HV109 - Cảo thơm lần giở: Kenzaburo Oé nghĩ gì?

Kenzaburo Oé (sinh năm 1935) là nhà văn Nhật được giải thưởng Nobel năm 1994. Tôi nhớ mãi một truyện ngắn của ông về tù binh Mỹ trong thế chiến II, chuyện xảy ra ở một làng quê hẻo lánh miền núi tại Nhật. Nhân dân hầu như không biết có chiến tranh. Một hôm, một máy bay Mỹ bị bắn rơi, hai phi công chết, chỉ còn một phi công da đen sống sót. Anh ta được hai cha con một người thợ săn đem về nuôi ở trong hầm nhà. Dần dần, người con 6, 7 tuổi đánh bạn với anh ta; dân làng thấy anh ta hiền lành, sống tự do và đối đãi với anh ta tử tế. Nhưng rồi anh ta biết tin sẽ bị giải lên tỉnh. Lo sợ sẽ bị giết, anh ta nổi khùng, kéo đứa trẻ vào hầm, chốt cửa lại và trói đứa trẻ làm con tin. Người thợ săn cùng dân làng phá cửa để cứu đứa bé. Bố đứa trẻ cầm rìu chém chết người tù binh nhưng đồng thời cũng lỡ chém đứt một ngón tay của con trai.

Câu chuyện gây một ấn tượng rất sâu sắc đối với tôi. Nội dung chuyện có một ý nghĩa nhân văn: nó nói lên sự tàn khốc dã man của chiến tranh, nó khiến cả hai phe là dân lành mà thành tàn nhẫn.

Kenzaburo Oé học văn học Pháp và lúc đầu chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh Pháp. Phong cách của ông được đặc trưng bởi biểu tượng, óc tưởng tượng mộng ảo, đi với chủ nghĩa tự nhiên, tâm lý phức hợp, sự uyên bác về lịch sử và chính trị, sự gợi tình dục, sắc thái đen tối và tàn nhẫn. Nhà văn Mỹ Henry Miller đánh giá ông: “Mặc dù hoàn toàn có tính cách Nhật, Kenzaburo Oé với những biến tấu vô biên của hy vọng và tuyệt vọng trong tác phẩm, hình như thuộc dòng Dostoievski”. Sáng tác của Kenzaburo Oé gồm truyện và tiểu thuyết: Trò chơi của thế kỷ (năm 1967, phần nào tự truyện, phác họa bức tranh nước Nhật trong 100 năm từ năm 1860, qua những cuộc nông dân nổi dậy, biểu tình sinh viên, quân phiệt hóa và phi quân phiệt hóa, quan hệ với Mỹ), Hãy bảo chúng tôi cách tồn tại với sự điên rồ của chúng tôi (1969), Ngày mai anh hạ cố lau nước mắt của tôi (1971), Làm thế nào giết một cái cây (1984).

Sau đây là một số suy nghĩ của Kenzaburo Oé:

+ Nếu thế giới âm có thật, thì những linh hồn người chết ở đó vĩnh viễn, với tất cả những ký ức - vào giây phút cuối cùng của họ. Nhưng linh hồn một hài nhi chẳng biết gì hết, thì ở tình trạng thế nào? Linh hồn ấy sẽ tồn tại với loại ký ức gì?

+ Giao lưu cùng một người mà ta khinh bỉ thì cũng làm ta yên tâm hơn là cô đơn, chừng nào mà lòng tự hào của ta không bị tổn thương. Y như tình trạng ta uống rượu kém phẩm chất cho say để tránh cảm giác bứt rứt lo âu.

+ Cái chết đối với tôi có nghĩa là sự vắng mặt trong 100 năm, trong nhiều thế kỷ, trong một tương lai xa xăm.

+ Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, mối cản trở làm tổn thương thể xác và tâm hồn chúng ta, mà chúng ta phải chấp nhận; mối cản trở đó cứ liên tiếp diễn ra mà chúng ta không có cách nào khác là phải đối đầu với chúng. Bị ăn đòn, ngã lộn nhào xuống một ao máu, đó là thân phận chung của chúng ta.

+ Y như một trận đại hồng thủy triền miên, chiến tranh phá hủy những nếp tình cảm con người, những góc cạnh nhỏ nhất của thể xác, rừng rú, đường phố, bầu trời - một sự điên rồ chung.

+ Cây cối như là những hứa hẹn cuộc sống tương lai. Không có cây cối thì sẽ không có tương lai.

+ Vì sợ những người chết lại tái sinh, nên xa xưa, những người Nhật kẹp chặt bằng ván gỗ hai chân những xác chết, rồi buộc chặt và đặt trên đó một phiến đá nặng.

+ Đối với những người vẫn tiếp tục sống ở Hiroshima thì không được im lặng về tấn đại bi kịch ấy của lịch sử loài người, chớ ném nó vào sự lãng quên, mà trái lại, phải nói đến nó, nghiên cứu nó, ghi nó lại. Tất cả những cái đó là một công việc nặng nề, đòi hỏi những cố gắng siêu phàm. Những người không sống ở Hiroshima thì không có khả năng đánh giá đúng tất cả những tình cảm và nhất là sự kinh tởm cần phải vượt qua để làm được cái đó.

HỮU NGỌC