HV111 - Gà - biểu tượng văn hóa, tâm linh

Trong lịch pháp phương Đông, gà đứng thứ 10 trong 12 con giáp. Tuy đứng gần cuối của Thiên can - Địa chi, nhưng nó có địa vị đặc biệt xếp cùng với rồng, rắn; còn 9 con còn lại bốn chân, có lông được gọi là thú.

Từ xa xưa, con người đã biết cách săn bắt loài chim (cầm) này vốn ở rừng núi, đầm lầy và nuôi dưỡng rồi nó trở thành gia cầm. Với dáng vẻ, hình hài của bộ lông nhiều màu sắc, đôi chân có móng vẩy nhọn cứng, mào đỏ (trống), hai mắt đối xứng, đặc biệt là tiếng gáy vang trời đã biến gà thành vật nuôi có tính linh ứng, biểu tượng, không phải chỉ để ăn thịt.

Một biểu tượng linh thiêng

Trong các nghi lễ thụ pháp và bói toán của bộ tộc Bantou ở Congo, gà mái có vai trò là sứ giả dẫn dắt người chết. Ở Đức cũng vậy, nhưng là gà trống. Nhiều nước phương Đông, trong đó có Việt Nam thì ở các lễ cưới, hỏi, tang ma hoặc đón năm mới không thể thiếu gà. Chân gà trống luộc ở một số tộc người được dùng để bói toán, đoán định may rủi.

Gà được ban cho nhiều đặc tính. Ở Iran, dáng đi của gà gô ví như vẻ đẹp thanh lịch của phụ nữ. Ở Ấn Độ trong các tranh tượng, gà được khắc họa để ca tụng vẻ đẹp của đôi mắt. Các đức tính dũng cảm, tiếng gọi của tình yêu, khả năng sinh nở, tần tảo… của gà cũng được người Nhật, người Hy Lạp, các nước Bắc Âu nhắc đến. Nhưng phong phú và ấn tượng nhất vẫn là người Trung Hoa. Họ có hẳn một “nền văn hóa gà”. Ngày đầu năm âm lịch, theo phong tục dân gian người Trung Quốc dán lên cửa lối đi và cửa sổ tranh vẽ hình gà để trừ tà và giữ của. Gà là dương tính, do đó huyết gà khiến ma quỷ lánh xa. Người ta còn dán lên cửa chữ “Dậu” bởi theo truyền thuyết Khương Tử Nha sinh giờ dậu, nên có tên là Dậu, khi được phong chư thần, ai cũng kính sợ. Đời Hán, dân có tục đeo hình gà trống đón xuân vào ngày lập xuân. Tết Đoan Ngọ 5-5 thì đeo hình tim gà may bằng vải đỏ trong đựng ngũ cốc để cầu may. Ở vùng Hà Bắc, Sơn Đông gà sống lâu năm được chọn làm sính lễ tượng trưng cho cát tường như ý. Gà mái và gà trống đương thì gọi là “gà phu thê”. Đá gà, chọi gà cũng được ưa chuộng từ đời Xuân Thu đến đời Đường, đến nỗi Đường Huyền Tông cho lập một “làng gà” trong cung với 500 thị vệ chăm sóc. Gà cũng có mặt trong thi văn của Bạch Cư Dị, Đỗ Phủ… Gà trống cũng được nước Pháp chọn làm biểu tượng của mình.

Nhưng đặc tính và biểu tượng bao trùm khi nói đến gà là hình dáng và tiếng gáy của nó. Gà trống là biểu tượng của mặt trời, vì khi nghe tiếng gà gáy là mặt trời sắp mọc. Gà là hóa thân của chim mặt trời, một nét tín ngưỡng. Tôtem thờ chim của tổ tiên xa xưa cũng là một biểu tượng của văn hóa thế giới. Nó là sứ giả của vận hành vũ trụ, chuyển giao giữa đêm và ngày, giữa bóng tối và ánh sáng, báo hiệu thời gian không sai lệch tựa như chân lý: hễ gà gáy là trời sắp sáng.

Với đạo Công giáo, gà trống là biểu hiện của Chúa Kitô ở tính biểu trưng của ánh sáng và sự phục sinh. Nó là biểu tượng của minh triết đến từ Chúa Trời. Vì vậy con gà trống được đặt trên các tháp chuông và nóc nhà thờ gợi nhắc các con chiên về ân sủng của ánh sáng và sự cứu rỗi.

Trong văn chương, hội họa

Cũng từ gà mà xuất hiện các ngôn từ định danh chủng loài và cách nói ví von thú vị góp phần nhận dạng, giáo dục lối sống, cảm nhận lẽ đời. Chẳng hạn: Con gà tức nhau tiếng gáy; Gà què ăn quẩn cối xay; Gà luộc hai lần; Gà ngày gió, chó ngày mưa; Gà ăn hơn công ăn; Gà ngủ cáo không ngủ…

Gà đã vào nhiều tác phẩm văn thơ: Kê minh thập sách (Nguyễn Thị Bích Châu); Con gà trống (truyện phim Nguyễn Quang Sáng); Tiếng gà gáy (tập thơ Lê Anh Xuân); Tiếng gà trưa (Xuân Quỳnh).

Truyện Kiều, kiệt tác của thi hào Nguyễn Du, ba lần nhắc tới tiếng gà. Khi chàng Kim gặp lại Kiều, sau 15 năm lưu lạc cách xa, thi hào viết “Chuyện trò chưa cạn tóc tơ/ Gà đà gáy sáng, trời vừa rạng đông”. Trong tập Nhật ký trong tù của cụ Hồ Chí Minh, có bài thơ chữ Hán nhan đề Thính kê minh với bốn câu: “Nhĩ chỉ bình thường nhất chích kê/ Triêu triêu báo hiểu đại thanh đề/ Nhất thanh hoán tỉnh quần lê mộng/ Nhĩ đích công lao dã bất đê”. Về sau có người dịch thơ: Nghe gà gáy: “Mi tuy chỉ một thứ gà thường/ Báo sáng ngày ngày tiếng gáy vang/ Một tiếng toàn dân bừng tỉnh mộng/ Công mi đâu có phải là xoàng”.

Mùa xuân 1971, nhà thơ Tố Hữu làm bài thơ mừng năm mới, cổ vũ quân dân ta đánh thắng giặc, sản xuất chăn nuôi tốt, có câu: “Anh họa sĩ làng Hồ, lại đây anh mà vẽ/ Đàn bò mộng Cuba đủng đỉnh đi ngắm núi Ba Vì/ Những chú lợn lai lớn cao hơn ỷ mẹ/ Và những mái gà Hung làm bạn với gà ri”. Bài thơ Đường vào, Tố Hữu viết về chuyến vào khu Bốn vào Thanh, lòng nhớ tới miền Trung, miền Nam. Ông đi thâu đêm tới sáng: “Xóm làng đang dậy gà khuya”…

Trong bài thơ năm 1940, Xuân Diệu viết: “Tiếng gà gáy buồn nghe như máu ứa”. Nhà thơ Hoàng Cầm cũng miêu tả vẻ đẹp của tranh Đông Hồ bằng những câu“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” (Bên kia sông Đuống)…

Trong hội họa dân gian nước ta, hình ảnh con gà xuất hiện nhiều, cùng bộ tranh Tết Nguyên đán, có vị trí xứng đáng trên tường vách nhiều nhà. Nào là tranh gà mái chăm chỉ dẫn đàn con đi chơi, hé mở đôi cánh cho con nhanh chóng vào ẩn nấp khi thấy bóng diều hâu. Gà con ríu rít quanh gà mẹ, đón miếng mồi từ mỏ mẹ, vài chú no nê, thích thú nằm trên lưng mẹ, vài chú đứng rỉa lông hoặc xòe cánh chạy tung tăng. Nào là tranh gà trống mở đôi mắt tròn xoe, khoe cái mào đỏ và bộ lông đuôi cong cong… được một chú bé xinh xắn, xòe bàn tay bụ bẫm vỗ về trên lưng; góc trên bức tranh đề hai chữ Vinh Hoa. Một bức khác có dáng bức trướng, đạo bùa, đặt chính giữa là chữ “Đại Cát” (rất tốt). Phần dưới của tranh là một anh gà trống, đầu ngẩng cao, chân bước đĩnh đạc, tư thế hiên ngang. Và bức tranh gà trống, gà mái quần tụ cùng lũ gà con, có dòng chữ Nôm “Vợ chồng thuận hòa, lắm con nhiều cháu”. Các tranh này thuộc dòng Đông Hồ (Bắc Ninh) và các dòng Kim Hoàng, Hàng Trống (Hà Nội).

Báo Thái Bình số Xuân năm Kỷ Dậu 1969, đăng bức tranh của nhà báo Lê Trọng vẽ chú gà nghển cổ cao, khoe mào đỏ, có dáng mừng xuân, mừng chiến thắng, với lời đề “Gà Kỷ Dậu gáy bình minh/ Hoảng hồn Mỹ cút, thất kinh ngụy nhào”.

Không ít tác phẩm văn học, thơ ca, hội họa có hình ảnh, tiếng gáy con gà trong kho di sản văn hóa nghệ thuật nước ta, có giá trị trường tồn, xứng đáng được thưởng thức lại trong những ngày Tết đến, xuân về.

TRẦN ĐÌNH VIỆT - BÚT NGỮ