Vào khoảng những năm 1973 - 1975 ở tại Sài Gòn, bấy giờ là thủ đô của ngụy quyền, đã có một lúc rộ lên, ở vài nhóm người, phương pháp chữa bệnh bằng chích huyết gà. Tôi rất quan tâm đến sự việc này là do hai lẽ: Một là trước đó không lâu, tôi có đọc trên một bài báo Pháp kể lại sự việc một bác sĩ người Pháp - hình như vào năm 1925 - có dùng huyết thỏ chữa trị cho một số người bị bệnh nan y. Nhưng lý do chính bấy giờ là việc chữa trị bằng huyết gà được một số bạn tù chính trị từ Côn Đảo về kể lại, có nhắc đến bác sĩ Nguyễn Minh Triết, cũng là tù nhân Côn Đảo, đã giúp họ chích huyết gà và họ được khỏe mạnh. Bấy giờ tôi chỉ mới nghe mỗi bác sĩ Triết liên quan đến việc chữa trị này, và vì từ lâu nghe biết về sự chiến đấu kiên cường của ông, nên tôi tin tưởng ở cách chữa này.
Tôi đã nhận được từ các bạn tù Côn Đảo, tài liệu khá là đầy đủ, và tôi xin được nhắc lại một số điểm chính như sau:
Huyết gà có thể chữa trị khoảng 100 bệnh thường gặp, từ bệnh nhẹ đến bệnh nặng, thuộc đủ lục phủ ngũ tạng con người. Tài liệu ghi 50 bệnh vì giấy không đủ ghi hết, nhưng chỉ cái con số ấy có thể gói trọn được mọi bệnh tật thường gặp trên thế gian này.
Cách chữa bệnh thật là giản dị: chọn gà khỏe mạnh, tốt nhất là loại gà trống đỏ, loại mới biết gáy (vì huyết có nột tiết tố sinh dục nam cao) và nên lấy huyết vào lúc sáng sớm. Phụ nữ thì có thể dùng gà trống hay gà mái…
Khi lấy huyết phải nhằm vào mạch chính giữa, ở dưới cánh gà, sau khi đã nhổ sạch lông chỗ đó để lông khỏi chạm vào kim rút huyết. Da gà phải được rửa sạch bằng cồn, và khi rút huyết chỗ cánh mũi kim nên được mài bớt đi độ 1/3.
Gà nặng từ 1 kg đến 1,5 kg có thể lấy được 15 phân khối huyết, sau 10 đến 15 ngày mới lấy được lần thứ hai. Nếu cần tiêm cho một vài người thì rút huyết ra, tiêm ngay, khỏi tiêm chích gì khác nữa, nhưng nếu để dùng tiêm cho nhiều ngày thì 8 phân khối huyết gà phải thêm 2 phân khối citrat-natri, cho vào tủ lạnh, dùng tối đa một tháng.
Về phương pháp tiêm thì tiêm vào thịt mông hay cánh tay, mỗi ngày một lần hay là cách nhật. Mỗi đợt tiêm từ 12 đến 24 lần, đối với người lớn, lần đầu là nửa phân khối, còn người già và trẻ con thì phải giảm bớt lại. Muốn tránh phản ứng, không tiêm quá 2 phân khối huyết gà nguyên chất một lần.
Tài liệu cho biết, từ khi áp dụng tiêm huyết gà này, chưa hề xảy ra ngộ độc hay là tử vong. Với một số ít, có thể gây sốt nhưng sẽ chóng khỏi.
Vào thời điểm đó, ở Sài Gòn, nhiều người đã có sáng kiến mua các liều thuốc Đông y, cho từng loại bệnh, đem về tán bột, trộn vào thức ăn hàng ngày cho gà, để rồi lấy huyết gà ấy tiêm mà trị bệnh sẽ công hiệu hơn.
Sau ngày giải phóng - 1975 - khá lâu tôi mới được nghe nói đến một ông “bác sĩ huyết gà” chính hiệu, từng là tù nhân chuồng cọp Côn Đảo, tên là Phan Sung, nhưng gần đây nhất mới được rõ hơn về ông ấy qua một tác phẩm, gần 80 trang, chỉ in có 300 cuốn lưu hành nội bộ, tác giả là nhà văn Hà Khánh Linh. Sách này được cô trích từ tập truyện của mình, có tên Trái tim tôi ở Hội An, do NXB Đà Nẵng ấn hành vào năm 2013.
Bác sĩ Phan Sung đã gởi 10 cuốn cho người bạn tù là Cao Nguyên Lợi để tặng các bạn thân quen và tôi may mắn nhận được một cuốn. Cuộc đời của ông “bác sĩ huyết gà” có thể ghi lại một số nét chính như sau: Ba má ông sinh được hai người con gái, nhưng hai cô qua đời sớm. Vợ chồng đã đến chùa chiền cầu xin, và sinh được một con trai, là ông. Mới ra đời được vài tháng tuổi thì người mẹ nghe triều đình tổ chức lễ tế Nam Giao nên ôm con để người cha chèo đò từ Phú Lộc lên Huế đến đàn Nam Giao, đợi khi vơi lễ nghỉ ngơi mới nhờ ông Nài - là người giữ voi - bồng bé trai nhỏ lòn qua lòn lại dưới bụng voi ba lần, và nhờ ông Nài bồng đứa con ấy bỏ vào miệng voi cho voi ngậm lại nhả ra ba lần. Cũng may voi không nuốt luôn em bé…
Năm 1948, lên 16 tuổi ông đã bỏ học, đi tham gia Cách mạng, học lớp cứu thương ở chiến khu Dương Hòa, và 17 tuổi vào Vệ quốc quân. Cha mẹ thương con đứt ruột nhưng phải để con lên đường. Năm 1954, tập kết ra Bắc và đến tháng 8 năm 1957 ông tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội. Trong 200 cán bộ được chọn đi huấn luyện những kỹ năng cần thiết để vào chiến trường miền Nam, ông là một trong 20 người được chọn đi đợt đầu, phục vụ chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968.
Địa điểm ông đến là Quảng Nam. Ông đã trú đóng ở Hòa Vang, Duy Xuyên, trải qua rất nhiều gian khổ nhưng vẫn hết lòng săn sóc cho thương bệnh binh trên các chiến trường khốc liệt. Vào năm 1972, ông bị địch bắt. Sau những tra tấn, ông gặp một sĩ quan Mỹ - thiếu tá John - tìm đủ mọi cách để thuyết phục ông rời bỏ Cách mạng, ông thẳng thừng từ chối. Ông bị kết án 8 năm cấm cố, đày ra Côn Đảo. Nhiều bạn tù ở đây là bác sĩ. Ông được gặp phút đầu là bác sĩ Nguyễn Minh Triết, người Quảng Nam, và ông này nói riêng với bác sĩ Phan Sung rằng tổ chức nội bộ nhà tù khuyên anh không được tham gia đấu tranh nhưng giữ chừng mực để có thể đi lại chữa bệnh cho anh em. Bác sĩ Phan Sung nghe theo điều ấy và một tháng sau ông được sung vào đội ngũ tù áo trắng. Trong những điều kiện khó khăn, bác sĩ Phạm Sung cố gắng tìm mọi cách để chữa trị cho tù nhân. Một hôm, gặp anh Bảy Tấn (về sau, anh Bảy làm thư ký cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt), được anh trao cho tài liệu nói rằng của một bạn tù chính trị người Hoa đã gửi tặng anh. Đó là cách dùng huyết gà để chữa bệnh. Ông Phan Sung thấy ngành huyết học trên thế giới chưa đề cập vấn đề này, nên suy nghĩ đắn đo, song trước tình trạng bệnh thì quá nhiều mà thuốc thì quá ít nên ông thử tiêm huyết gà vào bản thân mình xem sao, dẫu phải hy sinh cũng chẳng có gì ân hận. Tiêm xong một mũi, thấy vẫn lành, ông tiêm thêm một mũi nữa, rồi thêm mũi thứ ba, thấy sự chuyển động có phần tích cực. Ông đem niềm vui chia sẻ với các đồng nghiệp, và được mọi người khuyến khích nên lần đầu tiêm huyết gà vào những người đã bị suy kiệt, xem như giải pháp cuối cùng, nào ngờ những con người ấy đã lấy lại sức và thêm nhiệt huyết đấu tranh.
Vấn đề tìm cho được gà để lấy huyết không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng bác sĩ Phan Sung có được gà nhờ chữa cho những người nhà của một số lính và chỉ lấy công bồi dưỡng là những con gà. Sự việc mà ông nhớ mãi là đã có lần đảo trưởng kiêm giám đốc nhà tù Côn Đảo là Cao Minh Tiếp cho gọi ông đến. Nghe tin ấy, ai cũng lo lắng cho ông vì đã đi vào chốn ấy thì không tránh khỏi những trận nhục hình thê thảm. Nhưng khi bác sĩ Phan Sung trở về, vẫn không có gì thay đổi mà còn mang theo những món quà. Bác sĩ đã khéo lựa lời, và được đảo trưởng cho phép nuôi gà để lấy huyết chữa bệnh cho tù nhân. Nhờ đấy, bác sĩ Phan Sung nổi tiếng là ông “bác sĩ huyết gà”, một vị thần y. Mãi về sau này, khi được trao trả tù nhân vào năm 1973, cho đến ngày nay bác sĩ Phan Sung vẫn tiếp tục là vị bác sĩ hết lòng với những bệnh nhân và ông cũng mong gặp lại người chúa đảo ngày nào - ông Cao Minh Tiếp - nhưng chưa gặp được.
***
Năm tháng trôi qua, chuyện tiêm huyết gà không còn được nghe nói đến. Khi tôi ghé thăm bác sĩ Nguyễn Minh Triết tại ngôi nhà ở và cũng là phòng khám nội tổng quát (số 320/7 đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh), nhắc lại câu chuyện huyết gà, bác sĩ Triết cho rằng “bấy giờ sức khỏe tù nhân đã quá cạn kiệt nên chút huyết gà cũng đem lại sự sống. Song tôi vẫn mong có sự nghiên cứu đầy đủ hơn nữa về vấn đề này. Bởi trong những nhóm người tiêm huyết gà, tôi và anh Trần Công Diếu là hai người tiêm nhiều nhất. Và dù thể trạng chúng tôi không được sung mãn, nhưng nay đã cũng vượt qua cái tuổi 90 mà vẫn tỉnh táo được như ngày nào, phải chăng nhờ được tiếp sức bằng thứ huyết gà?”.