Như thường lệ cứ mỗi sáng thứ bảy là có cuộc gặp mặt các vị đủ ngành nghề đã về hưu tại một quán cà phê “sơn thủy hữu tình” bên sông Sài Gòn, vừa uống cà phê vừa bàn luận đủ thứ chuyện trên đời từ trong nước đến ngoài nước xảy ra trong tuần trước đó. Và hôm nay chủ đề chính trong cuộc bàn luận là tình yêu.
- Tình yêu? Chuyện xưa như trái đất ai cũng đều biết, vậy có gì để nói? - Một vị cán bộ của Sở Giáo dục mới về hưu tháng trước mỉm cười lên tiếng.
- Vậy tôi xin hỏi ông tình yêu có thật hay không? - Ông cán bộ Sở Công thương hỏi.
- Theo tôi là không. - Ông cán bộ Sở Tài chính tham gia.
- Ông có chứng minh được không?
- Có chứ! Đây này: “Tình yêu nghĩa là gì? Đó là sự chung đụng giữa hai xác thịt và là một sự khoe khoang mà thôi!”
- Ai đã nói vậy?
- Alfred de Musset, nhà thơ Pháp thế kỷ 18.
Ông cán bộ giáo dục nói: - Theo tôi, tình yêu chân chính chỉ có một. Đó là mối tình đầu của tuổi học trò hay tuổi mới lớn. Còn sau đó chỉ là có cảm tình mà người ta lầm tưởng là tình yêu. Chắc các ông cũng còn nhớ chuyện nhà thơ Félix Arvers của nước Pháp thế kỷ 19. Ông ta được mời dự một buổi dạ tiệc gia đình của một nữ bá tước hay hầu tước của địa phương đó. Nhìn thấy vẻ đẹp kiều diễm của nàng chủ dạ tiệc, ông ta si mê và yêu đến mức như ông ta tả trong hai câu đầu bài thơ sau đó: “Lòng ta chôn một khối tình/ Tình trong giây phút mà thành thiên thu” (Khái Hưng dịch), chỉ có một mối tình đơn phương câm lặng được miêu tả bằng thơ đó mà nhà thơ F. Arvers nổi tiếng trong văn học Pháp và thế giới.
- Chà chà, ông nói chuyện tình yêu của nhà thơ Arvers làm tôi nhớ đến một chuyện tình yêu độc đáo khác lạ nhất của nước ta - Ông cán bộ cựu chiến binh mỉm cười nói tiếp - Một chuyện tình yêu khó tin nhưng có thật. Nó không nằm trên thơ văn, báo chí như các ông nói tự nãy giờ.
- Vậy thì nó ở đâu? - Ông cán bộ Sở Lao động hỏi.
- Nó nằm ngay ở Bộ Ngoại giao nước ta đấy! - Ông cựu chiến binh lại mỉm cười hóm hỉnh, nhưng khi thấy mọi người nhìn ông với vẻ nghi hoặc, ông nói giọng nghiêm túc: - Tôi có ông bạn rất thân làm ở Bộ Ngoại giao ta thời chống Mỹ cứu nước. Ông tên là Nguyễn Văn Thanh, quê ở Sóc Trăng. Trong kháng chiến chống Pháp ông làm Tỉnh đội phó dân quân tỉnh Sóc Trăng, ông thường tự hào là học trò của ông Võ Nguyên Giáp khi ông ra Hà Nội học ở Trường tư thục Thăng Long mà ông Giáp là giáo sư dạy ở đó. Sau Hiệp định Genève 1954, ông Thanh tập kết ra miền Bắc và được chuyển về công tác ở Bộ Ngoại giao thời ông Ung Văn Khiêm làm Bộ trưởng. Sau nhiều năm công tác tại các sứ quán ta ở nước ngoài, năm 1966 ông Thanh trở về nước giữ chức Vụ phó Vụ Cuba và Mỹ Latinh, đảng ủy viên Đảng ủy Bộ Ngoại giao. Chính ông Thanh đã kể cho tôi nghe chuyện tình yêu độc đáo này.
Ù
Đó là vào khoảng giữa năm 1967, lúc Mỹ còn tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc với cường độ ngày càng khốc liệt, dù chúng cũng bị thiệt hại nặng nề: hàng nghìn máy bay các loại đã bị bắn hạ với hàng trăm phi công bị bắt sống.
Vào thời gian đó một bà ở Hàng Đào - hình như cũng tên là Đào thì phải - bỗng nhận được thư của Bộ Ngoại giao mời lên gặp. Bà Đào lúc ấy khoảng ngoài 50 tuổi, nguyên là gia đình tư sản cũ chuyên mua bán vải sợi, nay đã cải tạo tham gia hợp tác xã. Nhìn phong bì thư có in hình quốc huy trang trọng, bà rất băn khoăn không biết có chuyện gì mà Bộ Ngoại giao mời lên gặp, bởi bà nghĩ rằng mình là công dân làm ăn ở hợp tác xã đâu có quan hệ nào với cơ quan cấp cao nhà nước mà nay Bộ Ngoại giao lại mời gặp. Nhưng dù có băn khoăn gì rồi cũng phải đến gặp theo giấy mời, nên bà mặc áo dài - thứ áo mà hồi ấy lâu rồi bà ít có dịp mặc - và trang điểm nhẹ, rồi nhờ đứa cháu chở bà bằng xe đạp lên Bộ Ngoại giao ở đường Điện Biên Phủ. Trình thư mời và chứng minh thư cho cô gái trực phòng tiếp khách ngoài cổng, bà được hướng dẫn đi vào phòng khách của Bộ. Tiếp bà là đồng chí Vụ trưởng Vụ nước Pháp và châu Âu, ăn mặc Âu phục rất lịch sự mời bà ngồi xuống ghế salon rồi tươi cười nói: “Chắc bà có chút ngạc nhiên khi nhận được thư của chúng tôi mời đến gặp phải không?”. “Đúng vậy - Bà gật đầu mỉm cười xác nhận - vì chúng tôi là bổn phận công dân làm ăn ở hợp tác xã, đâu có quan hệ gì đến Bộ Ngoại giao mà được thư mời trang trọng lên gặp quý ông”. Đồng chí Vụ trưởng vui vẻ nói tiếp: “Để cho bà khỏi phải băn khoăn chờ đợi chúng tôi giải thích lý do, tôi xin đi thẳng vào vấn đề: Bà có một người yêu bên Pháp…”. Bà Đào đứng phắt dậy giơ tay nói nhanh: “Ôi quý ông nhầm ai rồi, chứ tôi chưa bao giờ có người yêu bên Pháp hoặc nước ngoài nào khác. Tôi lớn lên gia đình gả chồng rồi có con, có cháu, chưa bao giờ yêu ai cả”. “Ồ, cho tôi xin lỗi vì nói chưa rõ làm phật ý bà - Đồng chí Vụ trưởng tươi cười nói tiếp - Đúng ra đó là người yêu bà bằng mối tình đơn phương thầm lặng suốt mấy chục năm. Tôi xin nói luôn tên ông ấy là Thiện, quê ở Sơn Tây, những năm trước Cách mạng tháng Tám là học sinh Trường Bưởi. Nhờ học giỏi nên ông ấy được nhà nước Pháp cấp học bổng cho sang Pháp học xây dựng cầu đường. Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc (1939-1945), ông ấy vẫn tiếp tục ở lại nước Pháp tham gia xây dựng rất nhiều công trình không riêng nước Pháp mà còn ở một số nước khác tại châu Âu. Ông ấy không lập gia đình với ai, chỉ dồn sức vào công việc rất nhiều sau chiến tranh. Tháng trước đây ông ấy ốm nặng, biết mình không qua khỏi nên cho mời luật sư và trưởng tòa vào bệnh viện để làm di chúc. Ông ấy nói rằng cả đời ông ấy chỉ yêu có một người con gái ở Hàng Đào - Hà Nội, em gái người bạn học thân ở Trường Bưởi, một tình yêu thầm lặng đơn côi, chưa một lần dám nói ra với cô ấy. Từ khi được qua Pháp học và ra trường, công việc liên miên bề bộn nên không có thì giờ nghĩ đến việc riêng. Ông ấy nói: “Cả đời tôi làm là vì cô ấy, và tài sản tôi có được hôm nay cũng là dành để cho cô ấy. Nhưng vì tình hình ở Việt Nam có nhiều biến động sau Hiệp định Genève 1954, đất nước chia hai miền, không biết cô ấy còn ở Hà Nội hay đã di cư vào miền Nam nên tôi đề nghị chính phủ Pháp liên hệ với chính phủ hai miền tìm cô ấy giùm. Nếu cô ấy còn sống ở miền nào thì xin chuyển toàn bộ tài sản của tôi cho cô ấy. Còn nếu cô ấy đã chết rồi thì số tài sản này sẽ chia ra hai phần, một phần cho cô nhi quả phụ ở miền Bắc là nơi tôi sinh ra, phần còn lại dành cho cô nhi quả phụ nước Pháp là nước đã nuôi dưỡng đào tạo tôi nên người và làm việc để có được số tài sản như ngày nay”. Thực hiện di chúc, chính phủ Pháp qua Tổng đại diện của mình ở Hà Nội đã liên hệ với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính phủ ta đã chỉ thị cho Bộ Công an liên hệ với Công an Hà Nội tìm xem coi bà Đào còn ở miền Bắc hay không. Công an Hà Nội nhanh chóng phát hiện bà Đào còn sống và vẫn đang ở Hàng Đào - Hà Nội”.
Đồng chí Vụ trưởng vui vẻ nói tiếp: “Vậy là hôm nay chúng tôi mời bà đến gặp Bộ, để cùng chúng tôi sang cơ quan Tổng đại diện của chính phủ Pháp bàn việc tiếp nhận tài sản của người quá cố di chúc để lại cho bà”.
Trong lúc vị đại diện Bộ Ngoại giao nói, bà Đào hết sức xúc động và ngỡ ngàng. Bà hoàn toàn không ngờ lại có một tình yêu quá lớn với bà như một chuyện cổ tích. Bà bồi hồi thoáng nhớ lại trước Cách mạng tháng Tám, anh của bà học ở Trường Bưởi, thi thoảng có đưa một người bạn cũng là học sinh giỏi với nhau về nhà chơi. Người ấy chính là ông Thiện, nhưng hồi ấy bà cũng không biết bạn ông anh mình tên Thiện, vì lúc bấy giờ gia giáo của người thuộc tầng lớp khá giả ở Hà Nội, nhất là con gái không được trò chuyện với khách nếu không được gia đình cho phép. Vả lại, thuở ấy ở Hà Nội, con gái có nhan sắc thuộc gia đình khá giả đều có chút kiêu sa nhất là các nàng ở các khu phố trung tâm như Hàng Đào, Hàng Ngang… Đa số đều coi thường các chàng trai tỉnh lẻ về học ở Hà Nội, dù có học giỏi đến mấy cũng khó lọt vào mắt xanh các nàng vốn có định kiến tỉnh lẻ là “nhà quê”! Bà Đào cũng không là ngoại lệ. Lúc ấy bà chẳng chút chú ý gì đến anh học trò có nước da ngăm với vẻ mặt khắc khổ, bạn học thân với anh mình. Những khi ông Thiện đến chơi nhà, bà chỉ cúi chào lễ phép rồi lui vào trong, để mặc anh mình tự do trò chuyện ở phòng khách. Bây giờ chợt nhớ lại có lần, bà bắt gặp ánh mắt đắm đuối của ông Thiện nhìn bà, một ánh mắt mà cả một thời con gái bà chưa thấy ai nhìn bà như vậy. Ôi có phải là tiếng sét ái tình của anh học trò tỉnh lẻ nhìn người con gái có chút kiêu sa ở Hà Nội, và hình ảnh người con gái đó khắc sâu vào trái tim anh đến trọn một kiếp người.
“Bà đã nhớ ra chưa?” - tiếng của đồng chí Vụ trưởng như kéo bà trở về với thực tại. “Vâng, tôi nhớ ra rồi. Đúng là hồi ấy tôi chẳng có chút gì để ý đến ông ấy cả, kể cả lúc ông ấy được cấp học bổng sang Pháp du học, bởi trước đó có người đến hỏi, gia đình tôi gả luôn, bởi con gái lớn phải lấy chồng là chuyện thường tình trong thiên hạ. Chồng tôi là công chức ngành Bưu điện Hà Nội.
Rồi thời gian lặng lẽ trôi qua, cách mạng rồi chiến tranh, ông anh tôi là Đại đội trưởng Trung đoàn Thủ đô, hy sinh trong chiến dịch Biên giới năm 1950. Lúc hy sinh anh tôi vẫn còn độc thân. Tự nãy giờ, - giọng bà Đào vẫn còn xúc động - tôi như đang sống trong giấc mộng với nhiều cung bậc cảm xúc không thể diễn tả được”. Bà nhìn đồng chí Vụ trưởng nói tiếp: “Bây giờ tôi phải làm thế nào?”. Đồng chí Vụ trưởng mỉm cười: “Chúng tôi sẽ đưa bà sang gặp Tổng đại diện Pháp để làm một số thủ tục nhận tài sản của người quá cố dành lại cho bà. Chúng tôi chỉ có một yêu cầu, mong được bà chấp nhận”. “Quý ông cứ nói đi” - Bà Đào nhìn Vụ trưởng với ánh mắt vui vẻ. “Hiện nay nhà nước ta đang cần rất nhiều ngoại tệ để phục vụ công cuộc chống Mỹ cứu nước, nên đề nghị bà cho phép chuyển đổi ngoại tệ mà bà sẽ nhận ở Tổng đại diện Pháp sang lấy tiền đồng Việt Nam. Bà vui lòng chứ?”. “Tất cả là tùy quý ông. Tôi đồng ý”. “Xin cảm ơn bà. Kìa xe chở chúng ta đi đã đến rồi. Xin mời bà”, đồng chí Vụ trưởng đỡ tay bà Đào đứng dậy.
Đó là tất cả câu chuyện tình yêu mà ông Nguyễn Văn Thanh, Vụ phó Vụ Cuba và Mỹ Latinh kể lại lúc tôi còn công tác ở Hà Nội - ông cựu chiến binh nói tiếp - Tin hay không tùy các ông, nhưng đây là một chuyện thật.
- Ôi đúng là “Tình trong giây phút mà thành thiên thu” - Ông ở Sở Giáo dục kêu lên - Ai không tin có tình yêu thì qua chuyện này có thể thay đổi suy nghĩ của mình hay không?
Xuân Đinh Dậu 2017