HV110 - Sai mãi thành đúng

Google: chữ viết sai chính tả

Google là một trong số những trang web được nhiều người trên thế giới truy cập nhất hiện nay. Nhưng ít ai biết rằng từ Google vốn không có trong mọi quyển từ điển tiếng Anh và đó là một từ vô nghĩa vì viết sai chính tả. Vào khoảng năm 1996, hai nghiên cứu sinh của Trường đại học Stanford ở Mỹ là Larry Page (người Mỹ) và Sergey Brin (người Mỹ gốc Do Thái, sinh ở Mátxcơva) là đồng tác giả bài báo mang tên Sự phân tích về cỗ máy tìm kiếm trang Web dạng Hypertext mức độ lớn. Họ định đặt tên cho cỗ máy này là GOOGOL, một thuật ngữ toán học để hình dung con số 10 lũy thừa 100 (tức là số 1 và 100 con số 0 tiếp theo). Đây là con số ảo nhằm gây ấn tượng về lượng thông tin cực lớn mà cỗ máy có tham vọng chuyển tải. Thế nhưng do lỗi phát âm và lỗi chính tả đã xảy ra trong khâu đăng ký mà ngày 15-9-1997, tên miền của website này trở thành www.google.com. Thế là chết tên Google. Năm 1998, công ty Internet này được thành lập và tên GOOGLE trở thành công cụ quen thuộc với cư dân mạng.

Đây là ví dụ đầu tiên và rất cụ thể về những trường hợp sai mãi thành đúng. Hàng tỉ lượt người bị sai dài dài nhưng lại rất ít người biết đó là sai. Rất may là dầu lấy tên là GOOGLE hay GOOGOL cũng không ảnh hưởng gì đến hiệu quả sử dụng. Nhưng nếu những quyển từ điển tiếng Anh được biên soạn trước năm 1998 không có từ Google thì những quyển từ điển hiện hành cần phải cập nhật bổ sung từ này. Như thế mới đúng.

Sao lại gọi nước Mỹ là Hợp “chủng” quốc?

Tên của nước Mỹ là “United States of America”, viết tắt là USA hoặc US. Một cách nhanh gọn thì gọi là Mỹ. Lịch sự hơn thì gọi là Hoa Kỳ vì trên quốc cờ Mỹ có hình nhiều ngôi sao được ví như hoa nở. Ngoài ra không ít người còn gọi là Hợp chủng (dấu hỏi) quốc. Có lẽ họ tưởng gọi hợp chủng là đúng vì quả thực có rất nhiều dân tộc, sắc tộc, bộ tộc da màu và da trắng định cư trên đất nước Mỹ. Do đó từ này còn có thể bị hiểu theo nghĩa xấu là lai căng, tạp chủng. Nhưng trong mấy chữ USA hoàn toàn không có từ nào mang ý nghĩa sắc tộc mà chỉ có nghĩa là những quốc gia liên kết. Người Pháp dịch rất sát nghĩa là Les États Unis. Trung Quốc gọi nước Mỹ (phiên âm ra tiếng Việt) là Mỹ Lợi Kiên Hợp Chúng (dấu sắc) Quốc. Từ chúng quốc nghĩa là nhiều quốc gia.

Hiện nay tên tiếng Việt Nam của nước Mỹ được các cơ quan ngoại giao Mỹ công nhận và sử dụng là HỢP CHÚNG QUỐC HOA KỲ. Vậy chúng ta đừng gọi nhầm là Hợp chủng quốc nữa nhé. Người Mỹ họ không thích từ này đâu.

Bang hay tiểu bang?

Nước Mỹ gồm có 50 vùng quốc thổ, mỗi vùng gọi là một state. Từ state này thường được dịch ra tiếng Việt là tiểu bang, còn các phương tiện truyền thông của nhà nước Việt Nam thì gọi là bang.

Thực ra trong các vùng lãnh thổ ấy có những vùng không nhỏ chút nào. Alaska với diện tích hơn 1.700.000km2, chỉ đứng sau diện tích của 18 quốc gia có chủ quyền. Riêng California cũng lớn hơn diện tích nước Việt Nam. Nếu gọi những vùng lãnh thổ ấy là tiểu bang thì danh xưng United States phải dịch là Liên tiểu bang. Tổ chức FBI (Federal Bureau of Investigation) phải dịch là Cục Điều tra liên tiểu bang thay vì gọi Cục Điều tra liên bang như lâu nay vẫn dùng.

Xét về mặt tiền sử thì ở miền Nam Việt Nam, từ tiểu bang được sử dụng sớm và phổ biến hơn từ bang nên đã hình thành một thói quen khó thay đổi. Ngoài ra còn có lý do bảo thủ và hoài cổ về văn hóa, chính trị, một bộ phận người Việt, nhất là người Việt di tản ra nước ngoài vẫn thích dùng từ tiểu bang chứ không công nhận từ bang.

Nhưng xét về mặt ngữ nghĩa thì phải công nhận rằng dùng từ bang là chỉn chu hơn. Nói tiểu bang là thừa chữ tiểu.

Miền Đông và Miền Tây Nam Bộ

Theo địa lý hành chánh hiện nay thì đồng bằng Nam Bộ được phân chia làm hai phần:

Miền Đông Nam Bộ gồm có: Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Miền Tây Nam Bộ còn gọi là vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm có: thành phố Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long.

Sự phân chia Miền Đông, Miền Tây Nam Bộ vốn đã có từ thời vua Minh Mạng. Trước đó toàn thể vùng đất Nam Bộ mênh mông đều thuộc một đơn vị hành chính là Gia Định Thành và 5 trấn phụ thuộc do các đời Tổng trấn toàn quyền cai quản. Năm 1832, sau khi Lê Văn Duyệt chết, vua Minh Mạng liền ra tay cải cách hành chính theo hướng chia để trị, trước mắt là nhằm triệt bỏ hệ thống quyền lực quá lớn mà xa mặt trời của tổng trấn Gia Định Thành. Nhà vua bãi bỏ Gia Định Thành và 5 trấn, thay bằng 6 tỉnh gọi là Nam Kỳ lục tỉnh gồm: ba tỉnh Miền Đông là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và ba tỉnh Miền Tây là Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Sự phân chia Miền Đông, Miền Tây này không theo định hướng đông, tây, nam, bắc của la bàn mặc dầu vào thời bấy giờ việc sử dụng la bàn để định hướng đã rất phổ biến trong ngành hàng hải và trong kỹ thuật vẽ bản đồ. Nếu dùng la bàn định hướng thì sẽ thấy 6 tỉnh nói trên không ăn nhập gì với hai hướng đông, tây của la bàn.

Trước đó, vào năm 1820 một danh sĩ của đất Gia Định là Cấn Trai Trịnh Hoài Đức đã dâng vua Minh Mạng bộ sách Gia Định Thành thông chí (còn gọi Gia Định thông chí) do ông biên soạn từ thời Gia Long. Sách này là một công trình địa chí rất công phu về vùng đất Nam Bộ xưa. Là người tinh thông Hán học và thiên văn, ông định vị đất Gia Định dựa trên các vì sao theo thiên văn cổ. Tác giả căn cứ vào các thiên văn chí và địa chí của sách sử Trung Quốc như Chu lễ sớ, Tiền Hán thư, thuyết Sơn hà lưỡng giới của nhà sư Nhất Hành đời Đường, Nam Việt chí, Tinh kinh… xác định các đất Ngô, Việt và Dương Châu đối với các vì sao, từ đó suy ra vị trí của đất Gia Định về mặt thiên văn. Theo ông thì tỉnh Gia Định thuộc khu vực sao Dực, sao Chẩn. Lấy các chòm sao này làm chuẩn thì các tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa nằm về phía Đông còn các tỉnh Vĩnh Long, Hà Tiên, An Giang nằm về phía Tây. Vậy thuật ngữ Miền Đông, Miền Tây có nguồn gốc từ phương pháp định vị của học giả Trịnh Hoài Đức. Các tài liệu về sau của nhà Nguyễn như bộ Đại Nam nhất thống chí đều dựa theo Gia Định thông chí. Sau này, học giả Đào Duy Anh đánh giá việc kết hợp kiến thức thiên văn với địa chí của Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thông chí là “ít có giá trị thiết thực”.

Vào ngày 1-1-1900, thực dân Pháp xóa bỏ địa bạ Nam Kỳ lục tỉnh, chia đất Nam Bộ làm 21 tỉnh. Từ đó đến nay tên gọi và ranh giới của các tỉnh ở Nam Bộ còn tiếp tục bị thay đổi, xáo trộn nhiều lần, nhất là sau mỗi biến cố chính trị lớn làm thay đổi chế độ. Ví dụ: tỉnh Long An vốn là phần đất thuộc ba tỉnh Miền Đông của Nam Kỳ lục tỉnh. Từ thời kháng chiến chống Pháp đến thời chống Mỹ, Long An cũng thuộc Phân khu Miền Đông Nam Bộ. Thế nhưng hiện nay tỉnh này lại được kể là một tỉnh thuộc Miền Tây Nam Bộ.

Như vậy cách phân chia Miền Đông, Miền Tây Nam Bộ như hiện nay là rất không thiết thực và rất thiếu chính xác của khoa học về bản đồ. Người dân thì còn có thể tùy tiện sử dụng trong ngôn ngữ phổ thông, nhưng trong sách giáo khoa địa lý dành cho học sinh và trong các văn bản hành chính mang tính pháp lệnh của nhà nước mà vẫn cứ tiếp tục bảo lưu cái sai này thì khó có thể chấp nhận.

Đường nào lên đỉnh Olympia?

Đường lên đỉnh Olympia là một chương trình thi kiến thức dành cho học sinh trình độ trung học phổ thông ở Việt Nam xuất hiện lần đầu trên kênh truyền hình VTV3 vào ngày 21-3-1999, đến nay vẫn sống khỏe và bước vào năm thứ 17. Nhờ bầu sữa tài trợ của đại gia công nghệ điện tử LG từ Hàn Quốc, VTV3 tổ chức cuộc thi này với tần suất phát sóng dày đặc: mỗi năm có 36 cuộc thi tuần, 12 cuộc thi tháng, 4 cuộc thi quý và 1 cuộc thi chung kết được truyền hình trực tiếp.

Khi dùng từ đỉnh Olympia rõ ràng nhà đài nghĩ rằng Olympia là một ngọn núi danh tiếng mà ai cũng biết. Nhưng trên trái đất này không hề có ngọn núi nào mang tên Olympia. Ở Hy Lạp có ngọn núi cao 2.917m tên tiếng Hy Lạp là Olympos, nằm cách thành phố Thessaloniki khoảng 80km. Tiếng Anh gọi là Olympus. Tiếng Pháp gọi là Olympe. Tiếng Hán-Việt gọi là Thần Sơn - được xem là nơi ngự trị của các vị thần thánh trong thần thoại Hy Lạp. Ngoài ra ở đảo Síp, ở bang Utah và bang Washington của Mỹ cũng có những ngọn núi trùng tên, bất quá đều ăn theo tên Olympos của Hy Lạp. Nếu VTV3 cũng muốn ăn theo thì phải lấy tên chương trình là Đường lên đỉnh Olympus hoặc đỉnh Olympos.

Riêng từ Olympia mà nhà đài dùng lại có nhiều nghĩa khác. Trước tiên đó là một khu vực khảo cổ văn hóa ở Elis, gồm một quần thể di tích của các kỳ thi đấu thể thao ở Hy Lạp trong thời cổ đại. Do từ này, các kỳ thi đấu thể thao quốc tế hiện nay lấy tên là Thế vận hội Olympic. Olympia còn là tên của thành phố, thủ phủ của bang Washington - Hoa Kỳ. Ngoài ra ở Paris, ở Ireland có nhà hát lớn và ở Hà Nội có trung tâm thể thao mang tên Olympia. Muốn đến những cái Olympia này thì không phải leo trèo chi cả mà đi bằng các phương tiện di chuyển thông thường. Không biết VTV3 muốn các thí sinh của mình trèo lên cái đỉnh Olympia nào?

Theo thần thoại thì đỉnh núi Olympus là nơi ngự trị của 12 vị thần cai quản vũ trụ. Còn hiện nay, từ Olympiad, Olympic gắn với những thành tích thể thao tầm cỡ quốc tế. Với cuộc thi kiến thức của học sinh THPT trong nước, dầu cho đạt giải cao nhất cũng chưa phải là thành tích gì ghê gớm mà đem so sánh ngang tầm cỡ thần thánh trên trời hoặc các nhà vô địch thể thao thế giới!

Ngay từ những năm đầu đã có nhiều ý kiến phê phán cái sai trong tên Đường lên đỉnh Olympia. Gần đây cư dân mạng cũng “ném nhiều gạch đá” vào cái tên ấy nhưng nhà đài không hề tiếp thu. Nhà báo Tạ Bích Loan, một trong những người dẫn chương trình và là người đầu tiên xây dựng nên chương trình này, giải thích rằng: “...Trong cảm hứng về việc tạo ra một đỉnh núi trong ước mơ, trong tưởng tượng, một đỉnh núi mang tính biểu tượng thì cái tên cũng mang tính biểu tượng...”.

Nhưng sao nhà đài không chịu khó tưởng tượng ra một cái biểu tượng của đất nước mình, vừa sức để cho học trò mình leo. Chẳng hạn: núi Hồng Lĩnh, núi Hoàng Liên Sơn, Ba Vì hay Ngự Bình, Bà Đen gì đó… Đi lấy biểu tượng có sẵn của người khác thì gọi là “đạo” chứ có tưởng tượng cái gì đâu? Biết sai mà không thành khẩn tiếp thu và chỉnh sửa còn cố cãi chày cãi cối để bảo lưu cái sai - ấy là cách ứng xử rất coi thường khán thính giả, không tương xứng với tầm cỡ của một cơ quan truyền thông đẳng cấp quốc gia!

Thái hậu Dương Vân Nga, bà là ai?

Bà là hoàng hậu của hai vị hoàng đế thời kỳ đầu lập quốc trong lịch sử Việt Nam là Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Nhưng theo cuốn Phả hệ họ Ngô Việt Nam và cuốn Gia phả họ Đinh Danh ở Thái Bình thì bà là hoàng hậu ba triều. Trước khi lấy Đinh Tiên Hoàng, bà đã lấy Hậu Ngô vương Ngô Xương Văn. Sau khi Đinh Bộ Lĩnh diệt được Ngô Xương Văn, Dương thị chuyển sang lấy Đinh Bộ Lĩnh. Đến khi Đinh Bộ Lĩnh bị giết thì bà chuyển sang lấy Lê Đại Hành (Lê Hoàn). Như thế có thể bà ta lấy tới ba chồng và làm hoàng hậu ba triều chứ không phải là hai.

Về cái chết của vua Đinh Tiên Hoàng và con trưởng Đinh Liễn, Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim chép: “Năm Kỷ Mão (979) vua Tiên hoàng và Nam Việt vương Liễn bị tên Đỗ Thích giết chết. Sử chép rằng tên Đỗ Thích trước làm lại, đêm nằm thấy sao rơi vào mồm tưởng là triệu mình được làm vua bèn định bụng làm sự thí đoạt. Một hôm Đỗ Thích thấy Tiên hoàng say rượu nằm trong cung bèn lẻn vào giết Tiên hoàng đi, rồi giết cả Nam Việt vương Liễn. Đình thần tìm bắt được Đỗ Thích đem làm tội và tôn Vệ vương Đinh Tuệ (còn gọi là Đinh Toàn, con của Đinh Tiên Hoàng và Dương Vân Nga) lên làm vua. Vệ vương mới có 6 tuổi lên làm vua, quyền chính ở cả Thập đạo tướng quân Lê Hoàn. Lê Hoàn lại cùng Dương thái hậu tư thông. Các quan đại thần bây giờ là bọn Đinh Điền, Nguyễn Bặc thấy Lê Hoàn nhiếp chính lộng quyền quá mới cử binh mã đến đánh nhưng bị giết cả”.

Mối quan hệ của Lê Hoàn và Dương Vân Nga được sử gia Ngô Sĩ Liên thời Hậu Lê (Lê Lợi) phê phán rất nặng lời trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Hạ kinh của Kinh Dịch nêu quẻ Hàm và quẻ Hằng lên đầu, là để tỏ cái ý lấy đàn bà tất phải chính đáng. Đại Hành thông dâm với vợ vua, đến chỗ nghiễm nhiên lập làm hoàng hậu, mất cả lòng biết hổ thẹn. Đem cái thói ấy truyền cho đời sau, con mình bắt chước mà dâm dật đến nỗi mất nước, há chẳng phải là mở đầu mối họa đó sao?”.

Trong Đại nam quốc sử diễn ca viết bằng chữ Nôm của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái là hai sử gia triều Nguyễn cũng có đoạn vạch rõ mưu gian của Lê Hoàn, Dương Vân Nga và Phạm Cự Lượng như sau:

“Nối sau Thiếu Đế thơ ngây(1)

Lê Hoàn nhiếp chính từ rày dọc ngang

Tiếm xưng là Phó Quốc vương

Ra vào cùng ả họ Dương chung tình

Bặc, Điền vì nước liều mình

Trách sao Cự Lạng tán thành mưu gian…”

Nguyên Lê Hoàn và Dương Vân Nga đã có tiền sử thông dâm:

“Người tình ẩn bóng kè kè

Chính chuyên đâu dễ thuộc về quân vương!...”

Mưu gian của Dương thị có thể chia làm ba giai đoạn: 1) Giết Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn để con của Dương Vân Nga là Đinh Tuệ lên nối ngôi. 2) Dương Vân Nga làm thái hậu ép con là Đinh Tuệ nhường ngôi cho Lê Hoàng. 3) Dương Vân Nga lấy Lê Hoàn để vừa làm Hoàng thái hậu nhà Đinh vừa làm Hoàng hậu nhà Tiền Lê.

Nếu giao vụ án Đỗ Thích giết Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn cho... Bao Thanh Thiên, FBI hay bất kỳ một cơ quan điều tra hạng bét nào cũng sẽ bắt đầu từ chuyện thông dâm của người đàn bà họ Dương và đưa bọn Dương Vân Nga, Lê Hoàn, Phạm Cự Lượng vào diện chủ mưu. Tên Đỗ Thích bất quá chỉ là tay sai, đồng phạm và là vật tế thần. Tất nhiên Đỗ Thích phải bị bọn chủ mưu giết ngay để bịt đầu mối.

Trong tập Bách Việt tộc phả Nguyễn tộc từ đường phổ ký chính bản (đệ nhị quyển) do La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp soạn năm 1789, đoạn về sự tích 12 sứ quân, viết: “Lê Hoàn âm mưu với Dương Thị Nga làm phản, gian phu cùng Thị Nga tư thông sát hại cha con Đinh Bộ Lĩnh. Nga tự đem áo long bào khoác cho Lê Hoàn lên ngôi vua, giáng Thiếu Đế làm Vệ vương”.

Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 1, Kỷ nhà Đinh, trang 166 viết về Lê Hoàn như sau: “Vua nhân gian dâm trong cung mà lấy được nước, về luân thường, đạo vợ chồng có nhiều việc đáng thẹn”.

Trước kia ở đền Hoa Lư người ta vẫn thờ Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành và Dương Vân Nga. Khi rước vẫn đặt tượng Đinh Tiên Hoàng, Dương Vân Nga, Lê Hoàn vào một cỗ kiệu chung. Nhưng đến đời Hậu Lê, An phủ sứ Lê Thúc Hiển nổi tiếng cương trực, phụng mệnh vua Lê về Hoa Lư làm quốc lễ, thấy vậy bèn sai buộc vải trắng vào cổ tay tượng Dương Vân Nga, dong đi ngoài đường rồi đưa tượng người đàn bà họ Dương sang đền thờ Lê Hoàn, từ đó cấm lưôn dân chúng không được thờ chung một vợ hai chồng làm bại hoại nhân luân, điếm nhục miếu đường xã tắc.

Theo tác phẩm Truyền thuyết Hoa Lư của Sở Văn hóa - Thông tin Ninh Bình, năm 1996, trang 102, đã viết: “Hầu hết nội tộc họ Dương rời kinh đô Hoa Lư về Vân Lung và quyết định đổi họ Dương thành họ Giang để không công nhận Dương Vân Nga là người cùng họ tộc nữa”.

Những tư liệu, sách sử chính thống nhận định như trên là khá rõ ràng, xác đáng. Tuy nhiên gần đây bỗng có xu hướng trái chiều nhằm đề cao thái hậu Dương Vân Nga. Họ hoàn toàn không xét đến những chuyện tư thông, vụ án giết vua, lấy hai, ba chồng của Dương thị mà chỉ đề cao hành động trao long bào để cho Lê Hoàn lên làm vua:

“Sự lựa chọn và quyết định của Dương Vân Nga trong hoàn cảnh quốc gia bấy giờ đã biểu hiện thái độ chính trị sáng suốt của một người có khối óc lớn, thức thời, xứng đáng được coi là anh hùng. Nếu Dương Vân Nga không biết đặt lợi nước lên trên quyền lợi của dòng họ, bà có thể ngoan cố bảo vệ ngai vàng cho con nhỏ của mình, sẽ gây ra nạn tranh giành, đẩy đất nước vào thảm cảnh rối loạn và kết cục là bị mất nước bởi nhà Tống”. Không biết sử gia nào là tác giả của những lời nhận định trái chiều trên. Những “sử gia” ấy đã không đủ sáng suốt để nhận ra rằng:

- Dương thị không “ngoan cố bảo vệ ngai vàng” cho con mình là rất khôn ngoan. Bởi vì nếu Đinh Tuệ làm vua, bất quá bà chỉ làm thái hậu bù nhìn mà chưa chắc đã giữ được tính mạng của hai mẹ con. Ngược lại, trao long bào cho Lê Hoàn làm vua thì bà đã không mất cái chức thái hậu bù nhìn mà chắc chắn sẽ còn được làm bà hoàng hậu đầy quyền lực đương trào. Có thua thiệt gì đâu mà gọi là hy sinh quyền lợi của dòng họ? Mà dòng họ nào mới được chứ - họ Đinh hay họ Dương? Họ Đinh thì đã bị bà hy sinh từ lâu, khi tư thông với Lê Hoàn rồi.

- Sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim còn có đoạn viết tiếp: “Lúc bấy giờ nhà Tống nghe tin Tiên Hoàng đã mất, tự quân còn dại, muốn thừa thế sang lấy nước ta mới hội đại binh gần biên giới”. Như thế việc quân Tống sang xâm lược là hậu quả của việc tranh giành, giết chóc làm triều đình hỗn loạn, suy yếu do bà và đồng bọn gây ra. Và đã gây ra rồi thì còn tránh sao được nữa?

- Nói trao long bào cho Lê Hoàn làm vua để ông ta có thêm quyền lực đánh Tống. Nhưng từ sau khi Đinh Tiên Hoàng bị giết, Lê Hoàn đã tóm thâu hết quyền lực rồi chứ còn ai dám tranh giành? Nên nhớ rằng những trung thần danh tướng như Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn… đâu cần làm vua mới chịu đánh giặc và dù chỉ làm tướng họ cũng vẫn thắng được giặc mạnh.

- Quả thật là đã có một số tác giả cải lương, tuồng, chèo đưa nhân vật Dương Vân Nga lên tận mây xanh. Cũng như điện ảnh Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc gần đây rộ ra xu hướng đánh bóng làm đẹp hình ảnh những nhân vật phản diện trong sử sách của nước họ như Đắc Kỷ hay Võ Tắc Thiên… Đó là quyền hư cấu trong sáng tác, không thể cấm được.

Nhưng lịch sử không thể hư cấu mà phải căn cứ vào sử liệu. Chỉ những người không phân biệt được chính sử với cải lương, tuồng, chèo mới dám liệt danh Dương Vân Nga ngang hàng với những Bà Trưng, Bà Triệu… Hiện nay vẫn có một vài vùng còn đền thờ hoặc đặt tên đường Dương Vân Nga. Nhưng đừng lấy cớ được nhang khói mà tưởng là thần thánh. Bởi vì trong dân gian người ta có thể thờ anh hùng, thần thánh nhưng cũng không ít đền miếu thờ tà thần, dâm thần hoặc cọp beo, ma quỷ.

Vậy mong rằng những ai có trách nhiệm với đời sống văn hóa, xin hãy làm rõ vấn đề này để trả lại sự trong sáng cho chính sử.

(Còn tiếp)

HOÀNG PHỦ NGỌC PHAN