HV111 - Cố Mạn & tiểu thuyết ngôn tình

Cố Mạn sinh năm 1981 tại thành phố Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), tốt nghiệp đại học ngành Kiểm toán nhưng bỏ nghề để viết văn, hiện là nhà văn chuyên sáng tác cho mạng văn học Tấn Giang ở Phúc Kiến. Năm 2005, Cố Mạn thành danh với tiểu thuyết ngôn tình Hà dĩ sênh tiêu mặc (bản dịch tiếng Việt mang tên Bên nhau trọn đời), năm 2010 đoạt giải nhà văn hay nhất của văn học trên mạng Trung Quốc lần thứ III, năm 2013 đứng thứ 44 (thu nhập 2.600.000 nhân dân tệ/năm) trên bảng nhà văn phú hào Trung Quốc. Đến năm 2014 đã xuất bản bốn cuốn tiểu thuyết ngôn tình, lúc đầu phát trên mạng, sau đó đưa in và bán rất chạy làHà dĩ sênh tiêu mặc, Sam Sam lai ngật (bản tiếng Việt: Sam Sam đến đây ăn nào!), Vi vi nhất tiếu hẩn khuynh thành (Hơi cười mỉm đã nghiêng thành), Kiêu dương tự ngã (bản tiếng Việt: Nắng gắt), trong đó hai cuốn đầu đã được cải biên thành phim truyền hình, được người xem khen ngợi. Phim truyền hình và phim điện ảnh Vi vi nhất tiếu hẩn khuynh thành cũng đã trình chiếu vào tháng 8-2016.

***

Tiểu thuyết ngôn tình là một thể loại tiểu thuyết lãng mạn có từ xưa, được gọi là tiểu thuyết tài tử giai nhân, chủ yếu kể những câu chuyện tình ái giữa nam và nữ. Có khá nhiều loại hình, thường là cổ đại và hiện đại, từ đó lại chia thành nhiều đề tài như trùng sinh (sống lại), xuyên việt (vượt qua thời gian và không gian), phản xuyên việt, khoa học viễn tưởng, huyền ảo, đấu đá trong cung, đấu đá trong gia đình quan lại, phú thương v.v… Tiểu thuyết ngôn tình từ nội dung, hình thức, phong cách đến ngôn ngữ đều gần gũi với đời sống, không cần tô vẽ bằng ngôn từ hoa lệ, nhưng khi tình tiết cần đến thì lời lẽhoặc câu chữgiàu tình cảm cũng có tác dụng quan trọng. Ngôn tình là nói về tình yêu, kể về tình yêu, so với tiểu thuyết ái tình cũng có chỗ khác - đó là “nói”, “kể” ắt có phần tán dóc, do đó bị cho là thiếu chân thực, cho nên tiểu thuyết ngôn tình là loại văn học “ăn liền”, khá mơ mộng, là đồng thoại người lớn của các thiếu nữ.

Đương nhiên cũng còn một cách lý giải nữa của bạn đọc ngày nay: tiểu thuyết ngôn tình là hướng tiến tới của những người chưa yêu, là kinh điển của những người đang yêu, là hồi ức đau khổ của những ai thất tình, là thú tiêu khiển của những người hạnh phúc, còn đối với tác giả thì chỉ là cách kiếm nước mắt của bạn đọc.

Tiểu thuyết ngôn tình nhờ văn học mạng lớn mạnh mà phát triển. Kể từ năm 1996, trang mạng cá nhân được khai thông thì đến năm 1998, truyện Lần tiếp xúc thân mật đầu tiên của Thái Trí Hằng, nhà văn Đài Loan, liền chiếm trọn các trang mạng đại lục. Tính đến năm 2010, tiểu thuyết trên mạng Trung Quốc đã qua chặng đường phát triển 10 năm đầu tiên, trải qua ba thời kỳ chuyển đổi hình thái rõ rệt là từ đề tài ngôn tình sang đề tài huyền ảo rồi đến đề tài hiện thực.

Tiểu thuyết ngôn tình phát triển còn do ngày 20-4-2007, Trung Quốc phát động cuộc thi đầu tiên trên toàn cầu dành cho tiểu thuyết ngôn tình Hoa ngữ, đến 17-8-2008 kết thúc toàn bộ việc bình chọn. Tổng cộng có 11.190 tác phẩm dự thi, trong đó chọn ra 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 1 giải ngôn ngữ hay, 1 giải cải biên phim truyền hình hay, 1 giải cốt truyện hay nhất và 1 giải được hoan nghênh nhiều nhất. Đoạt giải nhất lần này là truyện Tử Yên - a hoàn bồi giá (Tử Yên theo hầu cô dâu) của Đại Mễ Mễ. Nhà văn nữ ký hợp đồng chuyên viết cho mạng Hồng Tụ này còn đoạt thêm giải tác phẩm được hoan nghênh nhất với truyện Tiểu hoàng phi ăn trộm.

“Ngôn tình” trong cuộc thi này bao gồm tình yêu, tình thân gia đình, tình bạn với tiêu chuẩn sáng tác là “lành mạnh, cảm động lòng người, trí tuệ, văn hay”. Nội dung được đề xướng là “cách điệu cao nhã, sắc tình không quá mức, phản ánh tình cảm điển hình, làm lòng người xúc động, nêu rõ được nhân tính, nhân tình, thể hiện sâu sắc đời sống hiện thực, văn hóa trong lịch sử, ngôn ngữ giàu cá tính, phương thức biểu đạt độc đáo, bày tỏ cái nhìn sâu sắc đối với nhân sinh trong xã hội”. Sau đó, năm 2010 và liền trong bốn năm từ 2012 đến 2015 đều có những cuộc thi lớn dành cho tiểu thuyết ngôn tình Hoa ngữ.

Tiểu thuyết ngôn tình trên mạng xuất hiện đã làm thay đổi cục diện tiểu thuyết ngôn tình trên giấy vốn do các nhà văn thế hệ trước chiếm lĩnh. Sự thật cũng cho thấy khi tiểu thuyết ngôn tình trên mạng phát triển và được ưa chuộng thì tiểu thuyết ngôn tình truyền thống mất dần sức hấp dẫn. Từ đội ngũsáng tác đến văn phong, văn thế được thay thế đều có thể thấy sự biến đổi của thời đại cùng sự biến đổi trong phương thức biểu đạt tình cảm của con người.

Cố Mạn là nhà văn điển hình lại không phải điển hình của văn học trên mạng. Nói điển hình vì liên tiếp mấy truyện ngôn tình trên mạng của chị đều được cải biên thành phim truyền hình và điện ảnh; nói không điển hình vì tiểu thuyết của các nhà mạng khác thường là 20 triệu chữ một quyển, mỗi ngày tác giảviết 6.000 chữ, còn chị từ đầu chí cuối vẫn giữ tốc độ của

Cuốn Sam Sam lai ngật của Cố Mạn được dịch ra tiếng Việt  “Mạn Rùa”, mỗi quyển chỉ mấy vạn chữ.

Tiểu thuyết ngôn tình của tác giả nữ viết về tình yêu trong vườn trường thành phố bao giờ cũng chiếm phần lớn thị trường tiểu thuyết trên mạng. Hà dĩ sênh tiêu mặc là tiểu thuyết ngôn tình vườn trường đô thị, tình yêu học trò hầu hết đều vì tình cảm đôi bên chưa chín muồi hoặc vì nhiều nguyên nhân khác nên không thành, nhưng tình cảm học trò ấy lại chân thành nhất, trong sáng nhất, khó quên nhất. Chính từ góc độ này, Cố Mạn đã viết nên câu chuyện tình duy mỹ làm cảm động lòng người, khiến bạn đọc hoài niệm và hướng tới. Bạn đọc trung thực của truyện này không ai khác là học trò các trường, truyện tình như thế khiến các em ao ước và hy vọng, mộng tưởng mình là nhân vật trong truyện. Cũng chính vì chưa ra ngoài xã hội nên các em mới có kiểu mơ mộng như vậy.

Rất nhiều bạn đọc nữ cho biết vì sao mình yêu thích Hà dĩ sênh tiêu mặc. “Đó hẳn là vì tình yêu ấy giống với tình yêu nảy sinh ở lứa tuổi chúng tôi, nhưng tác giảđã gia công câu chuyện bình thường để trở thành một truyện tình tinh tế hơn, hoàn mỹ hơn. Một chàng trai biết yêu chiều, quyến luyến, có mong muốn chiếm đoạt, che chở bạn gái rất mạnh, lại lịch sự, đẹp trai, tài hoa xuất chúng như Hà Dĩ Tham(*) là hình tượng mà tất cảnữ sinh đều ao ước, chẳng khác gì nam sinh có người tình trong mộng, vì thế nữ sinh nào cũng muốn trở thành nhân vật chính trong đồng thoại ấy. Truyện của Cố Mạn chẳng những gần gũi với hiện thực mà đồng thời còn xây dựng nên tình yêu được quá nhiều nữ sinh mong muốn song rất khó đạt tới, cho nên mới được hoan nghênh nhiệt liệt như vậy” (Dư Hiệu Nguyệt).

Một bạn đọc khác cho biết: “Từ hồi học phổ thông cơ sở, tôi đã mê tiểu thuyết của Cố Mạn. Thật ra đề tài tiểu thuyết của chị không mới, nhưng hồi đó tiểu thuyết ngôn tình vì muốn tăng độ dài hoặc độ sâu nên thích viết quanh co, những tình tiết (thường được gọi là “máu chó”) như quan hệ gia đình, kẻ thứ ba chen chân, oán hận thâm thù, sinh ly tử biệt v.v… được thêm vào tuyến tình cảm chủ chốt. Truyện của Cố Mạn tránh hết những tình tiết đó, bằng tình yêu ấm áp điển hình thu hút được một lượng lớn người hâm mộ. Có thể nói, truyện của Cố Mạn cho chúng tôi mộng tưởng đẹp hơn, tốt hơn, càng gần với cuộc sống hơn, nhân vật của chị được xây dựng bằng kỹ xảo cao hơn, ở đó ngưng đọng ước mơ của tất cả nữ sinh chúng tôi”.

Các “fan” của Cố Mạn tâm đắc với rất nhiều câu văn hay, lãng mạn, có chút triết lý trong Hà dĩ sênh tiêu mặc, họ đã đưa lên mạng và coi như “danh ngôn kinh điển” của tác giả, ví như:

- Nếu quảthật trên thế giới từng có người đó xuất hiện thì những người khác đều trở thành tạm bợ, mà tôi thì không muốn tạm bợ (thích: 9.842 người).

- Tôi luôn tỉnh táo, tỉnh táo nhìn bản thân trầm luân (thích: 15.529).

- Chờđợi không đáng sợ, đáng sợ là không biết khi nào là tận cùng (thích: 8.871).

- Một người hoa nở, một người hoa tàn, những năm ấy từ đầu chí cuối, không một ai hỏi han (thích: 6.256).

- Đã không tìm được anh, em đành đứng ở nơi dễ thấy nhất để anh tìm em vậy! (thích: 5.826).

Hội Nhà văn thành phố Nghi Hưng cho biết, nhà văn nổi tiếng này chưa tham gia đoàn thể tương quan nào, cũng chưa khi nào xuất hiện trong những hoạt động theo chủ đề của những người yêu thích văn học ở địa phương, không có bạn trong giới nhà báo, nhà văn hóa và Hội Nhà văn Nghi Hưng. Quảnhiên đúng như tự lấy tên gọi yêu là Mạn Rùa, Cố Mạn là phụ nữ chỉ quanh quẩn trong nhà, chọn từ, chọn câu sao cho ý văn thanh thoát, vui tươi, nhẹ nhàng, dí dỏm. Tên nhân vật rồi từ đó thành tên truyện Hà dĩ sênh tiêu mặc (cónghĩa làVì sao sáo đàn bặt tiếng, hay Vìsao tình yêu lặng lẽ) do Cố Mạn yêu thích bài thơ tình Tái biệt Khang Kiều của nhà thơ Từ Chí Ma (1896-1931), trong đó có đoạn:

Nhưng tôi không thể cất cao tiếng hát,

Lặng lẽ là sênh tiêu biệt ly.

Côn trùng mùa hè cũng trầm mặc vì tôi,

Trầm mặc là Khang Kiều đêm ni.

***

Trước tình hình tiểu thuyết ngôn tình, nhất là ngôn tình trong nhà trường phát triển mạnh như vậy, nhiều phụ huynh học sinh bày tỏ công khai sựquan ngại của mình: “Con tôi khi bước sang thời dậy thì đặc biệt mê đọc tiểu thuyết ngôn tình, độ cận thị tăng rõ rệt. Hễ tan trường về đến nhà là chui vào phòng riêng. Chúng tôi tưởng cháu chăm học, ai ngờđóng cửa lại để đọc tiểu thuyết ngôn tình. Gần đây cô giáo cháu gọi điện báo tin thành tích học tập của cháu sút kém, thậm chí trong giờgiảng trên lớp còn viết tiểu thuyết ngôn tình. Chúng tôi thật không biết làm sao, tịch thu hay là cấm đoán đây?”.

Theo điều tra về tình hình đọc sách của dân chúng trong cảnước lần thứ 13, do mạng được phổ cập, thanh thiếu niên từ 14 đến 17 tuổi đọc trên điện thoại di động là 56,8%, đọc tiểu thuyết “thanh xuân” là 32,8%, trong đó học sinh trung học mê tiểu thuyết ngôn tình không ít. Các em coi tiểu thuyết ngôn tình là sách đọc ngoại khóa trước tiên, không đọc tư liệu và tác phẩm văn học nổi tiếng cần cho học tập. Thậm chí nhiều em đọc suốt đêm, chui vào chăn dùng đèn pin soi mà đọc để tránh cha mẹ kiểm tra.

Chuyên gia tâm lý đã phân tích nguyên nhân học sinh ham đọc tiểu thuyết ngôn tình và tư vấn cho phụ huynh như sau:

Trước tiên phụ huynh nên hiểu biết về đặc trưng tâm lý của các em. Các em đang ở trong giai đoạn phát triển mầm dậy thì, mà giai đọan này bắt đầu sớm hơn trước kia, sinh lý và tâm lý phát triển rất nhanh, hứng thú với bạn khác giới, có tâm lý ái mộ, ý thức về quan hệ hai giới đã có song còn mông lung; khát vọng được giao tiếp với bạn khác giới, nhưng khi tiếp xúc lại xấu hổ, không tự tin, không có kỹ xảo xử lý đúng đắn khi giao tiếp, thậm chí còn hiểu lầm vì thế các em thích xem phim tình và đọc truyện tình để cảm thụ ái tình. Có em mê đọc tiểu thuyết ngôn tình vì áp lực của thi cử.

Tiếp theo nên xuất phát từ góc độ đặc trưng của tiểu thuyết ngôn tình:

1. “Đẹp” là nhân tố hấp dẫn chủ yếu. Tiểu thuyết dùng “ngôn” để kể “tình”, ngôn ngữ thường đẹp, tình cảm thuần khiết, các em thích đọc những đoạn miêu tảtinh tế, đẹp và những tình tiết quyến luyến, cảm thương. Các em đang lớn nên thích mơ mộng, mong ước đồng thoại tình yêu đẹp đẽ, rất dễ đồng tình với nhân vật trong truyện nên bị dòng xoáy của cái đẹp cuốn đi là hợp tình hợp lý.

2. Khi số đông thanh thiếu niên yêu thích một sự vật gì, sẽtạo ra sức cuốn hút không thể coi nhẹ đối với người xung quanh. Điều tra cho thấy, rất nhiều học sinh thấy các bạn đều đọc tiểu thuyết ngôn tình, do hiếu kỳ hoặc do bạn bè giới thiệu nên cũng đọc. Khi có những thứ “dễ mê hoặc lòng người” và có “con đường truyền bá” như thế, đọc tiểu thuyết ngôn tình thành phong trào là điều dễ hiểu.

3. Tình tiết ở tiểu thuyết ngôn tình nói chung đều phù hợp với đặc điểm phát triển tâm, sinh lý của các em, thỏa mãn niềm yêu thích của các em. Nhân vật chính trong truyện nói chung trẻ, đẹp, gia đình có tiền, có thế. Đọc những truyện như vậy, mộng tưởng của các em được thỏa mãn, tưởng tượng mình là nhân vật chính trong truyện, từ đó có được khoái cảm nhất định. Đồng thời, loại tiểu thuyết ngôn tình này thường viết về đề tài “hoàng tử - công chúa”, “cô bé Lọ Lem” mãi không giảm sút, điều đó cũng chứng tỏ nhu cầu của học sinh về phương diện này.

Chuyên gia đưa ra đối sách như sau:

Lợi và hại của tiểu thuyết ngôn tình tùy người mà khác nhau, nhưng đối với học sinh trung học đang ở trong thời kỳ mấu chốt hình thành quan niệm giá trị, đọc quá nhiều tiểu thuyết ngôn tình hoặc đọc mà không lựa chọn thì nhất định có hại. Đối với việc con thích đọc hoặc thích viết tiểu thuyết ngôn tình, phụ huynh nên xử lý ra sao?

Cấm đoán không phải là biện pháp tốt. Phụ huynh nên suy nghĩvề phía tích cực: các em thích đọc, thích viết là việc tốt. Đối với một số truyện có nội dung thiếu lành mạnh, biện pháp tốt nhất không phải là cấm đoán. Thật ra, cấm đoán không thực hiện thật sự được, các em có rất nhiều cách đối phó với thầy cô và cha mẹ. Trước tình hình này, chi bằng chúng ta nên có thái độ khoan dung.

Một là, xác định rõ trách nhiệm. Phụ huynh nên nói với con: Cha mẹ đi làm là phải hoàn thành công tác, như thế gọi là trách nhiệm. Con đang đi học, hoàn thành bài làm đúng giờ, đúng đáp án cũng là trách nhiệm. Điều đó phải đạt được, không thểmặc cả. Phụ huynh cấm con đọc truyện, thậm chí đánh mắng là không nên. Phụ huynh nên cho con đọc sách mà con thích nhưng nên khống chế thời gian, không được đọc trong giờlên lớp, không được đọc quá lâu trong một ngày.

Hai là, để các em tìm thấy cái đẹp trong cuộc sống. Các em mê đọc tiểu thuyết ngôn tình vì cảm thấy mình phải đối diện với những điều không hứng thútrong trong cuộc sống hiện thực, áp lực khiến các em không phát hiện ra vẻ đẹp trong cuộc sống nên mới chọn cách tránh né là trốn vào thế giới hư ảo trong tiểu thuyết ngôn tình để mong được giải tỏa. Vì thế chúng ta nên khuyến khích các em tiếp xúc với với cái đẹp, nhìn nhận thế giới bằng ánh mắt thuần thục hơn. Không phải truyện tình nào cũng là thuốc độc, nhưng cũng không phải truyện tình nào cũng có tác dụng an ủi, lấp đầy những mơ tưởng của người đọc. Thật ra tác phẩm văn học ưu tú đều bắt nguồn từcuộc sống, bắt nguồn từnhững suy nghĩ về thế giới hiện thực. Ngoài đọc sách, các em còn nên quan sát xung quanh, vì cuộc sống quanh ta cũng có rất nhiều chi tiết làm cảm động lòng người như thế. Chỉ cần các em biết cách phát hiện thì đâu đâu cũng có những vẻ đẹp tương tự.

Ba là, phụ huynh không cần hạn chế nội dung sách mà con mình đọc. Một mặt, các em đọc nhiều những sách có nội dung thấp kém ắt phát ngán, mặt khác khi cởi mở nội dung sách cho con đọc, phụ huynh có thể yêu cầu các em viết bút ký, cảm tưởng về sách ấy (nhất là đối với những sách mà phụ huynh cho là thiếu lành mạnh), coi đó là điều kiện cho phép các em đọc. Khi các em không viết được gì, chúng tỏ nội dung sách rất nhàm chán, như thế cũng là một bài học cho các em. Ngược lại nếu sách quả thật có một số nội dung đáng đọc, phụ huynh cũng nên nhìn nhận một cách biện chứng là không nên quá chú ý tới một số phần chưa lành mạnh. Nên bồi dưỡng khả năng phán đoán của các em, thông qua yêu cầu viết cảm tưởng mà bồi dưỡng khảnăng này.

Thực tế là khi chúng ta có thái độ như trên đối với các em, hứng thú đọc tiểu thuyết ngôn tình của các em sẽ giảm rất nhanh, nhất là đối với những truyện cónội dung thấp kém.

 

____

(*) Tên một loại ngọc

PHẠM TÚ CHÂU