HV111 - Hồn tre Việt

Tre Việt vươn ra thế giới

Triển lãm Venice Architecture Biennale, một trong những triển lãm uy tín hàng đầu thế giới về kiến trúc, được tổ chức tại thành phố Venice, Ý, năm 2016. Triển lãm lần thứ 15 này có chủ đề “Report from the Front” (Báo cáo từ thực tế), do La Biennale di Venezia tổ chức với sự tham gia của 48 quốc gia trên thế giới.

Một công trình kiến trúc dạng sắp đặt thu nhỏ độc đáo của Việt Nam, sử dụng vật liệu chính là tre, có mặt tại triển lãm này. Đó là công trình “Human - Meditation - Nature” (Con người - Thiền định - Thiên nhiên) do kiến trúc sư (KTS) Võ Trọng Nghĩa của Việt Nam thiết kế sử dụng vật liệu tre, một loại vật liệu tự nhiên và thân thiện với môi trường. Các trụ tre được cấu tạo từ những kết cấu hình tam giác, đứng độc lập trên sàn đồng thời liên kết với nhau tạo thành một kết cấu vững chãi.

Công trình bằng tre ra đời trong bối cảnh ngày nay kiến trúc không còn đơn thuần là công cụ đáp ứng nhu cầu về công năng và thẩm mỹ mà còn là một phương tiện để kết nối con người với thiên nhiên. Võ Trọng Nghĩa cho biết: “Tại gian triển lãm này, chúng tôi gợi ý và khuyến khích việc khách tham quan tự tay tưới nước và chăm sóc cho cây. Trong rừng tre, chúng tôi mời bạn ngồi thiền để giúp bạn khơi dậy những cảm nhận và kết nối lại mối quan hệ của bạn với thiên nhiên. Chúng tôi hy vọng cuộc hành trình qua các gian hàng nhắc nhở mọi người về các tác động mà chúng ta đã gây ra cho môi trường, cho thiên nhiên từ các hành động trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta”.

Với cây tre xanh Việt Nam và hơn thế là một tư duy làm kiến trúc gần gũi với thiên nhiên, KTS Võ Trọng Nghĩa từ mấy năm nay đã giành được nhiều giải thưởng lớn quốc tế và thuyết phục mọi người khắp năm châu về một lối sống xanh giản mộc, gần gũi với thiên nhiên. Anh giãi bày tiếp: “Tôi cho rằng kiến trúc xanh không phải là vấn đề mang tính thời trang, hình thức nữa, mà là một điều gần như đương nhiên và tất yếu mà chúng ta phải làm. Kiến trúc xanh sẽ giúp tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Bởi lẽ như bạn thấy, gần như bất kỳ ở đâu trên trái đất này, cũng ít nhiều khủng hoảng năng lượng. Không có gì là muộn cả, bởi nếu nói muộn thì cả loài người chúng ta đều đã muộn khi chưa biết sống thật sự gần gũi với thiên nhiên…”.

Về vật liệu tre, anh cho biết thêm: “Trên thế giới có rất nhiều công trình bằng tre. Nhưng tre, xét cho cùng cũng chỉ là một vật liệu, không hơn không kém. Và kiến trúc quan trọng là anh tạo ra không gian gì, có tác động gì trong cuộc sống. Tất cả phụ thuộc vào bản thể người sáng tạo và nhất là bản lĩnh của kiến trúc sư. Vật liệu tre có đặc điểm là nhỏ và không đồng đều nên để sáng tạo ra những công trình có không gian kiến trúc lớn là rất khó, các khớp nối của tre cũng rất phức tạp, kết cấu tre cũng là bài toán khó cho các kiến trúc sư nên việc tạo ra không gian độc đáo mang đậm nét văn hóa với tre thực sự không phải ai cũng làm được”.

Sau đây là một số công trình bằng tre nổi tiếng quốc tế mà KTS Võ Trọng Nghĩa đã thực hiện:

- Gian hàng Việt Nam tại Hội chợ quốc tế Milan Expo 2015

Với khu đất 887m2, nhà triển lãm được xây dựng trên diện tích 400m2. Hình ảnh công trình khi vừa hoàn thành, cây được đưa lên vẫn còn trơ trọi lá. Sau đó, cây đã trổ lá xanh mướt. Công trình trông giống như một rừng tre với 46 cây xanh được trồng trên mái.

- Công trình Naman Retreat

Mới rồi, tại thành phố biển Đà Nẵng, Võ Trọng Nghĩa vẫn giữ nguyên phong cách riêng của mình, mang các vật liệu tre, gỗ, đá vào để nhằm tạo không gian khác biệt, độc đáo dành riêng cho công trình Naman Retreat. Và hàng loạt công trình tre “khủng” ra đời như nhà hàng Hay Hay - công trình làm bằng tre lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam, có diện tích 1.200 m2 phục vụ những món ăn Việt Nam truyền thống sáng tạo.

Tre Việt vì hạnh phúc cộng đồng

KTS Hoàng Thúc Hào vừa giành được Giải thưởng của Viện kiến trúc sư Singapore SIA-GETZ cho kiến trúc sư nổi bật ở châu Á năm 2016 với các cụm công trình xã hội, cộng đồng mà anh cùng các cộng sự thực hiện trong gần 10 năm trở lại đây, chủ yếu làm bằng tre, gỗ, đất đá.

Trong thư đề cử KTS Hào, Tiến sĩ- KTS Nirmal Kishnani, giáo sư Đại học Quốc gia Singapore NSU, Tổng biên tập tạp chí FuturArc, viết: “KTS Hoàng Thúc Hào phát triển sự nghiệp của mình với một loạt dự án nhà cộng đồng như nhà ở cho nông dân và công nhân, trường học cho trẻ em nghèo. Ngôn ngữ thiết kế của anh giản dị nhưng luôn ẩn chứa sự cách tân về công nghệ và kỹ thuật, nâng cao giá trị trải nghiệm trong mỗi công trình. Anh đã hợp nhất ý tưởng về hình thức và sự gắn kết với cộng đồng thành luận điểm “kiến trúc hạnh phúc”, được coi là nguyên lý cốt lõi trong các thực hành kiến trúc của anh: vì hạnh phúc của con người… Kiến trúc của Hoàng Thúc Hào không chỉ nhắm đến sự bền vững của công trình, nó còn nhắm tới sự bền vững văn hóa, một khía cạnh thường bị bỏ qua ở những nước đang phát triển”.

Hồ sơ ứng viên giải SIA-GETZ của KTS Hoàng Thúc Hào bao gồm 6 công trình: Nhà cộng đồng thôn Suối Rè (Hòa Bình), Nhà cộng đồng Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai), Làng Homestay Nậm Đăm (Hà Giang), Nhà cộng đồng xã Cẩm Thanh (Hội An), Trường tiểu học Lũng Luông (Thái Nguyên), và Trung tâm Hạnh phúc Quốc gia Bhutan.

KTS Hoàng Thúc Hào chia sẻ: “Kiến trúc mà chúng ta hay nói đến đó là kiến trúc ở đô thị, còn phần rất lớn lại là những kiến trúc do người dân tự làm. Làm thế nào để những kiến trúc sư chuyên nghiệp có thể thiết kế những công trình cho những cộng đồng như vậy là mục tiêu mà chúng tôi theo đuổi lâu nay.

Vì vậy, triết lý “kiến trúc hạnh phúc” được hiểu đơn giản chỉ là bản thân người kiến trúc sư phải hạnh phúc, dấn thân vì con người, vì văn hóa của vùng đất. Người sử dụng cũng được hạnh phúc mà cái này thì chúng ta có thể đo đếm được qua giá trị và công năng của công trình.

Bản thân công trình là “kiến trúc hạnh phúc”, tức là có thể tạo ra một “sự bền vững” tiếp biến và đổi mới truyền thống của vùng đất đó một cách thành công, truyền cảm hứng cho không chỉ khu vực đó mà còn cả các khu vực khác nữa”.

 

KTS NGUYỄN HỮU THÁI