HV110 - Điện hạt nhân, phải cân nhắc lại

LTS: Thêm một tiếng nói về vấn đề lớn: điện hạt nhân. Bài này, Hồn Việt được tác giả gởi cho đã khá lâu. Trước đó, cũng rất lâu, Hồn Việt (chuyên san) đã đăng ý kiến của TS Nguyễn Khắc Nhẫn (Pháp) không đồng ý làm điện hạt nhân.

Trước tiên, tôi xin cảm ơn GS Nguyễn Khắc Nhẫn thuộc Trường đại học Bách khoa Grenoble, Viện Kinh tế, chính sách năng lượng Grenoble, nguyên cố vấn Nha Kinh tế, dự báo, chiến lược EDF Paris; GS Phạm Duy Hiển (Hà Nội); GS-Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ (Đại học Năng lượng Mátxcơva, Nga). Trong quá trình viết bài này, tôi đã đọc, tiếp thu và sử dụng một số tư liệu của các ông đã được in trên sách báo.

Ù

Nước ta phải công nghiệp hóa, nhất định rồi! Muốn công nghiệp hóa phải có nhiều điện, đúng vậy. Nhưng giải quyết điện bằng cách nào thì phải cân nhắc kỹ. Đây là việc rất quan trọng. Xuất phát từ động cơ chính đáng là cần phải có điện để công nghiệp hóa đất nước, với sự tham mưu của một số cơ quan, lãnh đạo nước ta đã thống nhất chủ trương sẽ phát triển lần lượt các nhà máy điện hạt nhân (theo chiến lược năng lượng thì có tới hàng chục nhà máy bố trí dọc miền Trung).

Đã có dự án nhà máy đầu tiên, hiện đang hoàn chỉnh và thẩm định. Tuy nhiên, việc thống nhất vẫn không cao, kể cả trong cán bộ quản lý, và nhất là giới nghiên cứu. Không riêng ở nước ta, trên thế giới vấn đề điện hạt nhân cũng đang có nhiều ý kiến không thống nhất, yêu cầu phải xem lại, phải từ bỏ. Theo tôi, cần phải cân nhắc thêm, kỹ hơn nữa, cân nhắc lại. Chuyện hệ trọng, phải cân nhắc đi cân nhắc lại nhiều lần, cũng là việc bình thường. Không cân nhắc cho thật kỹ mới là không bình thường!

Theo dự tính lúc đầu, nhà máy đầu tiên phải đầu tư hơn 10 tỉ USD, sau đó tính lên 12 tỉ USD, gần đây tôi được biết dự án đã tăng lên gần 14 tỉ USD. Tiền đầu tư rất nhiều, trong khi nước ta không có vốn, nợ công lại quá lớn mà nguy cơ vỡ nợ không phải là không có. Lại nữa, sau này, khi cần phải bỏ đi, thì cũng phải tốn tiền bằng số vốn đầu tư cho nhà máy mới. Đó là chưa kể chi phí xử lý chất thải trong lúc nhà máy hoạt động và đặc biệt là chi phí rất lớn, thậm chí rất lâu dài, khi xảy ra sự cố. Khi tính đầu tư bằng vốn nhà nước thường không tính chi phí tháo dỡ sau này, mà số ấy rất lớn, làm tăng gấp đôi số vốn. Một nhà máy có công suất khoảng 2.300 MW mà mức đầu tư như dự án đã tính có đắt không? Một số nước ở châu Âu đã ước tính suất đầu tư khoảng 3 triệu USD/1MW (như vậy một nhà máy có công suất 2.300 MW sẽ tốn khoảng gần 7 tỉ USD). Cứ cho là suất đầu tư ấy cũ rồi, lạc hậu rồi, bây giờ cần phải nhiều tiền như vậy mới bảo đảm chất lượng. Nhưng thôi, mỗi dự án có thể có điều kiện khác nhau, không nói đắt rẻ, không nói chuyện tiền nhiều tiền ít nữa. Nói sang chuyện khác vậy.

Câu hỏi đặt ra là, dù người ta cho không (chứ không phải tốn mười mấy tỉ USD), thì có nên mang một quả “bom nguyên tử khổng lồ” về đặt trong nhà mình không? Bởi nó sẽ quyết đời sống sinh vật, xã hội và tâm lý của bao nhiêu thế hệ, kể cả những thế hệ chưa sinh nở, do họ đã bị hạt nhân đô hộ, thường xuyên đe dọa tai nạn khủng khiếp có thể xảy ra.

Khi một nhà máy điện hạt nhân như vậy bị sự cố nghiêm trọng thì phóng xạ của nó có thể lan ra với bán kính 1.000km, cơ bản sẽ phủ phóng xạ phần lớn nước ta, kể cả một phần đáng kể của hai nước anh em Lào và Camphuchia nữa. Mà có ai đảm bảo nó sẽ an toàn tuyệt đối đâu. Trong khi người Việt Nam ta, tính kỷ luật và kỹ thuật (để “chơi” với loại này) đều yếu kém. Ấy là chưa nói bão lũ (ở miền Trung rất nhiều và thường xuyên), động đất, sóng thần, sự nứt gãy của vỏ trái đất. Sự cố Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl (Liên Xô) đã để lại nhiều di chứng rất nghiêm trọng. Nhiều người bị nhiễm phóng xạ đã chết rất khủng khiếp. Thường dân vô tội vẫn tiếp tục chết vì ung thư tuyến giáp. Trẻ em sinh ra bị quái thai nhiều. Có những đứa trẻ sinh ra miệng rộng đến tai, không có mắt mũi, hình dáng rất quái dị. Có 8 triệu người đang sống ở vùng bị nhiễm độc kéo dài hàng trăm năm. Thỉnh thoảng lại phải gia cố tiếp lớp vỏ phủ lên lò hạt nhân để đảm bảo an toàn, tốn nhiều trăm triệu thậm chí đến hàng tỉ đôla. Sau hơn 26 năm sự cố Chernobyl, người ta đã phải xây một lớp vỏ khổng lồ nữa để phủ lên nhà máy, đây là lớp vỏ thứ hai, với mục đích không cho phóng xạ thoát ra ngoài.

Chất thải của nhà máy điện (các thanh nhiên liệu thải ra) cho đến nay khoa học vẫn chưa có cách xử lý, nó tiếp tục phóng xạ, không biết để đâu, người ta đem chôn như một kho bom nổ chậm nằm chờ đó, hàng nghìn năm sau vẫn còn nguy hiểm phóng xạ. Khu vực gần nhà máy rồi người ta cũng không dám làm du lịch. Mà du lịch đang là ngành công nghiệp lớn của thế giới, nước ta lại có lợi thế lớn ở lĩnh vực này, nhất là miền Trung. Nhưng rồi miền Trung sẽ bị đánh mất tiềm năng du lịch. Nước làm nguội thải ra biển sẽ làm thay đổi môi trường, gây nguy hiểm cho các loài sinh vật…

Có người nói vì an ninh năng lượng nên phải làm! Tôi lại nghĩ khác, an ninh cho dân tộc quan trọng hơn an ninh năng lượng chứ. Đây là vấn đề con người, và cuộc sống của con người! Mà không phải ít người. Ảnh hưởng đến nhiều chục triệu người, thậm chí gần như cả dân tộc. Nên nhớ là nước ta có diện tích hẹp, người đông. Và nên nhớ thêm điều nữa là, hai nhà máy đầu tiên ta dự định làm bằng sự cung cấp thiết bị và giúp ta xây dựng, vận hành nhà máy là Nga và Nhật - hai nước đã bị tai họa khủng khiếp về sự cố nhà máy điện hạt nhân Chernobyl và Fukushima trên nước họ, mà lý do chính thuộc về lỗi của con người. Vậy thì lời hứa của đối tác kinh doanh ấy về sự an toàn có thể tin tưởng được không?

Lại còn ảnh hưởng đến độc lâp dân tộc nữa. Ta không tự mình làm được, làm với nước nào thì lệ thuộc nước đó, cả đầu vào và đầu ra (chất thải - các thanh nhiên liệu), cả kỹ thuật và tài chính. Có ý kiến nói rằng, ta làm với nhiều nước khác nhau nên không lệ thuộc nước nào. Không phải vậy! Làm với nhiều nước thì ta lệ thuộc cùng lúc nhiều nước.

Còn quốc phòng thì sao? Lại thêm những mục tiêu phải được bảo vệ rất cẩn trọng, đề phòng kể cả khủng bố. Nhiều nước người ta còn bố trí quân đội sẵn sàng để đề phòng máy bay oanh tạc hoặc tên lửa từ xa phóng đến. Một ngày nào đó có người dọa ta rằng, nếu Việt Nam không nghe họ thì hãy coi chừng các nhà máy điện hạt nhân… mà ta chưa có khả năng bắn chặn tên lửa. Tất nhiên họ không nói trắng trợn vì sợ dư luận thế giới, nhưng vẫn có cách nói khác “tế nhị” để ta vừa đủ hiểu. Họ nói chứ không làm thì ta cũng đủ mệt lắm rồi. Còn nếu ai đó nghĩ rằng có điện hạt nhân thì sau đó sẽ có thêm điều kiện để bảo vệ đất nước là một ý nghĩ “không thông minh” một chút nào!

Đấy, tốn nhiều tiền để đầu tư và mang về nhiều hiểm họa. Tất nhiên là có điện để công nghiệp hóa. Nhưng vẫn có thể có điện bằng cách khác. Trước hết phải có biện pháp triệt để tiết kiệm điện. Nước ta hao phí điện trên đường truyền khá lớn, nếu tiết kiệm tốt khoản này có thể bằng vài nhà máy điện lớn. Tiếp theo là tiết kiệm trong sử dụng. Ta mở máy điều hòa nhiều quá, lúc không cần sử dụng cũng mở, lúc nhiệt độ đã thấp đến mức phải mặc ấm cũng để máy lạnh. Rồi là chuyện để đèn thắp sáng cả đêm ở nhiều chỗ chưa cần…

Tiết kiệm điện lớn nhất là có cơ cấu kinh tế hợp lý và hiệu quả, ít tiêu hao năng lượng. Nếu ta cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sản xuất thép để bán cho thế giới thì vừa bị tác động xấu về môi trường, vừa tốn rất nhiều điện, mà điện bao cấp, để rồi bị thiếu điện, phải tốn rất nhiều tiền để làm nhà máy điện hạt nhân (?). Trong khi đó, nếu “cả nước” sản xuất công nghiệp phần mềm thì tốn điện rất ít, hiệu quả cao. Còn nữa là sử dụng công nghệ tiên tiến, các thiết bị tiết kiệm năng lượng…

Thế giới có gần 100 nước dù không có điện hạt nhân nhưng đã phát triển hơn ta. Nên không thể nói không có điện hạt nhân thì không phát triển được. Nước ta trên bờ Thái Bình Dương, nhiều gió; ở phía nam bán cầu, nhiều nắng. Đó là chưa kể những nguồn năng lượng khác cần nghiên cứu sử dụng như dòng hải lưu gần bờ biển…

Đức là nước công nghiệp, nhu cầu sử dụng điện rất lớn, trước đây đã xây trên 10 nhà máy điện hạt nhân, đã hoạt động và cung cấp nhiều điện cho quốc gia. Nhưng đến nay người ta đã bỏ cơ bản xong tất cả các nhà máy điện, và họ thay vào đó bằng điện gió và điện mặt trời (có loại kính lấy nhiệt mặt trời và loại pin giữ điện tốt, kỹ thuật mới, hiệu quả cao). Tôi nghĩ Việt Nam ta chắc có nắng nhiều hơn nước Đức. Ở Đức người ta đã tạo ra 1 MW điện sức gióvới giá đầu tư 2 triệu USD. Với mức đó thì 2.300 MW (như công suất của nhà máy điện hạt nhân ta định làm) sẽ tốn 4,6 tỉ USD. Trong khi đó nhà máy của ta thì phải gần 14 tỉ USD?!

Bản thân nước Nhật cũng đang tính toán việc hủy bỏ chương trình xây cất thêm các lò hạt nhân. Nước Mỹ, có đủ khả năng và điều kiện, đã không xây cất thêm một lò hạt nhân nào khác, từ khi có sự cố Three Mile Island hơn 30 năm nay. Nước Nga, sau khi có một báo cáo vạch trần những thiếu sót quan trọng về kỹ thuật cũng như cách khai thác 32 lò của Nga, tại mấy hội thảo gần đây đã có ý kiến của các nhà nghiên cứu đề nghị phải xem lại vấn đề điện hạt nhân.

Có ý kiến nói nếu Việt Nam bỏ hoặc dừng dự án thì sợ ảnh hưởng đến ngoại giao. Tôi không lo điều ấy. Ngoại giao cũng không có mục đích tự thân, hơn nữa, nếu trình bày rõ thì bạn bè sẽ thông cảm. Ngoài ra, tôi có biết một thông tin nữa là đối tác chính làm dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên cho Việt Nam hiện nay hết sức khó khăn, đang trên đường phá sản. Đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra lại thông tin. Với lý do trực tiếp này, cơ quan có thẩm quyền nên có quyết định dừng dự án này lại. Không việc gì mà phải cố níu kéo dự án ấy. Nếu cứ quyết tâm làm điện hạt nhân thì rồi ai sẽ chịu trách nhiệm với các thế hệ mai sau đây?

Trong câu chuyện nhà máy điện hạt nhân này cần phải tính lại, nghĩ lại, và kể cả cảnh giác nhiều thứ lắm!

 

_____

* Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phótrưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương

VŨ NGỌC HOÀNG*