Một người đàn ông tầm thước gấp đôi tờ báo, khoét một lỗ nhỏ ở chính giữa, rồi đưa lên che kín mặt và qua lỗ ngắm nhìn hai thiếu nữ đang đứng trước cửa một phòng trưng bày tranh. Người này bị chinh phục bởi vẻ đẹp của một cô gái có thân hình thon, vóc dáng thể thao đầy quyến rũ và phải lòng cô ngay từ cái nhìn đầu tiên. Người đó là Picasso đã 47 tuổi, còn cô gái là Marie-Thérèse Walter chớm tuổi 17. Hai cô gái đi về phía ga tàu điện ngầm Saint-Lazar, rồi tạm biệt nhau ở đó. Chờ cho một cô đi khuất, Picasso đến bên Marie-Thérèse, mặt đỏ bừng, cầm tay nàng và e dè nói: “Thưa cô, cô cho phép tôi mỗi ngày đợi cô ở đây vào lúc 6 giờ chiều. Tôi chỉ muốn được ngắm cô”. Ngày nổ ra tiếng sét ái tình này là 8-1-1927. Hôm đó trời lạnh.
Marie-Thérèse về nhà kể lại sự việc cho chị. Vài ngày sau hai chị em rủ nhau ra ga đúng giờ hẹn. Một người đàn ông đã ngồi đó. Lần này họ chuyện trò không nhiều. Picasso theo Marie- Thérèse về nhà thăm mẹ nàng. Rồi cùng cô dạo chơi trong công viên, đi xem phim hoặc cùng nhau thả bộ và tâm sự dọc bờ sông Seine. Họ trở thành cặp tình nhân. Họa sĩ tài danh Tây Ban Nha yêu cô gái Pháp đến si cuồng.
Tháng 8-1928, Picasso đưa Marie đến thành phố Dinardd, nơi ông đã nghỉ trước đó 6 năm. Ở đây có Cung nghệ thuật Dinard, nơi sau này trưng bày nhiều bức vẽ và phác thảo của Picasso khắc họa mối tình với cô gái kém ông 30 tuổi, trở thành nguồn cảm xúc lớn cho ông trong sáng tác và đã để lại trong ông nhiều dấu ấn.
Những ngày đó Picasso và Marie thường phải vụng trộm gặp nhau, vì cùng thời gian đó, vợ và con trai hơn 1 tuổi của họa sĩ cũng ở Dinard. Cặp tình nhân thường tình tự với nhau trong các lều bạt đôi ở bãi tắm. “Chúng tôi sống với nhau hết mình suốt ngày. Tôi và anh ấy quên mọi sự trên đời. - Marie nhớ lại - Hai chúng tôi cảm thấy như cả thế giới này dành riêng cho tôi và Picasso rất đỗi yêu quý”.
Những tháng ngày đó, sau những phút giờ ân ái với Marie-Thérèse đến tột đỉnh, Picasso chỉ vẽ, vẽ và vẽ. Ông vẽ trong niềm hưng phấn tột cùng và chìm đắm trong những rung cảm đường nét và màu sắc tươi sáng. Đó là vào mùa hè. Khi ấy ông đã vẽ bức tranh litô tuyệt đẹp với tiêu đề Dung nhan mà nguồn cảm xúc là Marie-Thérèse xinh đẹp, bức tranh Những cô gái đang tắm thể hiện sự tỏ tình chân thật và táo bạo. Những ký họa về Dinard như một bức tranh tổng thể về thành phố ven biển nổi tiếng của Pháp đã trở thành tư liệu cho những tác phẩm khác sau này. Picasso thích Dinard trước hết bởi khí hậu nơi đây rất thích hợp với con trai ông ngày đó mới hơn 1 tuổi. Hai là, ông rất yêu ánh sáng, sắc màu và cảnh vật thơ mộng của Dinard. Ngoài những tác phẩm ông vẽ trong thời gian nghỉ ở đây cùng với bạn tình Marie-Thérèse, trước đó ông đã vẽ chính tại nơi đây hai tác phẩm khác là Tĩnh vật với cá và Hai người đàn bà chạy trên bờ biển.
***
Đầu những năm 1960, lần đầu tiên Cung nghệ thuật Dinard giới thiệu hầu hết những tác phẩm do Picasso vẽ trong thời gian ông ở khu nghỉ vào những năm 1922, 1928 và 1929. Ở đây còn trưng bày cả những tác phẩm của ông được lấy từ viện bảo tàng mang tên Picasso ở Paris, từ bộ sưu tập của gia đình ông và của nhiều nhà sưu tập tranh khác. Triển lãm có sức hấp dẫn lạ thường, chứa đựng nhiều điều liên quan đến đời tư của họa sĩ. Ở đây không chỉ là những tranh, mà còn có cả những bức thư, áp phích, ảnh, những tấm màn sân khấu.
Qua tất cả những vật trưng bày, người xem có thể hình dung cuộc sống và không gian Dinard được phản chiếu trong cuộc đời của hiện tượng hội họa Tây Ban Nha lừng danh. Là một trong hai người đặt nền móng cho hội họa lập thể (ông và họa sĩ Pháp Georges Braque, 1882-1963), Picasso lại một lần nữa thay đổi cách nhìn sự vật và con người. Ông trả lại cho phụ nữ cái vẻ đẹp nguyên sơ đầy chất lý tưởng, kinh điển và lấy chút gì đó từ bích họa Ý đưa vào sáng tác của mình. Nhưng ông làm cho hình thức các nhân vật trong tranh của mình trở nên chắc hơn, chân và tay những người phụ nữ của Picasso mẩy mập hơn nhiều. Khi ra khỏi ranh giới chủ nghĩa cổ điển, Picasso khao khát khắc họa cái biểu tượng bộc lộ ham muốn táo bạo của người phụ nữ được làm tình và sinh nở. Những ký họa người phụ nữ khỏa thân của Picasso dần dần làm biến dạng những thân thể vốn chỉ giữ gìn kín đáo vẻ kiều diễm của mình. Những người phụ nữ chạy ngược chiều gió của ông luôn đưa người xem đến ngọn nguồn của cảm xúc đích thực. Bút pháp và những sắc màu của ông thường khơi dậy ở chúng ta cái cảm giác lâng lâng. Ngắm những ký họa về Dinard có thể thấy rõ những dòng cảm xúc mà Picasso đã lặp lại trong bức tranh nổi tiếng mang nội dung chống chiến tranh Guernica. Cả những phác thảo các bức tượng mà Picasso dự định nặn cùng với nhà điêu khắc Gonzaies cũng tràn đầy niềm hưng phấn tương tự. Tiếc thay, bức tranh Những cô gái đang tắm đã không được trưng bày ở Dinard. Khi Picasso lần cuối cùng đến đây vào năm 1929, những tác phẩm của ông lại càng có sức lôi cuốn. Những cô gái đang tắm, đặc biệt là Nụ hôn của ông rất được nhiều người yêu thích và nhiều nhà sưu tập tranh sành điệu săn lùng.
Ngày nay thành phố Dinard thơ mộng ven biển thu hút du khách không chỉ bởi vẻ đẹp tạo hình của nó, mà trước hết nơi đây đã chứng kiến một mối tình bốc lửa giữa họa sĩ lừng danh thế giới với một cô gái đẹp bình dị kém ông 30 tuổi đã là nguồn cảm xúc lớn cho ông tạo ra ở đây những tác phẩm mang màu sắc siêu thực. Trong những năm tháng ân ái với họa sĩ lừng lẫy Tây Ban Nha, Marie đã tặng cho ông một con gái tên là Maya.
***
Pablo Picasso (1881-1973) là họa sĩ lớn của thế kỷ 20. Trong hai thời kỳ “lam” và “hồng” của mình, những năm đầu thế kỷ 20 ông chủ yếu khắc họa lớp người dưới đáy xã hội thể hiện lòng yêu thương và sự cảm thông với họ. Năm 1907, ông đặt nền móng cho hội họa lập thể. Từ nửa cuối những năm 1910 đến 1925, ông vẽ những bức tranh mang màu sắc chủ nghĩa cổ điển mới. Từ những năm 1930, loạt tác phẩm của Picasso gần gũi xu hướng siêu thực. Nổi nhất vẫn là những tác phẩm mang tính nhân bản, lên án chiến tranh, trong đó phải kể đến Guernica.
Ông qua đời ngày 8-4-1973, thọ 92 tuổi, để lại hơn 80.000 tác phẩm (theo một tài liệu khác - khoảng 20.000) thuộc các thể loại sơn dầu, khắc gỗ, điêu khắc. Nhiều lần Picasso nói về cái chết như sau: “Tôi thường xuyên nghĩ tới Thần Chết. Thần Chết như là một người đẹp lúc nào cũng đeo đuổi theo tôi”.
Sáng tác của Picasso có ảnh hưởng căn bản tới tiến trình phát triển nghệ thuật và văn hóa toàn thế kỷ 20.
(Theo các trang web Nga)