HV109 - Made in… Vũ - Sài Gòn (Tiếp theo kỳ trước)

Xây tổ ấm

Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris được ký kết. Ngày 2-2-1973, chúng tôi chuyển từ căn cứ ở Đầm Be, tỉnh Kampông Chàm, Campuchia về biên giới Tây Ninh, gần Lò Gò - Xa Mát. Đêm hôm đó, chúng tôi đón giao thừa trong một phố xá đổ nát. Đến căn cứ mới nhằm mùng một Tết Quý Sửu. Tôi chọn một góc rừng và bắt tay cất nhà ngay.

Sau khi phác thảo bản thiết kế ngôi nhà, tôi ra bìa trảng đốn một khúc cây to đùng, có đường kính 25cm, chiều dài hơn 10m. Khúc cây này phải ba bốn người khiêng vác mới xuể. Nhưng tôi thích làm mình ên. Tôi lấy sợi dây dù buộc một đầu khúc cây, rồi để nó nằm giữa háng, một vai quàng qua dây dù, và ra sức nhích dần, nhích dần… Khúc cây này dùng chắn ngang “mặt tiền” làm nền nhà, tránh sụt lở đất. Giữa nhà tôi đào một cái hầm, lấy đất đắp nền nhà. Bỏ sức gia cố nắp hầm và miệng hầm. Vào rừng, tôi chọn những cây tai nghé về làm cột, làm kèo. Phải róc vỏ cây tai nghé rồi sơn dầu trong (lấy trong các bọng những cây dầu cổ thụ) để chống mối ăn.

Tôi ra rìa trảng, chặt đem về hàng chục cây sặt để vừa làm giường ngủ vừa đan thành những tấm phên làm khung sườn cho 3 tấm vách. Nhổ cỏ chỉ ngoài trảng đem về trộn với đất gò mối mới đùn. Nhồi hai vật liệu này với nước thành một loại vữa, rồi trát lên những ô vuông của tấm phên cây sặt. Ba tấm vách tường nhà của chúng tôi láng ót, ngồi tựa lưng vào không hề dính bẩn.

Muốn lợp mái bằng lá trung quân thì phải tốn nhiều sức lực của nhiều người, nên tôi lợp bằng những tấm ni lông. Muốn đi bứt dây mây rắc (nhỏ bằng đầu đũa) thì phải biết cách. Trước hết, dùng dao mở một lõm nhỏ rồi chui vô tận gốc, chặt đứt gốc có hàng chục sợi mây và kéo ngược ra ngoài. Cái trò này đành phải chịu sát thương: vành tai và má bị gai quào xước, có khi chùm tóc cũng bay đi mất! Mây rắc được đan thành những bức rèm che cửa sổ và mái hiên, số còn lại đan giỏ đựng trứng gà hoặc làm cái mủng cho gà ấp.

Nhân một chuyến công tác, đạp xe ngang qua chiến trường cũ thị trấn Mê-Mốt, tôi “hôi” ba tấm gạch bông màu đỏ trong một ngôi nhà đổ nát, chở về làm ba chiếc ghế đẩu ngồi nhâm nhi trà “Con khỉ”. Tôi chọn những thân cây sầm có dáng hình uốn éo để làm chân ghế. Cái bếp lò của chúng tôi cũng khá độc đáo. Cái bếp bằng khung gỗ có bốn chân. Đáy lò là một tấm tôn có đục nhiều lỗ như tổ ong. Bếp lò phải có độ nghiêng từ miệng lò cho tới ống khói để ngọn lửa có thể lùa lên. Nấu một lúc được nồi cơm, nồi canh và hăng gô nước nóng. Phải đạt yêu cầu là không có khói và ít hao củi. Khi có tiếng máy bay thì đóng cửa bếp lò lại. Nếu muốn di chuyển thì chỉ cần hai người khiêng.

Đêm ở rừng, hễ nghe tiếng máy bay thì các “túp lều” tắt đèn ngay tắp lự. Máy bay bay qua rồi thì thắp đèn lên, nhưng có lúc bị trục trặc, mò hoài mà không tìm thấy bật lửa, thật phiền phức quá. Tôi bèn làm cây đèn dầu có độ ánh sáng trắng như đèn măng sông thứ thiệt. Ống khói làm bằng lọ thuốc péniciline được mài mỏng đít, rồi nối thêm một cái ống khói chừng hai tấc bằng vỏ lon sữa bò hiệu “Con chim”. Có đòn xeo khi điều khiển gạt nó xuống thì nó đẩy cái ống nhỏ nhô lên che tim ngọn đèn nhỏ bằng hột bắp. Máy bay qua rồi thì ta gạt đòn xeo về vị trí cũ, ngọn đèn lại sáng trắng như trước, khỏi phải tắt mất công.

Tôi làm cái chuồng gà giống như nhà sàn Tây Nguyên. Chạng vạng, chờ hàng chục con gà leo lên chuồng, tôi mới rút cái thang để đề phòng những tên “đạo chích” săn mồi là chồn đèn, chồn mướp, chồn hương. Trứng gà đẻ thì đựng đầy ắp trong thùng đại liên. Vài con gà mái đang ấp trứng hoặc xuống ổ. Những con gà mẹ đang dắt bầy con đi kiếm ăn, hễ nghe tiếng máy bay, nghe tiếng bom nổ ngoài trảng, hoặc có con diều hâu bay liệng trên vòm cây thì gà mẹ liền kêu báo động. Bầy gà con nhanh chóng tản ra, mỗi con chui núp dưới những chiếc lá khô, rồi ló cái đầu nhỏ xíu ra nghe ngóng. Khi nào gà mẹ phát tín hiệu an toàn, kêu túc túc thì chúng mới chạy ùa ra, vây quanh gà mẹ tung tăng chập chững bay nhảy.

Tôi đạp xe ra chợ Xê-Tung mua hai chục trứng vịt đem về cho gà mẹ ấp. Bầy vịt con lông vàng hoe trông rất dễ thương. Mỗi lần tôi đến làm việc ở trại sáng tác thì chúng hăm hở chạy theo và nằm chơi chờ tôi giảng bài xong thì theo về.

Bầy ong ruồi làm tổ trong cái gò mối bên cạnh nhà. Chúng lấy dầu chai về làm cái vòi trên miệng ổ để tôi hằng ngày ngắt một khúc nhúm lửa. Bầy vịt quá lém lỉnh, chúng leo lên gò mối, rình rập chờ những con ong đi tìm mật bay đi bay về, chúng tranh giành nhau táp lia lịa. Chúng thường hay xuống nhà bếp tập thể kiếm ăn. Trưa không thấy chúng về thì y như rằng ở dưới nhà bếp đang mổ bò, mổ trâu. Dường như vịt ở rừng sợ… ma nên mỗi đêm chúng vô ngủ trên nền nhà, lại có con quýnh quáng đẻ trên chiếc dép râu của tôi một cái trứng so…

Rồi có một hôm, cơ quan ngỏ ý “mượn” hai con vịt để nấu cháo đãi anh em văn nghệ quân đội qua làm việc. Nói “mượn” cho có vẻ lịch sự, chứ biết trước là “không có khả năng chi trả”! Bấy giờ, khắp Tiểu ban Văn nghệ phải ăn độn bột mì, đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ. “Gia đình” tôi không ăn cơm ở nhà bếp tập thể, được lãnh phần tự lo nấu ăn. Bột mì cứ nhồi với nước rồi nắn từng cục đem luộc, ăn với món đậu xanh kho tiêu, canh đậu đỏ và tráng miệng chè đậu đen. Vì vậy, cái bụng mọi người đều bị sôi sùng sục. Đi đứng, ngồi họp, nằm võng, nhảy múa, ca hát, thổi kèn, đá banh… không nén được thì sẽ phát “nổ” râm ran. Vì là phong trào cùng “nổ” nên chẳng có ai mắc cỡ hết. Vả lại chỉ có tiếng mà chẳng có mùi gì ráo.

Không lẽ chịu ăn bột mì luộc hoài, tôi đạp xe ra Xóm Giữa mua bột nổi nhồi với bột mì làm bánh bao, bánh mì. Lấy lòng đỏ trứng gà trét xung quanh từng cái bánh mì, rồi xếp từng chiếc bánh trong nồi nhôm, đặt giữa đám than hồng để nướng. Khi nào đống than tàn thì lấy bánh ra. Nó thơm ngon, nở nang như bánh mì Chợ Cũ Sài Gòn.

Tội gì mà không làm bánh bông lan. Ngán ăn đậu thì làm giá ăn sống hoặc làm nhưn bánh xèo.

Còn mấy cha đực rựa Đoàn ca múa Giải phóng, tới phiên làm anh nuôi, sau khi hấp chín những cục bột mì rồi đem sắp hàng dọc hàng ngang trên mặt bàn. Trước mỗi cục bột mì đều có cắm những “tấm bia” đề tên: Thái Ly, Thanh Trúc, Đinh Sơn, Kỳ Lân, Dư An, Tô Lan Phương, Việt Cường, Duy Nải, Kpa Ylăng, Phi Yến, Thế Viên, Trần Mùi, Minh Nguyệt, Hoàng Thọ, Đào Thi, Quang Diêu… Hết giờ tập, ai thấy “bia mộ” của mình thì bóc ra, ngồi đâu đó vừa thưởng thức vừa tưởng tượng những “tấm bia” mà ớn lạnh!

Khách đến “biệt thự” Lư Nhất Vũ – Lê Giang đều dừng chân chiêm ngưỡng vườn hoa phong lan lúc nào cũng thoang thoảng hương thơm quyến rũ, cùng với dáng vóc sắc màu lạ lẫm. Nào là đai châu, ngọc điểm, bạch hạc, long tu, trường kiếm, đoản kiếm.

Chùm phong lan thường bám trên cành cây cổ thụ. Giữa cánh rừng nhiều tầng, cành lá um tùm, dây rừng chằng chịt mà phát hiện được chùm phong lan ắt phải có cơ duyên và tay nghề. Gốc cây cổ thụ chừng hai ba người ôm không hết thì làm cách nào leo lên thỉnh chùm phong lan đem về chiêm ngưỡng? Tôi đốn một cây nhỏ có nhiều nhánh, chặt bớt cành, làm cái thang rồi gác lên chảng ba cây cổ thụ, trèo lên. Leo lên một chảng ba nữa thì chùm phong lan đã trong tầm tay. Tôi hồi hộp gỡ nhè nhẹ rồi buộc dây dù thòng từ từ xuống mặt đất, không cho rơi rụng những nụ hoa và rễ.

Tết đến, xung quanh “tổ ấm” của chúng tôi là cả một rừng mai vàng tươi rực rỡ. Cứ mỗi ngày chặt vài cây đem vô cắm giữa sân mà thưởng ngoạn, chẳng tốn một xu ten nào hết.

Làm nghề cá

Những năm ở Đoàn ca múa miền Nam trong Khu văn công Cầu Giấy, là thời thắt lưng buộc bụng, nên những bữa cơm tập thể đều phải độn ngô (bắp), ăn cùng với canh bí đỏ (còn gọi bí ngô, bí rợ). Thi thoảng mới có thịt kho, cá kho. Đoàn có một cái mương chừng 50m. Hai, ba tháng tát nước bắt cá để cải thiện đời sống. Bên cạnh miếng đất của đoàn ở, có một cái ao của hợp tác xã nuôi cá mè, cá chép, cá trắm. Tối tối, anh em bên Đoàn ca múa Trung ương qua câu trộm bị bà Tiên, chủ nhân ao cá, chửi rủa có ca có kệ, còn hăm dọa lần sau tái phạm “bà cho xơi… tiết canh”!

Tôi đào đất làm cái đìa nhỏ cách cái ao chừng 1m và khai một cái rãnh nối liền cái đìa với cái ao của hợp tác xã. Đặt một cái lọp cho cá vào mà không trở ra được. Rồi rải từng cục cám rang trộn với đất thịt. Chiều chiều thì tôi tát đìa, bắt nào cá sặc bướm, cá rô, cá quả. Đây là những loại cá không có ai nuôi nên không sợ bị chửi bới. Bữa cơm của chúng tôi bao giờ cũng có canh chua và cá kho sả ớt. Thành viên của mâm cơm gồm: nhạc sĩ Văn Lưu, Triều Dâng, ca sĩ Mỹ An, Thư Hương và Lư Nhất Vũ. Cho đến khi Đoàn ca múa miền Nam sơ tán về Bắc Giang thì tôi lấp cái đìa bẫy cá trước khi bị phát hiện.

Tháng 5 năm 1974, vợ chồng tôi hành quân về miền Tây Nam Bộ. Từ đất Tây Ninh, chúng tôi men theo biên giới, qua đồng “Chó Ngáp”, vượt sông Tiền và sông Hậu rồi lội qua kinh Vĩnh Tế. Chúng tôi lại lội trắng đêm giữa đồng tràm Châu Hà. Sau ba tháng rưỡi hành quân, chúng tôi đặt chân trên chót mũi Cà Mau. Chúng tôi đến xóm Bàu Dừa, nơi Đoàn ca múa Cà Mau đóng quân. Và hứa hẹn sẽ viết nhạc cảnh Hòn Khoai, nói về sự tích Phan Ngọc Hiển cùng các đồng chí của mình ra chiếm lại Hòn Khoai trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940.

Trước khi khai bút, tôi tập giăng câu, lưới cá. Tôi bám theo mấy ông thợ câu học bài vỡ lòng. Muốn bắt cá lóc, cá dày thì giăng lưới ở đâu. Muốn bắt cá trê vàng thì hãy chờ chạng vạng. Muốn đặt trúm bắt lươn thì phải dùng mồi gì. Muốn lưới cá thác lác thì phải thức suốt đêm trăng sáng. Muốn đón lõng rắn hổ đất phải giăng lưới cách mặt nước chừng mười phân. Muốn chống bù mắt cắn phải bưng bếp lò đặt lên mũi xuồng mà xông khói. Cứ mỗi buổi chiều, tôi bơi xuồng đi cắm lưới. Đây là loại lưới bén dài chừng 7m, được buộc vào hai cây sậy cắm xuống đáy nước. Tối tối vừa sáng tác vừa thăm lưới vài lần. Mỗi lần cuộn lưới lên bao giờ cũng đầy nhóc cá. Nhiều nhất là cá rô biển lớn bằng cái dĩa, nhỏ cũng bằng bàn tay. Khi nào trúng mánh thì được vài con cá dày và chục cá trê vàng. Cá dày nướng trui cuốn bánh tráng mà bộ đồ lòng thì ngon hết sảy. Cá trê vàng cũng nướng trui, kho tiêu, nấu canh chua với trái giác hoặc chiên dằm với nước mắm gừng. Tôi còn làm khô gởi ra chợ Cà Mau, biếu ông già vợ lai rai nhâm nhi đỡ nhớ con gái và chàng rể thứ năm.

Những đêm trăng giăng lưới bắt từng bầy cá thác lác. Ngồi gỡ từng con bỏ trong xuồng, lại phải chiến đấu với lũ bù mắt, nhưng không tránh khỏi mí mắt, môi miệng bị sưng vù, ngứa ngáy khó chịu.

Có một lần, trời vừa hừng đông, tôi bơi xuồng đi thăm lưới nhưng chẳng thấy lưới đâu. Chỉ thấy hai cây sậy ở hai đầu bị oằn xuống, rung rinh, động đậy. Tôi liền cầm cái dầm rà xuống nước để vớt lưới lên. Ôi, chu choa! Một con rắn hổ đất đang bị cuộn tròn trong lưới, lại còn ló cái đầu đe dọa.

Tôi đem con rắn hổ đất cho Đoàn ca múa Cà Mau nấu cháo với đậu xanh, liên hoan ăn mừng nhạc cảnh Hòn Khoai tổng duyệt thành công. Mấy cháu sắp lên đường lưu diễn phục vụ chiến dịch. Vợ chồng chúng tôi tạm biệt bà con ở Bàu Dừa để về Tiểu ban Văn nghệ Tây Nam Bộ, góp phần xây dựng chiến dịch cho Đoàn ca múa lên đường hướng về Cần Thơ. Và tôi cũng đã giải nghệ nghề đánh cá, trở lại cái sở trường là nghề viết nhạc.

Nhạc sĩ LƯ NHẤT VŨ