Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ thị ở Hội nghị quân chính toàn quân ngày 13-12- 2016: “Tuyệt đối không để bị động, bất ngờ”. Đối với quân đội, đây là một quan điểm chiến lược sâu sắc, đã được quán triệt trong toàn quân từ lâu. Nhưng nay đồng chí Tổng bí thư nhắc lại, chúng tôi nghĩ rằng nó có ý nghĩa rất quan trọng.
Tình hình có những nét mới. Bầu cử tổng thống ở Mỹ kết thúc, việc chuyển giao chính quyền chưa diễn ra. Nước Mỹ, như khẩu hiệu tranh cử của ông D. Trump, muốn nước Mỹ “vĩ đại trở lại” (Make America great again). Nghĩa là nước Mỹ đang suy thoái, nhất là sau khủng hoảng tài chính thế giới 2008-2009. Trung Quốc đang “trỗi dậy”. Trung Quốc đang ngang ngửa thế lực - kể cả thế lực quân sự - trong tranh chấp ngôi vị bá chủ thế giới với Mỹ. Mỹ tố Trung Quốc “ăn cắp” việc làm của Mỹ, thao túng tiền tệ, quân sự hóa biển Đông, gây căng thẳng… Một số nước Đông Nam Á, trước thế lực về sức mạnh - nhất là sức mạnh tài chính của Trung Quốc - đều nghiêng về phía Trung Quốc.
Tranh chấp Mỹ - Trung, đặc biệt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ diễn biến ra sao dưới thời Tổng thống mới D. Trump?
Vừa qua bà Thái Anh Văn, Tổng thống Đài Loan, gọi điện chúc mừng ông Trump và hai bên nói chuyện với nhau khoảng 10 phút. Điều này chọc giận Bắc Kinh. Họ cho rằng nói chuyện với một chính quyền địa phương - một tỉnh của Trung Quốc theo họ, là vi phạm nguyên tắc một Trung Quốc. Nguyên tắc này quy định các nước không có quan hệ ngoại giao với Đài Loan, không thừa nhận Đài Loan… Ông Trump sau đó còn nói: Tại sao Mỹ lại bị ràng buộc bởi nguyên tắc một Trung Quốc?
Đài Loan mua của Mỹ 12 tỉ đôla vũ khí. Với tư duy của một tỉ phú doanh nghiệp, ông Trump cho rằng nói chuyện với một bên đem lại lợi lớn cho Mỹ như thế, sao lại không được? Hơn nữa, đây là bà Thái Anh Văn chủ động đề nghị điện đàm cơ mà!
Nhưng Trung Quốc như bị điểm huyệt. Tờ báo Hoàn cầu, cơ quan của Nhân dân Nhật báo Trung Quốc, đăng bài đe dọa sẽ dùng vũ lực để giải phóng Đài Loan. Máy bay Trung Quốc bay gần vùng phía nam Đài Loan. Đài Loan kêu gọi thanh niên nhập ngũ. Họ có 230.000 quân, bằng 1/10 Trung Quốc. Nhưng theo chỗ chúng tôi được biết, quân sự họ được hiện đại hóa cao, lại ở đảo xa, không dễ đánh chiếm. Vả lại, chiến tranh giữa hai bờ eo biển Đài Loan nổ ra, lập tức ảnh hưởng đến toàn cục, trước hết là kinh tế. Đài Loan đầu tư vào đại lục rất lớn, có hàng triệu người Đài Loan đang làm ăn ở đó. Giao thương hai bờ cũng đang rất phát triển. Đánh nhau sẽ làm đình trệ toàn bộ quan hệ kinh tế hai bờ. Vả lại, đây là vấn đề quốc tế, trước hết là với Mỹ, nước có trách nhiệm bảo vệ Đài Loan khi Đài Loan bị xâm chiếm. Đài Loan có chịu về với Bắc Kinh hay không là do ý nguyện của nhân dân Đài Loan, mà hiện nay đa số không thuận. Chính quyền Thái Anh Văn có chính sách khác với chính quyền Mã Anh Cửu (Quốc dân đảng, thân Bắc Kinh hơn) vừa bị thất cử trong vấn đề này.
Trung Quốc đứng trước Đại hội Đảng khóa mới vào tháng 10-2017. Ông Tập Cận Bình, bên cạnh những thành tích đạt được như “đả hổ diệt ruồi”, tập trung được quyền lực… thì cũng đang đứng trước nhiều vấn đề nội bộ không đơn giản. Để tập trung quyền lực hơn nữa, trở thành “hạt nhân lãnh đạo”, ông Tập có thể và cần phải làm rất nhiều việc. Một số luồng dư luận quốc tế - chưa thể nói chắc là họ đánh giá đúng hay sai - nhưng họ có lý, khi cho rằng, ông Tập có thể sử dụng việc ngoài để củng cố bên trong, như Đặng Tiểu Bình đã làm năm 1979. Trong xu thế của tình hình, của quan hệ ngoại giao… hiện nay, rất khó có thể xảy ra điều này. Vì rất khó tìm ra lý do để “động thủ”. Nhưng khi Trung Quốc đưa máy bay chiến đấu, đưa vũ khí tên lửa… ra những bãi đá mà họ xâm chiếm ở biển Đông và vẫn theo đuổi mục tiêu chiếm trọn biển Đông, mặc cho Tòa trọng tài quốc tế vừa phán quyết rằng cái đường 9 đoạn “lưỡi bò” là không có giá trị pháp lý. Họ kỷ niệm cái gọi là 70 năm giải phóng Hoàng Sa - Trường Sa và Bộ Ngoại giao ta phản đối… Họ sẽ còn làm nhiều việc nữa. Ta kiên trì đường lối giải quyết tranh chấp bằng biện pháp thương lượng hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật biển 1982…, đường lối này được cả thể giới ủng hộ. Trung Quốc bắt giữ một tàu Mỹ (không người lái) nghiên cứu khoa học ở ngoài biển Philippines. Mỹ phản đối và Trung Quốc tuyên bố sẽ trao trả. Nhưng ông Trump tuyên bố không nhận (không thèm nhận!). Việc nhỏ nhưng hai bên găng nhau, báo hiệu một quan hệ Mỹ - Trung phức tạp phía trước.
Chính phủ vừa chỉ đạo việc đầu tư ở Gia Lai, ở Tây Nguyên. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng rất quan tâm đến nông nghiệp công nghệ cao (trong đó vấn đề nuôi tôm là rất quan trọng), đề xuất dùng 60.000 tỉ đồng để cho vay làm việc này. Vấn đề giải tỏa hạn điền cũng được tính đến, từ diễn đàn Quốc hội. Làm sao tích tụ ruộng đất thành những vùng chuyên canh cao mà nông dân không mất đất, lại có việc làm cao hơn khi trồng lúa… là một vấn đề rất hay nhưng không đơn giản.
Cả miền Trung (các tỉnh Quảng Nam đến Khánh Hòa, đặc biệt các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Khánh Hòa) chìm trong mưa lũ dữ. Bà con nhiều nơi bị cô lập, thiếu lương thực, phải chống chọi với lũ chồng lũ nhiều ngày, đến hầu kiệt sức. Thiên nhiên biến đổi tai quái, khó lường, nhưng hậu quả của việc phá rừng, làm thủy điện không tính đến môi trường… (các hồ đập phải xả nước bắt buộc làm cho lũ nghiêm trọng thêm) cũng là một lý do phải tính đến.
Khó khăn nhiều bề, nhiều nơi… đang thử thách chúng ta. Chính phủ, Mặt trận, một số doanh nghiệp như dầu khí… đã có nhiều biện pháp quyết không để nhân dân thiếu đói, màn trời chiếu đất. Lúc này tình đoàn kết, cứu trợ trong toàn quốc là hết sức cần thiết để cho tình hình trở lại bình thường.
Trong số trước, chúng tôi đã nói đến việc ta đào tạo với chất lượng thấp khoảng 25.000 tiến sĩ và hàng trăm ngàn thạc sĩ. Đây là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng và đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Trung ương (Khoa giáo…) cần có tiếng nói và góp sức với Bộ Giáo dục và Đào tạo giải quyết - không thể để cho sự việc trôi qua, và tiếp tục đào tạo như cũ. Hậu quả là nó sẽ làm sụp cái “hạ tầng trí tuệ” của đất nước, ảnh hưởng tới tương lai của dân tộc. Ai cũng biết rằng, đất nước tiến lên dựa vào giáo dục, dựa vào nhân lực, con người do giáo dục đào tạo. Nếu nguồn nhân lực cao cấp như tiến sĩ, thạc sĩ… bị đào tạo kém chất lượng như công luận đã chỉ ra, mà ngành Giáo dục không có biện pháp khắc phục hữu hiệu, thì điều đó đồng nghĩa với việc kéo lùi đất nước.
Phải chặn đứng việc này. Phải tìm giải pháp mới cho việc đào tạo. Phải lập những kế hoạch kiểm tra chặt chẽ chất lượng các luận án. Phải chống các tiêu cực đã có trong quá trình đào tạo, trong đó có việc những người hướng dẫn (không phải là tất cả, hoặc đa số, nhưng theo chúng tôi tìm hiểu thì cũng không ít) lợi dụng cương vị của mình để hạch sách, thủ lợi.
Nhưng quan trọng nhất là tình trạng thầy không đủ năng lực hướng dẫn, trò làm luận án gần như tại chức (vừa làm vừa học), các đề tài luận án trùng lặp nhau quá nhiều (nhất là trong khoa học xã hội), thậm chí có những đề tài không thể công nhận là xứng đáng để đạt học vị tiến sĩ (hay học vị thạc sĩ). Số tiền rót vào cho đào tạo sau đại học đã tăng lên gấp ba lần so với trước đây (từ 5 triệu đồng/đầu người lên 15 triệu đồng). Nhưng dù có tăng tiền lên nữa, vấn đề quyết định không phải là tiền!. Để có một người hướng dẫn chất lượng, cần có nhiều năm đào tạo, rèn luyện, tác nghiệp.
Chúng ta đang có những đại học như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh được xếp hạng vào tốp 150 đại học hàng đầu châu Á. Đó là một tin mừng. Nó chứng tỏ năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học… của các đại học đó đang có những triển vọng. Nhưng còn nhiều, rất nhiều các đại học khác, còn đang lúng túng không có đường ra, vì nhiều lẽ, trong đó có việc cho mở quá nhiều đại học mà không có đủ thầy (thầy ra thầy) và các điều kiện thiết yếu về vật chất.
Nhìn chung, chỉ tiêu kinh tế là một cố gắng lớn (có thể đạt 6% hoặc hơn trong năm 2017 theo nhiều dự báo). Nhưng chỉ tiêu con người, chỉ tiêu giáo dục, chỉ tiêu văn hóa, cuối cùng mới là cái quyết định cho sự phát triển.
Mong rằng, chúng ta sẽ có biện pháp chung sức chung tay, hướng đến sự tập trung tháo gỡ, tìm lối ra cho sự phát triển giáo dục (ở đây đang nói đến giáo dục sau đại học). Dù nhiều việc cấp bách, nhưng chúng tôi mong rằng Đảng, Chính phủ, Quốc hội nên đặt trọng tâm (trong nhiều trọng tâm) vào vấn đề tối quan trọng - sống còn này. Chính phủ đang có kế hoạch nâng cao chất lượng giáo viên, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học từ năm 2017 đến 2025. Đây có lẽ là dịp tốt để Giáo dục xúc tiến việc chấn chỉnh đào tạo sau đại học chăng?
22-12-2016