HV109 - Trao đổi về vấn đề xây dựng Luật Ngôn ngữ ở Việt Nam*: Tiếng Pháp được luật pháp bảo vệ

Ngày xưa, trên lãnh thổ nước Pháp, có rất nhiều dân tộc cùng sinh sống. Mặt khác, nước Pháp bị nhiều dân tộc ngoại lai xâm chiếm. Do đó, tiếng Pháp chịu rất nhiều tác động phức tạp trong quá trình hình thành và tiến hóa.

Trong những năm 58-51 trước Công nguyên, quan chấp chánh (consul) La Mã Jules César xua quân xâm chiếm xứ Gaule (miền Bắc nước Pháp hiện nay). Trong khi giao tiếp với binh lính, thương nhân và di dân La Mã, người dân bị trị xứ Gaule đã vay mượn nhiều câu chữ la-tinh(1), trộn lẫn với vốn từ Gaulois của họ thành một ngôn ngữ mới là tiếng gallo-roman.

Đến thế kỷ thứ IX, tiếng gallo-roman phát triển thành tiếng Pháp cổ, sơ khai (proto-français), được xem là “tổ tiên” của tiếng Pháp ngày nay. Người Pháp cổ vốn không có chữ viết, mượn bộ chữ cái la-tinh để viết thứ tiếng này. “Lời thề Strasbourg” (Les Serments de Strasbourg) ngày 14-2-842 là văn bản đầu tiên bằng ngôn ngữ ấy còn lưu giữ đến ngày nay, được các nhà nghiên cứu gọi là “bản khai sinh của tiếng Pháp”.

1. Bảo vệ tiếng Pháp chống lại tiếng la-tinh

Tuy tiếng Pháp cổ này còn mang đậm dấu ấn của tiếng la-tinh, chưa đủ “trưởng thành” để thay thế hoàn toàn tiếng la-tinh trong các ngành hành chính và tư pháp, nhưng sau khi lên ngôi ở Paris năm 987, vua Hugues Capet quyết định lấy tiếng Pháp cổ này làm ngôn ngữ quốc gia (langue nationale).

Tháng 8-1539, vua François thứ I ra chỉ dụ gồm 192 điều, trong đó điều 110 và điều 111 buộc phải dùng tiếng Pháp trong các văn kiện hành chính và tư pháp thay cho tiếng la-tinh.

Cùng năm ấy, Robert Estienne - một quan chức của Triều đình - xuất bản Từ điển Pháp - la-tinh (Dictionnaire françois - latin)(2): đây là từ điển đầu tiên của tiếng Pháp. Năm 1558, ông soạn tiếp cuốn Ngữ pháp tiếng Pháp (Grammaire française) ấn định những quy tắc cho tiếng Pháp.

Năm 1634, Viện hàn lâm Pháp (Académie française) được thành lập. Trong thư đề ngày 29-1-1635, vua Louis XIII giao cho viện sứ mệnh làm cho ngôn ngữ Pháp được cố định, đặt ra những quy tắc cho nó, khiến nó trong sáng và dễ hiểu đối với mọi người. Để hoàn thành sứ mệnh ấy, viện đã biên soạn bộ Từ điển (in lần đầu năm 1694)(3) và cuốn Ngữ pháp (xuất bản năm 1932).

Tiếng Pháp dần dần được ổn định, trở nên rõ ràng và trong sáng hơn, chuyển từ tiếng Pháp thời trung đại (moyen français) sang tiếng Pháp cổ điển (français classique).

2. Bảo vệ tiếng Pháp chống các phương ngữ

Khi chỉ dụ của vua François thứ I ra đời (tháng 8-1539), tiếng Pháp cổ chỉ được dân vùng Île-de-France (lấy kinh đô Paris làm tâm điểm) sử dụng, tức khoảng 10%-20% dân số nước Pháp lúc đó. Đại bộ phận dân Pháp ở các vùng miền khác đang dùng vài chục phương ngữ như: alsacien, angevin, basque, breton, champenois, flamand, gascon, limousin, normand, picard, provençal v.v…

Khi cuộc Cách mạng 1789 nổ ra, những nhà lãnh đạo xem các phương ngữ là “những tàn dư cuối cùng của chế độ phong kiến đã bị diệt trừ”, tìm cách thống nhất dân tộc Pháp bằng thống nhất ngôn ngữ, xem tiếng Pháp là tiếng mẹ đẻ bắt buộc cho mọi công dân Pháp. Đó là chủ trương toàn quốc hóa ngôn ngữ (nationalisation de la langue), mà thực chất là Pháp ngữ hóa (francisation).

Nghị định ngày 20-7-1794 ấn định tiếng Pháp là ngôn ngữ duy nhất được dùng trong bộ máy hành chính. Công chức dùng phương ngữ sẽ bị cách chức, đưa ra tòa và phạt tù 6 tháng.

Tiếp sau đó, nghị định ngày 19-11-1794 quy định nhà trường chỉ dạy tiếng Pháp. Ở trường, trong giờ học cũng như giờ chơi, thầy và trò chỉ được nói tiếng Pháp, không được dùng phương ngữ dù đó là tiếng mẹ đẻ của họ. Thậm chí nhà nước còn chỉ thị cho nhà thờ chỉ được làm lễ ban thánh thể cho trẻ em nào biết nói tiếng Pháp!

Các bộ từ điển của Émile Littré (Dictionnaire de la langue française, năm 1863-1873, gồm 4 tập và 1 phụ bản) và của Pierre Larousse (Grand dictionnaire universel du XIXè siècle, năm 1866-1876, gồm 15 tập) góp phần hoàn chỉnh tiếng Pháp, đưa tiếng Pháp vào giai đoạn “tiếng Pháp hiện đại” (français moderne).

Tuy nhiên, theo cuộc điều tra được tiến hành năm 1863 - tức 70 năm sau các nghị định nói trên - vẫn còn 7,5 triệu người Pháp (chủ yếu là người lớn tuổi và ở vùng sâu vùng xa) trong tổng dân số 38 triệu, chiếm 20%, không nói được tiếng Pháp mà vẫn dùng phương ngữ.

Từ giữa thế kỷ XX, khi tiếng Pháp đã được phổ biến rộng rãi, nhiều người Pháp lo các phương ngữ có thể biến mất, kéo theo sự mai một của các nền văn hóa địa phương mà họ xem là những bộ phận cấu thành di sản quốc gia, ảnh hưởng đến tính đa dạng của nền văn hóa Pháp.

Ngày 11-1-1951, chính phủ Pháp đã ban hành luật số 51-46, lần đầu tiên cho phép các trường có thể dạy 4 phương ngữ basque, breton, catalan và occitan. Sau đó là các sắc lệnh lần lượt mở rộng việc giảng dạy các phương ngữ khác như corse (1974), tahitien (1981), alsacien (1988), mosellan (1991), mélanésien (1992), créole (2002), gallo, francique (2006)…

Tuy Quốc hội Pháp thêm điều 75-1 vào bản chỉnh tu Hiến pháp ngày 23-7-2008 công nhận “các ngôn ngữ địa phương thuộc di sản của nước Pháp” (les langues régionales appartiennent au patrimoine de la France) nhưng chính sách ngôn ngữ của Pháp vẫn dựa trên nguyên tắc “một ngôn ngữ quốc gia duy nhất” (monolinguisme de l’État). Điều 2 của Hiến pháp năm 1958 ghi rõ: tiếng Pháp là ngôn ngữ của nước Cộng hòa. Bản chỉnh tu Hiến pháp ngày 25-6-1992 nhấn mạnh: tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức của nước Cộng hòa. Tuy chấp nhận sự đa dạng trong ngôn ngữ (la diversité linguistique), nước Pháp vẫn coi trọng việc bảo vệ tính thống nhất quốc gia (l’unité nationale).

3. Bảo vệ tiếng Pháp trước sự xâm nhập của tiếng Anh - Mỹ

Từ lâu, tiếng Pháp và tiếng Anh vẫn vay mượn lẫn nhau những từ tiếng mình chưa có(4). Nhưng việc xâm nhập của tiếng Anh - Mỹ (anglo - américain) vào nước Pháp từ giữa thế kỷ XX là một hiện tượng không bình thường: nó diễn ra ồ ạt, những từ vay mượn đã có trong tiếng Pháp.

Trong chiến tranh thế giới lần thứ II, nước Pháp thua trận, bị Đức quốc xã chiếm đóng (1940-1944). Vì vậy, sau khi chiến tranh kết thúc, nước Pháp suy yếu nhiều mặt. Trong khi đó, Mỹ trỗi lên thành nước giàu mạnh nhất thế giới. Mỹ xuất khẩu sang Pháp nhiều loại hàng hóa, thực phẩm, văn hóa phẩm (phim ảnh, âm nhạc…) và kèm theo đó cả tiếng Anh - Mỹ nữa. Một số người Pháp - nhất là giới trẻ - thường xen tiếng Anh - Mỹ vào câu tiếng Pháp, mặc dù đã có từ tiếng Pháp tương đương, đến độ viện sĩ Viện hàn lâm Pháp Michel Serres phải kêu lên: “Trên các bức tường ở Paris ngày nay có nhiều từ tiếng Anh hơn số từ tiếng Đức thời bị quân Quốc xã chiếm đóng”(5). Báo, đài không những không ngăn chặn mà còn tiếp tay cho hiện tượng “Anh - Mỹ hóa tiếng Pháp” (anglo - américanisation du français). Người ta gọi lối nói nửa nạc nửa mỡ đó là thứ tiếng franglais (ghép hai từ français anglais)(6).

Những người quan tâm đến sự trong sáng và thuần khiết của tiếng Pháp đã thành lập những tổ chức như Hội bảo vệ ngôn ngữ Pháp (Défense de la langue française), Hội bảo vệ và truyền bá ngôn ngữ Pháp (Association pour la sauvegarde et l’expansion de la langue française), Hội Tương lai ngôn ngữ Pháp (Avenir de la langue française)… để chống lại hiện tượng ngôn ngữ lai căng đó. Người ta xuất bản tạp chí, đặt giải thưởng cho học sinh, sinh viên để cổ vũ phong trào bảo vệ tiếng Pháp.

Ngày 31-12-1975, Pháp ban hành luật số 75-1349 quy định phải dùng tiếng Pháp trong việc niêm yết nơi công cộng và trong quảng cáo thương mại, kể cả khi viết lẫn khi nói, cấm dùng từ nước ngoài.

Gần 20 năm sau, luật số 94-665 ra đời ngày 4-8-1994 khẳng định một lần nữa: tiếng Pháp là ngôn ngữ duy nhất của nước Cộng hòa Pháp, buộc phải sử dụng tiếng Pháp trong hành chính, giáo dục, thông tin, lao động, thương mại, quảng cáo.

Căn cứ vào luật này, năm 2006 công ty GEMS của Mỹ làm ăn trên đất Pháp bị phạt 570.000 euro vì đã gửi thông báo bằng tiếng Anh cho nhân viên người Pháp mà không kèm theo bản dịch tiếng Pháp. Sau đó, các công ty Europ Assistance, NextiraOne cũng bị phạt vì những lý do tương tự.

4. Làm giàu ngôn ngữ Pháp

Cuộc sống luôn phát sinh những thực tế mới, khái niệm mới cần phải gọi tên. Hơn nữa, trong thế kỷ XX, khoa học kỹ thuật phát triển ngày càng nhanh chóng. Đặc biệt, trong nửa sau của thế kỷ XX, những thuật ngữ công nghệ thông tin tiếng Anh - Mỹ lan truyền khắp thế giới. Nếu tiếp nhận những thuật ngữ ấy vào tiếng Pháp, tiếng Pháp sẽ rơi vào tình trạng franglais. Do đó, Pháp quyết định đặt ra những thuật ngữ mới trong tiếng Pháp có nghĩa tương đương với từ Anh - Mỹ. Có hai lợi ích: vừa giữ được sự thuần nhất của tiếng Pháp, vừa làm cho tiếng Pháp phong phú.

Ngày 7-1-1972, Pháp ban hành nghị định số 72-9 dự kiến thiết lập các Ủy ban thuật ngữ ở các bộ để đề xuất những từ mới nhằm gọi tên những thực tế mới và thay các từ mượn của tiếng nước ngoài. Các kiến nghị sẽ được chuyển lên Ủy ban cấp cao bảo vệ và truyền bá ngôn ngữ Pháp.

Ngày 3-7-1996, Pháp lại ra nghị định số 96-602 về việc làm giàu tiếng Pháp: một Tổng ủy ban về thuật ngữ và từ mới được thành lập để đặt ra những thuật ngữ và từ mới bằng tiếng Pháp. Những thuật ngữ và từ mới này sẽ được công bố trên Công báo nước Cộng hòa Pháp và trên trang mạng FranceTerme. Các công sở (từ năm 1996) và các xí nghiệp (từ năm 2004) phải sử dụng các thuật ngữ và từ mới này, không được dùng từ tiếng nước ngoài có nghĩa tương tự.

Nhiều thuật ngữ tiếng Anh - Mỹ (nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin) được Pháp hóa để mọi người Pháp hiểu và sử dụng. Chẳng hạn:

Đặt ra từ informatique (tin học, ghép hai từ information automatique) thay cho các từ tiếng Anh - Mỹ information technology (công nghệ thông tin) hay computer science (khoa học máy tính).

Gọi máy tính là ordinateur (thay vì dùng tiếng Anh computer), gọi thư điện tử là courriel (thay cho e-mail), gọi trang chủ là page d’accueil (thay cho home page), gọi tường lửa là pare-feu (thay cho firewall) v.v…

Thay lời kết

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp” (tập X, trang 615)(7).

Người nói: “Tiếng ta còn thiếu nên nhiều lúc phải mượn tiếng nước khác” (t.V, tr.301), mặt khác “khoa học ngày càng phát triển, có những chữ mới mà ta chưa có, thì ta phải mượn” (t.IX, tr.413), nên “chúng ta không chống mượn tiếng ngoại quốc để làm cho tiếng ta đầy đủ thêm. Nhưng chúng ta phải chống cách mượn không phải lối, mượn đến nỗi bỏ cả tiếng ta, đến nỗi quần chúng không hiểu” (t.V, tr.301). Người cũng phê phán: “Đáng lẽ báo chí phải chống lại cái bệnh đó, nhưng trái lại báo chí lại tuyên truyền cho cái tệ đó” (t.IX, tr.412). Nguyên tắc Người đưa ra là “Tiếng nào ta sẵn có thì dùng tiếng ta” (t.V, tr.301).

Những ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa được luật hóa nên chưa bắt buộc mọi người phải làm theo(8). Do đó, việc ban hành một bộ luật về ngôn ngữ Việt Nam là cần thiết và cấp bách để bảo vệ đồng thời làm phong phú tiếng Việt.

 

_____

* Hội thảo “Vấn đề xây dựng Luật Ngôn ngữ ở Việt Nam” do Trung tâm Nghiên cứu Quốc học tổ chức ngày 20-8-2016 tại TP.Hồ Chí Minh.

(1) Tiếng la-tinh mà người La Mã nói ở xứ Gaule là tiếng la-tinh bình dân (latin populaire, vulgaire), không hoàn toàn giống tiếng la-tinh cổ điển (latin classique, littéraire) mà các giới quý tộc, trí thức và tôn giáo ở La Mã sử dụng.

(2) Lúc đó, tiếng Pháp được gọi là là françois, chưa viết là français như sau này.

(3) Để cập nhật hóa, bộ Từ điển được tái bản 7 lần vào các năm 1718, 1740, 1762, 1798, 1835, 1878 và 1935. Ấn bản lần thứ 9 đã công bố 3 tập đầu trong các năm 1992, 2005 và 2011, tập thứ 4 đang hoàn thành (đến ngày 5-4-2016 vừa qua, đã công bố tới từ resservir). Ấn bản lần thứ 9 sẽ có khoảng 6 vạn từ, nhiều hơn ấn bản trước 28.000 từ.

(4) Chẳng hạn, Pháp mượn từ riding-coat của Anh để tạo ra từ redingote (một loại áo lưng eo); ngược lại Anh mượn từ mousquetaire của Pháp để tạo ra từ musketeer (lính ngự lâm). Đôi khi một từ được mượn qua mượn lại nhiều lần: étiquette (nhãn hiệu) của Pháp -> ticket (nhãn, vé) của Anh -> ticket (vé) của Pháp.

(5) “Il y a plus de mots anglais sur les murs de Paris qu’il n’y avait de mots allemands sous l’Occupation” - http://www.lechorepublicain.fr.

(6) Dùng best-seller (sách bán chạy nhất) thay cho livre à succès; camera (máy quay phim) thay cho appareil cinématographique; soft drink (nước giải khát không có rượu) thay cho boisson non alcoolique; faire un break (nghỉ giải lao) thay cho faire une pause; l’avion se crashe au sol (máy bay đâm xuống đất) thay vì nói s’écrase v.v…

(7) Các trích dẫn rút từ Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995 và 1996.

(8) Chẳng hạn, Đài Truyền hình Việt Nam vẫn tổ chức VTV Awards, báo Tuổi trẻ (17-3-2016) vẫn đăng tít Làm chính trị là phải “cool”!, mặc dù trong tiếng Việt đã sẵn có các từ “giải thưởng”, “điềm tĩnh”, công khai làm ngược lại nguyên tắc mà Hồ Chủ tịch đã đặt ra!

TS PHAN VĂN HOÀNG