HV110 - Dưới mái trường Đồng Khánh

Năm 1917, trường trung học phổ thông nữ duy nhất của miền Trung được thành lập. Trường mang tên ông vua đời thứ chín nhà Nguyễn: Đồng Khánh. Trường nằm bên bờ sông Hương, trên đường Lê Lợi. Trường học gồm hai tòa nhà hai tầng quét vôi màu hồng. Tầng một là lớp học. Học sinh nội trú sống ở tầng hai. Bà Tổng giám thị ở tầng “tum”, trên cùng. Hàng phượng chạy dài bao quanh sân trường. Lối đi từ cổng trường tới phòng học trải sỏi trắng tinh. Khu vườn trường có nhiều cây xanh tỏa bóng trên thảm cỏ êm đềm, nơi các nữ sinh nhỏ to tâm sự trong giờ ra chơi. Trong trường có phòng thay đồ khi đến tháng cho con gái, một nhà giặt quần áo cho học sinh. Sân vận động của trường rộng, có đủ dụng cụ các môn thể dục thể thao. Trường có phòng nhạc, thư viện, phòng học vẽ, phòng thí nghiệm, bếp học nấu ăn… Trường Đồng Khánh giáo dục toàn diện Văn, Thể, Mỹ cho nữ sinh. Trường có bác sĩ đến khám thường kỳ, có bệnh xá chữa những bệnh thông thường cho học sinh.

Tôi vào trường Đồng Khánh khóa 1940-1944. Lúc ấy, bà Martin làm hiệu trưởng. Bà có dáng đi bệ vệ đầy quyền uy. Bà thường mặc đồ đen. Không chỉ học sinh, các giáo viên người Pháp, người Việt đều rất sợ bà. Cả thầy và trò đều phải tuân theo nội quy chặt chẽ của trường. Ai mắc khuyết điểm nặng, có thể bị đuổi học hoặc đuổi việc. Học tốt, dạy tốt sẽ có phần thưởng, học bổng rất công bằng. Chúng tôi lên lớp mỗi ngày hai buổi. Tôi ở nội trú nên phải tuân theo kỷ luật khắt khe hơn học sinh ngoại trú. Ngoài hai buổi học chính quy, chúng tôi có hai tiếng buổi tối tự học. Chúng tôi phải đi ngủ đúng giờ. Mỗi đêm, có một cô giám thị ngủ cùng phòng để trông nom học sinh. Sáng chủ nhật, chúng tôi được ra khỏi trường đi chơi, đến chiều phải có mặt tại trường để điểm danh. Khi ra ngoài, chúng tôi phải mặc đồng phục. Hồi ấy, trên đường phố Huế ngày chủ nhật phấp phới tà áo xanh, đồng phục của nữ sinh Đồng Khánh nội trú. Hình phạt đáng sợ nhất với học sinh nội trú là không được về nhà ngày chủ nhật. Hằng tuần, người thân được vào thăm học sinh nội trú vào sáng thứ năm. Bà Martin lập một ban kiểm tra người vào thăm. Bà có một quyển sổ ghi tên, địa chỉ và ngày tháng người đến thăm. Các ông “anh họ” bị bà kiểm tra kỹ nhất. Thậm chí, bà không cho vào nếu thấy nghi ngờ là bạn trai.

Cuối năm học, khi sắp nghỉ hè, nhà trường tổ chức vui chơi với nhiều hình thức văn nghệ: kịch, múa, hát. Chúng tôi còn được đi tham quan các chùa và lăng tẩm các vua nhà Nguyễn. Mỗi khi cô giám thị dẫn chúng tôi ra vườn hoa hay lên chùa Từ Đàm, những người bán quà bánh thường gánh quà đi theo. Mỗi lần thấy đoàn học sinh nam của trường Quốc học từ xa, cô giám thị dẫn chúng tôi rẽ ngay sang đường khác.

Hai năm đầu, tôi được học môn Tiếng Việt với cô Thanh và các môn Sử, Địa với cô Thể. Cô Thanh có dáng người thanh mảnh, gương mặt trái xoan xinh đẹp. Giọng nói nhỏ nhẹ của cô nhanh chóng gây được thiện cảm với chúng tôi, tuy cô rất nghiêm khắc, ít cười. Ngược hẳn với cô Thanh, cô Thể cao to, mặt hơi chữ điền, trán hói. Cô giảng lịch sử rất hào hùng, say sưa. Cô hát bài Hò mái đẩy Huế rất hay. Giờ nghỉ, chúng tôi hay nài nỉ cô hát.

Tôi yêu nhất cô Legris, dạy Pháp văn. Cô có dáng người mảnh mai, miệng hơi móm, đôi má lúm đồng tiền duyên dáng, giọng nói rủ rỉ ngọt ngào. Cô xinh nhất trong các cô giáo Pháp. Nhóm chúng tôi: Phạm Hoàn, Bội Anh, Nguyệt Tuệ rất mê cô. Cô bị ốm, mấy buổi không lên lớp. Chúng tôi nhớ cô, đánh liều đến khách sạn thăm cô. Cô cắt chiếc thắt lưng áo thành ba đoạn cho chúng tôi làm quai nón. Tôi giữ mãi mảnh quai nón đó làm kỷ niệm.

Chúng tôi học môn Lý với cô Crayol. Cô nhiều tuổi nhất trong các cô giáo. Cô hay mặc váy đen, ít khi trang điểm. Trời mưa, cô đi guốc như người Việt Nam. Cô thương học trò Việt Nam như con. Cô luôn tất bật với những chai lọ ở phòng thí nghiệm. Lần đầu tiên thấy cô pha chế nước tournesol (chất thử màu) thoắt đỏ thoắt xanh, chúng tôi rất thú vị. Các bạn thì thầm:

- Cô cứ như một bà phù thủy có phép lạ ấy nhỉ?

Cô rất nhanh nhẹn. Thỉnh thoảng cô lại la mắng chúng tôi chậm chạp. Cô Crayol làm hiệu trưởng từ năm 1928 đến năm 1931. Có một chuyện học sinh nhớ mãi. Một bạn con quan lớn vốn học giỏi, đăng ký thi vào trường Đồng Khánh. Bố mẹ bạn ấy thương con, lo con không đỗ, nên đến nhờ hiệu trưởng trước. Cô Crayol đánh trượt luôn. Kỳ thi sau, bạn ấy tự đi thi và đỗ vào trường với điểm số cao.

Năm học thứ hai, tên tôi luôn đứng đầu bảng của lớp hằng tháng. Các giáo sư dạy chúng tôi đều là người Pháp, nói tiếng Pháp. Trong một giờ học sử, bà giáo Bégat - giáo sư dạy giỏi ở trường Quốc học - sang dạy lớp tôi. Bà có dáng người cao lớn, nét mặt khắc khổ, nghiêm nghị. Đôi mắt màu xám lạnh của bà không bao giờ nhìn chúng tôi khi giảng bài. Một lần, vừa bắt đầu bài giảng, bà nói:

- Những người Indigène Annamite như các trò…

Nghe từ “Indigène Annamite” (người An Nam bản xứ - nói một cách khinh thường), tôi đứng bật dậy. Biết ý tôi, Phạm Hoàn, cô bạn ngồi cạnh kéo tôi xuống. Cô thì thầm:

- “Cụ” ơi cụ, ngồi xuống, ngồi xuống!

Tôi gạt nhẹ tay bạn, nói với bà giáo Pháp:

- Thưa bà! Xin lỗi bà, bà không nên gọi chúng tôi là Indigène Annamite. Gọi như vậy là khinh bỉ chúng tôi.

Bà giáo sửng sốt, nét mặt tức giận đỏ bừng, quắc mắt đập bàn rầm rầm:

- Jamais, jamais, les élèves font des observations au professeur (Không bao giờ, không bao giờ học sinh được nhận xét giáo sư).

Rồi bà hất đầu hỏi:

- Où est la majoresse? (Học sinh đầu lớp đâu?)

Lớp học im phăng phắc như đang làm bài thi. Thường, nếu xảy ra chuyện gì, trò đầu lớp phải theo giáo sư lên phòng bà Hiệu trưởng. Cuối cùng, một bạn đứng lên trả lời:

- Thưa bà, chính bạn ấy là học sinh đầu lớp.

Bà Bégat càng tức giận hơn. Bà không nói gì, dận gót giày thình thịch đi lên phòng bà đốc Martin. Bà Bégat đề nghị họp khẩn cấp Hội đồng giáo sư, đòi đuổi tôi. Bà đưa ra điều kiện: hoặc tôi bị đuổi học, hoặc bà sẽ không bao giờ sang dạy trường Đồng Khánh nữa.

Tôi đinh ninh mình sẽ bị đuổi học. Các bạn khác cũng nghĩ như vậy.

Một buổi chiều, người thư ký của bà đốc Martin đến tìm khi tôi đang tập thể dục với các bạn ngoài vườn:

- Trò Nguyệt Tuệ lên gặp bà đốc trường.

Các bạn nhìn tôi lo lắng.

Tôi ngồi trước mặt bà đốc, bình tĩnh nhìn bà.

- Trò nhỏ ơi - bà đốc nói thật dịu dàng bằng tiếng Pháp - sao trò lại cãi nhau với một bà giáo khó tính như vậy?

Dáng người thấp nhỏ, bà đốc bắc hai chiếc ghế, đứng lên lấy cuốn từ điển trên giá sách cao xuống. Cuốn sách to và nặng. Bà giở sách ra:

- Trò nhìn xem! Trong từ điển, chữ indigène có nghĩa gì? Có gì đâu mà trò phải cãi. (Chữ indigène trong từ điển có nghĩa là “thuộc về xứ ấy”).

Ngạc nhiên vì sự nhẹ nhàng của bà đốc, tôi lễ phép trả lời:

- Thưa bà, nhưng cái từ này xúc phạm chúng tôi.

Sau này, cô giáo Thanh, cô giáo Thể cho tôi biết: Bà giáo Bégat muốn đuổi học tôi. Nhưng bà đốc Martin muốn giữ học trò giỏi lại cho trường. Hơn nữa, bà lại biết tôi là con gái một danh họa từng có tranh đấu xảo ở Paris. Cuối cùng, Hội đồng giáo sư quyết định cho tôi tiếp tục học. Nhưng tôi bị hạ phần thưởng cuối năm 1942 ấy. Tôi vẫn đứng đầu lớp, nhưng trong học bạ có phê: “Học sinh rất giỏi nhưng giáo sư phàn nàn về cá tính”. Nhận xét này sẽ làm cho học trò sau khi ra trường khó xin việc, khó được nhận vào làm công chức cho Chính phủ Pháp. Tôi vẫn tiếp tục học năm thứ ba ở trường. Bà giáo Bégat không sang trường Đồng Khánh dạy nữa. Bà không bao giờ tha thứ cho việc người ta coi một học sinh bản xứ hơn bà.

Hè 1975, sau giải phóng, tôi có về lại Huế. Tôi tìm về trường cũ. Tôi được cô Kim Cúc (cô giáo dạy nữ công gia chánh ngày xưa) đón ngay trước cửa lớp học. Trông cô gầy hơn nhưng vẫn xinh đẹp với khuôn mặt trái xoan, đôi mắt đen dưới hàng lông mi dài cong vút, đôi môi nhỏ tươi tắn. Dường như chưa có mấy chục năm ngăn cách chúng tôi. Cô vẫn sống độc thân. Đêm ấy, tôi ngủ lại phòng cô trong trường. Cô tâm sự với tôi: “Đã từng có tin đồn về mối tình giữa cô với nhà thơ Hàn Mặc Tử. Nhà thơ đã từng viết tặng cô bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ. Nhưng mối tình ấy do nhà thơ tưởng tượng. Về phía cô, chỉ có sự quý mến. Cô sẽ viết mấy bài đăng báo để nói rõ”. Cô đãi tôi món chè đậu ngự Huế. Được cô săn sóc, tôi thấy mình trở lại là cô nữ sinh bé bỏng thuở nào. Tôi không bao giờ quên giờ học nữ công gia chánh của cô Kim Cúc, vì nó rất… ngon. Sau buổi học, bao giờ chúng tôi cũng được thưởng thức kết quả. Tôi nhớ mãi những chén chè đậu ngự, đậu ván trong vắt, điểm những hạt đỗ màu xanh, trắng tỏa mùi thơm phức. Những đĩa cá chép tẩm bột rán vàng ươm, quanh đĩa xếp những lát cam vàng tươi hấp dẫn… Cô thường nói: “Con gái phải biết học ăn, học nói, học gói, học mở. Công dung ngôn hạnh phải vẹn toàn”.

NGUYỆT TÚ