Đêm đó, những mái tăng giăng ở góc rừng gần mái tăng soạn giả Thanh Nha không thể nào ngủ yên. Họ cứ phải chồm dậy nghe ngóng, mở to mắt nhận định: Những vòng tròn ánh sáng lạ cứ là đà mặt đất. Không phải là chất lân tinh trên những thân cây mục; cũng không phải da rắn mới lột xác, mà làm gì ánh sáng đèn biệt kích áp sát căn cứ như vậy, càng không phải ánh đèn đi săn của anh em mình, vì đi săn sao cứ lẩn quẩn ở góc rừng chồi này làm sao có thú, lỡ anh em hút thuốc, bắn lầm thì sao!?
Căng thẳng quá, anh em mò dậy, phân công rình!!
Cái vòng ánh sáng lạ càng lia nhanh có vẻ đầy hứng thú nữa chớ! Cái vòng tròn sáng quắc rà đi rà lại bên cánh võng của anh Ba Thanh Nha!
Anh em mình đồng hè tiến gần cái vòng tròn ánh sáng đó thì phát hiện ngay đầu võng anh Ba hồi chiều này có treo một chiếc xe đạp mới toanh của cơ quan mới cấp cho anh Ba theo tiêu chuẩn. Chẳng lẽ thằng ăn trộm nào hay anh em mình muốn chọc anh Ba!?
- Đứa nào rình mò cái gì vậy bây?
Tức thì, cái vòng tròn ánh sáng lạ ấy chĩa thẳng vào mấy tay đang rình! - Vô đây! Vô đây! Tao cho tụi bây ngắm cho đã. Cái bánh xe đạp của tao chắc là inox quá, tròn vo, mấy cái căm xe cái nào cái nấy y như khuôn đúc, vành xe, tay cầm gì cũng cáu cạnh. Anh Ba kết luận: - Thà tao đi bộ, chớ xe này không thả xuống đất, uổng lắm! Khi nào giải phóng về chợ, tao với nó chạy chơi! Hồi tao đi Trường Sơn, sức mấy mà tao đi xe, tao đi “lô ca chưn” cũng tới như thường!
Nghĩ thương anh Ba, ảnh sống kiểu sống không muốn giận ai, mà cũng không để cho ai giận mình.
Tội nghiệp anh Ba, anh không kịp dắt chiếc xe đạp về chợ, anh đã vĩnh viễn ở lại với rừng xanh vì sốt ác tính. Anh em vẫn thường nhắc nhớ anh, nhứt là đêm đêm anh rọi đèn pin ngắm chiếc xe đạp, hy vọng ngày giải phóng cùng chiếc xe đạp chạy về thăm quê nhà, thăm hàng xóm láng giềng…
***
Sẵn anh Thanh Nha nhắc tới chuyến đi Trường Sơn, tôi càng bùi ngùi nhớ anh. Chuyến đi Trường Sơn lúc đó, có các anh em: họa sĩ Thái Hà, Lê Tâm, soạn giả Ngọc Cung, biên kịch kiêm đạo diễn Ngô Y Linh (Nguyễn Vũ), nhạc sĩ Phan Miêng. Những tháng vượt Trường Sơn, anh Thanh Nha đã để lại cho chúng tôi một tình cảm nể trọng về người anh hiền lành, đôn hậu. Mặc đói rét nắng mưa, gian lao vất vả đến cùng cực, chẳng ai nghe anh than vắn thở dài mà chỉ thấy anh “kiếm chuyện” cho anh em vui.
Có đêm, anh dặn anh em kéo mí mùng bọc võng cho kỹ, vì bãi đóng quân này có “ông ba mươi” thường ghé tham quan… Quả nhiên đêm đó, có một bầy trâu rừng đến xéo nát chỉ để ăn muối, lương khô và các thứ đồ da. Sáng dậy, anh Thanh Nha cười an ủi: - Tôi nói cọp mà không có cọp, trâu rừng không dữ như cọp!!
Cũng có đêm đói bụng, thèm ăn quá, anh gợi ý cho một cậu ở trong đoàn tên là Bánh. Tại sao em tên là Bánh? Thế là Bánh kể không biết bao nhiêu thứ bánh của má anh bán, nào là bánh xèo, bánh khọt, bánh cống, bánh bèo… toàn những thứ bánh phải ăn với nước mắm. Sáng ra, ai cũng kêu khát nước vì ăn một bữa bánh của thằng Bánh. Ngô Y Linh khát đến nỗi chiêm bao nhảy xuống suối uống nước cho đã…
Rồi cũng có một sáng tờ mờ, trước khi rời khu rừng toàn vắt lá (nhiều như lá) chuyên khám “tai-mũi-họng” và những vùng kín, anh Thanh Nha kêu đau răng, chảy máu đóng cục sáng đêm. Tôi vạch nướu anh Thanh Nha thấy có cục máu ngo ngoe. Tôi nhắm mắt rứt ra một con vắt lá mà tay tôi run tê tê. Anh Thanh Nha chẳng những không tỏ ra khiếp đảm mà còn rầy tôi: - Nha tá gì mà nhát hích, làm sao an ủi bệnh nhân!?
Còn chuyện này nữa, đáng lẽ anh Thanh Nha nổi sùng, cự nự dữ tợn. Sau khi N.C. thấy anh Thanh Nha hành quân ròng rã mấy tháng trời mà không hề tắm, nhơn lúc vượt qua suối, N.C. làm bộ đụng cho ảnh té nhào, nhưng ảnh bình tĩnh lội lên bờ, ngồi phơi nắng. Biết N.C. “phá”, anh hỏi N.C.:
- Có thấy cái mả nào chôn vì chết mà không tắm? Toàn là những cái mả chết vì tắm sông, tắm suối, tắm đêm, tắm hôm!
Thiệt là… đố có ai chọc giận được ảnh, đố có sự kiện gì xảy ra làm anh … rọi đèn pin để hào hứng như ngắm chiếc xe đạp lạ lùng như vậy!
Xin các bạn đừng cho tôi là nhiều chuyện, vì khi ở Hà Nội, tôi đã được hân hạnh xem tác phẩm đầy hào khí của anh Thanh Nha, như Tiếng sấm Tây Nguyên, hay nghe nghệ sĩ Kim Nhụy hát bài vọng cổ Đêm trăng nhớ bạn. Anh sáng tác rất nhiều bài ca kêu gọi anh em binh sĩ trở về với con đường chính nghĩa, bằng những bài bản Phú lục, Xàng xê, Khốc hoàng thiên, Kim tiền, Bình bán… Có lúc tôi làm trong tờ Sinh hoạt Văn nghệ, anh dạy tôi hát một số bài bản trên, nhưng phải thuộc giai điệu để tránh sửa bài hát nghe “trẹo bản họng”.
Tới đây, có lẽ tôi càng hiểu vì sao anh Ba Thanh Nha đã “tỏ tình” quá sức đặc biệt, nâng niu và yêu quý chiếc xe đạp với niềm mơ ước một ngày về giải phóng quê nhà, bằng một vòng tròn ánh sáng lạ: Chiếc xe đạp ấy sẽ “chở” hết những tánh tốt của bậc hiền tài như soạn giả Thanh Nha, chạy vù vù trên những bờ ruộng, quẹo vô đường làng, ghé lại một thời “làm trai cho đáng nên trai”.