Vùng rừng Ma thực sự đã trở thành vùng rừng chết. Mấy năm trước giữa lõi rừng là sào huyệt của bọn thổ phỉ. Nay phỉ đã bỏ chạy rồi mà dân bản không ai dám vào đó hái nấm, hái rau, đào măng, chặt củi... Vì một lẽ lạ lùng đến bí hiểm, vùng rừng đó các loài rắn hổ mang bành, hổ mang chúa, rắn lục, rắn cạp nong, rắn ráo, rắn sọc xanh, đốm đỏ, có cả loài rắn có sừng(*) sinh sôi rất nhiều. Dân bản nói rằng loài chim bịp bịp đã gọi rắn về đây. Ông lang Dín người ở bản Lao Táo (bản Dao Sắc) vào rừng hái lá thuốc, đào củ tam thất, bạch truật về chữa bệnh cho dân bản nói với lính biên phòng: “Lão thấy trước khi bỏ chạy sang bên kia núi, bọn thổ phỉ đã đưa chim bịp bịp về thả vào rừng Ma rồi dồn nhau vác đá lấp cửa hang. Chúng giấu kín lắm, kín như giấu nắm lá ngón bỏ vào chảo canh làm hãi người mà, lão nghe lỏm được đấy...”.
Nguồn tin ấy nghe như chuyện “quái dị từ thủa nào” làm cho Trần Ngọc - đồn trưởng biên phòng nghĩ về cánh rừng thâm u huyền bí trong địa bàn bảo vệ vẫn còn nhiều điều ẩn khuất...
Đồn trưởng ra lệnh cho Đội trinh sát tìm những tài liệu khoa học và đến gặp những người có nghề nuôi luyện chim hoang dã để biết đặc trưng, tập tính của loài chim “quen mà lạ” này. Riêng anh từ hồi còn là học sinh cấp I, anh chỉ biết về loài chim bịp bịp qua những câu chuyện cổ tích được ông bà truyền lại. Những câu chuyện đó đều mang tính nhân văn răn dạy người đời sống thật thà trung hậu và trừng phạt kẻ dối trá không giữ lời hứa của mình... Chuyện rằng có nhà sư ăn chay niệm Phật nơi cửa chùa đã lâu năm mà tu không thành chính quả. Nhà sư khăn gói quả mướp đi ròng rã hết ngày dài hết đêm thâu để hỏi Phật tổ cho ra nhẽ. Một đêm nọ nhà sư ghé vào xin ngủ trọ nhà dân ở chân núi. Người đàn bà xinh đẹp ra mở cửa, nói rằng, chồng nàng đi vắng không dám cho đàn ông ngủ trọ. Vừa lúc đó chồng nàng về. Anh ta vác cây đại đao và cứ đổ riệt cho nhà sư gạ gẫm vợ mình. Nhà sư kêu oan và kể lể sự tình. Nghe xong, người đàn ông nói thật với nhà sư: “Ta là kẻ cướp đường, đã giết hại nhiều sinh linh, không biết có tu hành chính quả được không?”. Nhà sư trả lời: “Con người ta tu cốt ở cái tâm, nếu thật sự muốn xóa tội...”. Nghe vậy, kẻ cướp đường liền cầm đại đao phanh ngực mình ra moi quả tim đưa cho nhà sư nhờ chuyển lên Đức Phật. Nhà sư khăn gói lên đường mang theo quả tim đó. Giữa tiết nắng nồng oi bức, đến ngày thứ ba thì quả tim hôi thối, ruồi nhặng bay theo. Nhà sư liền vất quả tim vào bụi rậm. Hôm sau nhà sư gặp một cụ già râu tóc bạc phơ liền kể lể công lao tu hành và con đường trần ai lặn lội tới đây với ý định của mình. Cụ già phán bảo “Dọc đường đi có ai gửi gì cho ta không?”. Nhà sư kể chuyện quả tim hôi thối đã vất đi. Cụ già nói “Con quay về tìm lại quả tim của tên cướp đường rồi hãy đến gặp ta...”. Lúc ấy nhà sư giật mình tỉnh ngộ... Ông ta liền quay lại chui rúc khắp bụi bờ rậm rạp để tìm mà chẳng thấy quả tim đâu. Rồi nhà sư gục trên thảm rừng, chết trong bụi rậm, biến thành con chim bịp bịp. Màu lông của loài chim nửa nâu, nửa đen giống chiếc áo của nhà tu hành. Đôi mắt con chim đỏ đọc vì nhà sư tiếc nuối đã sắp thành chính quả mà không đạt, còn phải mang cái tên “bịp bịp” là án trừng phạt cho tội dối lừa.
***
Các tài liệu khoa học và lời người thuần dạy chim hoang dã đã cho đồn trưởng Trần Ngọc và lính biên phòng biết tường tận về loài chim bịp bịp. Nhưng có lẽ ít ai biết điều cực kỳ bí ẩn về loài chim này, đó là món ăn khoái khẩu bậc nhất của nó là rắn. Và, cũng chưa có một tài liệu nào lý giải vì sao loài rắn (nước ta có hơn 200 giống rắn, 53 giống rắn có nọc độc đến cực độc) khi gặp chim bịp bịp đều sợ hãi, run rẩy rồi... tê liệt. Có người đoán già đoán non rằng lông và phân chim bịp bịp có mùi hôi “đặc trưng” làm cho loài rắn khiếp sợ. Nên khi gặp chim, con rắn khỏe thì bò nhanh lẩn trốn, con rắn yếu thì bủn rủn, nằm im làm mồi cho chim. Mà bịp bịp thì lại thích thú món rắn lục. Nên người vào rừng gặp chim bịp bịp ở đâu là nhìn thấy rắn ở đó. Tổ chim bịp bịp ở chỗ nào thì quanh đó đầy rẫy rắn độc.
Theo Bách khoa toàn thư mở, bịp bịp là loài chim hung dữ và rất nhạy bén với thời tiết môi trường. Ở nước ta chim bịp bịp sống định cư trong vùng đồng bằng, trung du và vùng ven rừng, chân núi. Chúng sống ở bờ sông, bờ suối, đầm lầy. Chúng ham luồn lách chui tìm trong các bụi rậm nơi có nhiều rắn rết, ếch nhái, côn trùng sâu bọ. Loài chim bịp bịp có đến hơn 30 giống khác nhau. Do tiếng kêu của chúng gần giống nhau “bịp, bịp, bịp...” khàn khàn, đùng đục như thảm sầu, như khổ não nên chúng có cái tên chung là chim bịp bịp. Vào mùa sinh đẻ, lúc rủ nhau đi kiếm ăn và cả lúc gọi bạn tình, chúng cũng chỉ “diễn” một nhịp điệu thảm sầu ấy. Chim bịp bịp không phải phân họ của loài chim cu như trước đây có người nói. Nó cũng không phải loài chim đẻ nhờ tổ như con tu hú. Chim bịp bịp có “danh pháp” riêng về tập tính và sinh sản. Chúng có giới tính “đảo ngược”. Con chim trống nhỏ bé hơn con chim mái (một tám, một mười). Chim bịp bịp có tập tính ổn định sống từng đôi với nhau. Nhưng nó có “thói đa thê” và rất thoáng về việc “ngoài luồng” của nhau. Các nhà khoa học đã thử ADN cho chúng, và chứng minh rằng chim bịp bịp là một họ riêng có thói sống “ngoài luồng” như thế.
Con chim trống, chim mái có màu lông giống nhau. Lúc còn non, toàn thân chúng phủ màu nâu chấm đen. Lúc trưởng thành, phần đầu, cổ, ngực, đuôi có màu đen lợt, mình có màu nâu đỏ. Từ chót mỏ đến đuôi dài gần 40 cm (con trống ngắn hơn). Thân hình con chim bịp bịp lớn nhất cũng chỉ nhỉnh hơn con chim cu cườm. Bịp bịp có chiếc mỏ khoằm dài tới 3,5 cm sắc nhọn như kìm, như dao. Đặc biệt nhất bàn chân của loài chim này có bốn ngón xếp thành hai bộ đối xứng nhau, một cặp ngắn, một cặp dài. Móng vuốt như lưỡi câu quặp vào đâu bấu chặt đấy. Đó là đặc trưng của loài chim săn bắt rắn. Rắn là món ăn “chủ lực” của nó rồi mới đến loài ếch nhái, côn trùng... Mỗi ngày một con bịp bịp có thể nhấm nháp hết một chú rắn. Chim con sống trong tổ lâu càng đòi hỏi nhiều thức ăn để lớn. Nên khi làm tổ, chim bố mẹ đã lo toan gom tha rắn về “giam lỏng” quanh tổ để dự trữ thức ăn cho bầy con. Điều kỳ diệu đó của loài chim bịp bịp phải chăng do thiên bẩm hay là kết quả của quá trình chọn lọc tự nhiên đã tạo thuận lợi cho sự sinh tồn của nòi giống chúng. Mùa sinh sản của chim bịp bịp kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8 hằng năm. Mỗi năm bịp bịp đẻ từ hai đến ba lứa. Mỗi lứa ba quả trứng, nở được hai hoặc ba con. Bịp bịp bố mẹ làm tổ cho con bằng cỏ khô, lá cây như tổ chuột đồng nhưng cao hơn mặt đất chừng vài mét. Điều rất đặc biệt, tổ chim bịp bịp thường to, rộng để có chỗ cho... rắn làm kẻ trông giữ chim non! Vậy là chim bịp bịp đã gửi con cho rắn mà rắn không “dám” làm hại những con chim non. Điều kỳ bí ấy đến nay chưa có lời giải thích.
***
Ông bà ta từ xa xưa đã xem thân cốt con chim bịp bịp được loài rắn độc bồi luyện thành vị thuốc quý. Thịt chim bịp bịp lành, thuộc tính âm, có vị ngọt. Bịp bịp được ngâm rượu với tam xà, ngũ xà để chữa trị các bệnh suy nhược cơ thể, đau lưng mỏi gối, tê nhức chân tay, bồi bổ xương cốt tâm can tỳ vị... Những người sành điệu còn nhốt bịp bịp đói ba ngày rồi cho ăn rắn lục, rắn hổ mang, rắn mai gầm... Chờ đến bảy ngày sau, rắn ngấm vào xương cốt chim, họ mới mổ thịt, bỏ hết phủ tạng rồi ngâm rượu. Đó là thang thuốc bổ “thần tiên nội công nhất đẳng” chữa bách bệnh tiêu tán, vạn bệnh tiêu trừ. Đặc biệt công dụng của thang thuốc ấy tăng cường cực mạnh “nam tính” cho giới mày râu. Con chim bịp bịp đã được nhiều ông lang vùng núi xem như là vị “chim y” bậc thầy. Ông lang Dín kể rằng con chim bịp bịp đã bày cho ông đi tìm cây thuốc trong rừng... Không phải bây giờ ông Dín mới nói mà dân gian đã lưu truyền câu chuyện này từ lâu. Có một chàng trai đi tìm nấm, hái rau nhìn thấy tổ bịp bịp có hai chú chim non. Anh ta định bắt về. Nhưng thấy nó chưa giập bọng đái chẳng bõ bữa ăn, anh chưa bắt. Song anh sợ rằng để mấy hôm nữa chim non ra ràng nó nhảy lên cao thì mất bữa. Anh ta nghĩ ra cách độc ác bẻ gãy chân, bẻ gãy cánh chim non để chờ mẹ nó chăm nuôi lớn. Mấy hôm sau anh chàng tham lam ấy quay lại thì ôi thôi, hai chú chim non đã lành chân, liền cánh nhảy tâng tâng trong bụi rậm. Anh chàng chưng hửng lủi thủi về kể chuyện ấy với ông lang. Ông lang liền đi tìm tổ chim bịp bịp rồi cũng bẻ chân, bẻ cánh chim non như chàng trai nọ. Ông lang kiên tâm nấp sau bụi cây xem chim bố mẹ chữa bằng cách nào cho chim con. Chờ chim mẹ bay đi, ông đến tận nơi xem đó là lá cây gì nó quấn vào chân cho con, nhựa quả gì nó bôi vào cánh cho con mà hay vậy… Rồi trong những lá cây thuốc hái ở rừng chữa đau xương, gãy tay… cho dân bản giờ đây có những vị thuốc ông lang Dín học được ở “thầy chim” bịp bịp.
Loài chim hoang dã này cũng đã trở thành những “vệ sĩ đắc lực” giữ nhà, canh vườn cây ăn quả. Con người đã khéo thuần dưỡng và dạy dỗ nó, đã biết dựa vào tập tính, bản năng dữ dằn, quyết liệt bảo vệ lãnh địa của nó và biết “thiết lập” cho nó kỹ năng phản xạ có điều kiện. Mỗi lần “vệ sĩ” lập công phải khen thưởng khích lệ nó ngay, mà không có gì khích lệ hiệu quả bằng cho nó nhấm nháp một… chú rắn. “Vệ sĩ” bịp bịp sẽ nhặt sạch sâu bọ, côn trùng, ếch nhái… và xua đuổi lũ chim lạ. Các “vệ sĩ” được thả tự do bay lượn xênh xang trong khu vườn như con chim bồ câu nuôi thì hiệu quả bảo vệ càng được phát huy. Nếu đó là một “nàng vệ sĩ” non tơ thì nó rất có duyên quyến rũ nhiều “chàng” bịp bịp si tình về thành một “đội vệ sĩ” hỗ trợ nó. Rồi thật là thú vị, trên tầng cao khu vườn có “vệ sĩ tuần thám”, dưới tầng thấp có “vệ sĩ canh phòng”, sự bình yên đã thấy rõ.
Như vậy con chim bịp bịp là vị thuốc “thần tiên nội công nhất đẳng”, là “vệ sĩ tin cậy”, là “thầy thuốc”, có bài thuốc hay, là thực phẩm ngon lành bổ dưỡng… nên nó có giá đến 200.000 đồng một con. Nhiều người “trúng nghề” săn bắt thuần dưỡng loài chim này và kết với nghề nuôi rắn đã trở nên giàu có.
***
Trước giờ xuất kích, đồn trưởng Trần Ngọc nói với các chiến sĩ: “Vậy là chưa rung cây thú đã lòi mặt. Bọn thổ phỉ muốn dùng rắn độc để giữ sào huyệt của chúng. Thế thì còn gì ở đây mà chúng giữ. Ta phải mở ngay cửa hang đá trong sào huyệt thổ phỉ giữa rừng Ma…”.
Các phương án phòng chống rắn độc cổ truyền được chuẩn bị: hạt chanh, củ sả, xạ hương, ngưu hoàng… Quân y được bổ sung thêm huyết thanh cấp cứu, bình xịt hơi cay… Đội dò mìn đi tiên phong. Ông lang Dín, đội dân quân bản, các chiến sĩ biên phòng tiến vào lõi rừng Ma.
Cuối mùa hanh hao, buổi trưa nắng vàng bảng lảng trên lá cành, nhưng giữa lõi rừng biên cương thâm u vẫn đằm mây, đằm sương. Rắn độc nháo nhác bò xạc xào trên thảm lá khô. Tiếng chim bịp bịp kêu nhịp ba, nhịp năm “bịp bịp bịp…” não sầu, ai oán…
Rồi những tảng đá che chắn cửa hang được xô đổ. Hang đá tối tăm, ẩm mốc được mở rộng. Dưới ánh đèn pin sáng xanh những hòm gỗ, những bao vải to bọc hai ba lớp giấy dầu chống ẩm xếp ngay ngắn trong hang được kéo ra. Trong đó là súng, đạn, đao, kiếm, lựu đạn mỏ vịt, lựu đạn cổ dài… Bọn thổ phỉ đã tháo chạy nhưng chúng để lại “kho vũ khí bí mật” này cho lũ giấu mặt nằm lại nhằm lập các ổ nhóm phản loạn vùng biên.
Ngày Hội Gâu tào (hội Cầu phúc lộc đầu năm) của người Mông, bà con các bản giáp biên về dự đông chưa từng thấy. Màu khăn thêu hoa, màu váy áo mới trông rực rỡ như quả đồi cây tam giác mạch mùa xuân nở hoa. Bởi hội Cầu phúc lộc năm nay còn gắn với ngày mừng công dọn sạch sào huyệt thổ phỉ. Ngày hội tưng bừng với các trò vui cổ truyền: múa ô, thổi khèn, thổi đàn môi, sáo trúc, chọi quay, hát tình ca… Trai bản phô diễn trò bắn cung, bắn nỏ múa kiếm. Hội Gâu tào năm nay còn có thêm trò biểu diễn bắt sống rắn trong sào huyệt thổ phỉ, thi nhái tiếng chim bịp bịp kêu xem ai giống hơn… Ông lang Dín mời các già bản nhâm nhi bát rượu ngâm bịp bịp tam xà, ngũ xà với củ tam thất, bạch truật ông đào trong rừng Ma. Đặc sắc nhất trong hội Gâu tào là cây nêu cao tới 12 mét dựng giữa đỉnh đồi. Ngọn nêu hướng về phía mặt trời mọc có lá cờ Tổ quốc bay trong gió núi. Phía dưới cờ có treo bầu rượu với ba bông lúa chín tượng trưng cho sự bình yên, no ấm của bản làng nơi phên giậu. Ông lang Dín đứng dưới cây nêu. Ông nói to: “Dân bản ơi! Người Mông, người Dao, người Tày, người Thù Lao, Pa Dí, người Nùng… ta sống với nhau như đàn ong cùng tổ xây chung tầng mật, như hạt ngô cùng bắp, như hạt lúa chung bông. Lũ phỉ đã chạy rồi, những thứ giết người chúng để lại ta đã dọn rồi. Nay rừng dài thì rừng nuôi cây nuôi chim, suối dài thì suối nuôi cá nuôi thú. Đất nuôi người thì người phải giữ bản giữ rừng. Dân ta cùng với các chú Biên phòng tình thân như nắm xôi nhuyễn chặt, ta phải giữ bình yên vùng cương thổ này… Nào con gái các bản đẹp rỡ ràng như đàn bướm mùa xuân mặc váy hoa xòe. Nào con trai các bản mẹ đẻ bên cửa bếp, đứng giữ đất trên cửa trời, chắc như cây tông dù (gỗ tốt) làm cột nhà hãy múa khèn, xòe ô, hãy hát bài cứ dìn xê (vác cây nêu) to lên để gọi cây rừng nở hoa, gọi mùa ngô nhiều bông, chắc hạt, gọi nương cải xòe lá đơm hoa nở vàng đẹp như sao bay trên ngọn cây nêu ngày hội đầu xuân…”.
_____
(*) Nước ta có loài rắn lục Phan Xi Păng có sừng, và loài rắn có mào (sừng) ở Tràng An - Ninh Bình. Tuy nhiên những thứ đó không phải từ đầu mọc ra mà do lớp vảy dày trên mi mắt nó dựng lên.