Ngày trước giải phóng, thị hiếu âm nhạc của công chúng không hề có định hướng, nhưng rõ ràng có giáo dục từ lứa tuổi nhỏ. Bởi vì giờ học nhạc trong nhà trường phổ thông, thầy dạy nhạc không phải chỉ dạy cho học sinh lý thuyết cơ bản về ký âm, không phải chỉ cho chép những nốt đen, nốt trắng, và giờ kiểm tra không phải chỉ bắt học trò đọc vanh vách các nốt nhạc Đô, Rê, Mi, Fa, Sol, La, Si trên mỗi ca khúc, mà chính là giờ học nâng cao thị hiếu thưởng thức âm nhạc cho từng mỗi học sinh. Và mỗi giờ nhạc là mỗi giờ học hát. Thầy hát, trò hát theo, thầy phân tích từng lời ca, ý nghĩa và giai điệu đẹp của từng bài hát. Tôi nhớ rất rõ, ngay từ ở lớp đệ thất (lớp 6), thầy dạy nhạc đã dạy chúng tôi bài Làng tôi của Văn Cao. Thầy hát hay và say sưa lắm đến nỗi bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in dáng thầy cầm cây đàn guitar đứng trên bục giảng mà như một ca sĩ thực thụ. Bọn học trò cứ xuýt xoa khen thầy sáng tác bài nhạc quá hay, bởi vì thầy cũng có tên là Văn Cao. Nhưng thầy cười bảo thầy làm sao có đủ tài năng của bậc thiên tài này. Thầy chỉ nói tác giả này đang sống ở miền Bắc, và đó là thần tượng của thầy… Những kỷ niệm ấy luôn khắc sâu trong tâm trí tôi, và từ đó tôi bước lên những lớp cao hơn, giờ học nhạc càng thêm phong phú với những ca khúc của Trịnh Công Sơn, Đoàn Chuẩn, Phạm Duy…, và tuyệt nhiên không hề có một ca khúc bolero nào được hát trong những giờ nhạc ở nhà trường. Vì sao? Lúc bấy giờ, chúng tôi không hề phân tích và cũng không hề bận tâm vì nghĩ đó là lẽ đương nhiên. Sinh viên, học sinh và nói chung là trí thức không ai hát nhạc bolero, và nếu trong những đêm lửa trại, có bạn nào cất tiếng ca não nùng: “Tại anh đó nên chúng mình xa nhau…” thì đó chỉ là những phút vui đùa trêu chọc nhau. Chúng tôi không hát và không thích dòng nhạc này vì cho đó là “nhạc sến”, và nếu như bạn nào đó hát lên thì cũng là để làm tiểu phẩm hài thôi. Thực ra, đây là loại nhạc dễ hát, dễ nhớ, và dường như ai cũng hát được, nên dù không hát và không thích, nhưng chỉ cần nghe vài lần là có thể thuộc dễ dàng…
Sự phân chia rõ rệt thị hiếu âm nhạc này ngày trước giải phóng gần như ai cũng biết và hiểu, nhưng nói ra trên mặt báo chí thì là điều khá tế nhị. Vì như thế có vẻ như là sự coi thường thị hiếu của quần chúng lao động. Cô giúp việc, cô gánh nước mướn, anh thợ hồ, chị tiểu thương bán hàng rong thích nhạc này thì đó là ý thích của mỗi người, còn giới trí thức thích hát Trịnh Công Sơn, Phạm Duy thì cứ hát. Không ai chạm đến thị hiếu của ai. Người ta mặc nhiên hiểu điều đó. Và ca sĩ cũng thế, ca sĩ của dòng nhạc sang trọng như Khánh Ly, Lệ Thu, Thái Thanh, Thanh Lan, Elvis Phương, Tuấn Ngọc…, còn ca sĩ hát dòng nhạc bolero thì cũng khá nhiều và cũng nổi tiếng không kém. Nhưng mỗi người có lĩnh vực riêng, có người hâm mộ riêng… Và dù không ai nói ra, nhưng bảng xếp hạng cũng đã phân biệt rõ ràng trong đầu của mỗi người…
Sau những bài hát rã rượi vì thất tình, vì cảnh nghèo tha phương, bolero ngày càng chuyển hướng thành những bài hát buồn của người lính cộng hòa ở tiền đồn xa, đối mặt với cái chết từng phút từng giây. Cho nên sau này nhiều người khi nghe đến bolero thì thường nghĩ ngay đến những bài hát của lính cộng hòa. Nổi bật nhất là Trần Thiện Thanh với vô số những bài hát về người lính: Hoa trinh nữ, Bông cỏ may, Người ở lại Charlie, Tình thư của lính… Đấy là những bài hát rền rĩ, buồn bã, cô đơn của những chàng trai buộc phải cầm súng mà không hề có chút lý tưởng gì. Cái chết và bóng đêm rình rập xung quanh, nên không lạ khi hầu hết những người lính ở tiền đồn xa đều thích và hát loại nhạc này. Nhưng hát nhạc buồn thì cũng có phân biệt giai cấp của nó, sĩ quan thì rên rỉ Ca khúc da vàng của Trịnh Công Sơn, thương cho thân phận nhược tiểu phải cầm súng bắn giết anh em, còn binh nhì, binh nhất thì thích Trần Thiện Thanh. Đó là nỗi chán chường cho một kiếp người không làm chủ được bản thân mình, bị cuốn vào vòng xoáy của chiến tranh, một cuộc chiến vô nghĩa… Đó cũng là một trong những lý do vì sao quân đội Sài Gòn tan tác ngay, binh lính bỏ ngũ chạy trước khi quân Cách mạng tới… Âm nhạc hơn ở đâu hết đã chứng tỏ sức tác động dữ dội của nó. Một bên đi vào chiến trường bằng ngọn lửa lý tưởng bừng bừng với những bản hùng ca: “Đêm nay ta đi Trường Sơn lộng gió/ Trời vắng trăng sao, nhưng tim ta rực lửa/ Đi ta đi tung cánh đại bàng/ Vang khúc nhạc hùng giải phóng miền Nam”. (Bài ca Trường Sơn) hay “Hành quân xa dẫu qua nhiều gian khổ. Vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi. Mắt ta sáng chí căm thù, bảo vệ đồng quê ta tiến bước. Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi”. Trong khi anh lính cộng hòa nỉ non dòng nhạc bolero: “Đơn vị thường khi nằm trên đất giặc. Thèm trong hãi hùng… tiếng hát môi em, tiếng hát ngọt mềm. Người nâng lính khổ, viết bởi câu ca… Vì tiền hay thiết tha…” thì còn đâu sức chiến đấu, không bỏ chạy mới là lạ!
Nhạc bolero lúc đó bao gồm nhiều phong cách, từ nhạc tình tự quê hương với biến thể từ dân ca Nam Bộ đến nhạc não tình, và sau cùng là nhạc lính có con đường đi của chính nó, không ai phê phán, nhưng cũng không hề cổ vũ, nhất là ở môi trường trí thức. Mọi nggười đương nhiên gọi đó là nhạc “sến” , tức là nhạc của người bình dân. Theo nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, “Không phải mình phân chia giai cấp, nhưng sự thật là loại nhạc đó được giới bình dân nghe nhiều hơn, kiểu lời nhạc khá nôm na: Ước gì nhà mình chung vách, anh khoét bức tường, anh qua thăm em”.
Đó là sự thật mà ai từng sống ở Sài Gòn trước năm 1975 đều công nhận. Nhưng vì sao mà hiện nay dòng nhạc này lại trở nên một hiện tượng trong âm nhạc Việt? Cũng những bài hát đó, lời hát đó, ca sĩ đó ngày trước không ai coi trọng thì tự dưng bây giờ lại lên ngôi? Từ tháng 8 năm 2010 hai ca sĩ mà tên tuổi gắn liền với bolero, Hương Lan và Tuấn Vũ, đã trình diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội nửa tháng trời với giá mỗi vé lên đến 1.700.000 đồng Việt Nam mà mỗi suất diễn vẫn kín chỗ. Một dòng nhạc từng gọi là nhạc vàng, bị cấm đoán trước năm 1975 để rồi đến năm 2010 đã “lên ngôi vua” ở giữa thủ đô Hà Nội!?
Điều nghịch lý này không dễ gì có thể phân tích được vì sao thị hiếu của công chúng lại quay về với bolero một cách cuồng nhiệt như vậy. Dường như đó chính là sức mạnh của truyền thông, mà nơi có thể tác động được nhiều nhất chính là các đài truyền hình. Trước giải phóng, cả báo chí và đài truyền hình đều xác định ngôi thứ của dòng nhạc này trong âm nhạc Việt, và hơn nữa, sự giáo dục thị hiếu âm nhạc từ nhà trường, trong những giờ học nhạc rất rõ nên những người có học đều không chuộng dòng nhạc này… Còn bây giờ, rõ ràng là chúng ta đang thả nổi thị hiếu thẩm mỹ của công chúng suốt 4 thập kỷ qua. Nhà nước không làm gì để nâng cao trình độ thưởng thức văn hóa nghệ thuật của công chúng mà đôi lúc còn khá dễ dãi theo đuôi công chúng. Phim thì hài nhảm lên ngôi; âm nhạc thì bolero làm chủ; báo chí thì các trang mạng cứ tha hồ đi vào đời tư diễn viên, gây xì căng đan, gây sốc; sân khấu thì cứ xoay đi xoay lại hết chuyện ma tới quỷ… Vậy thì, đến lúc nào ta mới thực thi được Nghị quyết Trung ương 5, bởi nếu nhận định Văn hóa là nền tảng, là ngọn đuốc soi đường quốc dân đi thì hiện nay ta đang thực thi một nền Văn hóa gì đây?!