HV112 - Lê Tâm (Nguyễn Hy Hiền) - Nhà trí thức tiêu biểu của Huế

 Ông Nguyễn Hy Hiền sinh năm 1920. Quê ở làng Niêm Phò, thường gọi là Kẻ Lừ - xã Quảng Thọ - huyện Quảng Điền - tỉnh Thừa Thiên Huế, là con ông Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại (1858- 1945). Ông Nguyễn Văn Mại đỗ thủ khoa năm 1884, ra làm quan năm 1887, đậu Phó bảng năm 1889.

Năm 1896, khi thành lập trường Quốc học, ông Ngô Đình Khả, thân sinh ông Ngô Đình Diệm, làm Chưởng giáo (Hiệu trưởng) kiêm quản giáo chữ Pháp.

Năm 1916, ông Nguyễn Văn Mại hưu trí với hàm Thượng thư, Thái tử Thiếu bảo, Hiệp tá Đại học sĩ.

Năm 1939, Nguyễn Hy Hiền đậu thủ khoa toàn Đông Dương với hai bằng tú tài Toán và tú tài Triết học, được một học bổng duy nhất của Hội Như Tây du học (thuộc Nam triều) du học ở Pháp.

Năm 1939, ông xuống tàu thủy ở Sài Gòn sang Pháp, và năm 1941 lên Paris học trường Quốc gia Cầu đường. Cuối năm 1941, Nguyễn Hy Hiền cùng các ông Nguyễn Khắc Viện, Phạm Huy Thông, Lê Văn Thiêm… thành lập Hội Những người Việt Nam tại Pháp.

Hội có trụ sở tại Paris có mục đích công khai là nơi liên lạc của những người Việt Nam tại Pháp nhưng “mục đích tôn chỉ bí mật là cùng nhau kêu gọi lòng yêu nước, yêu đồng bào, căm thù thực dân Pháp, hưởng ứng với mọi phong trào yêu nước, giành độc lập ở trong nước nếu có tin tức và học chữ, học nghề cho giỏi để khi nước nhà cần, có sẵn nhiều chuyên gia và thợ giỏi về giúp nước”.

Ông Nguyễn Hy Hiền viết: “Khi Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công nhưng nghe thực dân Pháp cử d’Argenlieu rồi Leclerc qua xâm chiếm lại Việt Nam, tôi đã cùng Hội đề xuất họp báo và rải truyền đơn chống lại”, “Bà con Việt kiều ta ở Paris rất phẫn uất, và một sáng ngày tháng 9 năm 1945, Thạc sĩ triết học Trần Đức Thảo đã cùng với vài chục anh em lao động Việt kiều ở Paris mở một cuộc họp báo để tỏ rõ sự phẫn uất này. Khi một nhà báo hỏi: nếu Leclerc đổ bộ Sài Gòn thì người dân Việt Nam sẽ đối xử như thế nào? Trần Đức Thảo trả lời ngay: “Chúng tôi sẽ nổ súng!” và ngay sau câu trả lời đó cảnh sát Paris đã bắt Trần Đức Thảo và mấy chục anh em lao động dẫn vào tù mặc dù quần chúng la ó phản đối. Thảo ở tù mấy tháng như một người tội phạm vào loại trọng tội lớn nhất của Pháp là tội đe dọa nền an ninh của nước Pháp. Sau vài tháng giam tù không xét xử nhưng cũng bị đối xử tệ bạc trong tù, nhờ ở ngoài Việt kiều và quần chúng tốt Pháp biểu tình, la lối phản đối và cũng nhờ tin phái đoàn Hồ Chủ tịch sắp tới qua Paris để thương thuyết nên Trần Đức Thảo và anh em lao động mới được ra tù…”.

Ông Nguyễn Hy Hiền bị bắt khi rải truyền đơn, rồi được thả sau gần 2 tháng bị giam ở nhiều nhà tù.

Khi phái đoàn của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đàm phán ở Fontainebleau, ông được Hội chỉ định cùng các ông Phạm Huy Thông, Lê Văn Thiêm giúp đỡ phái đoàn trong việc tìm tài liệu cho các ông Phạm Văn Đồng, Tạ Quang Bửu, Phan Anh để đàm phán về kinh tế.

Ban đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Paris đã sắp xếp cho các ông Hoàng Xuân Nhị, Trần Văn Du, Lê Văn Võ, Nguyễn Ngọc Nhựt, Nguyễn Văn Thoại, Nguyễn Hy Hiền đi tàu thủy về Việt Nam. Khi đến Singapore thì cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Tàu thủy phải vào đậu Cảng Sài Gòn. Một quan chức Pháp đón đoàn và gợi ý “các ông muốn làm việc thì chúng tôi sẽ giúp đỡ”. Nhưng các trí thức Việt kiều đó đã tìm cách liên lạc với kháng chiến để vào bưng biền. Tháng 2-1947, Nguyễn Hy Hiền theo giao liên vào chiến khu gặp Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ và sau đó đến Bộ Tư lệnh Nam Bộ gặp ông Nguyễn Bình - Ủy viên quân sự Nam Bộ (Tư lệnh Nam Bộ).

Từ khi còn ở Paris, Nguyễn Hy Hiền đã được nghe nói nhiều về Nguyễn Bình mà dân Sài Gòn coi như một người thần thoại “xuất quỷ nhập thần”, chột một mắt mà bắn súng lục trăm phát trăm trúng. Tướng Nguyễn Bình đã bổ nhiệm ông Nguyễn Hy Hiền làm “cố vấn” về công tác phá hoại trong vùng địch.

Năm 1949, Nguyễn Hy Hiền là một trong 7 sĩ quan đầu tiên ở Nam Bộ được phong quân hàm Đại tá. Để khỏi phải liên lụy đến mấy trăm người thuộc dòng họ Nguyễn Hy đang sống trong các vùng tạm chiếm của Pháp, Nguyễn Hy Hiền đổi họ tên là Lê Tâm. Tâm là con của một liệt sĩ được Trung tướng Nguyễn Bình nuôi làm liên lạc của Bộ Tư lệnh mà Nguyễn Hy Hiền gặp đi theo anh Ba Bình trong lần đầu vào chiến khu. Ông Nguyễn Hy Hiền đã dạy em học chữ, học hát. Một lần, Tâm theo anh Ba Bình và ông cùng nhiều anh chị khác đi công tác đã bị máy bay địch ào đến… “Một loạt đạn phóng xuống đã cướp mất đời em khi em vừa tròn 10 tuổi. Để tưởng nhớ đến em, tôi đã đổi tên, lấy tên em đến ngày nay”.

Có một lần ta dự định đánh một chiếc cầu chiến lược trên đường số 4 từ Sài Gòn về Lục tỉnh. Lê Tâm tình nguyện núp trong giề lục bình xuôi theo dòng để leo lên cột cầu đặt chất nổ vào vị trí hiểm yếu, nhưng vừa nghe kế hoạch ấy anh Ba Duẩn bác ngay: “Đó là công việc của các đội viên Ban công tác. Họ đã được huấn luyện thuần thục để làm màn xiếc đó. Không phải là công việc của ông kỹ sư cố vấn phá hoại…”.

Nguyễn Hy Hiền viết: “Vốn là một kỹ sư tốt nghiệp trường cầu đường Paris, sau lại theo học thêm về toán lý cao cấp ở trường đại học Sorbonne (Paris), tôi nghĩ làm cố vấn phá hoại thì được, nhưng còn làm vũ khí như lựu đạn và mìn, nhất là mìn đặc biệt thì quả thật là một nhiệm vụ mới mẻ… Ở xưởng mìn, tôi nghiên cứu chế tạo hai loại mìn lõm và hẹn giờ mà trước đó Nam Bộ chưa làm… Trong một lần đang lắp ráp bộ phận hẹn giờ để giao mìn cho người chiến sĩ đang nóng lòng chờ đợi bên ngoài thì bỗng nhiên (chắc là trong một giây phút run tay), như một tiếng sét đánh ngang tai, mìn đã nổ trong lòng bàn tay trái của tôi”. Sau bốn ngày mê man, ông tỉnh dậy và biết mình được cứu và đưa về Quân y viện Bộ Tư lệnh khu 7.

Kỹ sư Lê Tâm cùng các cán bộ, chiến sĩ, công nhân xưởng quân giới về Đồng Tháp Mười, chiến khu Đ, về vùng ngập mặn Bà Rịa - Vũng Tàu… Lực lượng quân giới của Nam Bộ có đến 8.000 người. Vượt qua những trận càn quét, lầy lội, sốt rét, đói cơm, nhiều loại vũ khí đã ra đời phục vụ kháng chiến. Đặc biệt là các loại SS. Ông Nguyễn Cao, nguyên là Bí thư Đảng đoàn quân giới Nam Bộ có viết: “Kỹ sư Lê Tâm đã vận dụng nguyên lý về đại bác không giật hiện đại sản xuất sau chiến tranh thế giới lần thứ hai vào điều kiện cụ thể của chiến trường Nam Bộ. Kết quả súng đại bác không giật kiểu SS đã ra đời. Sáng kiến độc đáo và bản thiết kế hoàn chỉnh của kỹ sư Lê Tâm đã được các anh Nguyễn Bình Tâm, Bùi Công Khai, Trần Ngọc Lạt cùng một số anh em khác có kinh nghiệm thực hành góp ý, bổ sung để có thể bắt tay vào sản xuất từng chi tiết cụ thể”.

Năm 1952, Lê Tâm đi cùng đoàn với các ông Lê Duẩn, Lê Đức Anh vượt Trường Sơn lên Việt Bắc. Chuyến đi dài đến 6 tháng trời. Khi đoàn nghỉ lại ở chiến khu Dương Hòa của Thừa Thiên, Lê Tâm xin phép ông Ba Duẩn tranh thủ về thăm quê ở Quảng Điền. Ông Ba dặn dò anh phải hết sức cẩn thận. Được sự giúp đỡ chu đáo của địa phương, anh về thăm làng Niêm Phò sau 13 năm xa cách. Gần 12 giờ đêm, Lê Tâm về đến làng quê. Nhìn hai cái nền nhà xưa lợp ngói và lợp tranh cháy đen, anh thật xúc động. Lê Tâm viết: “Thế là tôi và hai người bạn đường phải quay lại về chiến khu Dương Hòa. Nhưng lúc đó đã 2 giờ khuya, chân tôi đã quá mỏi mệt và tôi cũng quá xúc động nữa nên nói với hai anh đi cùng tôi là phải tìm nơi nghỉ một chốc rồi đi tiếp…

… Thế là ba chúng tôi đi đến nhà một bà cụ, vào đến nơi thì tôi gần như ngất xỉu chỉ muốn được rửa ráy và băng bó chân. Bà cụ khoảng 70 tuổi rất tử tế đối với chúng tôi, cho mỗi người một bát cháo mà đáng lẽ ngày mai cụ ăn sớm để đi vào thành Huế hỏi thăm tin tức các con. Đối với tôi thì cụ bảo, ông này để tôi rửa chân và băng bó cho… Nhưng sau khi rửa hai chân, cụ ngừng lại và nói:

- Tôi biết cậu là ai rồi, và cậu là cán bộ cao cấp, đừng giấu tôi.

Tôi chối ngay:

- Không, tôi là khách qua đường từ Sịa để lên Huế mua bán, tôi đi với hai anh này rồi trượt ngã chứ không phải như cụ nói đâu…

Cụ cười và nói:

- Cậu còn giấu tôi làm gì? Cậu là cậu Hiền, con cụ Thượng Mại ở Niêm Phò có phải không?

Tôi cầm tay cụ nói khẽ: - Sao cụ biết?

Bà cụ trả lời:

- Có lần tôi đến thăm cụ Mại ở làng, có giúp cụ rửa chân như thế này và tôi thấy chân của cậu hoàn toàn giống chân cụ. Lúc tôi đến Niêm Phò thì cậu đã đi Pháp 5 năm rồi, thực ra đây là lần đầu tiên tôi gặp cậu, nhưng với cái bàn chân này tôi không thể nói sai được”.

… Lên Việt Bắc, kỹ sư Lê Tâm được giao nhiệm vụ phá đá mở đường chuyển quân lên Điện Biên Phủ. Con đường từ Mục Nam Quan, qua Đồng Đăng, đến Bắc Sơn, về Đình Cả, Thái Nguyên dài 150km rộng 8m so với mặt đường quốc lộ ở Đông Dương thời trước chỉ 6,5m, với sức người và cuốc xẻng đã làm xong trong 6 tháng.

Kỹ sư Lê Tâm là một trong hai chuyên gia nổ mìn nên ông được điều động ra Việt Bắc. Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, kỹ sư Lê Tâm tham gia chỉ đạo phục hồi tuyến đường sắt Hà Nội - Mục Nam Quan, Hà Nội - Vinh. Khi trường Đại học Bách khoa Hà Nội được mở ra, kỹ sư Lê Tâm được Giáo sư Tạ Quang Bửu, Hiệu trưởng, mời về làm Chủ nhiệm khoa Xây dựng.

Năm 1996, kỹ sư Lê Tâm đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I cho công trình nghiên cứu, chế tạo vũ khí SS do ông và các cộng sự thực hiện ở Nam Bộ thời kháng chiến chống Pháp.

Có một điều thật kỳ diệu trong cuộc đời của kỹ sư Lê Tâm. Năm 1939, cụ Nguyễn Văn Mại cùng gia đình đã ra ga Huế tiễn đưa Nguyễn Hy Hiền vào Sài Gòn để đi tàu sang Pháp du học. Cụ Thái Văn Toản, Thượng thư Bộ Lại của Nam triều đồng thời là Chủ tịch Hội Như Tây du học, trao cho Nguyễn Hy Hiền lá thư giới thiệu với kỹ sư Nguyễn Xiển, Tổng thư ký của Hội, để gửi gắm nhờ giúp đỡ cho Hiền vì cụ biết anh chưa đến Sài Gòn bao giờ.

Ông bà Nguyễn Xiển nhiệt tình đón tiếp cậu thủ khoa tú tài. Bà Xiển lo đưa anh đi may sắm quần áo và đi thăm một số thắng cảnh ở Sài Gòn. Gần 1 tháng anh ở nhà ông Nguyễn Xiển chờ tàu đi Pháp thì cô con gái đầu của ông bà tên là Thúy Nhàn mới 4 tuổi “có thói đi theo tôi bất cứ đâu, tôi lên thang gác thì cô chạy theo, rồi tôi xuống cô lại chạy xuống. Bà cụ Nguyễn Xiển mắng yêu cô: -Cái con này hư thật, ông Hiền đi đâu mày cứ quáng chân ông như vậy, để sau này mày lớn tao gả cho ông ta mới xong…”.

16 năm sau, Nguyễn Hy Hiền đến thăm ông bà Nguyễn Xiển và đang hàn huyên với hai cụ ở xa lông thì bỗng một cô gái bước vào. “Bà cụ Nguyễn Xiển cười nói: “Anh còn nhớ nó không? Cách đây 16 năm nó hay chạy theo anh đó…”. Tôi chưa kịp nhìn lại kỹ càng cô gái tên Nhàn này thì hình như cô ta bẽn lẽn khi nghe mẹ nói như vậy đã chạy vút lên gác trên. Ông bà Nguyễn Xiển cười và hỏi tôi đã lập gia đình chưa, tôi trả lời tôi đang còn ế vả lại bây giờ hết chiến tranh rồi đang thất nghiệp, chưa nghĩ vội đến lập gia đình mà còn lo tìm công việc thích hợp. Thực ra lúc đó ba bốn nơi muốn tôi đến làm việc. Cuối cùng tôi đã chọn trường Đại học Bách khoa… Từ đấy mỗi khi rảnh rỗi tôi đến thăm hai cụ, và cô gái Thúy Nhàn cũng dần dần làm quen lại với anh chàng lãng tử cách đây 16 năm ở Sài Gòn. Hai ông bà đặt vấn đề là nếu hai người tìm hiểu nhau lại thì hai ông bà cũng tán thành…”.

Tháng 4-1956 khi Lê Tâm đến thăm hai cụ ở Nha Khí tượng thì đúng lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm gia đình Giáo sư Nguyễn Xiển. Nhìn thấy đôi trai gái Lê Tâm - Thúy Nhàn, Bác hỏi bao giờ hai cháu tổ chức lễ thành hôn rồi tặng hai cháu một gói kẹo. Ngày 1-1-1957, lễ thành hôn của Lê Tâm - Thúy Nhàn, Bác Hồ gửi tặng hai cháu 100 đồng.

Trong 5 năm từ 2010 đến 2015, ngoài 90 tuổi, kỹ sư Lê Tâm vẫn minh mẫn dành tâm trí hoàn thành cuốn hồi ký Tưởng rằng đã quên. Cuốn hồi ký 700 trang này như ông nói “không chỉ là những câu chuyện về bản thân và gia đình, đây là một góc nhìn về cá nhân, về đất nước, con người Việt Nam trong vòng một trăm năm qua, với biết bao thăng trầm mà tôi cũng chính là một nhân chứng lịch sử”.

Những hình ảnh thuở ấu thơ ở làng Niêm Phò xa xưa, những năm học ở Huế, ở Pháp gần gũi với các ông Lê Văn Thiêm, Trần Đức Thảo, Nguyễn Khắc Viện… đến những ngày kháng chiến ở Nam Bộ bên cạnh các ông Lê Duẩn, Trung tướng Nguyễn Bình, Trần Văn Trà, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Ngọc Thạch… và nhiều người bạn khác được Lê Tâm nói đến với tấm lòng ưu ái. “Tôi nhớ có một lần Thảo [Phạm Ngọc Thảo] đến nói với tôi: Ngày mai mình đến Long Xuyên, hình như Hiền có quen Đức cha Thục ở đấy, nếu muốn nhắn nhủ gì Đức cha thì mình có thể gặp được đấy! Được tin đó, tôi liền nói với anh Nguyễn Bình rằng gia đình tôi rất quen với gia đình ông Ngô Đình Thục (anh của Ngô Đình Diệm), nếu Ủy ban Nam Bộ hoặc ông Tư lệnh của Nam Bộ muốn nhắn nhủ gì với Đức cha thì tôi có thể viết thư giùm cho Ủy ban hoặc cho ông Tư lệnh để dụ dỗ Đức cha theo ta hơn nữa. Tôi đã viết một bức thư dài khoảng hai trang viết tay kêu gọi Đức cha Ngô Đình Thục noi theo lòng yêu nước của cụ Ngô Đình Khả, cứ tiếp tục giúp đỡ giáo dân Long Xuyên và ở Nam Bộ nói chung đi theo con đường của Chúa nhưng đừng quên dân tộc và nguyện vọng thống nhất của người Việt Nam, nhất là người Bình Trị Thiên chúng ta... Tôi nhắc ông ta nhớ đến người anh của tôi là linh mục Nguyễn Hy Thích, một người mà Đức cha Thục đã ngưỡng mộ cũng như linh mục Nguyễn Hy Thích đã ngưỡng mộ Đức cha vậy… Thảo nói với tôi là Đức cha Thục đọc qua bức thư nét mặt trầm tư lưỡng lự, nói rằng: Tôi biết gia đình ông linh mục Thích, bố ông ta đã giúp bố của tôi những năm đầu của trường Quốc học Huế (ông bố tôi làm hiệu trưởng, cụ Nguyễn Văn Mại làm hiệu phó)… Sau đó Thảo phải trốn ngay khỏi Long Xuyên khi gà đã bắt đầu gáy sáng”.

Tôi đã nhiều lần đến thăm kỹ sư Lê Tâm và được đọc những trang hồi ký của ông, được ông tâm sự đôi điều. Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996 dành cho kỹ sư Lê Tâm một lần cùng với kỹ sư Nguyễn Xiển - bố vợ ông - xác nhận sự đóng góp của một trí thức yêu nước kiên trung.

TRẦN PHƯƠNG TRÀ