Cuối tháng 6-2016, Hội đồng điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) và Cục Điện ảnh Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội thảo “Mạng lưới công nghiệp điện ảnh Việt Nam - Hàn Quốc năm 2016”. Cuộc hội thảo như là một sự khẳng định mối giao lưu hợp tác Hàn- Việt mà điện ảnh chính là mối dây vô cùng quan trọng…
Đây là một cơ hội giao lưu, xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa các nhà doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam và Hàn Quốc. Nhưng không phải đến bây giờ mới có sự hợp tác mật thiết này mà ngay từ năm 2003 Hội đồng điện ảnh Hàn Quốc luôn là đối tác hàng đầu của Cục Điện ảnh Việt Nam, đã hỗ trợ Cục tổ chức các Liên hoan phim Việt Nam tại Hàn Quốc và ngược lại… Sự hợp tác giữa Cục Điện ảnh và Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc sẽ đi vào 4 lĩnh vực: sản xuất phim; phát hành phim và chiếu phim; đào tạo nguồn nhân lực; tổ chức sự kiện giữa điện ảnh Việt và điện ảnh Hàn.
Hợp tác sản xuất phim
Thực ra, những vấn đề nêu trên chỉ là sự khẳng định lại, bởi nó đã hình thành tự phát cách đây hơn 10 năm. Đó là sự hợp tác giữa Hãng phim truyền hình Hàn Quốc FnC và Hãng phim Việt Family (TP.HCM) thực hiện 100 tập phim Mùi ngò gai. Ngay trong lần hợp tác đầu tiên này phía Việt Nam coi như là học nghề thì đúng hơn vì biên kịch, đạo diễn và các khâu chính trong đoàn phim đều là người Hàn Quốc. Và tất nhiên khi 100 tập phim Mùi ngò gai ra đời, giới truyền thông đã phải kêu lên rằng tô phở của Việt Nam đã chan đầy hương vị kim chi, dù bối cảnh ở Việt Nam, diễn viên toàn bộ là người Việt Nam… Điều đó cũng không có gì ngạc nhiên, bởi đây là sự hợp tác không cân sức giữa hai nền điện ảnh mà một bên nhận trách nhiệm quản lý toàn bộ từ con người đến kinh phí làm phim. Hãng phim Gia đình Việt đã khẳng định ở khâu kịch bản, để thực hiện bộ phim này, đạo diễn, tác giả kịch bản người Hàn Quốc đã sống cùng người Việt Nam trong thời gian 5 tháng để “thẩm thấu” tư duy, cách sống của người dân Việt Nam. Kịch bản sau khi hoàn thành được phía biên kịch Việt Nam biên tập lại để đảm bảo tính thuần Việt. “Nếu Mùi ngò gai giống Hàn Quốc về mặt làm phim thì chúng tôi tự hào. Còn nếu sản phẩm này giống Hàn Quốc về văn hóa thì chúng tôi là người có lỗi” - bà Huỳnh Thanh Diệu, Giám đốc Hãng phim Gia đình Việt, khẳng định. Chúng ta tin không ai muốn có những đứa con lai, cả hai phía Việt Nam và Hàn Quốc đều mong muốn có một bộ phim hoàn chỉnh thuần Việt được thực hiện với công nghệ hiện đại và tài năng đã được khẳng định từ các nhà làm phim Hàn Quốc. Nhưng liệu với 5 tháng tiếp xúc với Việt Nam, người Hàn Quốc có thể thấm thấu được văn hóa và con người Việt Nam… Vì thế, không ai lạ khi cách ứng xử của nhân vật trong phim rất xa lạ với người Việt, dù tiệm phở luôn là bối cảnh chính…
Đó là chuyện cách đây 10 năm, hiện nay, việc hợp tác làm phim vẫn tiếp tục và có phần chỉn chu hơn. Bộ phim đang được giới trẻ Việt Nam yêu thích và nổi sóng trên các trang mạng xã hội là Tuổi thanh xuân (phần 1 và 2), đó là thành quả hợp tác giữa Đài Truyền hình Việt Nam và CJ E&M Pictures của Hàn Quốc. Dù lần hợp tác này đã có sự cân đối giữa hai bên, tác giả kịch bản, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật gồm cả Hàn và Việt, nhưng khi xem phim, khán giả đều cảm nhận rất rõ dấu ấn của tính cách Hàn trong phim. Những lối hành xử của các nhân vật trong phim Hàn Quốc có lẽ khán giả Việt Nam gần như thuộc lòng, ví như nhân vật nữ muốn biểu lộ tình cảm với người yêu thì nhất thiết phải ôm từ phía sau lưng và đã yêu nhau nhất thiết phải có cảnh anh con trai cõng cô gái giữa trời đất thiên nhiên, hoặc là bãi biển, hoặc là đồng cỏ hoặc là rừng thu… Còn nữa, cái kiểu nắm tay người yêu lôi đi sềnh sệch giữa chốn đông người luôn là phong cách không lẫn với ai được của phim Hàn Quốc. Cũng không phải chỉ có Tuổi thanh xuân là phim hợp tác với Hàn Quốc mới có những chàng trai cô gái hành xử như phim Hàn, mà ngay như những phim chẳng có liên quan gì đến Hàn Quốc như Zippo, mù tạt và em, diễn viên cũng có cách ứng xử tương tự. Mà cũng không biết từ lúc nào phim Việt Nam lại có thói quen gọi nhau bằng chức danh như phim Hàn Quốc chứ không còn gọi tên theo truyền thống Việt trước đây nữa. Trước nay, trong công sở, người Việt Nam gọi nhau chỉ phân biệt qua tuổi tác chứ không hề qua chức vị. Ông giám đốc, chị trưởng phòng, anh trợ lý chỉ được gọi khi được nhắc đến qua danh xưng người thứ ba, chứ không ai nói chuyện với người đối diện mà hài cả chức tước người ta ra như thế. Mà nếu như có thì chỉ là lời nói đùa không hề có tính nghiêm túc. Ngay cả cái chào với bạn bè đồng nghiệp, câu chào của người Việt là nụ cười và câu nói “khỏe không?” chứ không có ai cúi mình để chào như một số phim truyền hình gần đây. Trong hành xử với bạn bè, người Việt Nam rất hạn chế nắm đấm, nhất là ở tầng lớp trí thức, nhưng Tuổi thanh xuân (phần 2) thì Khánh đã đấm vào mặt Ju Su dù biết anh chàng đã mất trí nhớ, không thể nhận ra người yêu và bạn bè thân thiết… Đó là vô số những chi tiết rất Hàn khi xem phim Việt, người xem cứ phải chốc chốc lại kêu lên “Hàn Quốc” khi bắt gặp sự ảnh hưởng quá lộ liễu của phim Hàn trên phim Việt. Điều này có thực sự là tín hiệu vui?!
Phát hành phim - chiếu phim
Ở Hàn Quốc, tỷ lệ doanh thu phòng vé đứng thứ 7 trên thế giới. Năm 2015 đã có 269 phim Hàn được sản xuất với tổng kinh phí 337 triệu USD được chiếu trên 2.424 phòng chiếu với số lượng khán giả cao ngất: 112,9 triệu lượt người. Chính quyền Hàn Quốc còn thu 3% trên mỗi vé xem phim bán ra để thành lập Quỹ hỗ trợ điện ảnh. Đó là hình thức nhà nước thu lại của tư nhân từ các phòng chiếu để hỗ trợ cho sản xuất, đầu tư và đào tạo nhân tài cho điện ảnh. Đây là cách làm hết sức đúng đắn và hợp lý mà chúng ta có thể học tập. Việt Nam có khoảng 51 triệu lượt người đến xem phim ở rạp mỗi năm, giá vé tính bình quân khoảng trên dưới 100.000 đồng, như vậy số thu được cũng khoảng 5.100 tỉ đồng. Nếu nhà nước thu 3% trên giá vé thì sẽ được 153 tỉ, con số không hề nhỏ cho việc đầu tư sáng tác và đào tạo nhân tài cho Điện ảnh. Theo báo cáo của ông Dong Won Kwak, Tổng giám đốc thị trường phim ảnh Hàn - Việt, chiến lược đầu tư của CJ-CGV tại thị trường Việt Nam thì thị trường phim ảnh Việt Nam đang tăng trưởng rất tốt, năm 2015 doanh số khoảng 105 triệu USD, năm nay đã tăng lên 150 triệu USD, dự báo đến năm 2020, con số ấy sẽ tăng đến 200 triệu USD. Với đà phát triển này trong vòng 10 năm nữa thị trường điện ảnh Việt Nam có thể phát triển ngang với Hàn Quốc… Hiện nay lượng phòng chiếu của CGV và Lotte Cinema của Hàn Quốc chiếm đến 74,4% trên tổng số 538 phòng chiếu tại Việt Nam. Với con số doanh thu khổng lồ đối với thị trường điện ảnh Việt Nam của các tập đoàn Hàn Quốc, tại sao ta không thể lấy lại 3% trên giá vé họ bán ra để làm Quỹ hỗ trợ điện ảnh, như cách làm của đất nước họ? Lại nữa, trên biểu đồ phát triển của họ, trên 2.424 phòng chiếu của họ, số lượng phim ngoại chỉ chiếm 30%. Mong sao từ sự hợp tác này chúng ta sẽ học được kinh nghiệm và cách làm của họ, ngăn chặn phim ngoại ở mức cần thiết chứ không thể tràn lan vô tội vạ như hiện nay. Mà muốn như thế thì phim Việt Nam phải đủ chất lượng để đứng vững ở các phòng chiếu…
Như vậy có nghĩa là sự hợp tác về mặt phát hành phim và chiếu phim, dù là nước chủ nhà nhưng chúng ta hoàn toàn ở thế bị động. Bởi vì hầu như rạp chiếu đều nằm trong tay các tập đoàn Hàn Quốc, nên những tín hiệu vui về sự tăng trưởng của thị trường phim ảnh Việt Nam chỉ là niềm vui của những người đầu tư, niềm vui đã tìm thấy một thị trường đầy tiềm năng và đang tăng trưởng không ngừng… Còn với Việt Nam thì chúng ta có gì ngoài những rạp chiếu phim đã xuống cấp trầm trọng đang chờ chuyển công năng?
Hơn ai hết, Hàn Quốc là đất nước có thành tựu điện ảnh như một bước “đại nhảy vọt”. Chỉ trong vòng 2 thập kỷ, từ một nước lạc hậu về điện ảnh, Hàn Quốc đã trở thành đất nước có nền công nghệ điện ảnh cao, ngang tầm thế giới. Chỉ mong sao trong sự hợp tác này, chúng ta sẽ học được nhiều điều từ họ để phát triển điện ảnh của đất nước mình bằng những thước phim thuần Việt, mà không hề chịu ảnh hưởng rập khuôn cách diễn, cách hành xử của các nhân vật trong phim Hàn Quốc. Nhân dân Hàn Quốc có lòng tự tôn dân tộc rất cao, họ không chấp nhận sự áp đặt và ảnh hưởng từ các nền điện ảnh lớn trên thế giới trên phim ảnh của họ. Đó là điều đáng cho chúng ta học tập. Bởi dù nói theo kiểu ngoại giao là hai nước Hàn - Việt cùng có nền văn hóa tương đồng nên khán giả Việt Nam rất đồng cảm và yêu thích phim Hàn Quốc. Nhưng tương đồng không phải là một. Mỗi dân tộc đều có bản sắc riêng, không thể lẫn vào nhau. Mỗi nền điện ảnh của từng quốc gia phải có sắc thái riêng, đó chính là cách hành xử, lời ăn tiếng nói, là tâm hồn của một dân tộc. Điện ảnh Iran làm mưa làm gió trong các Liên hoan phim quốc tế vì họ giữ được bản sắc của đất nước họ. Đó là tấm gương để chúng ta học tập…