Bolero là vũ điệu Tây Ban Nha nhịp 3/4 phổ biến cuối thế kỷ 18, có đoạn solo và điệp khúc với phần đệm luôn dùng Castagnet (một loại quả xóc Tây Ban Nha). Nhạc sĩ trường phái ấn tượng Pháp Maurice Ravel (1875-1937) đã sáng tác bolero cho dàn nhạc giao hưởng dành cho múa ba lê với nhiều biến khúc nổi tiếng và trở thành tiết mục được trình diễn khắp thế giới đến tận ngày nay.
Nhưng bolero trong lĩnh vực nhạc giải trí thế giới và Việt Nam mới là chuyện cần bàn bạc và lý giải.
Bolero từ Tây Ban Nha truyền sang các nước Mỹ Latinh và vũ điệu Cuba đã sáng tạo nên bolero tốc độ vừa phải chuyển từ nhịp 3 sang nhịp 2 trọng âm (2 basic beats) trở thành vũ điệu ưa thích của nhạc khiêu vũ quốc tế. Có nhiều loại bolero như bolero flamenco, bolero beguine v.v… nhưng ca sĩ, nhạc công, dân khiêu vũ và người nghe mến mộ bolero giai điệu, bolero rumba nhất.
Cũng như các vũ điệu quốc tế quen thuộc khác như valse, paso doble, tango, cha-cha-cha, slow..., bolero nằm trong các loại vũ điệu thay đổi tiết tấu và không khí vũ trường, và khi hát bolero có bài hay, có bài bình thường, mức hưởng ứng của công chúng nói chung không có gì khác biệt.
Nhưng ở Việt Nam, bolero có một vị trí hết sức đặc biệt và có một lịch sử đáng ngạc nhiên. Theo các ban nhạc khiêu vũ (dancing), bolero rumba vào Việt Nam từ những năm 40, 50 thế kỷ 20 và đã có những nhạc sĩ sáng tác theo vũ điệu này. Đến những năm 60 thế kỷ trước, bolero nở rộ ở miền Nam Việt Nam. Những ban nhạc khiêu vũ thưa thớt ở Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn xưa đếm trên đầu ngón tay lúc đó nhiều như nấm sau cơn mưa ở các đô thị miền Nam. Cuộc cách mạng điện tử tạo ra các nhạc cụ organ điện, guitare điện thay thế cho piano, accordéon, guitare thùng dễ học, dễ sử dụng tạo thành một phong trào lớn chơi nhạc nhẹ. Chỉ một bộ năm gồm 2 guitare chante và basse, 2 organ - 1 thay dàn nhạc dây, 1 tạo các âm thanh solo saxo, trumpet... - cùng với 1 tay trống là đã làm nên một ban nhạc hoành tráng. Cuộc đổ bộ của quân đội Mỹ vào miền Nam Việt Nam năm 1965 với yêu cầu âm nhạc giải trí rất lớn đã mở rộng quy mô của nhạc nhẹ toàn miền.
Những năm 60, 70 thế kỷ 20, miền Nam Việt Nam trong cảnh chiến tranh loạn lạc, nhiều xáo trộn, dòng người bỏ quê lên thành phố kiếm sống, nhiều thanh niên bị bắt quân dịch đóng quân nơi rừng xa núi thẳm... với bao thân phận éo le, bất hạnh. Thế là bên cạnh dòng nhạc trữ tình lãng mạn nối tiếp nhạc tiền chiến, kiểu Đoàn Chuẩn thường sử dụng điệu slow, slow rock hợp với trí thức và thị dân, nay thêm dòng âm nhạc than thân trách phận và bolero rumba đã đáp ứng được tâm tư tình cảm của đa số tầng lớp bình dân cơ cực.
Cho dù một số nhạc sĩ, dân quý phái, trí thức chê “bolero là nhạc sến, quê mùa, rẻ tiền...” thì dòng nhạc “than thân trách phận” vẫn có một công chúng lớn hưởng ứng và hâm mộ. Nhiều nhạc sĩ, ca sĩ đã tham gia sáng tác và biểu diễn bolero giai đoạn này như Trúc Phương, Anh Bằng, Phạm Thế Mỹ, Trần Thiện Thanh, Chế Linh... Họ đã đưa giai điệu dân ca miền Nam với nội dung là những câu chuyện tình éo le thông qua điệu bolero tạo nên những bài ca mùi mẫn.
Đó là Cô hàng xóm của Lê Minh Bằng: “Vùng ngoại ô, tôi có căn nhà tranh tuy bé nhưng thật xinh. Tháng ngày sống riêng một mình. Nhà ở bên, em sống trong giàu sang, quen gấm nhung đài trang… Hai năm trôi qua nhưng tình không dám ngỏ. Tôi sợ thân mình là bọt bèo...”. Và thế là nàng đã sang sông đi lấy chồng…
Hoặc những bài hát của Trúc Phương là tâm sự người lính xa quê, xa người yêu: “Buồn vào hồn không tên, thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời…” (Nửa đêm ngoài phố).
Thế là tâm trạng cô vú em, anh thợ nghèo ngoại ô, chàng trai đi lính xa nhà xa quê ngày Tết, nỗi nhớ quê, nỗi buồn mối tình dang dở, giàu nghèo cách xa, nỗi cô đơn hiu quạnh tràn ngập từ thành thị đến nông thôn được trang trải thẩm thấu vào tiết tấu giai điệu bolero…
Sau 1975, dòng nhạc trẻ, nhạc ca khúc chính trị, nhạc cộng đồng đầy sinh khí lấn át bolero, mặc dù chúng ta vẫn gặp một vài bài hát theo vũ điệu này của Thanh Sơn, Vũ Đức Sao Biển, Vũ Hoàng, Phan Lạc Hoa, Nhất Huy… nhưng bolero đã đi vào thoái trào.
Chỉ đến năm 2014, Đài truyền hình Vĩnh Long mở cuộc thi hát bolero với hàng vạn người tham gia và lần thứ 3, năm 2016 với “Solo cùng bolero” đã có 24.000 người tham dự. Một thành phố nhỏ Quảng Ngãi cuối năm 2016 cũng có 500 người tham gia thi hát bolero. Thế là kéo theo một cơn sốt bolero, người người hát bolero, nhà nhà thưởng thức bolero. Không những ca sĩ già, ca sĩ trung niên mà rất nhiều ca sĩ trẻ dòng nhạc pop, rock, rap quay sang hát bolero, kể cả ca sĩ nhí nữa. Nếu như trước đây pop, rock, rap nhạc thế giới chiếm lĩnh giờ vàng thì nay đã thấy bolero áp đảo trong những ngày cuối đông Bính Thân bước sang xuân Đinh Dậu. Những người nhập cư vào thành phố thời kỳ đô thị hóa với nhiều bất trắc lo âu gặp lại mình trong giai điệu tiết tấu bolero “than thân trách phận” ngày xưa…
Âm nhạc bolero Việt Nam quả có một lịch sử phát triển và tái xuất hiện, lạ lùng nhất trong các trào lưu thưởng thức âm nhạc thế giới. Có lẽ do hoàn cảnh dân tộc ta chịu nhiều thương đau trong chiến tranh, nhiều khó khăn trong xây dựng đời thường. Bolero Việt Nam tuy giai điệu tiết tấu quá đơn điệu, lời ca mộc mạc bình dân nhưng vẫn có một chỗ đứng trong tâm hồn một số đông người, nhất là ở tầng lớp bình dân.
Có thể thị hiếu bolero giai đoạn vừa qua rồi sẽ thoái trào nhường chỗ cho một dòng nhạc sôi động, yêu đời, mà cũng có khi bolero sẽ lại tái xuất lần nữa nếu như người nghe cảm thấy cuộc sống ngưng đọng, bế tắc...
Tuy nhiên, chào đón năm mới 2017 xuân Đinh Dậu, ngoài hiệu ứng đám đông say sưa với “bolero than thân trách phận”, nghèo nàn giai điệu, tiết tấu, lời ca não tình vẫn còn nhiều dòng âm nhạc khác sôi động trong xã hội đa thị hiếu ngày nay. Đáng chú ý nhất là chương trình “Sing my song” (Hát bài hát của tôi) đã xuất hiện nhiều gương mặt nhạc sĩ trẻ mạnh dạo sáng tạo nên những bài hát vừa dân tộc vừa hiện đại. Hãy nghe Lê Thiện Hiếu tâm sự với người yêu trong bài hát Ông bà anh: “Ông bà anh yêu nhau thời chưa có ti vi. Ông bà anh yêu nhau thời chưa có xe hơi… Và thời ấy bình dị lắm em ơi! Chạm tay vào nhau một giây thôi là nhớ nhau cả đời. Và đó là lời ông nói với anh. Ông có một mối tình tươi xanh”.
Hay Cao Bá Hưng, cháu 7 đời của Cao Bá Quát, dù một chút buồn Tương tư vẫn trào dâng hy vọng. Hoặc Nguyễn Dân vẫn trung thành với bài hát yêu đời kiểu Chào ngày mới: “Nắng thênh thang như tràn ngập phố. Đến bên em cho ngày rực rỡ. Nắng lung linh dịu dàng em hát. Đợi anh phố hẹn một ngày ngát xanh… Dịu dàng tia nắng hồng. Anh cho em ngày mới. Bầu trời xanh ngắm nhìn. Em bên anh rạng rỡ. Và quên hết quanh ta…”.
“Sing my song” đã chinh phục hàng triệu khán giả, báo hiệu âm nhạc mới lên ngôi, có thể sẽ áp đảo dòng nhạc não tình bolero. Đến một lúc nào đó, khi công chúng đã bão hòa những giai điệu và lời ca rên rỉ, có lẽ bolero sẽ rơi vào thoái trào như ở thời điểm mùa xuân 1975.