HV112 - Kể chuyện nhân sĩ trí thức Sài Gòn - Gia Định tham gia kháng chiến chống Pháp: Thân ở nội thành, nhưng lòng hướng về chiến khu

Đấu tranh chính trị

Như đã trình bày ở trước, nhiều tổ chức, đoàn thể chính trị được thành lập hay mở rộng để tập hợp càng đông càng tốt các nhân sĩ, trí thức, công tư chức. Nhiều người sinh hoạt đều đặn trong Thành đảng bộ Đảng Dân chủ, Thành hội Liên Việt Sài Gòn - Chợ Lớn v.v… Trí thức có Liên hiệp lao động trí thức; nhà văn, nhà báo có Liên hiệp văn nhân, Liên hiệp ký giả dân chủ; công tư chức có Liên đoàn viên chức cách mạng…

• Tuyên ngôn của trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn

Ngày 25-4-1947, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi thông điệp cho Chính phủ Pháp đề nghị “chấm dứt ngay tức khắc mọi hành vi chiến tranh và mở ngay những cuộc đàm phán nhằm đi đến một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột”. Đề nghị này được những người yêu chuộng hòa bình - ở Việt Nam cũng như ở Pháp - tán thành, nhưng chính phủ Pháp không hưởng ứng.

Dưới sự chỉ đạo của Ban Trí vận Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, bản Tuyên ngôn của trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn (Manifeste des intellectuels de Saigon - Cholon) được soạn bằng hai ngôn ngữ Việt và Pháp, đại ý: “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc lâu đời, có quyền đòi và hưởng độc lập tự do. Cuộc chiến tranh hiện nay đang tàn phá đất nước, càng kéo dài càng phương hại đến tình hữu nghị giữa hai dân tộc Pháp và Việt Nam. Do đó, chúng tôi kêu gọi Chính phủ Pháp phải thương thuyết trở lại với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để chấm dứt chiến tranh”.

Hơn 400 nhân sĩ, trí thức đã ký tên vào bản Tuyên ngôn, kể cả những người trước đây từng làm việc cho Pháp như các đốc phủ sứ Nguyễn Văn Thiệt, Huỳnh Ngọc Bỉnh; các nghị viên Hội đồng quản hạt Nam Kỳ Thượng Công Thuận, Võ Hà Trị…

Ngày 19-5-1947, đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 57 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vị đại diện giới nhân sĩ trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn trao tận tay Cao ủy Bollaert bản Tuyên ngôn để ông ta chuyển về chính phủ Paris.

Bản Tuyên ngôn được công bố trên nhiều tờ báo xuất bản trong nước và ở Pháp, gây được tiếng vang lớn trong dư luận.

Nhân chuyến đi công tác ở Việt Bắc, ông Nguyễn Thọ Chân mang theo một bản để báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương. Trong thư đề ngày 25-5, Hồ Chủ tịch “thay mặt Chính phủ cảm ơn sự ủng hộ” của các nhân sĩ trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn và động viên họ tiếp tục tham gia “công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”(1).

Qua việc ra bản Tuyên ngôn, lực lượng nhân sĩ trí thức yêu nước trong nội thành đã được tập hợp và không ngừng phát triển. Nhiều người trong số đó đã tham gia vào các tổ chức kháng chiến và tích cực hoạt động trong các phong trào đấu tranh chính trị ở vùng tạm chiếm.

   

Kỹ sư Lưu Văn Lang                   Nhà báo Dương Tử Giang                Nhà báo Mai Văn Bộ

• Báo chí công khai

Cùng với báo chí bí mật, báo chí công khai có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp kháng chiến.

Sau khi tạm chiếm Sài Gòn và các thị xã Nam Bộ, Pháp chủ trương tách Nam Bộ ra khỏi lãnh thổ Việt Nam bằng cách thành lập cái gọi là “Nước cộng hòa tự trị Nam Kỳ”. Từ nay, ngoài nhiệm vụ đấu tranh để bảo vệ độc lập, tự do vừa giành được trong Cách mạng tháng Tám, người Việt Nam còn phải chống lại sự xâm phạm nền thống nhất lãnh thổ.

Trong thời gian đầu, hoạt động của các báo còn lẻ tẻ. Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn thấy các báo cần phối hợp hành động để tạo ra tiếng nói mạnh hơn, hữu hiệu hơn. Các nhà báo yêu nước như Nguyễn Văn Hiếu, Mai Văn Bộ, Vũ Tùng, Thiếu Sơn, Dương Tử Giang, Bùi Đức Tịnh, Nam Quốc Cang, Thiên Giang, Tam Ích, Thê Húc, Nguyễn Bảo Hóa, Khuông Việt, Lê Thọ Xuân… hằng tuần họp tại nhà ông bà Triệu Công Minh - Ái Lan ở xóm Thơm (Gò Vấp, Gia Định) để thảo luận nội dung đấu tranh, từ đó có tên “Ban biên tập Xóm Thơm”.

Báo Justice (cơ quan của Đảng bộ Nam Bộ Đảng Xã hội Pháp) được chọn làm “ngòi nổ”: ngày 4-10-1946, báo kêu gọi “thống nhất hành động” để “chiến đấu cho sự hiệp nhất ba Kỳ và ủng hộ triệt để Chính phủ Hồ Chí Minh”(2).

Ngày 10-10, tổ chức Báo chí Thống nhất ở Nam Bộ được thành lập, ra Tuyên ngôn chung kêu gọi các báo “tạm gác chánh kiến để thống nhất sự tuyên truyền” nhằm “ủng hộ triệt để Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” và “sự thống nhất ba Kỳ”(3).

Lâu nay, nhiều người (kể cả các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước) hiểu “Báo chí Thống nhất” là báo chí chống lại việc tách Nam Bộ ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, đối lập “báo chí thống nhất” (presse unioniste) với “báo chí phân ly” (presse séparatiste). Thực ra, tranh đấu cho “sự thống nhất ba Kỳ” chỉ là một trong hai mục tiêu của Báo chí Thống nhất. Do đó, từ “thống nhất” (trong Báo chí Thống nhất) có nghĩa rộng hơn: thống nhất lập trường, thống nhất hành động (bằng cách “tạm gác chánh kiến” của từng tờ báo).

Bản Tuyên ngôn chung mang chữ ký của đại diện 5 tờ báo: Justice, Kiến thiết, Nam Kỳ, Tin điển Việt bút Tân văn. Sau đó thêm 13 tờ báo tham gia: Ánh sáng, Cộng đồng, Lẽ sống, Lendemains, Lên đàng, Nay… mai, Ngày nay, Sud, Tân Việt, Thế giới, Tin mới, Văn hóa, Việt báo. Một số báo không chính thức ở trong tổ chức Báo chí Thống nhất, nhưng ủng hộ hai mục tiêu của Báo chí Thống nhất: đó là ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh và sự thống nhất ba Kỳ.

Báo chí Thống nhất công khai tuyên bố “Ủng hộ Chính phủ Trung ương Việt Nam về mặt tranh thủ độc lập” (Việt bút Tân văn, 29-9-1946), công khai ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh:

“Cụ thật là hiện thân của sự hy sinh”; cuộc đời của Cụ “là đời mạo hiểm phi thường của người có một sự trong sạch hoàn toàn, một lòng ái quốc chỉ sống cho Tổ quốc, một sự thành tâm và lòng thương chính đáng [khiến] cho tất cả ai ai cũng phải cảm phục”; “hiện nay, tất cả những người Việt Nam nào tha thiết tự do, những ai ham hòa bình đều ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh; trong việc làm của Cụ, Cụ được đa số dân Việt Nam hưởng ứng, nên khi cần phải dùng vũ lực để giải quyết vấn đề quyền lợi [của đất nước], tất cả các khối dân Việt Nam và những quân sĩ ấy đều đồng đem xương máu để bảo vệ non sông, đồng hưởng ứng với tiếng gọi của Cụ Hồ” (Việt bút Tân văn, các ngày 26-9, 29-9 và 6-10-1946).

“Trời Nam, chủ tịch họ Hồ

Ra tay tái tạo cơ đồ giang san.

Trải bao cực khổ gian nan,

Phá rừng chuyên chế, vén màn tự do.

(Kiến thiết, 19-10-1946)

“Đây rạng rỡ ảnh Cụ Hồ - ngọn đuốc

Soi đường cho dân Việt suốt Bắc Nam”

(Kiến thiết, 25-10-1946)

Ngày 19-5-1947, nhân kỷ niệm sinh nhật Hồ Chủ tịch, báo Nay… mai đăng hình Hồ Chủ tịch trên trang nhất. Báo Intransigeant nhận xét: “Hồ Chí Minh có uy tín của một anh hùng dân tộc với dân chúng. Ngày mà một tờ báo ở Sài Gòn đăng hình của ông, ngày ấy báo tăng số xuất bản từ 3.000 đến 30.000” (trích đăng lại trên báo Nay… mai, ngày 13-11-1947).

Ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh tức là ủng hộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong bài phóng sự Viếng chiến khu (tháng 11-1947), báo Ánh sáng gọi chiến khu là “khu độc lập” và vùng do Pháp kiểm soát là “khu bị chiếm đóng” và kết luận: “Đời sống ở khu độc lập như thế thật là đầy đủ ý nghĩa, so với đời sống ở khu bị chiếm đóng rất khác xa”. Báo Tiếng Việt ngày 10-7-1949 viết về cán bộ, chiến sĩ kháng chiến: “Bên ngoài mưa gió, giờ đây có bao nhiêu người đứng lên hy sinh cả cuộc đời trai trẻ, quyết đem đến cho toàn dân một ngày mai tươi sáng”.

Sau khi Nguyễn Văn Thinh được thực dân Pháp đưa ra lập Chính phủ “Cộng hòa tự trị Nam Kỳ”, báo Việt bút Tân văn ngày 14-7-1946 dự báo tương lai của viên thủ tướng bù nhìn này:

Ai đặt cho người đứng ở đây?

Tóc râu nhẵn nhụi, đội trời Tây…

Đương thời đội lốt, thiêng như Bụt,

Mưa gió ít ngày cũng nát thây.

Báo chí so sánh hai lá cờ: cờ Thống nhất (cờ đỏ sao vàng) của quân dân yêu nước với cờ Phân ly (cờ vàng 5 sọc) của những “kẻ thiếu quê hương”:

Tương lai ta sáng rạng tợ trăng rằm

Cờ Thống nhất phất phơ trên sóng cả.

(Kiến thiết, 28-10-1946)

Chẳng phải cờ bay chốn chiến trường

Ấy cờ của kẻ thiếu quê hương(4).

Báo chí Thống nhất công khai “chống chế độ xâm lược và thực dân trá hình” (Quần chúng, 15-11-1946), “Tấn bi hài kịch tự trị và Hội nghị Nam Kỳ(5) làm cho người dân Nam Kỳ chán ngán lắm rồi” (Tân thời, 24-11-1946), gọi Chính phủ Nam Kỳ tự trị là “trò hề”, là “phường chèo”:

Trò hề diễn mãi thêm buồn

Người ta đã chán tấn tuồng “Phân ly”…

Ai ơi! Máu chảy đã nhiều,

Đợi gì? Phải dẹp phường chèo ấy đi!

(Việt bút Tân văn, 24-10-1946)

Báo Tin điển có sáng kiến mở cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc, đặt câu hỏi: “Bạn chịu phân ly hay thống nhất?”. Kết quả không ngoài dự kiến của mọi người: 12.000 người chịu thống nhất, trong khi chỉ có 12 người chịu phân ly(6).

Nhà sử học Philippe Devillers, nguyên tùy viên báo chí của tướng Leclerc, thừa nhận: “Trong vùng Sài Gòn - Chợ Lớn, Báo chí Thống nhất dù bị đình bản, gặp nhiều trở ngại trong việc phát hành và trong việc được cung cấp giấy in, nhưng bán được gấp 7 đến 10 lần nhiều hơn các tờ báo phân ly; số lượng in của Báo chí Thống nhất trong 6 tháng qua không ngừng gia tăng”.

Đầu tháng 7-1946, nhà cầm quyền bắt các báo phải nộp bản vỗ để kiểm duyệt trước khi in, nhưng báo chí thống nhất cương quyết phản đối, tuyên bố sẽ tẩy chay không đăng tin tức, hình ảnh, thông cáo quân sự của chính quyền. Lệnh kiểm duyệt đã phải hủy bỏ.

Ngày 21-4-1947, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Chánh phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, qua đời trong lúc đang đi công tác ở Quảng Ngãi. Hay tin, các báo quyết định ngưng xuất bản ngày thứ bảy 26-4-1947 để tưởng niệm cụ Huỳnh.

Ngày 25-4, bộ đội ta ở Khu 8 miền Trung Nam Bộ - dưới sự chỉ huy của Khu bộ trưởng Trần Văn Trà - tổ chức thắng lợi trận phục kích ở Giồng Dứa (Mỹ Tho), diệt 2 sĩ quan Pháp (đại tá Trocard, trung úy Fray) và 2 quan chức chánh phủ Nam Kỳ tự trị (bộ trưởng Trương Vĩnh Khánh và thứ trưởng Diệp Quang Đồng). Trong điếu văn đọc tại lễ tang, Thủ tướng Nam Kỳ tự trị Lê Văn Hoạch tuyên bố: “Chánh phủ thề sẽ trả thù vong hồn hai bạn”(7).

Thấy các nhà báo thọ tang cụ bộ trưởng họ Huỳnh mà không ngỏ lời phân ưu vụ mấy sĩ quan và quan chức cao cấp chết ở Giồng Dứa, nhà cầm quyền Pháp - Lê Văn Hoạch nghĩ rằng báo chí Sài Gòn ngưng xuất bản một ngày để ăn mừng trận thắng của kháng chiến, nên ra tay đóng cửa một lúc 17 tờ báo kể từ ngày 28-4: Ánh sáng, Công dân, Cửu Long, Dân thanh, Dư luận, Kiến quốc, Kiến thiết, Lẽ sống, Nam Kỳ, Ngày nay, Pháp-Việt, Phương Nam, Quần chúng, Tân tiến, Thái Bình, Trung lập Việt bút.

Báo bị đóng cửa, các nhà báo yêu nước lại cộng tác với báo khác nên tiếng nói tranh đấu của giới báo chí không bao giờ tắt.

Trong hai năm đầu, báo chí Sài Gòn khi đưa tin chiến sự vẫn dùng cụm từ “quân ta” hay “Việt quân” để chỉ bộ đội kháng chiến. Chẳng hạn: “Việt quân tấn công gắt ở Nam Định”, “Việt quân Hà Nội hoạt động ở khu Cầu Giấy và phía tây bắc khu Hoa Việt”, “Những khu thuộc tả ngạn song Hương còn ở trong tay Việt quân” (báo Sài Gòn mới, các ngày 2, 5 và 8-2-1947) v.v…

Cuối năm 1948, Pháp ra lệnh bắt phải thay cụm từ ấy bằng “quân phiến loạn” đối với báo tiếng Việt và “rebelles” cho báo chữ Pháp. Để không bị tịch thu hay bị rút giấy phép, báo chí phải làm theo lệnh, nhưng đặt mấy chữ “quân phiến loạn” trong ngoặc kép, ngầm nói với bạn đọc: viết vậy chớ không phải vậy. Thỉnh thoảng Pháp và chánh quyền bù nhìn bắt đăng tin tức hay xã luận do họ soạn, các báo đăng nhưng đóng khung đậm xung quanh để báo cho bạn đọc đừng thèm đọc!

Để tập hợp các nhà báo tiến bộ thành một lực lượng mạnh mẽ, Liên hiệp ký giả dân chủ ra đời. Trong Tuyên ngôn ngày 16-4-1946, Liên hiệp đề ra chương trình hoạt động gồm 5 điểm:

“1. Ủng hộ Chánh phủ do Quốc hội Việt Nam bầu lên hiện thời là Chánh phủ Hồ Chí Minh.

2. Giải thích và xây đắp tình huynh đệ giữa hai dân tộc Pháp - Việt.

3. Ủng hộ tinh thần tranh đấu Việt Nam và sẽ cổ võ cho nền dân chủ chân chánh.

4. Tranh đấu cho hòa bình, phản đối chánh sách bội ước, phân ly, độc tài.

5. Bài trừ và tố cáo tất cả những yếu tố văn hóa phản động, nhất là trong văn chương và báo chí”(8).

Ban thường trực Liên hiệp gồm: Lê Thọ Xuân (chủ tịch), Nam Quốc Cang (tổng thư ký), Thiếu Sơn, Triệu Công Minh (hai cố vấn) và một số nhà báo khác.

Đến 1-7-1948, một tổ chức mới ra đời, Hội liên hiệp Báo chí Nam Bộ thể hiện tinh thần đoàn kết giữa những người viết báo và các chủ báo trong cuộc đấu tranh cho tự do báo chí trong vùng tạm chiếm.

 

(Còn tiếp 1 kỳ)

 

(*) Xem Hồn Việt từ số 107, 108, 109

(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tập V, tr.13.

(2), (3) Bằng Giang, Sài Gòn cố sự, NXB Văn học, Hà Nội, 1999, tr.197, 205.

(4) CLB Báo chí kháng chiến, Trận tuyến công khai giữa Sài Gòn, NXB Trẻ, TP.HCM, 2005, tập I, tr.160.

(5) Ngày 27-7-1946, Pháp cải tổ Hội đồng tư vấn Nam Kỳ thành Hội đồng Nam Kỳ.

(6) Thiện Mộc Lan, Trần Tấn Quốc, Bốn mươi năm làm báo, NXB Trẻ TP.HCM, 2000, tr.183.

(7) Phước Trung, “Khi thủ tướng Lê Văn Hoạch trả thù: báo chí là nạn nhân”, Trận tuyến công khai giữa Sài Gòn (nhiều tác giả), sđd, tr.171.

(8) Báo Phương Nam, ngày 19-4-1946.

PHAN VĂN HOÀNG