HV109 - Cuống rún

Khi xa nhà, em gái thứ mười của chúng tôi, trong bức thư gởi về má, có đoạn như sau:

“…Má không thắc mắc hay tìm hiểu ý nghĩa cuộc đời, nhưng má đã thể hiện cách sống vô cùng ý nghĩa, má cũng không thuộc giáo điều của bất cứ tôn giáo nào, vậy mà má không ngần ngại trước mọi hành động đạo đức. Con không có đạo nên người nào tốt là con kính yêu, tin tưởng, là thượng đế của con. Má là thượng đế thứ nhứt. Vậy thì má là nhà trí thức, vừa là triết gia vừa là thượng đế của con. Càng nghĩ đến má bao nhiêu con càng nghĩ má là… má là… má là tất cả của con…”.

Má của chúng tôi! Má leo lên 6 tầng lầu của chung cư để thăm con gái, con rể và các cháu. Má ví từ lầu 1 là Cà Mau, tới lầu 6 là Sài Gòn. Đứng ngoài “cửa Sài Gòn”, chờ tim bớt đập, má mới gõ cửa gọi con, để cho các con nhìn má đang cười khỏe re, hai tay xách lỉnh kỉnh dưa đầu heo, tôm càng kho tàu, bánh ít nhưn dừa nhưn đậu, đồ gạt tàn thuốc, kiếng lúp để đọc nhựt trình…

Lần gần nhứt, trước khi má tôi không còn đến thăm vợ chồng con Năm bằng lộ trình tưởng tượng từ Cà Mau lên Sài Gòn. Má đưa cho tôi một gói nhỏ, gói trong chiếc khăn lụa vàng, ngoài có bọc cái lưới bao đầu tóc. Thấy tôi rụt rè không dám cầm, má nói không phải vàng bạc, hột xoàn đâu con, mà còn hơn mấy thứ đó nữa. Má cẩn thận tháo cái lưới bao đầu tóc, có những gói nhỏ:

- Giao cho con giữ tám cuống rún của tám anh em con. Má cất hoài, chờ yên giặc, mấy con đoàn tụ, má đốt mấy cuống rún, lóng nước trong cho mấy con uống, đặng mà hiểu đây là cùng chung cốt nhục. Bây giờ yên giặc rồi, mấy con còn mỗi người mỗi ngả. Thôi, con Năm giữ đi, má giao lại cho con.

Tôi giữ tám cuống rún: tuổi Tý, tuổi Dần, tuổi Thìn, tuổi Ngọ, tuổi Mùi, rồi tuổi Dần, tuổi Thìn, và em gái Út, mỗi gói má đều ghi tên con của má.

Tuy má tôi không thực hiện được ước muốn, nhưng mỗi khi nhớ ba tôi, hình như ba tôi cũng mong chúng tôi như sự mong ước của má tôi. Ba tôi có một kiểu cười riêng cho mỗi đứa, kiểu cười như không có gì bất bình, trách móc mà như ba đang làm “phép lành” cho mỗi đứa (tôi chưa thấy ông cố đạo làm phép lành cho con chiên nhưng tôi nghĩ như vậy).

Ngày giải phóng, tôi gặp ba lần đầu. Ba hiền từ quá thể, ba hỏi: “Bộ bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng dạy con làm thơ hả con, bộ con biết làm thơ hả con?” (Ba tôi nhắc bác sĩ Hưởng là vì anh em tôi trốn nhà đều vô rừng U Minh xây ngành Y tế Nam Bộ, do bác sĩ dẫn dắt).

Nghe ba hỏi, con biết làm thơ hả, tôi bỗng dạn dĩ trả lời ba: “Trăm bài có lẽ được đôi câu mà ba!”. Đó là câu thơ của bài thơ gì mà hồi nhỏ tôi nghe ba ngâm nga mỗi khi ba ngà ngà say.

Ôi, lần đầu tiên hai cha con tôi cùng cười. Ba tôi cao hứng ngâm lại bài thơ:

Nghĩ mình sức học có chi đâu

Mà cũng đèo bòng nhả ngọc châu…

Ba nói “miễn trong các con không có đứa nào làm bậy”. Lúc đó cha con tôi đâu có biết rằng má tôi cất giữ TÁM CUỐNG RÚN của tám anh em tôi, với mong mỏi tình cốt nhục biết thương nhau - xứng đáng là con của má.

Nhà thơ LÊ GIANG