* Duyên cớ nào sân khấu IDECAF lại “xuất khẩu” kịch Việt Nam sang Mỹ? Với Hữu Châu, hình như đây là chuyến đi diễn kịch đầu tiên ở nước ngoài?
- Về vấn đề tổ chức, tuần tự diễn tiến cụ thể ra sao đó là phần việc của Ban giám đốc Công ty Thái Dương (quản lý sân khấu IDECAF), tôi không được rõ lắm, chỉ biết một số vở của sân khấu IDECAF được bầu sô bên Mỹ chọn và mời qua, mọi thủ tục họ lo hết, mình chỉ sang diễn. Sau khi đem vở Hợp đồng mãnh thú đi khá thành công, gây được tiếng vang hồi năm trước, năm nay, giám đốc Huỳnh Anh Tuấn của chúng tôi quyết định đưa liền hai vở đi tiếp, tháng 8 là Dạ cổ hoài lang và tháng 11 là vở Tía ơi, má dzìa. Qua những điều mắt thấy tai nghe từ những chuyến đi này, tôi nghĩ, việc đem kịch quốc nội sang diễn ở quốc ngoại có lẽ xuất phát từ nhu cầu tinh thần của đông đảo kiều bào mình ở nước ngoài. Phần tôi, tuy đã đi du lịch khá nhiều nước song đi diễn thì đây mới là lần đầu, những lần trước tôi quá bận không sắp xếp đi được. Lần vở Hợp đồng mãnh thú đi, tôi cũng được mời đi thay vai cho một diễn viên nhưng tôi từ chối. Và chỉ tham gia hai chuyến vừa qua.
* Các anh đi bằng visa du lịch? Qua đó rồi ở đâu?
- Chúng tôi làm thủ tục visa đi làm việc, xài visa du lịch mà qua đó diễn là phạm pháp. Chúng tôi đều ở khách sạn. Dịp này, đi qua với những vở kịch dài đàng hoàng, chỉn chu, tôi cảm thấy thoải mái. Chưa đi lần nào nên tôi cũng thấy “mở mang đầu óc”, hơn nữa, được đón nhận thêm tình cảm của khán giả.
* Kịch mình qua, diễn ở những rạp như thế nào và khán giả là ai và thái độ của họ ra sao?
- Ở San Jose, chúng tôi diễn ở một nhà hát opera sang trọng, rộng cả ngàn ghế. Còn ở quận Cam, chúng tôi diễn tại một rạp do người Việt làm chủ, không sang trọng bằng nhưng số ghế nhiều hơn. Tất cả các suất đều hết vé. Tất nhiên, khán giả là kiều bào. Họ dễ thương lắm, như khán giả ở nhà vậy. Ở xa quê đến nửa vòng trái đất nên đồng bào mình bên đó đón nhận vở diễn rất nồng nàn, khao khát qua vở diễn thấy được quê hương với cánh đồng, chiếc cầu tre, hàng dừa cao..., thích nghe câu chuyện về phong tục tập quán, về tình gia đình, cha con, mẹ con, bạn bè... Những nơi người Việt ở tập trung, sáng sớm đi chợ, họ bàn với nhau về vở diễn. Lâu lâu được xem kịch Việt Nam, họ đều chờ đón. Ở đây, tình đồng hương là trên hết, không quan tâm đến những chuyện khác, nghệ sĩ nào bên mình qua họ cũng trân quý. Tôi đem vai diễn như món quà để tặng khán giả bên đó. Xem xong, họ khen dữ lắm, cười bể rạp, khóc cũng rào rào nước mắt. Vở nào có câu chuyện rõ ràng, dính tới quê hương đất nước, tình con người, họ đều thích.
* Chắc phần đông là những người cao tuổi bởi ở họ mới có ký ức về quê hương?
- Tôi thấy khán giả trẻ cũng nhiều. Mình cứ nghĩ giới trẻ Việt kiều bên đó xem không hiểu nhưng thật ra, phần đông các gia đình đều cho con cái học tiếng Việt, về nhà phải nói tiếng Việt nên chúng hiểu hết. Trong nhà người nào cũng đều có bàn thờ tổ tiên. Sống ở Mỹ nhưng những tập quán Việt Nam họ vẫn giữ đầy đủ. Các quán ăn của cộng đồng người Việt cũng y như ở nhà, cũng đầy đủ các loại rau tự trồng, tự làm như giá đỗ, húng lủi...
* Khán giả đối với các nghệ sĩ của đoàn như thế nào?
- Vãn tuồng, họ chờ mình ra để chụp hình. Có người còn mời chúng tôi về nhà chơi nhưng tôi dành thời giờ để về chơi nhà chú thím Sáu (nghệ sĩ hài Bảo Quốc) và gặp bạn bè đồng nghiệp cũ. Chú Sáu của tôi vẫn còn khỏe, cuối tuần cùng với con gái (diễn viên Hồng Loan) bay sô từ bang này đến bang khác. Lớn tuổi mà vẫn được người ta mời như chú Bảo Quốc là vui lắm rồi. Cô em họ Hồng Loan của tôi có công việc ổn định ở đài truyền hình địa phương. Nhà còn có phòng thu để cho thuê, nên lâu lâu cô ấy về Việt Nam gặp giúp đỡ những nghệ sĩ nghèo.
* Các bạn đồng nghiệp cũ của anh bên đó có những ai?
- Nhiều lắm, như Hải Đệ, Mai Lan, Ngọc Hà... ai cũng có công việc chính để làm, lâu lâu tụ nhau lại diễn kịch cho vui. Tuy không làm nghề thường xuyên nhưng họ đều làm những công việc dính dáng đến nghệ thuật. Gặp lại họ tôi rất vui, cùng rủ nhau đi chơi, ăn uống. Lúc về quận Cam, tôi đi với chú thím Sáu Bảo Quốc suốt. Khi nào chú đi diễn thì thôi, chứ ở nhà là kêu tôi tới nhà nấu nướng, hoặc đi siêu thị mua đồ giảm giá. Tôi có nhiều người quen bên đó nên đi tối ngày sáng đêm. Vậy nên, trời lạnh mà lòng mình không lạnh. Ngoài khán giả, mình còn có người thân trong gia đình.
* Qua hai chuyến đi như vậy, anh thấy mình còn đủ sức khỏe để tiếp tục đi nữa không?
- Tôi cũng đã lớn tuổi rồi, cũng không thấy còn mạnh mẽ như xưa nữa, ngày ngày phải bổ sung thực phẩm chức năng mới có sức làm việc liên tục, tối diễn, ngày quay phim. Sắp tới, tôi đi đóng phim ở Hà Tiên, đi đâu có di tích là tôi thích lắm. Tôi đi làm phim như đi du lịch, lúc nào cũng thoải mái, đón nhận mọi thứ một cách từ tốn, điềm đạm, không thích bề nổi, không cần cảm giác “rần rần”, cứ cặm cụi làm, chỉ mong khán giả đón nhận thôi. Khi nào có vở hay, nếu được mời đi nước ngoài diễn cho kiều bào, tôi đều muốn sắp xếp để đi.
* Tết này, nghệ sĩ Hữu Châu có kế hoạch gì mới?
- Năm nào vào dịp Tết tôi cũng diễn hai vở ở hai địa điểm của sân khấu IDECAF. Năm nay cũng vậy, tôi lại hẹn gặp và chúc tết khán giả của mình ở đây. Tôi chỉ mong được như vậy càng lâu càng mừng.
_____
(1) Ngành công nghiệp giải trí.
(2) Trò chơi trên truyền hình.