* HỎI: Tôi đọc bài Thơ vịnh Kiều của Phạm Quý Thích của Tảo Trang đăng trên tạp chí Hồn Việt số 106, tháng 8-2016, thấy tác giả dịch câu “Bán thế yên hoa trái vị thường” là “Món nợ nửa kiếp lầu xanh chưa được trả” là chưa hợp lý. Theo thiển ý của tôi, cụm từ “bán thế” ám chỉ chuyện Kiều trầm mình ở sông Tiền Đường lúc xấp xỉ 30 tuổi, tức nửa đời người; còn “yên hoa” là khói của nén hương và hoa trong lễ chiêu hồn Kiều của Kim Trọng. Mong có sự trao đổi ý kiến của Hồn Việt.
trihoanghanthi@gmail.com
(P.5, Q.Gò Vấp, TP.HCM)
ĐÁP: Theo chúng tôi, tác giả Tảo Trang dịch xuôi câu “Bán thế yên hoa trái vị thường” là “Món nợ nửa kiếp lầu xanh chưa được trả” là phù hợp về nghĩa. “Yên hoa 煙花” là một từ cố định, gồm có 5 nét nghĩa(*): 1- Hoa trong sương mờ; 2- Phiếm chỉ cảnh xuân tươi đẹp; 3- Chỉ kỹ nữ, gái lầu xanh; 4- Chỉ chuyện tình ái; 5- Chỉ pháo hoa. Theo đó, Yên hoa trong văn cảnh câu thơ trên không thể tách ra thành hai để hiểu là khói hương và hoa cúng tế được, mà phải hiểu theo nét nghĩa thứ ba là gái lầu xanh. Nó gắn với cụm từ như: “yên hoa nữ 煙花女” tức kỹ nữ, gái lầu xanh hay “yên hoa thị 煙花市” tức kỹ viện, nhà chứa. Hơn nữa, câu thơ trên cũng cùng một tinh thần với câu thơ “Cái nợ yên hoa khéo đọa đày” trong bài Vịnh Kiều - Hồi 9: Kiều mắc lận Sở Khanh của Chu Mạnh Trinh.
* HỎI: Từ nhỏ tôi đã biết câu “Nhân sinh thất thập cổ lai hi” được dịch là “Người sống được 70 tuổi xưa nay hiếm”. Nhưng gần đây, tôi thấy có người đưa ra cách hiểu khác, “thất thập” phải hiểu theo câu nói của Khổng Tử là “Thất thập nhi tùng tâm sở dục, bất du củ” (70 tuổi theo lòng muốn mà không ra ngoài quy củ) và “cổ lai hi” mang ý nghĩa của lời cảm thán “vi nhân nan, vi nhân nan!” (Làm người khó, làm người khó!) của Khổng Tử. Đề nghị Hồn Việt cho ý kiến.
Nguyễn Thanh Tâm
(Q.1, TP.Hồ Chí Minh)
ĐÁP: Để hiểu cho đúng câu thơ trên, trước tiên phải đặt nó trong toàn văn cảnh bài thơ và hoàn cảnh cụ thể khi nó ra đời. Câu thơ “Nhân sinh thất thập cổ lai hi” xuất xứ từ bài thơ thất ngôn Khúc giang nhị thủ, được Đỗ Phủ (712-770) làm vào mùa xuân năm 758 khi ông 46 tuổi và đang giữ chức Tả thập di. Trong cảnh nghèo khó, đói rét và “đa bệnh” nơi đất khách quê người, tác giả đã nhận ra quy luật tất yếu của đời người: “Từ xưa đến nay, người sống đến 70 tuổi là hiếm” (Nhân sinh thất thập cổ lai hi 人生七十古來稀), cho nên “Tạm thời hãy cùng nhau hưởng đi, chớ lìa bỏ” (Tạm thời tương thưởng mạc tương vi 暫時相莫 相違), dù rằng phải “cầm cố áo” (điển y 典衣) để uống rượu. Câu thơ của Đỗ Phủ chỉ bình dị như thế và xưa nay các vị túc Nho cũng từng hiểu như thế. Thời xưa, 50 tuổi đã lên “lão”, không dễ có ai mà sống thọ tới tuổi 70. Như vậy, “thất thập” trong văn cảnh này hoàn toàn không mang tinh thần triết học như câu nói của Khổng Tử mà bạn đọc nêu ở trên. Dẫu rằng, trước một câu thơ, một bài thơ người đọc có quyền cảm theo cách của mình, nhưng xin đừng đi quá xa, vượt ra ngoài ý của tác giả.
NGUYỄN THỊ BÍCH ĐÀO
_____
(*) Theo La Trúc Phong 羅竹風 chủ biên, Hán ngữ đại từ điển 漢語大詞典 (12 quyển), quyển thứ 7, thượng, NXB Thượng Hải Từ Thư 上海辭書, 2011, tr.175.