Tôi vẫn nhớ mãi ngày cha tôi trở về trong bộ quân phục màu lá cây rừng, mái tóc đã điểm hoa râm trên gương mặt còn bủng xanh sau một cơn bạo bệnh. Tôi đã nhìn sững ông, cố tìm kiếm cho mình cảm xúc, cái cảm xúc trào dâng mà tôi đã chảy nước mắt bao lần khi nghĩ về ông trong những trang nhật ký của mình. Tôi đã vẽ với ông như một người hùng, một vầng sáng rất đẹp bay trong giấc mơ của mình, tôi đã hình dung ông như những nhân vật gió sương, đầy huyễn hoặc trong những trang văn của Tự Lực văn đoàn. Tôi tự hào về ông và tôi vẽ hình ông lẫm liệt trong trái tim tôi: một chàng trai con nhà quyền thế, học trường Tây từ bé, có tất cả những điều kiện vật chất mà bao người mơ ước. Nhưng ông đã từ bỏ tất cả để ra đi theo lý tưởng của mình. Ông ra đi chẳng để lại gì cho mấy mẹ con tôi ngoài tấm lòng chung thủy. Má tôi đã phải bươn chải cùng cuộc sống, bỏ lại hết những ngày tháng nhung lụa xa hoa để tần tảo nuôi con. Mẹ con tôi đã sống hiu hắt giữa vùng nước lũ Đồng Tháp Mười bằng số tiền lương cô giáo tiểu học còm cõi của má tôi. Chị em tôi đã lớn lên dưới mái lá quê nghèo và nương nhờ vào tình thương của bên nội… Giữa Sài Gòn cũ, tôi đã phải bước vào đời mưu sinh từ năm 19 tuổi, và sống một mình ở vùng quê miền gió cát miền Trung. Nhưng tôi chưa bao giờ oán hận ông, chưa bao giờ tôi cảm thấy hối tiếc và mong muốn được sống cuộc sống sang giàu mà lẽ ra tôi phải được hưởng. Tôi chưa hiểu gì về cách mạng, nhưng tôi kính phục con đường mà cha tôi đã lựa chọn…
Đó là lý do vì sao khi nhìn thấy lần đầu tiên trong đời hình dáng người cha tôi chưa từng biết mặt, tôi lại cảm thấy cờn cợn nỗi thất vọng khó tả. Vâng, chính là tôi đã tự thổi vào tim mình một hình bóng khác không phải là cha. Tôi đã mơ những giấc mơ rất đẹp về hình bóng hư ảo ở đâu, để khi nhìn thấy ông, nước da xanh bủng vì sốt rét, nhìn ông đơn sơ mộc mạc như bất kỳ chú bộ đội nào ngoài đường phố, trái tim tôi đã khép lại với nỗi buồn khó tả…!
Vậy rồi cũng qua, tôi bắt đầu tập quen với cuộc sống mới, và bắt đầu nhìn thấy cha thật hơn trong con người thật của ông. Ông lặng lẽ, ít nói và chưa bao giờ kể cho tôi nghe những gì ông đã trải qua trong những ngày tháng gian nan, kháng chiến. Dường như ông không xem đó là điều quan trọng, dường như ông thấy đó là việc hiển nhiên, bởi vì ông đã sống cũng như mọi người của thời đại ông đã sống. Trong bối cảnh dầu sôi lửa bỏng của dân tộc, ông chỉ là một trong hàng triệu con người rời thành phố ra đi, hòa vào dòng thác cách mạng…, như là hạt muối hòa tan chất mặn mình vào biển cả. Lúc ấy, tôi còn quá non nớt, làm sao tôi có thể nhìn thấy ánh hào quang lặng lẽ trong từng mỗi con người như cha tôi. Quả thật, cái đẹp lấp lánh bên ngoài như viên kim cương trên bàn tay cô gái đẹp quá dễ nhận ra, nhưng nào mấy ai có thể nhìn thấy cái sức sống mãnh liệt, tỏa rạng trong nét đẹp sâu thẳm từ tâm hồn của những con người yêu nước thiết tha. Họ đã sống vì điều không thuộc về bản thân họ, họ lặng lẽ nhận lấy trách nhiệm về mình trong cơn bão lớn của dân tộc. Suốt chiều dài lịch sử, có mấy ai thử nhìn lại để tìm trong lặng lẽ những viên ngọc sáng ngời ắp đầy nghĩa lớn ấy với cuộc đời…
Cũng rất lâu để tôi có thể thấm thía được cái đẹp mà tôi đã từng không thể nhận ra. Đó là lúc tôi phải tự mình lớn lên để thấu hiểu. Để sống cùng với những nơi cha tôi đã sống, để biết chảy nước mắt khi tiếp cận với những con người cùng thời với cha tôi. Đó là lúc tôi về làm phim ở Đồng Tháp Mười, về lại vùng chiến khu xưa, để hình dung cuộc sống gian khổ của ông, trên những con kênh ngoằn ngoèo như chân rết, giữa vùng trũng mênh mông dày đặc muỗi mòng. Đó là khoảng thập niên 80, nghĩa là khoảng gần 40 năm sau, nơi đây tuy đã đổi khác nhiều, nhưng tôi vẫn có thể hình dung được cuộc sống gian khổ trong kháng chiến. Nơi mà cha tôi và những người trí thức Tây học đã vứt bỏ mọi vật chất phù hoa để đến đây sống cùng nhân dân chống Pháp. Những trí thức nói tiếng Pháp như gió, học trường Tây, mê nhảy đầm, sống trong nhung lụa từ bé như cha tôi và bạn bè ông vì sao có thể chấp nhận cuộc sống đầy hiểm nguy, gian khổ này mà không chút băn khoăn, tiếc nuối. Cái nghĩa lớn ấy chỉ có thể được đúc kết bằng một tấm lòng yêu nước, bằng khí phách của những chàng Lục Vân Tiên, hành xử với cuộc đời, với nhân dân bằng chí khí của những công dân một nước bị nô dịch vùng lên giành lại độc lập cho dân tộc mình. Và tôi đã hình dung được ông qua lời kể của những bà má Đồng Tháp Mười, tôi hình dung được một ông Chủ tịch tỉnh Mỹ Tho với bộ bà ba đen ngồi trên chiếc xuồng ba lá xuôi ngược khắp nơi giữa bưng biền Đồng Tháp. Tôi biết ông đã từng xử án, và đã rơi nước mắt khi phải quyết một án hình cao nhất cho kẻ Việt gian đội lốt kháng chiến. Tôi biết ông được nhân dân rất thương yêu kính trọng và ông nổi tiếng khắp chiến khu vì đó là ông chủ tịch duy nhất theo kháng chiến mà vẫn ăn chay trường. Ông chủ tịch mà bọn Pháp đã từng treo giá cái đầu ông là 40.000 đồng Đông Dương. Là người mà chúng cho mật vụ luồn sâu vào Đồng Tháp Mười chỉ điểm nơi ông sống và đã mấy lần bỏ bom trúng đích, nhưng ông vẫn sống một cách thần kỳ. Thiệt là như phép thần, tới giờ kể lại mọi người còn suýt soa, kinh ngạc. Những bà má già tại huyện Tháp Mười, những ngày kháng chiến 9 năm xưa chỉ là những cô gái đôi mươi, giờ còn nhớ vanh vách và kể lại câu chuyện về ông như vừa mới hôm qua. Họ rất hào hứng khi biết tôi là con gái út của chủ tịch Ngô Ngọc Sáng: “Mèn ơi, cô này là con gái ổng mà hổng được lịch sự đứa(*) lắm, chỉ được có nước da trắng thôi, chớ còn ổng bảnh trai nổi tiếng xứ này nghen, vừa đẹp người, vừa giỏi giang vừa hiền lành tử tế. Nghe nói ổng là công tử con nhà quan quyền, học hành giỏi giang lắm mà lặn lội ở đây với dân Đồng Tháp Mười đó”.
Cả dân tộc đã vùng lên theo lời kêu gọi của Bác Hồ để đánh đuổi giặc Pháp đang trở lại cướp nước ta. Sau Cách mạng tháng Tám, miền Nam chỉ được thở không khí của một nước độc lập không đầy 1 tháng. 1 tháng căng phồng lồng ngực hưởng không khí tự do của một nước độc lập, làm sao có thể chấp nhận nhìn lại những bộ mặt thực dân tiếp tục làm chủ đất nước mình.
Hơn ai hết, những người trí thức đã không thể chấp nhận cuộc sống như cũ, và họ đã ra đi... Nói như Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một buổi họp với các nhà văn về vấn đề trí thức Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Pháp: “Đi kháng chiến thì ai cũng đi, bởi đây là cuộc kháng chiến của nhân dân, nhưng những người nông dân nghèo (trong đó có tôi) vùng lên chỉ mất có cái quần xà lỏn, còn những trí thức Nam Bộ khi dứt áo ra đi là họ chấp nhận mất tất cả. Chúng ta còn một món nợ với biết bao người con ưu tú của đất nước. Những chàng trai, cô gái từng sống trong nhung lụa, học trường Tây, con nhà đại địa chủ, con nhà quan lại đã đi cùng nhân dân, đi cùng kháng chiến đến cùng vì nghĩa lớn với đất nước. Những con người ấy ở đất Nam Bộ này có tới con số hàng ngàn”. Có những người nổi bật lên ai cũng biết như Trần Văn Giàu, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ, Thái Văn Lung, Phạm Ngọc Thuần, Phạm Ngọc Thảo, Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ…, nhưng cũng có vô số người trí thức lặng lẽ đi đến cùng cuộc kháng chiến của dân tộc, lặng lẽ từ bỏ hết mọi tài sản, cả hạnh phúc gia đình để chọn con đường của mình một cách quyết liệt mà cũng vô cùng thầm lặng. Đó là những vầng sáng kiên trung, những hạt ngọc đời không biết tới, và họ đã lặng lẽ góp vị mặn của cuộc đời mình vào đại dương, vào cuộc chiến thắng vĩ đại của dân tộc…
Một trong những con người lặng lẽ ấy, người mà suốt đời tôi không quên được, đó là dược sĩ Bùi Quang Tùng. Ông là em trai của Bùi Quang Chiêu, cha ông là đại địa chủ huyện Mỏ Cày, Bến Tre, rất có thế lực. Nghe nói các ông huyện đến nhậm chức ở huyện Mỏ Cày đều phải đến ra mắt và làm quen với gia tộc họ Bùi. Ông được gia đình cho sang Pháp du học và tốt nghiệp bằng dược sĩ. Vợ ông cũng là một tiểu thư đài các nức tiếng xinh đẹp. Sau Cách mạng tháng Tám, ông rời bỏ Sài Gòn vào chiến khu Đồng Tháp Mười, bỏ lại hết tài sản kếch xù mà hai vợ chồng đã gầy dựng. Tiệm thuốc Tây của ông là một trong những tiệm thuốc lớn nhất Sài Gòn lúc đó. Người vợ đẹp của ông đã đánh tiếng nhiều lần, nếu ông không trở về thì bà sẽ lấy chồng khác… Nhưng vợ đẹp, con xinh, tiền bạc… cũng không thể nào níu được người trí thức Tây học này trở về. Ba lần nài nỉ, khóc lóc không lay chuyển được ông, và bà đã đi lấy chồng khác thật. Các con ông học trường đầm và sống như đầm, còn ông, ông vẫn kiên trung với lý tưởng của mình, không hề trách vợ, và coi như đó là chuyện tất nhiên. Ông tập kết ra Bắc với một cô con gái, và mãi đến khi giải phóng trở về ông mới xây dựng gia đình mới. Ngày trở về, ông vẫn là dược sĩ bình thường, không đảng viên, không chức tước và sống bằng đồng lương hưu còm cõi của mình. Vì thế ông dược sĩ Tây học hằng ngày vẫn phải xách nước cơm để nuôi heo cải thiện và nuôi con. Vợ ông đã sang Pháp cùng các con từ lâu với số tài sản của ông để lại… Nhìn bên ngoài, ông hiền lành, ít nói, có vẻ như khắc khổ, nhưng khi một người thân trong gia đình nói đến sự sai lầm của ông khi đi theo kháng chiến thì đôi mắt ông sáng quắc và quyết liệt với một câu gọn lỏn: “Đó là con đường em chọn, em không hề ân hận”. Và tôi, từng rơi nước mắt khi nhìn bóng dáng gầy guộc khắc khổ của ông trên chiếc xe đạp cũ kỹ, khi nghe câu nói ấy, tôi như người bừng tỉnh. Và tôi thấm hiểu đến tận đáy lòng cái cảm giác của sự nể phục, của lòng biết ơn và kính trọng…
Và còn biết bao nhiêu nữa, những người trí thức như ông, những người đã hy sinh trong tù đày tra tấn, những người chưa từng được vinh danh là anh hùng dù họ đã hy sinh lẫm liệt như những anh hùng. Như kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt, con trai của Đốc Phủ sứ, Đức Giáo tông Cao Đài Nguyễn Ngọc Tương, tốt nghiệp bằng kỹ sư bên Tây, cưới con gái nhà tư sản nơi ông làm việc. Cuộc sống giàu sang như thế có phải là giấc mơ của nhiều người không? Nhưng ông đã từ bỏ tất cả và trở về Việt Nam vào Đồng Tháp Mười chống Pháp. Ông bị bắt trong một trận càn và bị tra tấn đến chết trong tù. Bọn Pháp đã gọi người vợ đầm của ông sang Việt Nam, thuyết phục ông trong tù cho người đến mời ông làm Bộ trưởng Công chánh và Quốc phòng, nhưng ông cự tuyệt. Ông mất khi mới tròn 34 tuổi…
Và tôi hiểu chính những con người kiên trung quyết liệt dường ấy đã làm nên cuộc chiến thắng thần thánh của dân tộc. Họ chính là những nét đẹp vĩnh cửu, những vầng sáng vô cùng lặng lẽ mà đẹp đẽ biết nhường nào…
_____
(*) Lịch sự đứa: đẹp