xang của Chekhov với tất cả mức độ sâu lắng thấm thía của nó, mặc dầu chính Peterburg, xét về thực chất, là sự đối nghịch với Chekhov vốn không ưa nó, rất ít khi đặt chân tới đây và không bao giờ bị xâm chiếm bởi huyền thoại của nó. Cho đến nay, hướng dẫn viên du lịch vẫn là những tác phẩm của Pushkin, Gogol, Dostoievski, Akhmatova, Blok, Mandelstam, Nabokov…
Bạn định đến nước Nga à? Bạn là một trí thức ư? Bạn muốn thấu hiểu cố đô Peterburg? Trước tiên xin hãy đọc những nhà văn đó và mang họ đi theo mình. Cũng như đọc và mang theo Chekhov để nắm được cái hồn của Moskva. Còn nếu bạn thấy cần có sự so sánh gần gũi hơn, dễ hiểu hơn, song, lẽ tất nhiên, mang tính chất rất ước lệ và áng chừng, thì có thể nói như thế này: thành phố Moskva nhộn nhịp huyên náo bắt đầu càng ngày càng giống với Milan, trong khi Peterburg thì vẫn giữ được nét vàng son rực rỡ và vẻ uy nghiêm nhàn tản của Roma.
LÊ SƠN giới thiệu và dịch
(Theo báo Literaturnaja Gazeta)
_____
(1) Ba nhân vật trong vở kịch Ba chị em của nhà văn Nga A.Chekhov (L.S.)
(2) Nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nga I. Goncharov (L.S.)
(3) Nữ thi sĩ Áo đã đến nước Nga hai lần vào năm 1899 và 1900 (L.S.)
(4) Nhân vật chính trong tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt của Dostoievski.