HV111 - Cơn bão chính trị cuối năm 2016 ở Pháp

Tối ngày 1-12-2016 đúng 20 giờ, giờ địa phương tại Pháp, Tổng thống Pháp đương nhiệm François Hollande tuyên bố bất ngờ trên đài truyền hình trực tiếp trước dân chúng từ trên thềm của cung điện Élysée rằng ông sẽ không tranh cử nhiệm kỳ kế tiếp. Ngày 1-12-2016 trên nguyên tắc là ngày mở đầu cho việc ghi danh tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2017-2021 của cánh tả. Từ tả sang hữu, mọi người đều bình luận rằng đây là một quyết định can đảm và sáng suốt, có trách nhiệm trước tình hình hiện tại của nước Pháp, để cứu vãn sự chia rẽ trong cánh tả và ngăn chặn sự nổi dậy của cánh hữu và cực hữu.

Người dân Pháp đã chờ đợi thái độ quyết định của Tổng thống Pháp Hollande từ lâu, cụ thể nhất là từ khi các vòng bầu cử của phe hữu đã diễn ra và ông François Fillon đã giành được chiến thắng, vượt qua hai đối thủ Nicolas Sarkozy và Alain Juppé để đại diện đảng Les Républicains chính thức tranh cử tổng thống Pháp nhiệm kỳ 2017-2021.

Tổng thống Hollande nói về những thành tựu ông đã gặt hái được trong 5 năm đầy sóng gió đã qua như sự cân bằng ngân sách, thành công của chương trình chống lại biến đổi khí hậu thế giới, và giúp cho nhiều người có được bảo hiểm sức khỏe đầy đủ. Ông đã phục vụ quyền lợi của nước Pháp một cách chân thành và khiêm nhường, nhưng ông cũng đã nhìn nhận những thất bại của mình. Những thất bại lẫn lộn giữa cái riêng và cái chung.

Kể từ ngày đầu nhiêm vụ cho đến hôm nay, chưa bao giờ người dân thấy một François Hollande quyết liệt, sôi nổi qua bài diễn văn như thế.

Phải nói, cuộc đời riêng tư của vị tân tổng thống Pháp được phơi bày từ năm 2012 trên tất cả mọi phương tiện truyền thông đại chúng. Người ta không quên, ngay ngày đầu nhận nhiệm vụ, trong bài diễn văn nhân dịp Quốc khánh 14- 7-2012, tân tổng thống Pháp đã phải trả lời câu hỏi của báo chí và dân chúng về những câu tuyên bố của bà Valérie Trierweiler và vai trò của bà bên cạnh ông Hollande. Kế tiếp là sự bùng nổ trên sân khấu chính trị vì một cái Twitter ghen ghét của bà Trierweiler đối với bà Ségolène Royal, cựu tình địch. Kế tiếp nữa là sự ghen tuông của bà Trierweiler đối với bà Julie Gayet, tình địch mới.

Nhìn lại, cái hại của bà Valérie Trierweiler đối với ông Hollande, cụ thể vì cuốn sách Merci pour ce moment của bà viết về thời gian làm “đệ nhất phu nhân”, có hậu quả rất lớn, rất sâu đậm, biến một vị tổng thống của một cường quốc như Pháp thành một trò cười chế nhạo. Tổng thống đi nghỉ hè ở vùng biển Cabasson với bà Trierweiler, tổng thống lái xe máy đến nhà người tình Julie Gayet... người dân đều được biết tường tận. Ông Hollande, nhất định không cưới bà nào trong cả ba bà. Tổng thống Pháp có ngây thơ quá chăng, hay quá tin tưởng vào giá trị của sự tự do cá nhân, tự do tình dục trong một nước Pháp còn bảo thủ, còn coi trọng giá trị của hôn nhân, của gia đình nền nếp, hay chỉ là những toan tính được mất... trong khi báo chí, nhất là những tờ báo “lá cải”, hằng ngày soi mói vào đời tư của ông.

Sự tin tưởng của dân chúng vào Tổng thống Pháp Hollande, trong không khí căng thẳng vì những cuộc khủng bố, kinh tế đi xuống, thuế má cao suốt từ năm 2012, dân chúng kém sức tiêu thụ, thất nghiệp..., lại còn bị tổn hại thêm bởi những cuộc tranh luận dai dẳng trên bình diện tôn giáo và đạo đức, như Hồi giáo chống lại Thiên Chúa giáo, hay đạo luật về kết hôn đồng tính luyến ái còn cho phép có con chính thức, nhận con nuôi, đẻ con ở nước ngoài...

Sự nhìn lại 5 năm trị vì của François Hollande tuy còn quá sớm, nhưng cũng đúc kết được vài điểm nhấn tích cực, như quyết định đưa bốn người anh hùng của kháng chiến Pháp vào điện Panthéon.

Theo các cuộc thăm dò, có đến 8 người trên 10 người không muốn ông Hollande tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ thứ hai. Trong những cuộc thăm dò dư luận, Đảng Xã hội Pháp đứng trước nguy cơ là không một ứng cử viên cánh tả nào có thể lọt vào vòng hai, tức là bị loại ra từ đầu, mất chính quyền, vì đánh mất tin tưởng của dân chúng.

Thất bại lớn nhất của ông Hollande, cũng là thất bại của Thủ tướng Valls, là lãnh vực thất nghiệp kéo theo sự suy giảm của kinh tế nội địa. Thống kê chính thức tháng 2-2016 cho biết con số thất nghiệp là 10,5% trên tổng số lao động (so sánh với Đức có 4,7% thất nghiệp).

Người ta cũng rất bất bình trước đạo luật kết hôn đồng tính luyến ái của bà Bộ trưởng Tư pháp Chistiane Taubira. Gần 1 triệu người biểu tình tại Paris không làm lay chuyển được ý chí của chính quyền cho người đồng tính luyến ái những quyền lợi mà còn phải được cân nhắc kỹ lưỡng những hậu quả xã hội về lâu về dài. Dẫu gì, nước Pháp có một thành phần dân chúng theo Thiên Chúa giáo chiếm đến 63%(*), con số người theo đạo Tin Lành khá ít ỏi và không phải người Pháp nào cũng mang tâm tính “parisien”. Theo bà Michèle Alliot-Marie, cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao dưới thời Chirac và Sarkozy, thì vấn đề này phải là chủ đề cho một cuộc trưng cầu dân ý.

Những cái tên như Jérôme Cahuzac, Thomas Fabius cũng là những thí dụ điển hình cho “pháp luật hai vận tốc” cũng xảy ra ở Pháp trong sự việc rửa tiền và mờ ám chuyển tiền ra nước ngoài. Là cựu Bộ trưởng Bộ Ngân sách quốc gia trong chính phủ Hollande, ông Jérôme Cahuzac bị tòa án Paris kết án ngày 8-12-2016 3 năm tù ở và 5 năm không được ứng cử cùng một số tiền phạt là 100.000 euro vì tội trốn thuế, tẩu tán tài sản khoảng 3,5 triệu euro ra nước ngoài, sau 4 năm điều tra, nhưng ông vẫn không bị vào tù vì ông kháng án lên phúc thẩm.

Sự việc trục xuất cô học trò Leonida với gia đình về Kosovo mang lại nhiều sóng gió báo chí, nhất là khi cô này bác bỏ lời mời của tổng thống được trở về Pháp để đi học. Aquilino Morell, cố vấn cho ông Hollande, người đã lạm dụng chức vụ và quyền hành, cho chiếm một phòng khách trong khách sạn Marigny để bày những đôi giày đánh bóng loáng của ông ta, cũng như Thomas Thevenoud, không trả tiền thuê nhà ở Paris trong ba năm trời, hay người chuyên cắt tóc cho ông Hollande lãnh một số lương tháng là 9.895 euro, là những cái dấu chấm than trong thời kỳ Hollande.

Tổng thống Pháp nhìn nhận sự thất bại trong vấn đề triển khai việc tước bỏ quốc tịch Pháp cho những tội phạm có hai quốc tịch. Nhưng cũng phải thấy rằng, những khó khăn của ông Hollande vấp phải, đã được để lại của giai đoạn “bling-bling” Sarkozy/Fillion nắm chính quyền từ 2007 đến 2012, và từ những áp đặt, ràng buộc của Liên minh châu Âu ở Brussels lên nước Pháp. Hiện nay, một nhiệm kỳ tổng thống kéo dài 5 năm, nhiều khi không đủ thời gian để sửa đổi xã hội với những ảnh hưởng lâu dài, thừa hưởng lại của nhiệm kỳ đi trước.

Thêm vào đó, cái ổ khủng bố nước Pháp thì nằm ở nước Bỉ, thủ đô Brussels cách Paris có 3 tiếng đồng hồ xe hơi, của một chính phủ nổi tiếng là “nhẹ nhàng” giữa lòng châu Âu.

Ngày 7-1-2015 bọn khủng bố nổ súng giết cả tòa soạn tạp chí Charlie-Hebdo đang họp, cùng với những nạn nhân khác; ngày 13-11-2015 cuộc thảm sát ở Paris, Bataclan khiến 130 người chết; rồi ngày 14-7-2016 một tên khủng bố lái chiếc xe tải cán chết một lúc 86 người; sự kiện cảnh sát an ninh RAID tấn công bọn khủng bố ở Saint Denis ngày 18-11-2015 đang dự tính thêm một cuộc khủng bố mới ở khu vực La Défense (dịp này, cô chó cảnh sát Diesel bị trúng đạn hy sinh)... những sự kiện này bộc lộ những điểm yếu của hệ thống an ninh quốc gia, gây rúng động dư luận cả thế giới, làm người dân Pháp lo sợ, bất an lâu dài.

Tháng 7-2016, nước Pháp lại nổi sóng với nhiều cuộc biểu tình, bạo động vì đạo luật El Khomri sửa đổi luật lao động, tạo ra thêm quyền lợi cho giới chủ. Tháng 8-2016, thêm một bộ trưởng nữa từ chức, ông Emmanuel Macron (Kinh tế), tiếp theo bà Christiane Taubira (Tư pháp) đã ra đi từ tháng 3-2016, sau khi thất bại về việc tước bỏ quốc tịch. Thêm vào đó, một thành phần cảnh sát lại xuống đường để tranh đấu cho quyền lợi của họ, như lửa đổ thêm dầu.

Những cuộc biểu tình của nhà nông, nhà chăn nuôi Pháp... không đủ để nói lên thảm cảnh của họ, vì những lệnh cấm xuất khẩu sang nước Nga của Brussels đã làm cho ứ đọng phía thị trường cung cấp. Chưa khi nào mà con số những người tự tử (gần 10.500 người tự tử chết năm 2015), gồm có nhà nông, nhà chăn nuôi, y tá, cảnh sát, người thất nghiệp, tù nhân... lại vượt quá con số người chết vì tai nạn xe hơi (3.616 người chết, thống kê năm 2015), mà người dân luôn có cảm tưởng là chính phủ viện lý do tai nạn giao thông để chèn ép dân chúng đòi tiền phạt, hay bằng những biện pháp khác.

Nước Pháp đang ở trong tình trạng báo động khẩn cấp quốc gia, gia hạn lại những 5 lần, cho đến 15-7-2017 để đảm bảo cho cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ tới.

Cho đến giờ, trong lịch sử của nền Đệ ngũ Cộng hòa Pháp, François Hollande là vị tổng thống đầu tiên từ chối quyền tái ứng cử.

Kể từ khi cuốn sách Un président ne devrait pas dire ça của hai tác giả Gérard Davet và Fabrice Lhomme ghi lại những cuộc phỏng vấn François Hollande từ tháng 4-2012 đến tháng 7-2014, thì người ta đánh giá đó là một sự “tự vẫn chính trị” vì ông đã bộc lộ những quan điểm, những cái nhìn trong chuyện chung và cả chuyện riêng về 3 người đàn bà của ông, mà đáng lẽ không được nói ra.

Trong sự rút lui của ông François Hollande, ông đã đi trước một bước, mở đường cho cánh tả, cho những nhân vật chính trị trẻ tuổi đang muốn ra tranh cử, cho ý hướng, đường lối của Đảng Xã hội, cụ thể là ba người sáng giá nhất là ông Arnaud Montebourg, ông Manuell Valls hay ông Emmanuel Macron. Mặc dù, “kẻ hạ bệ vua”, Thủ tướng Manuell Valls, sau khi đã hăm dọa Hollande sẽ cùng ra tranh cử tổng thống, không tiếc lời ca ngợi và thề thốt trung thành với François Hollande. Ông Manuell Valls từ chức ngày 5-12-2016, là một người gốc Tây Ban Nha, có khả năng tập hợp cánh tả hay không, và trên bình diện quốc tế có khả năng đối đầu với Trump, với bà Merkel hay không thì cử tri sẽ đánh giá, trả lời. Chính phủ của Hollande tiếp nối nhiệm kỳ với ông Bernard Cazeneuve, tân thủ tướng ngày 6-12-2016.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, Tổng thống Donald Trump “đe dọa” những xí nghiệp Mỹ di chuyển đi nước khác, giảm bớt sự tham dự vào khối NATO... Còn ở châu Âu? Thổ Nhĩ Kỳ đang đe dọa sẽ không ghìm làn sóng người di tản Trung Đông vào châu Âu... Chính quyền Baschar al- Assad vẫn còn đứng vững ở Syria, trong khi chính phủ Hollande nhất quyết không nhìn nhận và cho rằng đáng lẽ ông al-Assad phải bị “tiêu diệt”...?

François Hollande còn ở cương vị tổng thống Pháp nửa năm trời nữa, nhưng cả ba người của một thế hệ, các ông Nicolas Sarkozy, Alain Juppé và François Hollande đều rút lui, nhường lại sân khấu chính trị trong một giai đoạn khó khăn. Mọi người dân Pháp và cả thế giới đều mong chờ một nước Pháp được ổn định, phát triển tích cực và đóng góp phần mình cho nền hòa bình thế giới, các chính khách Pháp phải biết dẹp bỏ tự ái và quyền lợi riêng tư, chỉ vì quyền lợi chung của quốc gia, một thí dụ cuối cùng đã được Tổng thống François Hollande nêu ra.

_____

(*) CIA word factbook 2015.

MATHILDE TUYẾT TRẦN (Paris - Pháp)