HV112 - Áo dài cách tân từ góc nhìn văn hóa

Những ngày qua cộng đồng mạng tranh cãi khá nhiều về loại trang phục được cho là áo dài cách tân (ADCT). Vẫn biết ai thích mặc gì, mặc như thế nào là đẹp, là thoải mái… là quyền của họ. Nhưng thiết nghĩ, trước bất kỳ sự kiện nào mà dư luận quan tâm đều có lý do của nó. Bộc lộ quan điểm nhằm định hướng và góp phần giáo dục ý thức cho thế hệ trẻ âu cũng là việc làm cần thiết. Có thể do vô tình, do trào lưu (mà người Việt mình thì thói quen bắt chước là “lây lan” rất nhanh) những người đã và đang diện loại trang phục này cứ ra sức bảo vệ, bênh vực, thậm chí ca ngợi nó đẹp lại năng động trẻ trung, tiện dụng. Thậm chí còn đẩy lên một tầm mức cao khi cho rằng nó thể hiện tính dân tộc, sáng tạo khi kết hợp với “váy đụp” (!). Hẳn họ vô tư, không đọc và không hề biết rằng mình đang âm thầm (hoặc công nhiên) tán đồng với ý đồ xâm lăng văn hóa từ bên ngoài. Đừng nói văn hóa mặc ảnh hưởng qua lại là bình thường. Vâng, nó sẽ hoàn toàn bình thường khi chỉ tiếp biến nét đẹp của nhau, chia sẻ lẫn nhau giá trị thẩm mỹ giữa các nền văn hóa chứ không phải là những bản sao giống nhau hoàn toàn. Để rồi khi mặc lẫn vào nhau, không thể phân biệt được bạn là người nước nào, từ đâu đến. Muốn cho người khác biết mình là ai, là người như thế nào thì trang phục cũng là một thông điệp đầy ý nghĩa. Cách ăn mặc còn là sự thể hiện quan điểm lối sống của mỗi người. Ai đó được xem có văn hóa mặc chỉ khi trang phục phù hợp với vóc dáng, điều kiện, hoàn cảnh và truyền thống đất nước dân tộc mình.

Một câu hỏi được đặt ra: Tại sao các kiểu dáng váy được phụ nữ Việt diện ồ ạt trong nhiều năm lại đây thì không tạo “sóng”. Trong lúc nó đâu phải là trang phục thuần Việt? Đến khi cái áo dài cách tân xuất hiện lập tức bị nhiều người lên tiếng phản ứng?

Thế thì rõ là có vấn đề rồi. Vấn đề đó chính là sự giống nhau đến kinh ngạc giữa hai loại trang phục đều đẫm chất Tàu. Thực ra tranh cãi cũng chỉ vì mục đích mong mọi người hãy tỉnh táo, đừng bao biện cho rằng nó năng động trẻ trung, phù hợp với thời buổi này hơn áo dài truyền thống, để rồi vô tình biến mình thành người gián tiếp thúc đẩy việc tuyên truyền cho trang phục “Tàu hóa” được thực thi rộng hơn, nhanh hơn trên lãnh thổ Việt Nam.

Tại sao các nhà thiết kế tên tuổi cũng phản đối ADCT. Câu trả lời có lẽ vì họ là những nhà chuyên môn. Họ nghiên cứu kỹ, sâu về văn hóa mặc nên họ có định hướng thẩm mỹ rõ ràng, sự không đồng tình của họ là điều dễ hiểu. Vậy thì người lớn, nhất là những người đảm nhận sứ mệnh giáo dục, có tầm ảnh hưởng lớn đến giới trẻ có cần quan tâm định hướng cho thế hệ tương lai đất nước không và định hướng như thế nào?

Theo thiển ý cá nhân tôi, trước hết là không cổ xúy ADCT, ai thích thì cứ mặc nhưng đừng tuyên truyền, ca ngợi. Thứ đến là nêu vấn đề trong các hoạt động liên quan như thảo luận, giải quyết vấn đề để từ đó giáo dục ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa, trong đó có văn hóa mặc là điều không thể xem nhẹ.

Khi bày tỏ quan điểm về áo dài cách tân, nhà báo Nguyễn Thế Thịnh có viết trên trang Facebook cá nhân: “Trước đây tôi mặc áo vest với quần jeans nhiều người ngạc nhiên. Giờ thành model có sao đâu”. Tất nhiên là không sao nhưng rõ ràng xét về tính chất, việc kết hợp ấy làm sao đạt tới độ lịch lãm như khi mặc nguyên cả bộ com lê? Có chăng nó chỉ lịch - bụi thôi, tức chỉ lịch lãm một nửa mà thôi!

Chưa kể nhiều người chỉ vì sở thích chạy theo trào lưu, chứng tỏ mình cũng bắt kịp xu thế thời trang mà góp phần làm biến dạng chiếc áo dài. Nhất là những người có vóc dáng không được đẹp, thậm chí chân ngắn, lại vòng kiềng mà chơi áo dài cách tân phối cùng váy đụp. Rõ chán!

Khổ nỗi, nhiều người lỡ mê, lỡ khoe áo dài cách tân rồi quay qua chê bai áo dài truyền thống nào là lượt thượt vướng víu, nào là nó bó eo, hai tà dài lòng thòng, khó xoay xở khi làm việc... Thử hỏi khi đã đi chơi hay lễ hội thì tính chất tiện dụng năng động kia có cần thiết đặt quá nặng như thế không?

Chưa kể chị em phụ nữ khi ở đâu, làm gì thì mặc trang phục nấy chứ có ai mặc áo dài vào bếp, làm việc nhà hay lên giường đâu mà so sánh? Có chăng trên đường đi làm về, tiện thể ghé chợ mua thêm ít thực phẩm thì có sao, phần lớn các cô giáo đều làm thế mà chẳng ai kêu ca phàn nàn gì. Thậm chí còn thấy vui vui khi nghe mấy bà bán hàng hỏi “Chị là cô giáo à? Áo dài đẹp quá!” lại càng tự hào và có cảm hứng ghé chợ. Hay, ngay cả khi khách vào nhà đang trong trang phục áo dài thì bưng khay trà chén nước đến, vén một tà áo dài phủ lên đầu gối ngồi tiếp khách lại càng tăng thêm vẻ nền nã, duyên dáng. Khách càng cảm thấy mình được tôn trọng, các mối quan hệ càng được cải thiện theo chiều hướng tích cực hơn.

Có một vấn đề tương tự thuộc phạm trù văn hóa từng gây ra nhiều cuộc tranh cãi. Đó là hiện tượng giới trẻ sử dụng ngôn ngữ pha tạp kỳ dị mấy năm gần đây.

Khi dạy môn Cơ sở văn hóa Việt Nam, tôi từng tổ chức cho sinh viên thảo luận nhiều chủ đề gần gũi với đời sống giới trẻ, được xã hội quan tâm. Trong đó có vấn đề nên hay không nên sử dụng thứ ngôn ngữ “xì tin” hay còn gọi là ngôn ngữ @ và từng ra những đề thi học phần có nội dung như sau:

“Trong bài Lòng tự trọng dân tộc ở trong ngôn ngữ đăng ở tạp chí Hồn Việt số 3, trang 44, tác giả Phương Thảo viết:

Ngày nay các cuộc chiến tranh xâm lược đang được tiến hành bằng sự xâm lăng văn hóa, dưới những tên gọi vô hại như hội nhập, giao lưu… Một số ngoại bang thực hiện mưu đồ của mình thông qua các chủ trương mở rộng những ảnh hưởng từ văn hóa, bởi nó ít tốn kém hơn nhưng đem lại kết quả lâu bền hơn. Điều này đã được Bách khoa toàn thư Thế giới ấn hành năm 1993 xác định rõ qua câu nói của Azias: “Các cuộc chiến tranh diệt chủng ngày nay không bằng phương tiện bom đạn mà bằng văn hóa, trong đó ngôn ngữ đóng vai trò chủ yếu”.

Bạn hãy bày tỏ quan điểm của mình trước cảnh báo trên khi không ít người trẻ Việt Nam đã và đang sử dụng thứ ngôn ngữ pha tạp, kỳ dị, hoàn toàn xa lạ với chuẩn mực của tiếng Việt trong giao tiếp như hiện nay”.

Mục đích của người viết là để giáo dục các bạn trẻ có ý thức giữ gìn tiếng mẹ đẻ cùng bản sắc và các giá trị văn hóa khác của dân tộc. Lúc chấm bài tôi thực sự hài lòng khi có khá nhiều sinh viên thể hiện thật xúc động, thật sâu sắc niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc mà đôi khi cả người lớn cần phải soi lại mình, học tập.

Còn bây giờ khi viết bài này tôi vẫn muốn thể hiện rõ quan điểm của mình: Không mặc và không ủng hộ áo dài cách tân.

Không thể gọi là áo dài khi đó là một bộ áo không hề dài như thế!

DƯƠNG THÀNH (Đường Hai Bà Trưng, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa)