HV110 - Chuyện bây giờ mới kể

Có lẽ trong cuộc đời hoạt động cách mạng của các đồng chí lãnh đạo tiền bối từ khi thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương nay là Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 3-2-1930), hiếm có đồng chí nào trải qua nhiều thử thách gian nguy khốc liệt như đồng chí Lê Duẩn - hay còn gọi một cách thân thương là anh Ba, chú Ba của nhân dân miền Nam.

Không kể trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, anh Ba đã hai lần bị bắt vào tù ở Hỏa Lò (Hà Nội) hay nhà lao Côn Đảo. Và lần tù sau ở Côn Đảo, khi Cách mạng tháng Tám thành công, lãnh đạo Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam Bộ mới cho tàu ra Côn Đảo rước tù chính trị về. Cùng về với anh Ba còn có các đồng chí Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Hà Huy Giáp, Bùi Công Trừng và một số đồng chí khác. Khi tàu về cặp bến Đại Ngãi (Sóc Trăng) thì đúng vào lúc quân Pháp được sự giúp đỡ của quân Anh, Ấn đã nổ súng đánh chiếm Sài Gòn ngày 23-9-1945, tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Đông đảo đồng bào ra đón đoàn tù chính trị đã biến thành cuộc biểu tình rầm rộ với những khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc Pháp và bè lũ Việt gian!”, “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!”. Đoàn tù chính trị do đồng chí Tôn Đức Thắng dẫn đầu đã hòa vào cuộc biểu tình với những nắm tay giơ cao, tiếng hô dõng dạc cùng đồng bào, tạo nên một khí thế hùng hồn sôi sục lòng yêu nước cách mạng của nhân dân vùng sông nước Hậu Giang, mở đầu cho cuộc trường kỳ kháng chiến sau này.

Kể từ đó, anh Ba tham gia lãnh đạo kháng chiến ở Nam Bộ với cương vị là Bí thư Xứ ủy và giữa năm 1951 là Bí thư Trung ương Cục miền Nam, cho đến năm 1952 ra Việt Bắc công tác cạnh Bác Hồ và Trung ương Đảng (làm Bí thư Trung ương Đảng). Sau khi Hiệp định Genève được ký kết (20-7-1954), anh Ba được Trung ương chấp nhận cho ở lại miền Nam hoạt động bí mật trong vùng địch kiểm soát. Đây chính là thời kỳ mà anh Ba đương đầu trực tiếp với vô vàn hiểm nguy bởi chính sách tàn ác diệt Cộng của ngụy quyền Ngô Đình Diệm trả thù những người kháng chiến mà chúng vu là “Việt Cộng nằm vùng”. Nhưng nhờ tinh thần hy sinh đùm bọc chở che của quần chúng yêu nước mà nhiều lần anh Ba thoát chết trong gang tấc. Mẩu chuyện dưới đây là điển hình cho sự hy sinh chở che đó.

***

… Dạo ấy là khoảng tháng 9 năm 1955 đúng vào mùa nước nổi, sông rạch miền Tây Nam Bộ đầy những giề lục bình trôi theo dòng nước ngang dọc khắp nơi. Anh Ba có việc phải đi từ một địa điểm bí mật ở huyện Giá Rai thuộc tỉnh Bạc Liêu đến vùng Vị Thanh - Long Mỹ thuộc tỉnh Cần Thơ. Lúc này anh Ba để râu dài, đầu bịt khăn rằn đầu rìu với bộ quần áo bà ba đen đã cũ, trông giống hệt một lão nông miền Tây Nam Bộ.

Đưa anh Ba đi là một chú bé còn rất trẻ độ 16, 17 tuổi nhưng to con khỏe mạnh, con của một gia đình cơ sở. Tất nhiên chú bé không biết ông già có nét mặt khắc khổ để râu dài đầu bịt kín khăn rằn là “anh Ba Lê Duẩn” mà gia đình chỉ nói đây là bác nông dân có tham gia kháng chiến, vậy thôi, giờ thì bác cần đi lên Vị Thanh - Long Mỹ thì gia đình giúp đưa đi.

Phương tiện là chiếc xuồng chèo đôi do chú bé chèo còn anh Ba thì ngồi giữa bên cạnh thúng gạo mà anh giấu khẩu súng lục trong đó. Xuồng đi buộc phải qua Ngã năm Phó Sinh thuộc xã Phước Long, huyện Phước Long cũng thuộc tỉnh Bạc Liêu. Sở dĩ gọi là ngã năm là vì đây là nơi hội tụ năm con sông rạch của huyện Phước Long đi về các vùng trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Sóc Trăng, Cà Mau, Cần Thơ. Trước đây vùng này thuộc vùng giải phóng của ta ở miền Tây Nam Bộ. Sau Hiệp định Genève, địch đóng đồn tại đây để kiểm soát giao thông đường thủy có vị trí rất quan trọng này. Thi thoảng, bọn biệt kích áo đen ác ôn đến phục kích để bắt những người chúng nghi là “Việt Cộng nằm vùng” qua lại vùng này. Cơ sở cho biết bọn lính thường ăn sáng xong mới ra phục kích ở ven bờ sông rạch, do đó ta phải canh sao cho xuồng ghe khi qua đó khoảng hơn 5 giờ sáng để tránh nguy cơ bị phục kích.

Không ngờ khi chú bé chèo chiếc xuồng đến giữa ngã năm lúc trời chưa sáng hẳn, bỗng có tiếng quát lớn “Ê, xuồng ghé lại!”. Tiếp theo là bọn lính biệt kích vụt đứng lên lố nhố với súng ống lăm lăm trong tay bên bờ sông phía trước, ước tính chúng phải đông gần một trung đội. Tuy đã có dự tính trước, nhưng khi tình huống bất ngờ này xảy ra, anh Ba cũng giật mình chưa biết phải đối phó ra sao thì chú bé nói lớn “Dạ, để tui ghé!” rồi thúc mạnh mái chèo để cho xuồng đâm thẳng vào chỗ bọn lính đứng có đám cỏ mọc gie ra ngoài bờ sông, chú buông chèo đi qua chỗ anh Ba ngồi nói nhỏ rất nhanh “Lên, cháu chạy, bác lặn nghe!”. Tiếng “nghe” nhỏ như gió thoảng, trong lúc anh Ba chỉ kịp nhìn thấy đám cỏ chỗ bọn lính đứng. Chiếc xuồng đã vào đến bờ, chú bé nhanh nhẹn bước lên.

“Giấy tờ đâu?” - có tiếng tên lính nào đó quát lớn. Chú bé cho tay vô túi giả vờ như lấy giấy, bỗng bất ngờ xô ngã tên lính đứng gần bên cạnh, vọt chạy về đám bụi cây mọc hoang ven sông gần đó. Một loạt tiếng súng vang lên quật chú bé đang chạy ngã sấp xuống bờ đất có mấy bụi cây mọc hoang. Tranh thủ giây phút bọn lính bị cuốn hút theo chú bé, anh Ba nhẹ nhàng tụt nhanh khỏi xuồng xô cho nó trôi ra giữa sông rồi lặn núp vào đám cỏ chỗ bọn lính đứng khi nãy. Anh nghe có tiếng quát lớn “Ủa, đ. mẹ còn thằng già đâu rồi?”. Bây giờ bọn lính mới sực nhớ ra có ông già ngồi trên xuồng đã biến đâu mất. Chúng nghĩ ông lặn theo chiếc xuồng hoặc theo các giề lục bình đang trôi trên sông. Lập tức chúng nã đạn dồn dập vào chiếc xuồng và các giề lục bình. Chiếc xuồng trúng loạt đạn đầu chìm ngay tức khắc. Chúng hoàn toàn không ngờ ông già ngồi trên xuồng đang ngâm mình dưới nước đầu đội giề cỏ ngay dưới chân chúng đứng.

Chờ chúng bắn đã đời rồi rút đi, một lúc sau anh Ba mới đội một giề lục bình nhỏ gần đó lặng lẽ bơi trôi theo dòng nước sang bờ bên kia vì đây là nơi hội tụ năm dòng kênh rạch với cái tên Ngã năm Phó Sinh, một cái tên đã ghi một kỷ niệm không bao giờ quên của anh Ba.

***

Sau này về công tác Hà Nội, nhiều khi bồi hồi nhớ lại chuyện những năm hoạt động bí mật ở miền Nam sau Hiệp định Genève đương đầu với biết bao gian nguy nghiệt ngã khốc liệt của kẻ thù, nhưng được sự hy sinh, chở che, đùm bọc của đồng bào, đồng chí, một lòng một dạ trung thành với cách mạng, với Đảng, như câu thơ của Nguyễn Bính trong bài Gởi người vợ miền Nam: “…Mẹ ngồi kể chuyện miền Nam/ Đau thương, son sắt, đá vàng, thủy chung”, anh Ba càng quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, đưa ngọn cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của Hồ Chủ tịch đến đích cuối cùng, hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc vĩ đại nhất, vẻ vang nhất trong thời đại Hồ Chí Minh thế kỷ XX.

DƯƠNG LINH