HV110 - Nhớ lại những giờ học Quốc văn ở Trường Bưởi

Những kỷ niệm sâu đậm nhất của tôi về các môn học ở Trường Bưởi (Hà Nội) khóa học 1928-1932 là những giờ học Quốc văn (hồi đó gọi là môn Annamite, Việt Nam). Môn học này do thầy Bùi Quang Huy dạy.

Những giờ học đầu tiên của môn học này đối với tôi hết sức ngỡ ngàng. Hồi đó, môn Quốc văn không được coi trọng. Mỗi tuần có 2 giờ (Luận - 1 và Giảng văn - 1); còn môn tiếng Pháp có tới 8 giờ (Chính tả, Luận, Giảng văn, Ngữ pháp) và được coi như chuyển ngữ dùng để dạy mọi môn học.

Thi Thành chung (tốt nghiệp cao đẳng tiểu học 4 năm) không thi môn Quốc văn (kể cả viết và vấn đáp), mà chỉ thi mấy môn chủ chốt - đầu tiên là môn tiếng Pháp (Chính tả và Luận), sau đó là môn Toán, Lý, Hóa. Bài làm các môn này đều phải trình bày bằng tiếng Pháp.

Như vậy rõ ràng môn Quốc văn là thứ yếu. Nhưng trái lại, thầy Bùi Quang Huy dạy môn này lại đòi hỏi ở học sinh sự học tập chuyên cần cao hơn các môn học khác.

Tuy học trên lớp môn này có 2 giờ, nhưng khi học ở nhà, học sinh phải dành khá nhiều thời gian mới đáp ứng yêu cầu giảng dạy của thầy Huy. Chẳng hạn, giờ Giảng văn, học sinh phải trình bày trên vở các mục chính: 1- Tiểu sử tác giả (nếu có), 2- Đại ý, 3- Dàn bài, 4- Chữ và câu (với chữ khó và điển tích), 5- Phê bình. Sách giáo khoa thời đó là Việt văn hợp tuyển giảng nghĩa (tác giả Lê Thành Ý, Nguyễn Hữu Tiến). Sách Quốc văn trích diễm (tác giả Dương Quảng Hàm) cũng được coi là sách giáo khoa. Nhưng Trường Bưởi hồi đó chỉ dùng Việt văn hợp tuyển giảng nghĩa. Tuy có sách giáo khoa này, nhưng cũng chưa đủ tư liệu để đáp ứng yêu cầu chuẩn bị bài ở nhà của thầy Huy, nên buộc chúng tôi phải đầu tư nhiều thì giờ, sức lực để tìm tòi, tra cứu mới hoàn chỉnh được.

Dạy trên lớp, thầy gọi một trò đọc bài chuẩn bị của mình cho cả lớp nghe để trao đổi, góp ý. Cá nhân phát biểu được ghi điểm vào sổ. Theo cách này, mỗi tiết học chỉ gọi được một hay hai trò là cùng. Cuối giờ, trước 15 phút thầy mới giảng, làm sáng tỏ và bổ sung những điều cần thiết.

Về môn Luận, thầy bắt phải làm hai bản nháp, bản đầu tiên đúng là “nháp” rồi viết vào bản nháp thứ hai tương đối rõ ràng để đọc không ngắc ngứ, sau cùng mới viết thành bản hoàn chỉnh, sạch sẽ để thầy kiểm tra có đủ hai bản nháp trước khi chấm. Thầy không thu bài mang về nhà mà bắt đọc và chấm ngay tại chỗ. Bài Luận được đọc trước lớp để mọi người phê bình.

Đề bài thầy ra cũng độc đáo và “hắc búa”. Không phải là những đề tả Cảnh buổi sáng mùa xuân, hay Cảnh một phiên chợ nào đó như thường thấy. Tôi nhớ có hai đề bài đã khiến tôi nhức óc: “Tả con mèo bắt chuột” (rất gay là nhà tôi không nuôi mèo) và tả cảnh “Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà” (một câu thơ thì làm sao “kéo” được thành một bài văn tả cảnh!).

Nói chung đến giờ Quốc văn tôi lo sợ nhiều hơn cả. Nhất là ở những tháng đầu, từ lớp nhất lên cao đẳng tiểu học tôi rất bỡ ngỡ, không quen với cách học tập tiếng Việt - tưởng rất dễ mà hóa ra rất khó. Thêm nữa, thầy rất nghiêm. Thầy không phạt nhiều, nhưng học trò rất sợ uy thầy, ai nấy đều làm theo yêu cầu của thầy. Sau mấy tuần đầu, việc học dần dần vào nền nếp và không khí học ngày một sôi động, với những lời phát biểu sâu sắc của nhiều bạn vốn đã sớm có trình độ, và cả những bạn bắt đầu yêu thích tiếng mẹ đẻ, và nhất là những lời giảng khúc chiết đầy nhiệt tình của thầy làm rung động tâm hồn thơ ngây.

Sang năm thứ hai lớp chúng tôi lại may mắn được thầy Huy phụ trách môn Quốc văn. Việc học qua một năm trước đã thành nếp nên trong giờ Luận văn thầy chỉ bắt trò làm một bản, miễn là khi lên bảng đọc đúng theo bài đưa thầy chấm, và đọc rành rõ để các bạn dễ theo dõi.

Khóa học 1928-1932 phải chăng nhờ sự giảng dạy của thầy Huy mà sau này đã có hai học trò thành đạt trong giới văn học: nhà thơ J. Leiba tức Lê Văn Bái (tên và tác phẩm được ghi trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân), nhà văn Vũ Lang (tức Vũ Thọ) với những truyện ngắn (in trên Annam tạp chí của Nguyễn Khắc Hiếu) được nhiều người khen ngợi. Ngoài ra còn có trò Nguyễn Trinh Cơ (sau là giáo sư bác sĩ y khoa) đã từng viết một số truyện ngắn và tác phẩm được trích đăng trong sách giáo khoa.

Để kết luận bài viết, tôi xin ghi lại bài ca dao mà thầy cho chúng tôi làm đề tài “giảng văn” và đã bình giảng ngay trên lớp ở năm thứ hai:

“Chân đi chẳng tới chân ơi

Chân đi chẳng tới chân ngồi xuống đây

Ngồi buồn tính đốt ngón tay

Tính đi tính lại ngón này hơn trăm

Tính tháng rồi lại tính năm

Tính tháng tháng trọn tính năm năm rồi

Đời ta biết thuở nào nguôi”(1)

Đây là trường hợp đặc biệt: chọn đề bài giảng không có trong sách giáo khoa... Bài ca dao này thể hiện nỗi niềm u uất của một người có chí hướng tự thấy qua nhiều năm tháng vẫn chưa đạt hiệu quả mong muốn. Ý thơ ghi sâu vào trí nhớ tôi hồi đó, vào thời kỳ còn sống động âm vang của cuộc khởi nghĩa Yên Bái (tháng 2-1930). Phải chăng, thầy cũng muốn qua bình giảng để gửi gắm tâm tư của mình, của một người mang nặng một hoài bão gắn với lý tưởng cuộc sống, nay tính sổ cuộc đời thấy qua bao năm tháng vẫn chưa thực hiện được.

Thầy Bùi Quang Huy về hưu ở tuổi trên 70, và các trò của thầy lúc đó cũng trên tuổi 50. Có lần gặp thầy, chúng tôi gợi lại thắc mắc trên, nhưng thầy không nói mà chỉ cười xòa.

Thầy mất năm 1974, thọ 82 tuổi.

 

_____

* Học giả 103 tuổi, ở Hà Nội.

(1) Về sau, người viết thấy bài này in trong Tục ngữ phong dao, tập 2 của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, NXB Minh Đức, Hà Nội, năm 1957, tr.54-55. Hai chữ đầu câu cuối in “Đôi ta” không phải “Đời ta” (phải chăng đã in lầm?). Đây là sách tái bản, lần đầu in vào năm 1928, tạp chí Nghiên cứu Giáo dục số 2-1996.

VŨ TUÂN SÁN*