Hội nghị Trung ương 4 kết thúc và ra Nghị quyết có nhiều vấn đề cực kỳ quan trọng. Không nói vấn đề mô hình tăng trưởng kinh tế, từ chiều rộng sang chiều sâu, vấn đề chỉnh đốn Đảng được đặt ra khẩn thiết.
Khẩn thiết là do chính tình hình thực tế. Đây là việc nghiêm trọng, đã bị kéo dài, chậm được khắc phục, đe dọa mất còn, an nguy, ai cũng nhận thấy. Vì sao một chế độ xây nên từ không biết bao nhiêu hy sinh xương máu cao cả của hàng trăm triệu người, qua bao năm tháng…, với những lý tưởng tốt đẹp, con người tốt đẹp một thời, mà nay “đổ đốn” như thế, dĩ nhiên, như Tổng bí thư đã nói với cử tri Hà Nội: không thể chỉ nhìn một mặt. Nhân dân vẫn tốt biết bao, nhiều cán bộ, đảng viên, quân đội… tốt biết bao, lương thiện biết bao, yêu mến biết bao, thành tâm xây dựng biết bao!
Thế nhưng, do không kiểm soát được quyền lực, do quyền lực nhiều nơi, nhiều chỗ bị thả lỏng, người cầm đầu tha hồ tự tung tự tác, thu vén lợi ích riêng, lợi ích nhóm một cách trắng trợn, bất chấp đạo lý, bất chấp luật pháp… Thế mà chẳng ai làm gì được họ. Bộ máy kiểm soát của ta không tương xứng với sự kiểm soát quyền lực. Tất cả đều có và có nhiều, nhưng nhiều khi hình thức, nể nang, sợ hãi, ngại động chạm quyền lực. Vì nó là tuyệt đối, nó được trao quyền lớn quá! Lãnh đạo nhiều khi vi phạm nguyên tắc tập trung - dân chủ, dân chủ chỉ là hình thức, là “quy trình” hình thức, để phục vụ cho ý đồ xấu xa của một ai đó.
Đúng là: quyền lực làm tha hóa, hư hỏng con người. Nó dứt khoát phải được kiểm soát từ toàn dân, từ cơ quan lập pháp, tư pháp, từ công luận, từ tất cả… Chế độ tư bản đề ra nguyên tắc dân chủ - đa đảng, thực ra thì cũng là do các nhóm tài phiệt - tư bản khống chế. Nhưng dù sao nó cũng có mặt hay, mặt mạnh của nó (bất cứ sự vật, sự việc nào cũng chứa đựng hai mặt đó). Ta đã không bao giờ thừa nhận nó, và sẽ còn như thế - thế thì ta phải tính cách nào? Có người đề ra phương án Đảng Cộng sản tự tách làm hai đảng, chẳng hạn Đảng Cộng sản và Đảng Lao động - thực chất đều là đảng xã hội chủ nghĩa để kiểm soát nhau. Nhưng đó là “bí” mà đề ra thế thôi, triển vọng phương án này mờ mịt, vì cũng rất khó làm. Nó lích kích, phiền toái lắm.
Không ai muốn cho đa đảng, đa nguyên, “mới có một đảng đó mà đã thấy mẹ, ở đó mà đòi đa đảng” - một lão nông ở Đồng bằng sông Cửu Long nói vậy! Chấp nhận đa đảng là Đảng chấp nhận mình bất lực và các đảng phái đối lập cùng với các chính khách “xôi thịt” sẽ mọc lên như rừng, đất nước sẽ hỗn loạn.
Không ai chịu cái đó. Nhưng người dân cũng không chịu mãi được bất công, tham nhũng trắng trợn từ các quan tham. Gần đây, chúng tôi có nghiên cứu một số tư liệu về Thụy Điển, về Bắc Âu. Họ ở một hoàn cảnh hết sức đặc thù để phát triển đất nước cao đến như vậy. Ta không thể đi theo mô hình của họ, nhưng có thể học tập ở họ rất nhiều điều. Trước hết là tinh thần gần dân, trọng dân, hòa đồng, giản dị: lãnh đạo đi xe đạp, xe buýt đi làm, tự nấu ăn lấy… Bình quân thu nhập tính trên mỗi đầu người của họ gấp 50 lần của ta, mà lãnh đạo hành xử như thế, còn ta thì nhà cao dinh thự lộng lẫy, mỗi nơi một trụ sở hoành tráng vượt xa thời trước, dư tiền đi chơi, du lịch nước ngoài… Thế thì ai chịu được!
Chung quy, trước mắt, như Tổng bí thư nói: ta phải trước hết làm việc kiểm soát quyền lực. Theo chúng tôi, tất cả bộ máy kiểm soát quyền lực đó đều phải được tăng cường mạnh mẽ gấp bội, đều phải thực chất và có quyền hạn đầy đủ.
Tại sao Tập Cận Bình làm được một số việc kinh thiên động địa trong vấn đề này? Ông ta có quyết tâm, ông ta nắm bộ máy và ông ta có mưu chước! Tình hình Đảng Cộng sản Trung Quốc và Trung Quốc sẽ nguy ngập nếu như Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Cốc Tuấn Sơn nắm quyền và thăng tiến. Mà đây có lẽ cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Thứ hai là công tác tổ chức. Nạn mua quan bán chức là cái nhức nhối nhất, tồi tệ nhất của một chế độ. Điều này sẽ dần làm tê liệt bộ máy. Có tiền thì được ngồi vào ghế! Tệ nạn này diễn ra đã lâu, qua mấy đời tổ chức, có phải thế không?! Và diễn ra mọi cấp, mọi nơi. Trung Quốc cũng có cái đó, xếp vào loại tiêu cực thứ 4. Theo chúng tôi, nó là số 1. Nó sẽ hủy hoại niềm tin. Nó sẽ xúc phạm lương tâm nhân dân, đảo lộn chính tà, phải trái. Và nếu ai cũng đưa con mình, cả nhà mình, cả các bên nội ngoại gia đình vợ con mình vào các ghế bằng cách “lobby - vận động hành lang” mọi cấp, thì nhân tài hiện nay đã thiếu vắng, cạn kiệt lại thêm tai nạn đó, thì đất nước sẽ về đâu? Đây mới nói tài năng quản lý, còn tài năng khoa học kỹ thuật… ta cũng đang lâm vào tình trạng chảy máu chất xám.
Cho nên Nghị quyết 4 rất được nhân dân, cán bộ, nhất là những cán bộ từng trải, cống hiến phát biểu rất rõ ràng, nhiệt huyết, đúng đắn. Đáp lại, Tổng bí thư cũng rất chân tình bày tỏ quyết tâm và suy nghĩ của mình. Chúng tôi không lạc quan tếu, nhưng bất kể khi nào đất nước có chuyển biến tích cực chúng tôi đều vui, đều hy vọng. Không cần phải nói rằng cái nguy hiểm của sự suy thoái Đảng bị các thế lực chống phá lợi dụng triệt để và rất nguy hiểm; dân rất dễ tin theo những luận điệu của họ. Còn một số người, do thành tâm lo cho chế độ, cho đất nước cũng có thể phát biểu những nhận thức bi quan, quá đà, cực đoan - nhưng đó là “những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân”. Dù sao, mất cảnh giác, thụ động, không có biện pháp gì, thì chân - ngụy lẫn lộn, đến một thời khắc nào đó, tình hình sẽ ra ngoài vòng kiểm soát và không ai có thể lường hết hậu họa. Chúng ta đã làm tốt việc mở rộng dân chủ, nhất là ở bên trên, nhưng toàn bộ vấn đề là vừa mở rộng, vừa kiểm soát, không để sơ hở, lợi dụng. Ta phải có những nguyên tắc hành xử của ta. Nhân đây, chúng tôi xin nhấn mạnh việc tiến hành công tác tư tưởng văn hóa, mặc dù Trung ương đã có các nghị quyết (như NQ 33 của Bộ Chính trị), nhưng từ nghị quyết tới thực tiễn thì đường còn xa lắm. Hiện nay, có rất nhiều việc cần làm, cần làm ngay trong văn hóa - tư tưởng mà không ai làm. Đã nói văn hóa - tư tưởng là một mặt trận mà không quan tâm đúng mức đến nó, mặt trận mà thiếu chiến sĩ thì làm gì! Nhất là tình hình sáng tác đang đứng trước những thử thách gay gắt về cảm hứng, về công chúng, về quản lý, chính sách…, không thể nào có giải pháp vực lên được. Nhưng nó là cái phong vũ biểu của cuộc đời. Làm sao động viên được lực lượng này làm ra những sản phẩm có ích. Phần khác, phải tuyệt đối coi trọng thành tựu vĩ đại của văn hóa - văn nghệ thời đại Hồ Chí Minh, đưa nó lên các phương tiện truyền thông và nhất là giáo dục trong trường học. Cách mạng - kháng chiến, thời đại Hồ Chí Minh phải vào tâm hồn các em, trở thành sức mạnh đương đầu với những thách thức. Các em học sinh phải được dạy, được tập hàng trăm bài hát kháng chiến, rồi tổ chức thi, tạo thành một luồng gió ấm nóng tình yêu Tổ quốc, nhân dân… Sao lại không làm được? Còn các thành tựu văn học, sân khấu, mỹ thuật… cũng phải được tuyên truyền, giáo dục liên tục bằng nhiều phương tiện. Phải có người lo, người nghĩ, người đặt ra kế hoạch và thực hiện. Lợi ích này là vô cùng to lớn về mặt giáo dục con người. Nó sẽ góp phần “thanh lọc” tâm hồn các em, tâm hồn của chúng ta nữa. Đó là chỗ dựa vô giá để làm cho không khí cuộc sống bớt u ám! Bộ Văn hóa lo, Tuyên giáo lo, các đài, báo đều lo và nhất là ở Bộ Giáo dục - Đào tạo nên có một Vụ chuyên lo và cử một Thứ trưởng phụ trách vấn đề giáo dục Khoa học xã hội và nhân văn có nhiệt huyết, trình độ.
Mỹ đang bận rộn với cuộc tranh cử tổng thống (sáng nay, ngày 20-10, giờ Việt Nam, diễn ra cuộc tranh luận cuối cùng). Cuộc tranh luận bộc lộ những nhược điểm của nền dân chủ Mỹ - những cuộc tranh luận “xấu xí” như chính người Mỹ nhận xét. Nhưng cũng không thể không thừa nhận rằng nó đem lại những thú vị đời thường nhất định cho người dân - một màn kịch chính trị, tranh giành quyền lực. Trẻ con cũng xem và phát biểu, thú vị với chuyện chính trị của người lớn.
Ai sẽ thắng? Bà H. Clinton tuy có những nhược điểm trong việc sử dụng e-mail công - tư, bị tố là thiếu trung thực, vẫn dẫn điểm trước ông D. Trump, vẫn nhiều phiếu ủng hộ hơn. Trung Quốc thì thích D. Trump thắng cử vì chính sách ngoại giao - chính trị của ông này không rõ ràng như H. Clinton. Bà Clinton là tác giả của chiến lược “xoay trục” châu Á - Thái Bình Dương, cứng rắn hơn với Trung Quốc… Tuy phản đối TPP, nhưng chắc bà ta sẽ có phương án khác. Còn hy vọng TPP được Quốc hội Mỹ thông qua trong dịp chuyển giao quyền lực này giữa Obama và tổng thống mới là rất khó. Quốc hội Mỹ không thấy lợi ích kinh tế gì trong hiệp định, chỉ có lợi ích kiềm chế Trung Quốc. Nhân dịp này, Trung Quốc sẽ đứng ra làm “luật chơi” của mình.
Trung Quốc đang hoạt động hết sức tích cực để lôi kéo các nước quanh vùng, nhằm làm thất bại chiến lược của Mỹ và nhiều nước về biển Đông. Đáng nói nhất là Trung Quốc tranh thủ được Philippines của Tổng thống mới Rodrigo Duterte. Ông này “xoay trục” từ Mỹ sang Trung Quốc, đang đi Bắc Kinh để tranh thủ ký các hiệp định kinh tế có lợi cho Philippines. Dư luận Philippines quan ngại, ông sẽ hy sinh chủ quyền trên biển Đông của đất nước để thỏa hiệp với Trung Quốc. Biểu tình chống Mỹ đang diễn ra ở Manila. Dù sao, ông ta cũng có giới hạn vì không để cho trong nước thấy là ông nhượng bộ quá đáng.
Cái gì bây giờ cũng lấy lợi ích - kinh tế làm cốt. Campuchia cũng thế thôi, Trung Quốc là nước viện trợ kinh tế lớn nhất, đầu tư nhiều nhất, thậm chí viện trợ quân sự, xây dựng quân đội cho nước này. Tập Cận Bình vừa thăm Phnôm Pênh, hai bên ra tuyên bố: “Hai bên cho rằng vấn đề biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN. Vấn đề này cần được giải quyết thông qua đàm phán hữu nghị hòa bình giữa các bên có liên quan. Trung Quốc và ASEAN cần tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông (DOC) và thúc đẩy đạt được sớm nhất Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) trên nguyên tắc đồng thuận. Trung Quốc và ASEAN cần thúc đẩy hợp tác cụ thể và cùng nhau gìn giữ hòa bình ổn định tại khu vực biển Đông sao cho khu vực này trở thành khu vực hòa bình, hữu nghị và hợp tác”.
“Nói” hay lắm! Cho rằng biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, không đàm phán đa phương, mà đàm phán song phương để bẻ đũa từng chiếc! Nhưng lại cũng phải đàm phán với cả ASEAN về DOC và COC mà thúc đẩy đạt được sớm nhất (năm 2017) - Việt Nam trước mắt không mong gì hơn! Nhưng ẩn ý Trung Quốc đằng sau việc này có thể là một nước cờ cao để khiến Mỹ và các nước không được can dự (vì đã giải quyết êm rồi), rồi từ từ tính; trước kia thì nóng, nay nguội đi một chút, còn thì vẫn tăng cường quân sự ở các đảo đã chiếm trái phép ở biển Đông, trước hết là ở tam giác quân sự lợi hại từ đảo Scarborough (Hoàng Nham) Philippines - Hoàng Sa - Trường Sa… Đối với Lào, Trung Quốc cũng làm như vậy và đã xúc tiến làm đường sắt Lào - Trung từ biên giới vào Lào. Đối với Myanmar, lợi dụng tình hình không đơn giản giữa phe quân sự và phe bà Aung San Suu Kyi, Trung Quốc đạt được một thỏa hiệp có lợi mà Myanmar chấp nhận. Cũng là đầu tư, viện trợ kinh tế, làm đường sắt nối Trung Quốc và cảng phía nam Myanmar, một thành phần trên con đường tơ lụa trên biển hoành tráng cả thế giới, qua Á, Âu, Phi… thể hiện tham vọng nước lớn của Trung Quốc. Đối diện với Ấn Độ - nước có nhiều vấn đề tranh chấp với Trung Quốc, thì Trung Quốc tranh thủ Bangladesh và Sri Lanka…
Nga để cho một số tướng tuyên bố gợi ý muốn trở lại Cam Ranh, nhưng người phát ngôn Bộ Ngoại giao ta nói rõ là ta không cho hải quân nước nào đóng ở Cam Ranh. Họ có thể ra vào tự do, sửa chữa tàu, tiếp nhiên liệu…, nhưng trú quân làm căn cứ thì: không! Tại sao Nga, lúc này đang đối đầu với cấm vận của Mỹ và châu Âu lại làm như vậy? Nga đang đối đầu với Mỹ trên nhiều vấn đề lớn trên thế giới. Có thể đây là một sự phối hợp tế nhị giữa Nga - Trung để kiềm chế Mỹ chăng?
Tình hình Nga, theo nhiều nguồn tin, kể cả từ những người đi tham quan, quan sát, nghiên cứu bên ấy, thì vẫn ổn. Dân Nga là vậy. Họ kiên cường, bất khuất, khi có “sức ép bên ngoài”. Họ đạt được nhiều thắng lợi, nhất là thu hồi được Crưm, một căn cứ chiến lược cực kỳ quan trọng. Và đạt được những thắng lợi khác ở Syria, Trung Đông… Nga vẫn giữ thái độ bạn bè truyền thống với Việt Nam, hợp tác kinh tế, hợp tác các mặt vẫn diễn ra tốt đẹp.
Trước những diễn biến phức tạp từng ngày trên thế giới, đặc biệt tình hình có liên quan đến Trung Quốc, chúng ta, nói như ý Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, vừa kiên quyết vừa mềm dẻo, vừa khôn khéo vừa kiên trì…, ứng phó hữu hiệu với tình hình biến chuyển, kỳ đạt cho được mục đích của ta là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ lợi ích quốc gia.
Việc trong nước cũng đang sáng dần lên, có những chuyển biến tích cực. Trong tình hình muôn nghìn khó khăn mà đạt được tăng trưởng kinh tế quý này và triển vọng năm 2017 như thế là một sự cố gắng lớn của sự điều hành kiên quyết, đều khắp và sự cố gắng của toàn hệ thống. Nhân dân còn nghèo, rồi lại gặp bao tai họa như lũ lụt miền Trung, xâm nhập mặn Đồng bằng sông Cửu Long… nhưng không ai nản lòng nhụt chí, ra sức làm việc, hướng tới đổi mới mạnh hơn nữa, hướng tới tương lai…