HV111 - Chuyện phiếm về Táo Quân

Không biết từ ngày xửa ngày xưa nào, người ta đã phong cho ngài cái chức “Táo Quân” tức là ông vua bếp. Chức vụ càng cao thì trách nhiệm càng nặng. Ngày ngày - và có khi cả đêm đêm nữa - người ta đặt trên đầu ngài bao nhiêu thứ tạp nham, nặng nề và lắm khi không được sạch sẽ mấy: từ nồi cơm, trách cá, chảo thịt, đến nồi khoai lang luộc, niêu khoai mì, thậm chí đến cả nồi cám heo cho ba chú “ăn no lại nằm” tuy chúng không hề “dài lưng tốn vải”. Công việc nặng nhọc là thế mà ngài nào có thở than, luôn luôn hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc nên được cả người đời lẫn thiên đình quý trọng.

Mà thật ra hình dung ngài nào có đẹp đẽ gì cho cam! Đó chỉ là ba tảng đất sét được con người uốn nắn cho khum khum, dưới to trên nhỏ để tạo thế thăng bằng cho khỏi ngã khi phải đưa đầu chịu trận tức là đội nồi cơm ở bên trên. Thảng hoặc có khi người nấu ăn vô ý hất một trong ba vị ngã xuống thì phải vội vàng xuýt xoa khấn vái xin ngài mở từ tâm đánh cho chữ đại xá rồi mới dám nhẹ nhàng kính cẩn nâng ngài dậy. Có người thận trọng hơn, đốt nhang khấn vái trước khi nâng. Những kẻ ấy chắc sẽ không bị ngài trừng phạt mà ngài cũng không hề tỏ sắc giận bao giờ. Vì tiếp xúc với khói lửa thường xuyên và lâu ngày chầy tháng nên ngài nào ngài nấy đen nhẻm đen nhem, nhìn vào khó lòng phân biệt được ai đẹp hơn ai. Nếu lấy cây gõ vào thân ngài thì nghe tiếng cành cạch, canh canh, âm sắc khô khan ấy ngày càng cao lên, tỷ lệ thuận với thời gian và tuổi thọ. Ấy là nói ví dụ thế thôi chứ mấy ai dám làm cái chuyện bất kính đó.

Ở ngoài Bắc, người ta gọi ngài là “Ông đầu rau”, miền Trung và miền Nam thì gọi nôm na là “Ông Táo”, còn cái danh hiệu “Táo Quân” chỉ thấy trong văn thơ chứ người thường ít ai dùng đến. Kể cũng lạ, theo các bô lão thì cả ba vị họp lại thành một quần thể gọi là Ông Táo ấy không phải tất cả đều là “đực rựa” mà trong đó có hai ông và một bà (làm thế nào để phân biệt nam nữ được nhỉ?), cho nên ca dao ta mới có câu:

Thế gian một vợ một chồng,

Nào như vua bếp, hai ông một bà.

Thế mà “bà Táo” ít khi được nhắc tới, người ta chỉ luôn miệng gọi “ông Táo” thôi. Quả là bất công và trọng nam khinh nữ. Cái gia đình kỳ quặc ấy (hai ông một bà) lại luôn luôn êm thắm mới lạ chứ! Có bao giờ nghe nói hai ông Táo đánh nhau vì ghen đâu. Vậy hẳn là bà Táo có uy quyền rất lớn, khuất phục được một lúc cả hai đấng mày râu khó tính nếu không phải bà đã biến hai ông thành những tay “râu quặp” có hạng. Kể ra thì ở trên đời cũng không thiếu những gia đình gồm hai ông một bà, nhưng thường là kín đáo để tránh chuyện xào xáo làm phiền lòng hàng xóm. Cũng may Táo bà chẳng sinh nở bao giờ, nếu không thì cô cậu Táo con biết gọi ai là bố, chẳng lẽ cả hai?

Về thực tế thì “quần thể Táo” gồm có ba vị, hai nam một nữ như đã nói ở trên, nhưng khi về chầu trời hằng năm chỉ có một vị đại diện duy nhất mà thôi. Táo bà chẳng bao giờ được chầu trời vì không thấy sử sách nào nói thế hay vì là phụ nữ nên bà không được diện kiến long nhan?

Hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng chạp âm lịch tức là gần Tết Nguyên đán, các vị Táo quân lại lục tục lên trời triều kiến Ngọc Hoàng để “lập bô” (tức rapport nói theo tiếng Tây), nghĩa là báo cáo. Táo công báo cáo với Thiên đình về tình hình hoạt động của gia chủ, nơi Táo có nhiệm vụ công tác, đồng thời điều tra theo dõi gia chủ để báo cho Ngọc Hoàng biết đặng tùy nghi thưởng phạt người đời (Ngọc Hoàng có thời giờ đâu mà nghe cho hết nhỉ?). Bởi tin như vậy nên trước ngày Táo Quân về trời, người ta cúng kiếng rất trọng hậu để Táo Quân tâu tốt cho mình. Phải chăng đây cũng là một cách hối lộ tuy không dùng khoẻn, dùng khâu?

Phương tiện để ngài đi là chú cá chép, dĩ nhiên là cá chép biết bay mới có thể chở Táo Quân bay tít lên tận Thiên đình. Dạo sau này, khoa học tiến bộ, người ta thường vẽ Táo Quân cưỡi máy bay, hỏa tiễn, phi thuyền lên chầu trời. Văn minh thật đấy, nhưng người xem thấy có vẻ gì là khiên cưỡng, không được tự nhiên như thời ngài còn cưỡi cá chép.

Vào khoảng năm 1933, thời còn Pháp thuộc, ở cố đô Huế có bài thơ châm biếm nhan đề là Ông Táo, không rõ tác giả là ai. Bài thơ ấy như sau:

Cục đất ngày xưa nó thế nào?

Nay làm ông Táo chức quyền cao.

Khéo đem mặt lọ vênh vang thế,

Chẳng hổ lưng khòm khúm núm sao?

Ngày những giữ nồi cho địa chủ,

Quanh năm kiếm chuyện mách Thiên tào.

Một mai đất lại thành ra đất,

Cái đãy chè xôi đáng giá bao?

Bài thơ này ám chỉ một viên quan lớn ở Huế lúc bấy giờ.

Cũng vào khoảng thời gian này, một nhà biếm họa tinh nghịch nào đấy đã vẽ Táo Quân trông rất đường bệ uy nghi với đầy đủ áo mão, cân đai, hia hài, duy chỉ thiếu có một cái… quần (nếu lỡ mà “gió bay tà áo” thì làm sao nhỉ?!). “Những tư tưởng lớn thường gặp nhau” (Les grands esprits se rencontrent) như người xưa từng nói nên một nhà thi sĩ đã “tức cảnh” bằng những vần thơ trào phúng lý thú như sau:

Năm ba ông Táo dạo chơi xuân,

Đội mão, đi hia, chẳng mặc… quần.

Trời hỏi làm sao ăn mặc thế?

Thưa rằng: hạ giới nó duy tân.

Mươi năm sau, vào đầu thập kỷ 40, khi quân Nhật vào chiếm đóng Đông Dương thì tình hình kinh tế nước ta trở nên cực kỳ khó khăn, tồi tệ. Tất cả mọi thứ đều dành cho quân đội của Thiên hoàng.

Hàng tiêu dùng rất khan hiếm, từ lúa gạo cho đến đường đậu, vải vóc, xà bông đều thiếu nên nảy sinh ra nạn chợ đen, hàng hóa bán giá cao gấp bội. Vì thế, vào dịp Tết, nhà thơ trào phúng đã viết:

Năm ba ông Táo bận qua loa,

Xì-líp che thân vậy đủ mà.

Trời hỏi làm sao ăn mặc thế?

Thưa rằng: Hạ giới “mác-sê noa”!

Mác-sê noa (tiếng Pháp: marché noir) nghĩa là chợ đen. Thế đấy, chợ đen lúc bấy giờ hoành hành ghê gớm làm khổ biết bao người dân, kể cả Táo Quân.

Người dân quê của ta xưa có thói quen hay thề thốt khi muốn chứng minh lòng ngay thật của mình để cho kẻ khác tin. Lúc thề, người ta phải viện dẫn kẻ khuất mày khuất mặt lên làm chứng, tức là các vị thiên thần, thổ địa, phật trời và dĩ nhiên có cả Táo Quân nữa. Riêng với Táo Quân, lời thề đôi khi có vẻ ỡm ờ, nửa đùa nửa thật, đại khái như: “Tôi mà nói láo thì ba ông Táo đội nồi cơm”.

Thề thế thì kể cũng như không vì lúc nào ba ông Táo chả đội nồi cơm? Lời thề ấy người dân quê gọi là “thề cá trê rúc ống, cá bống rúc hang” nghĩa là chẳng có giá trị gì cả.

***

Theo lẽ thường ở đời, hễ có thịnh thì phải có suy, Táo Quân nhà ta cũng không thể đứng ngoài quy luật ấy. Một ngày nào đấy, nếu chẳng may ngài bị bể chân, gãy cổ, không còn giúp ích được người đời thì dù thương yêu quý trọng ngài đến đâu đi nữa, người ta cũng phải cho ngài về nghỉ hưu thôi. Nhưng giải quyết với ngài làm sao đây? Vứt xuống sông hay ném vào sọt rác? Không đâu! Người Việt mình rất có tình nghĩa, nhất là có thủy có chung, nên chẳng bao giờ lại nhẫn tâm đối xử thô bạo với ngài như thế. Người ta trân trọng mang ngài ra đặt ở gốc cây đa cây đề hay trên bờ thành của cái miếu thiêng nào đấy, bên cạnh ông bình vôi bể miệng và các vị tiền bối của ngài đã “ngự” ở đây từ trước để người qua kẻ lại sì sụp khấn vái và ngày rằm, mồng một lại nghi ngút khói hương. Bấy giờ quyền uy của ngài đã giảm đi nhiều nhưng lòng kính trọng của người đời vẫn không suy giảm. Phải chăng trong lúc thất thế sa cơ, ngài đã nhờ được bóng râm của thần cây đa che chở?

Có kẻ còn cẩn thận hơn, sợ ngài bị trẻ con nghịch phá, lôi xuống hành hạ khổ thân hay gió bão cuốn đi vùi dập nên đã dùng vôi hoặc xi măng gắn chặt ngài trên bức tường thành, chẳng khác nào Từ Hải chết đứng lúc bị Hồ Tôn Hiến phục binh loạn tiễn:

Khí thiêng khi đã về thần,

Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng.

Trơ như đá, vững như đồng,

Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời.

(Nguyễn Du)

Thời gian qua mau, khoa học cũng tiến nhanh không kém, nhà cửa ở thành phố lại chật chội, bí hơi, không thông thoáng nên dùng bếp Táo Quân đâu còn tiện như xưa, vì hễ còn dùng ngài thì còn phải đun bằng rơm rạ hay củi đuốc, khói bốc mịt mù, làm sao mà thở? Thế là dần dần người ta chuyển sang bếp than, tiến lên một bước là bếp dầu lửa rồi bếp điện, bếp ga. Nhưng dù là bếp gì, hiện đại đến đâu thì ngài vẫn là Táo Quân canh giữ bếp cho từng gia đình, và được thờ kính khói hương nghi ngút để đến ngày 23 tháng chạp cuối năm, người ta vẫn thành kính đưa tiễn ngài về trời báo cáo với nhà trời…

HUYỀN VIÊM